lundi 6 août 2007

Thử ngắm mình trong gương! - Việt-Nhân

Tại các nước Tây Phương nhất là tại Hoa Kỳ, mỗi lần chào mừng năm mới Dương Lịch, người địa phương thường cố gắng nồi tiếp một tập quán văn minh rất đáng ca ngợi. Ấy là việc "xét lại" nếp sống thường nhật vừa qua của họ, rồi âm thầm chọn ngay lấy một mục tiêu nào đó - cố nhiên là mục tiêu tốt đẹp - để theo đuổi suốt trong năm tới.


Người Việt ta trái lại, thường đón Xuân Âm Lịch bằng cách nói thật nhiều về Xuân, về Tết, về con vật làm chủ năm mới, và về mọi thứ tập tục cổ truyền của cha ông thủa xưa. bất luận tốt hay xấu, bất luận hữu ích hay đã lỗi thời; mà tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ tới việc lợi dụng chút thời giờ nhàn rỗi buổi đầu Xuân để tự xét lấy tâm tính hạnh kiểm mình, hầu ấn định một số "nghị quyết"(resolution) : sửa đổi và thăng tiến. Điều này có nghĩa là ta thực sự "ăn tết" theo cái nề nếp ăn uống ruợu chè hưởng thụ, vui chơi thỏa thích tời mức tối đa. Rồi cuộc đời lại vẫn đâu vào đó mà thôi chẳng có gì thay đổi cả.
Thiết nghĩ riêng cộng đồng người Việt lưu vong chúng ta - qua bao năm chung đụng với ngoại nhân - nên thử bắt chước họ một lần, nhân dịp mừng Xuân Bính Tuất này xem sao. Nghĩa là ta hãy tự soi bóng mình trong gương để xem ta có những ưu điểm nào nên gìn giữ để truyền thụ cho hậu thế, và những khuyết điểm nào nên đạp đổ ngay bây giờ, nhằm cải thiện bản thân ta, tức cũng là cải thiện "con người Việt-Nam" nói chung vậy.
Trước hết, ta thấy lớp người lớn tuổi, có óc bảo thủ bất di dịch, luôn luôn tự hào là Việt-Nam ta có "bốn nghìn năm văn hiến", vốn giòng dõi "Con Rồng cháu Tiên" có nhiều đức tính tốt đẹp hơn nhiều dân tộc khác tại Á Châu. Sự tuyên dương có tính cách máy móc này có lẽ, tự nó, đã là một đức tính quý báu rồi. Dân nước nào mà chả tự hào về nguồn gốc của họ? Dân Phù Tang tự coi họ là con cháu Thái Dương thần Nữ. Dân Trung Hoa tự xem mình là cái rốn của vụ trụ. Dân Nhật Nhĩ Man cũng bao phen hống hách chọn ngồi cao nhất "trên đầu" tất cả các nòi giống khác từ khắp Âu sang Á. Chả ai hoài công đi tranh cãi với họ làm gì. Nay ta hãy quay về với chuyện nhà của ta, với lập thuyết cho rằng nòi giống ta có nhiều đức tính hơn thiên hạ.
Đúng chăng? Và nếu đúng vậy, thì ta có nên tự vấn xem tại sao Việt-Nam:

- bị lệ thuộc nước Tầu trên dưới ngàn năm?

- bị thực dân Pháp đô hộ gần một trăm năm?

- bị quân phiệt dầy xéo năm năm? Và sau hết,

- bị lũ Việt Gian tôi mọ Nga Tầu tàn hại 60 năm qua - tính cho tới lúc này - mà ta vẫn chưa đạp đổ được?

Trong bầy nhiêu mối quốc hoạ thảm sầu chồng chất đó, ắt thế nào cũng có một lý do hoặc nhiều lý do chính đáng, mà ta không chịu để tâm nghiên cứu, hoặc là ta cố ý làm ngơ đi đó thôi. Nay ta hãy lấy hết can đảm và liêm trực để nhìn thẳng vào thực tế, khác nào ông thầy thuốc bắt buộc vì nghề nghiệp và lương tâm phải nhìn thẳng vào bệnh trạng bệnh nhân, trước khi quyết định chữa trị.
Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc chúng ta hãy thành thực với chính mình, hãy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" , hãy đào bới các hành vi hạnh kiểm mình cho tới chỗ sâu hiểm tận cùng của nó, thì mới mong tìm được giải đáp cho các câu hỏi trên.
Người ngoại quốc, nếu mà có khả năng theo dõi được đều đặn các câu chuyện trao đổi thường nhật của người Việt-Nam ta, ắt không khỏi ngạc nhiên tự hỏi duyên cớ nào khiến chúng ta luôn luôn nhắc nhở đến hai chữ "ĐOẢN KẾT".

Chẳng hạn: Tại sao? Tại sao văn chương ta đầy dẫy những câu kêu gào đoàn kết? Nào là:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"

"Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

"Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"

"Đoàn kết là sống chia rẽ là chết" (lời ông Bảo Đại tuyên bố khi thoái vị) v.v….

1.- Không còn hồ nghi gì nữa. Sở dĩ người Việt đời đời kiếp kiếp kêu van "Đoàn Kết" nhưng chẳng bao giờ tìm thấy nó ở đâu cả, ấy chỉ vì người Việt đã "hơn" thiên hạ ở chỗ... không bao giờ biết đoàn kết và sẽ mãi không bao giờ chịu đoàn kết với nhau dù trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trường hợp "Vong gia thất thổ" đang hiển hiện trước mắt. Tán gia bại sản vì quân thù địch, vì lũ Việt Gian Cộng Sản cướp biển, đất đem dâng cho ngoại bang.
Có thể nói một cách thẳng thắn rằng sự "thiếu vắng đoàn kết" - mang cái đặc tính "di truyền" hết sức quái lạ - giữa người Việt-Nam với nhau, đã là một trong những nguyên nhân trọng hệ đưa đến tình trạng lưu vong tập thể ngày nay.




2.- Nguyên nhân thứ hai là tấm lòng thờ ơ lãnh đạm, là thái độ tiêu cực bất cần, của đại đa số nhân dân Việt-Nam trước đời sống chính trị của đất nước. Đây là một khuyết điểm to tát mà ta cần tự mình soi sét để chấn chỉnh lại. Chúng ta có thói quen bỏ mặc việc nước nhà ( hay hay dở, tốt hay xấu) cho những kẻ khôn lanh xảo quyệt dùng thủ đoạn cướp lấy quyền lãnh đạo quốc gia một cách quá dễ dàng, như cướp một nải chuối, buồng cau phía sau vườn nhà ta vậy. Dẫu có bất bình chăng, thì bất quá cũng chỉ biết ngồi chửi đổng một mình trong bóng tối, chứ chẳng có cá nhân nào nẩy ra được sáng kiến sách động một phong trào quần chúng đấu tranh cả. Rồi vì tính nết lười biếng cố hữu của mỗi người, hoặc vì tinh thần cầu an lo sợ bất trắc, gian nan, tù tội, kẻ nọ nhìn người kia không thấy động tĩnh gì, bèn giữ thái độ im lặng chịu đựng cái hoàn cảnh bị đè nén bóc lột. Ấy thế là bọn cuờng quyền, bọn tham ô, bọn mãi quốc cầu vinh, cảm thấy yên ổn, cứ việc hành động theo ý muốn, chẳng còn biết sợ hãi ai nữa cả.

3.- Nguyên nhân thứ ba còn tai hại hơn nhiều, mà lại là nguyên nhân rất khó cho người có tâm huyết đối phó hữu hiệu. Ấy là sự nhẹ dạ cả tin, sự thơ ngây quá đáng đồng nghĩa với "ngoan cố", là cái xu hướng đồng loã với kẻ thù, với bọn cầm quyền áp bức, mà càng ngày ta càng bắt gặp trong đại đa số quần chúng. Dễ thấy hơn hết là quần chúng lưu vong hải ngoại hiện nay.
Không cần dài dòng, cứ theo lẽ phải mà xét, thì người nào đã bỏ nước ra đi mà được các nước có lòng nhân đạo xếp vào hàng "tị nạn Cộng sản , nhất thiết không thể nào quay lại sống chung với chế độ mà mình đã ghê tởm xa lánh. Ấy thế mà lạ lùng thay, khi tập đoàn CS trong nước mở ra chiến dịch gọi là "Về thăm quê hương" ( theo Nghị Quyết 36 của chúng) với trăm nghìn thủ đoạn đê tiện dấu kín bên trong, thì lại thấy lắm kẻ mệnh danh "tị nạn" , "cựu tù nhân chính trị /HO" ùn ùn kéo nhau lấy chiêu bài "nhớ quê hương", về hưởng lạc, mang "áo gấm về làng", khoe khoang làm giầu cho chế độ CS, nuôi sống chúng bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, bất chấp mọi lời khuyên răn sáng sủa hợp lý của các tổ chức đấu tranh chống cộng ở hải ngoại này!
Có một điều quái gở mà ta không sao hiểu nổi, ấy là hầu hết, nếu không nói tất cả - những kẻ tham gia chiến dịch "về thăm quê hương" kia đều là nạn nhân thực thụ của chế độ CSVN, đã từng nếm mùi tù tội nghiệt ngã một thời gian, đã có cha mẹ, hoặc anh em, họ hàng ruột thịt bị CS sát hại năm xưa một cách dã man tàn ác! Ta không hiểu nổi hạng người này, vì lời nói chính nghĩa đã bị gác ngoài tai, vì kẻ trong cuộc đã quá mê muội, quá ngây thơ tin tưởng nơi lời đường mật của kẻ thù tới trình độ sẵn sàng nắm lấy bàn tay chúng mà chẳng biết gớm tay mình!
Đối với kẻ thiếu hiểu biết chính trị đã đành đi một nhẽ. Nhưng với các phần tử mệnh danh "trí thức" mà lại cũng vênh váo nhẩy vào vòng tay đồi phương không chút hổ thẹn, ôm ấp chúng mạnh hơn, thì ta biết nói sao đây? Phải chăng dân tộc Việt-Nam, nếu bảo là dân tộc có nhiều đức tính hơn môi dân tộc láng giềng chung quanh, hẳn là đã mắc phải mặc cảm tự tôn sai lầm rồi.
Trên đây mới chỉ là vài ba khuyết điểm trên "bình diện chủng tộc" của người Việt-Nam chúng ta, những khuyết điểm đóng góp khá nhiều vào tình trạng điêu linh nó cứ tiếp diễn từ ngàn năm trước cho tới nay. Còn nhiều và thật nhiều những thoái tật xấu xa khác mà chúng ta đã không thẳng thắn mà nhìn nhận để sửa chữa . Trái lại chúng ta còn khư khư ôm chặt lấy nó rồi lại quay ra than trời trách đất rằng sao nòi giống ta luôn luôn chịu trầm luân khổ ải.
Đã tới lúc chúng ta phải cương cường thừa nhận việc chúng ta "không đoàn kết" chứ không phải là "thiếu đoàn kết". Bởi lẽ chúng ta có "đoàn kết" bao giờ đâu mà bảo là "thiếu hay thừa". Vì không đoàn kết nên khó xây dựng được tinh thần cộng đồng, nên phải sống trong tình trạng hỗn loạn, vô kỷ cương, vô trật tự xã hội - dù là xã hội lưu vong. Kẻ thù còn mong đợi gì hơn nữa mà không múa hát trước nếp sống rã nát của chúng ta?
Đã nói thì phải nói cho tới cùng. Ta không biết hợp quần trước đại nạn. Ta thờ ơ với quốc sự khiến cả một chế độ sụp đổ. Ta còn để cho đồng bào ta ngây thơ tin tưởng vào việc làm xảo quyệt của kẻ thù chung ngay giữa lúc ao bèo đã cạn gốc. Tất cả đều là hậu quả của một quá khứ chểnh mảng, một quá khứ mà người có trách nhiệm không hề để tâm vun quén cho một nền giao dục thích nghi với đất nước. Chúng tôi muốn nói tới một nền "giáo dục tinh thần" chứ không nói tới một nền học vấn đơn thuần. Dân tộc ta phải được rèn đúc cho có một căn bản đạo đức vững chắc để có thể phân biệt được ngay Chính với Tà, để không bị lừa gạt mà mang lấy họa.
Việt-Nhân.

anh duong

Aucun commentaire: