mardi 7 août 2007

Bao Giờ Mới Độc Lập?

Bao Giờ Mới Độc Lập?
--------------------------------------------------------------------------------
• Đa Nguyên (Washington DC, 5.8.2007)
Hình bản đồ trên tại web site: http://blog.chinesenewsnet.com/?p=16220


Trên 60 năm trước, Hồ Chí Minh đã tuyên bố Việt Nam độc lập, qua tuyên ngôn ngày 2 tháng 9 năm 1945. Nhưng những việc làm mới xẩy ra cho thấy, Hà Nội vẫn chưa thoát khỏi ách nô lệ từ Bắc Kinh.

Không chỉ nô lệ qua việc phải ký hiệp ước sửa biên giới, nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc.

Không phải chỉ nô lệ qua hành vi khiếp nhược, không dám lên tiếng phản đối, và không dám nói rõ tầu Trung Quốc đã bắn vào ngư dân Việt Nam
.

Ngay tuần lễ vừa qua, Hà Nội đã khiếp nhược đến nỗi không dám cho đoàn chuyên viên y tế trên một chiến hạm Hoa Kỳ thi hành nhiệm vụ nhân đạo, là săn sóc sức khỏe cho bệnh nhận Việt Nam, chỉ vì sợ Trung Quốc bất bình.

Theo một bài báo trên tờ The Straits Times của Singapore ngày 28 tháng 7, do ký giả báo này là Roger Mitton viết từ Việt Nam, một đoàn y tế do Hoa Kỳ dẫn đầu tới giúp bệnh nhận Việt Nam đã không thể thi hành nhiệm vụ, vì vào phút chót, nhà cầm quyền Việt Nam đã ra lệnh giới hạn hoạt động của đoàn, chỉ vì sợ mất lòng Trung Quốc.

Bài báo cho biết: Chiến hạm USS Peleliu của Hoa Kỳ có một ngàn hai trăm thủy thủ, mang theo 300 chuyên viên y tế, ngoài phần lớn là người Hoa Kỳ, còn có nhiều Bác sĩ từ Singapore, Ấn Độ, Mã Lai, Nhật Bản, Nam Hàn, Gia Nã Đại, và Úc. Trước khi ghé Đà Nẵng vào giữa tháng 7, đoàn y tế trên tầu Peleliu đã chữa trị bệnh nhân tại Phi Luật Tân. Tại đó, toán trực thăng Rồng Biển đã chuyên chở bệnh nhân từ đất liền đem lên tầu cho các bác sĩ giải phẫu. Tất cả có 160 ca mổ đã đựơc thực hiện tại hai khu giải phẫu trên tầu.

Nhưng tại Đà Nẵng, nhà cầm quyền Việt Nam đã không cho đoàn y tế thi hành nhiệm vụ nhân đạo tương tự. Họ không cho xử dụng trực thăng chở bệnh nhân, và không cho bệnh nhân Việt Nam được giải phẫu trên tầu Peleliu.

Một bác sĩ Nhật Bản nói với ký giả báo The Straits Times rằng: “ Thật là bực mình vì Bộ Y tế Việt Nam hạn chế việc làm của chúng tôi, không cho chúng tôi được phép giải phẫu”. Một viên chức khác xác nhận họ chỉ được phép cố vấn bằng lời nói, và trao đổi quan điểm với các đồng nghiệp người Việt. Bài báo cho biết tiếp là, sở dĩ có vụ cấm đoán vào phút chót này, vì Việt Nam sợ Trung Quốc buồn lòng. Tác giả bài báo thuật lại lời của một chuyên gia về Việt Nam tại Viện quốc phòng Úc là Giáo sư Carlyle Thayer nói rằng: “Tất cả mọi hợp tác dính dáng tới quốc phòng với Hoa Kỳ đều được Việt Nam nhìn qua lăng kính là nó sẽ có ảnh hưởng như thế nào trong liên hệ với Bắc Kinh”.

Ký giả báo The Straits Times cho biết tiếp là một nguồn tin từ đảng cầm quyền biết rõ nội vụ nói rằng: “Chúng tôi muốn để cho đoàn y tế trên tầu Mỹ hoạt động theo ý họ, nhưng chúng tội phải hạn chế, vì sợ Bắc Kinh không hài lòng”. Rút cục, thay vì giải phẫu để chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo, đoàn y tế đã chỉ có thể chẩn bệnh được khoảng hai ngàn ba trăm bệnh nhân. Chỉ vì thái độ sợ hãi quá mức của nhà cầm quyền Việt Nam đối với phương Bắc, mà biết bao bệnh nhân Việt Nam đã mất cơ hội bằng vàng để được chữa trị, hay được cứu mạng.

Vẫn theo tác giả bài báo, ông Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng có mặt trên tầu Peleliu đã tuyên bố là ông chia sẻ sự thất vọng tới một mức độ nào đó, vì nếu được phép làm tất cả mọi dịch vụ, chắc là mọi việc đã đạt kết quả. Và nhà ngoại giao chuyên nghiệp sắp mãn nhiệm này đã kết luận bằng một câu rất ngoại giao, là: “Tôi cũng rất vui về những gì chúng tôi đã có thể làm được”.

Ngay một công tác nhân đạo để giúp những người dân bệnh tật, mà Hà Nội cũng không dám cho làm, chỉ vì sợ mất lòng quan thầy Trung Quốc.

Chỉ còn đúng bốn tuần nữa là tới ngày mừng lễ kỷ niệm tuyên ngôn độc lập, ra đời từ sáu mươi hai năm trước. Nhưng bao giờ Việt Nam mới thực sự độc lập?

Aucun commentaire: