Orchestration (Kết)
Minh Võ
Lạm bàn về “Hòa Âm” (30/04/2001)
Tiếp theo phần I
Tiếng Sáo Trương Luơng
Lại một điều đặc biệt nữa trong ban đại hòa tấu của HCM. Ông ta đã dùng tà ma yêu thuật gọi hồn Trương Lương chết đã gần 22 thế kỷ về, để xin mượn chiếc sáo thần đã thành tinh. Chẳng những nó có thể hóa thân thành nhiều loại sáo đủ cỡ bằng trúc, bằng đồng, mà đặc biệt là nó có thể hóa kiếp thành những con sáo có lông có cánh biết nói tiếng người để bay tới tận London đậu trên cửa sổ hãng tin Reuters và đến tận Washington hót cho những Karnow ở tòa soạn tuần báo Time nghe, để rồi những con này hót lại cho nhân dân Mỹ và nhất là chính phủ và quốc hội Mỹ nghe. Những kẻ được nghe sẽ nửa tin nửa ngờ, kẻ bênh kẻ chống làm suy yếu hay tan rã các chiến lược, chiến thuật, kế hoạch hành quân lớn (như kế hoạch tối mật Vulture, thời tổng thống Eisenhower, dùng bom nguyên tử giải vây cho quân Pháp kẹt ở Điện Biên Phủ năm 1954, chiến lược Lùng và Diệt của tướng Westmoreland vân vân… hay những dự tính dùng bom nguyên tử chiến thuật tiêu diệt gần 4 sư đoàn bao vây căn cứ Khe Sanh…)
Đàn sáo đó bay vù một cái đến các tòa báo ở Saigon và ngay chính đài phát thanh ở đường Phan Đình Phùng hót ríu ra ríu rít. Nói vậy đủ để một số bạn đọc có thể hình dung ra những con sáo Phạm Xuân Ẩn, Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Lương… Đó là những khuôn mặt tiêu biểu dễ nhận diện. Nhưng còn cả một đàn chím sáo sậu vô hình không ai nhận diện được, đã tung hoành ở khắp nơi trong mọi thời suốt cuộc chiến trường kỳ giai giẳng kể từ khi có mặt đảng cộng sản tại Việt Nam. Và có lẽ lúc này hãy còn một số đậu đâu đó ở Mỹ, ở Pháp, ở ngay trong cộng đồng người Việt Quốc Gia hải ngoại.
Robert Strausz-Hupé, giáo sư, nhà ngoại giao (1903-2002)
Nguồn: fpri.org
--------------------------------------------------------------------------------
Đã nói tuyên truyền và tình báo là hai sở trưòng của ông Hồ. Cho nên ông ta dùng những con sáo này để làm địch vận không ai bằng. Những con sáo này vừa là điệp viên, vừa là cán bộ tuyên truyền, chuyên trách công tác địch vận. Một mặt trận ngay trong lòng đối phương. Những con sáo đó phần nhiều là những “sư đoàn-ngòi bút”. Chúng đánh ngay vào tổng hành dinh của đối phuơng mà đối phương không hề hay biết vì một đàng nó quá kín đáo như một ám khí vô hình, một đàng vì cái chiến tranh trong đó nó phục vụ là thứ chiến tranh rộng lớn bao gồm toàn thế giới, phủ khắp mọi mặt sinh hoạt bình thường hàng ngày. Cho nên hầu như không ai (ở các nước không có súng nổ đạn bay và bom rớt) nghĩ rằng đang có chiến tranh. Một số ít tinh ý lắm thì nói chiến tranh lạnh. Chỉ có một số rất ít ngưòi như Eastman, như Robert Strauss-Hupé và 3 đồng nghiệp, hay như Alexander Solzhenitsyn dám ngang nhiên tuyên bố Thế Chiến III đã khai mào. Nhưng cũng chẳng mấy ai tin hoặc quan tâm, mặc dầu Henry Kissinger, lúc ấy (1959) còn là giáo sư trường đại học Havard, đã cảnh cáo và khuyên các nhà chính trị Mỹ hãy tìm đọc cuốn sách của giáo sư Hupé nói trên (cuốn Protracted Conflict, bàn về cuộc chiến trường kỳ do các người cộng sản chủ trương).
Thời đệ nhất cộng hòa, nhất là trưóc 60, miền Nam có thể nói cũng không có chiến tranh theo nghĩa cổ điển. Người ta bảo súng nổ còn ít quá, chưa có bom rơi, chỉ có ám sát lẻ tẻ, thì làm sao gọi là đã có chiến tranh. Cho nên trong hòa bình mà chính quyền áp dụng những biện pháp hạn chế một số quyền tự do của người dân thì là độc tài hạng nặng rồi. Vì vậy có những phê bình, chỉ trích, tố cáo, lên án gắt gao; những vụ bỏ bom dinh độc lập, những vụ đảo chính hụt và đảo chính lật đổ và sát hại tổng thống Diệm.
Nhưng nếu quan niệm chiến tranh theo nghĩa “thế chiến III”, tức chiến tranh theo kiểu cộng sản, toàn cầu, toàn diện, trường kỳ, để đi đến “thắng lợi cuối cùng” là đặt nền chuyên chính vô sản (của một thiểu số tiếm quyền đại diện nhân dân vô sản), thì rõ ràng tại miền Nam ngay từ 1954, khi chưa có đệ nhất Cộng Hòa, đã có chiến tranh rồi. Không phải chỉ có ám sát, bắt cóc, tống tiền, thu thuế ban đêm, đe dọa, phá hoại, tuyên truyền bí mật v.v… mới là chiến tranh. Mà những mâu thuẫn giữa chính quyền và một số trí thức không giải quyết tốt đẹp, những bất mãn của một số tướng lãnh, sự nghi kỵ, đố kỵ, bất mãn, ghen tỵ của một số đoàn thể; hay thái độ kẻ cả của những người Mỹ tự tôn như Harriman, như Cabot Lodge, sự bất đồng đến xung khắc giữa tổng thống Diệm và phụ tá Ngoại Trưởng Mỹ Harriman… thậm chí cả sự nể nang, dung túng, bao che … của một vài nhân vật quan trọng trong chính quyền cũng có thể là những phím đàn muôn điệu trong ban nhạc (chiến tranh toàn bộ) của họ Hồ. Có thể là vào một lúc nào đấy chính ông Hồ cũng chẳng ý thức được điều đó khi ông đứng đánh nhịp cho ban nhạc trình diễn. Nhưng thực ra do từ bản chất toàn bộ chiến, những nốt nhạc đã được in sẵn trong bản nhạc rồi. Cứ thế nó triển khai (qua những ngón nghề điêu luyện của nhạc công) thành âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu mong muốn.
Vì cuộc chiến là cuộc chiến toàn cầu, cho nên công tác tuyên truyền cũng như tình báo gián điệp đều có phối hợp trên bình diện quốc tế. Các đảng cộng sản toàn thế giới tương trợ lẫn nhau, chi viện giúp nhau. Đó là nghĩa vụ quốc tế như họ thường nói. Vì vậy mà những tin tức thất thiệt hay phóng đại của Hà Nội đều đưọc các hãng thông tấn của các nước cộng sản phổ biến nhanh chóng rộng rãi. Đó là chưa kể, nhờ có những con sáo đỏ nằm vùng, nhiều hãng thông tấn trong thế giới tự do cũng giúp đăng tải.
Cũng vì vậy mà những cuộc dội bom trải thảm bằng B52 của không lực Mỹ thường được các tầu “đánh cá” của Nga theo rõi và báo cho Hà Nội biết ngay khi máy bay cất cánh từ đảo Guam. Sau này B52 xuất phát từ căn cứ Udon ở Thái Lan, thì đỡ hơn, vì có báo trước cũng khó tránh kịp.
Nói về tình báo cũng nên để ý rằng tình báo chiến lược rất dễ thu thập, nhất là trong các nước dân chủ tự do. Chính phủ muốn có quyết định gì quan trọng, kể cả một số kế hoạch quân sự, đôi khi cũng phải đưa ra thảo luận, không ở quốc hội, thì cũng trong bộ tham mưu thu hẹp nào đó. Nếu Liên Xô hay Trung Cộng đã đặt được một gián điệp cao cấp trong những cơ quan đầu não của Mỹ thì Hà Nội cũng được hưởng lợi (cho đến nay đã có tới 4 trường hợp gián điệp cao cấp của Nga nằm ngay trong FBI và CIA của Mỹ. Chưa kể các cơ quan khác. Có người còn nói Marilyn Monroe cũng là điệp viên Nga được dùng làm mỹ nhân kế đối với tổng thống Kennedy!).
Nếu những điệp viên đó lại nhận được sứ mạng tuyên truyền địch vận, thì hậu quả sẽ không thể lường được.
Phải chăng vì vậy mà phong trào phản chiến, chiến dịch bôi nhọ các chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã dẫn đến những quyết định của chính quyền Mỹ rất tai hại cho chúng ta trước đây.
Điệp khúc pianissimo “thất bại mà lại thành công”
Trong bản hòa tấu chiến tranh Việt Nam có những đoạn chỉ có một nhạc công chơi 6 nốt nhạc pianissimo nhắc đi nhắc lại sau những đoạn dài fortissimo. Nó pianissimo đến độ thính giả thuờng không nghe được, chỉ có những cặp tai cực thính thuộc hàng cao cấp mới thưởng thức nổi. Cứ lâu lâu ông Hồ lại vẫy chiếc gậy nhạc trưởng về phía Trường Chinh cầm một chiếc vĩ cầm đứng sau lưng nàng Kiều VNG. Lập tức toàn ban nhạc dừng lại chỉ còn tiếng vĩ cầm rất trầm, rất nhẹ vi vu 6 nốt nhạc mà nghe như âm thanh của câu cách ngôn “Thất bại là mẹ thành công” mà ông Hồ đã dậy cán bộ của ông để tập cho họ chịu đựng, kiên nhẫn trong chiến tranh. Nhưng nó cũng có âm hưởng của câu na ná: thất bại mà lại thành công. Đó là khi những Hồ Viết Thắng, Võ Nguyên Giáp đã tấu xong khúc nhạc Cải Cách Ruộng Đất, hay khúc nhạc Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy Tết Mậu Thân.
Người ta thấy nhạc trưởng cười tươi với hai nhạc công đó và hình như họ lẩm bẩm câu: “Thất bại mà lại thành công”. Thì ra cải cách ruộng đất bề ngoài xem ra thất bại. Và vì có thất bại cho nên mới có sửa sai. Nhưng nhờ có chém giết nhiều trong CCRĐ cho nên đã tiêu diệt được một bộ phận lớn của kẻ thù giai cấp. Nhờ có thất bại trong chính sách hợp tác xã sau đó (cha chung không ai khóc, bò chung không ai cho ăn, “Con Bò Thải” của Phùng Gia Lộc) mà nông dân phải bám chặt vào đảng để tồn tại, vì bụng đã đói, đầu gối phải bò; hầu bao bị thắt chặt rồi. Cho nên “thất bại mà lại thành công”
Sửa sai cũng thế. CCRĐ có thất bại mới có sửa sai. Có sửa sai mới tung lưới bắt được trọn ổ những tay trí thức, văn nghệ sĩ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, diệt được một bộ phận nữa của kẻ thù giai cấp. Cho nên “Thất bại mà lại thành công”.
Nhạc trưỏng cứ mỉm cười với nhạc công chơi pianissimo hoài. Thì ra TCKTND (tổng công kích, tổng nổi dậy) Tết Mậu Thân tuy thất bại về quân sự, nhưng lại đại thắng về chính trị, nhờ những tay phóng viên chủ bại, phản chiến, không hiểu tính chất cuộc chiến, tung tin Mỹ đã đại bại và đòi chính phủ Mỹ rút quân về. Có kẻ như Walter Cronkite, sau khi được mục kích tận nơi mồ chôn tập thể hàng ngàn thường dân ở Huế đã về Mỹ cổ võ cho việc rút quân, thay vì đáng lý ra phải cổ võ nhân dân Mỹ quyết chiến để tiêu diệt kẻ tàn ác dã man! Cho nên “Thất bại mà lại thành công”.
Nhạc trưởng mỉm cười (đúng ra là cười ruồi) nhiều nhất khi nghĩ rằng đệ nhất vĩ cầm của ông đã mượn bàn tay “Mỹ Thiệu” phản-tấu khúc TCKTND Tết Mậu Thân, để tiêu diệt phần lớn những kẻ nằm trong tay ông mà còn dám chiến đấu vì chủ nghĩa dân tộc, trong cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Nụ cười nham hiểm ấy của ông Hồ hàm chứa sự đắc chí “thất bại mà lại thành công”.
Cứ đến điệp khúc đó là thính giả bình thường cứ ngẩn tò te chả hiểu mô tê gì cả. Chỉ có kẻ nắm vững quy luật và bản chất cuộc chiến “đại hòa tấu của ông Hồ” là còn có thể hiểu lơ mơ. …
Chiếc đàn Trương Vô Kỵ tấu khúc Càn Khôn Đại Nã Di
Thời đệ nhị Cộng Hòa người ta nói thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ khi đọc “Cô Gái Đồ Long” rất thích nhân vật Triệu Minh, quận chúa Mông Cổ. Nên ông muốn trở thành một thứ Trương Vô Kỵ nắm hết mọi bí quyết của võ lâm. Nào Cửu Dương Thần Công, nào Thất Thương Quyền…..và nhất là Càn Khôn Đại Nã Di (CKĐND) của tổng Minh Giáo Ba Tư. Chẳng rõ ông có tận dụng được môn võ này để chia rẽ hàng ngũ cộng sản không. Nhưng nhiều người lại thấy Hồ Chí Minh và đồng đảng lén vào hầm cấm của Minh Giáo để ăn cắp được bí quyết “quân sự” này. Ông ta đã đem nó vào trong bản nhạc hòa tấu chiến tranh Việt Nam để chuyên môn chia rẽ hàng ngũ đối phương, bằng cách lấy gậy bà đập lưng bà. Dùng quái chiêu CKĐND để lấy vũ khí của đối phương đánh đối phương. Kẻ thù của ông nhiều khi không hiểu được tại sao bạn đồng ngũ lại quay ra hạ độc thủ mình.
Ví dụ thì nhiều lắm. Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đánh bắt VC nhưng trong hàng ngũ VC lại có thành phần một đảng phái quốc gia nào đó. Thành ra khi bắt tên VC theo chứng cớ rành rành, mà lại bị đảng phái nọ lên án là đàn áp, là độc tài, là vi phạm nhân quyền. Do chỉ điểm sai – vì có nội gián của VC trong đội quân trinh sát của mình – nên chính quyền quốc gia có thể cho lệnh thả bom hay bắn đại pháo vào những vùng quê giết hại người dân vô tội, chẳng những không theo cộng sản mà còn trung thành với quốc gia….Và nhiều lắm lắm kể không xiết.
Xuống đường phản chiến ở New York City (1969)
Nguồn: digitalflotsamwp.podshow.com
--------------------------------------------------------------------------------
Sau khi ông Hồ vào nằm trong lăng được hơn một tháng chiếc đũa nhạc trưởng của ông vẫn còn chỉ vào mặt nhạc sĩ chơi chủm chọe Phạm Văn Đồng bắt ông này gửi một bức thư – mà (cứ tưởng tượng như thế) ông Hồ đã soạn sẵn khi chưa hấp hối – cho nhóm phản chiến ở Mỹ ngày 14/10/1969, ca ngợi họ và thúc đẩy họ làm mạnh hơn nữa trong cuộc biểu tình một ngày sau đó, tức ngày 15/10/69. Nên nhớ là trong cuộc biểu tình này đã có tới 250.000 người tham dự chống chính sách “diều hâu” của tân tổng thống Mỹ (con số 250.000 là do tòa bạch ốc đưa ra. Còn báo chí thì có tờ nói trên 800.000). Trong trường hợp này nhạc sĩ chủm chọe lại cũng chơi nốt nhạc Càn Khôn Đại Nã Di của Truơng Vô Kỵ.
Nốt nhạc Cà Cuống hay Syncope?
Tục ngữ ta có câu: “Cà cuống chết đến đít hãy còn cay” Theo các sử gia quân sự thì trung tuần tháng 7 năm 1969 tổng thống Nixon đã đưa ra cho Hà nội một đề nghị hết sức hoà hoãn. Đáp lại thái độ hòa hoãn này, ngày 12 tháng 8 ông Hồ đã phất tay cho cây “đàn nhị” của VNG tấn công cùng một lúc vào 100 thành phố lớn nhỏ của Việt Nam Cộng Hoà. Đến ngày 25 tháng 8, một tuần trước khi tắt thở, ông ta gửi cho tổng thống Nixon lá thư phúc đáp chính thức có tính cách lăng nhục không theo một lề lối ngoại giao nào. Tướng Davidson đã dùng hình ảnh như sau để nói về thái độ đó: “Nixon đưa tẩu thuốc hòa bình mời HCM đã bị ông này cầm lấy tẩu thuốc đập vào mặt, còn đổ cối thuốc đang nóng hổi vào tay”! Đúng là cà cuống chết đến đít hãy còn cay. Bản nhạc của ông Hồ chưa kết thúc. Nhưng hành động đó là một nốt nhạc đảo phách (nhấn lệch, syncope; syncope cũng có nghĩa là ngất xỉu).
Trong cuộc viếng thăm của tổng thống Clinton giữa tháng 11 năm 2000, đàn em và là kẻ nối ngôi ông Hồ cũng chơi ông Clinton một vố tương tự. Đáp lại thái độ lịch sự của ông này, Lê Khả Phiêu đã chỉ thị cho một đàn em cắc ké ra sân bay đón Clinton, chứ chẳng có một ma nào trong ban lãnh đạo đảng hay nhà nước có mặt. (Nên nhớ hồi tổng thống Ngô Đình Diệm thăm Mỹ quốc năm 1957, chính tổng thống Eisenhower đã ra tận phi cơ đón và đưa ông Diệm đi trên thảm đỏ vào phòng khách danh dự. Và tháng 6 năm 2000, khi tổng thống Kim Đại Trọng của Đại Hàn (South Korea - DCV) lên Bình Nhưỡng thì chủ tịch Bắc Hàn Kim Chính Nhựt cũng đích thân ra đón tận phi cơ). Chẳng những thế trong khi tiếp Clinton, Phiêu còn nhắc lại dĩ vãng cuộc chiến, để nhắc khéo Clinton nhớ mình chỉ là kẻ bại trận. Không biết Lê Khả Phiêu sắp đến ngày tận số chưa mà cũng chơi nốt đảo phách (nhấn lệch) giống HCM như vậy.
Có người bảo bọn cầm quyền VC ngu dốt, bất lịch sự không biết tự lượng sức mình, như loài cà cuống, chết đến đít hãy còn cay. Nhưng theo chiến lược sách lược của cộng sản thì những hành động hỗn xược, ngu ngốc đó lại là những nốt nhạc nhấn lệch (syncope) trong bản đại hòa tấu đã được soạn sẵn, với chủ ý rõ ràng theo tư duy “âm nhạc” riêng của các tổ sư “hòa âm” cộng sản quốc tế: Dậy một bài học đích đáng cho đối phương (trong trường hợp này là tay phản chiến “trốn lính” Clinton) để tự nâng uy tín và nâng cao hay ít nhất cũng giữ vững tinh thần thuộc cấp.
Trở lại vấn đề thua trận
Mặc dù mới chỉ nghe tấu thử vài nhạc cụ của ban đại hòa tấu, đến đây thính giả có lẽ đã thấy được phần nào lý do thất trận của Việt Nam Cộng Hoà, của thế giới tự do trong chiến tranh Việt Nam. Lý do không phải vì nhạc sĩ, nhạc trưởng cộng sản dài hơi, giai sức hơn trong bản nhạc dài ba thập niên. Cũng không phải vì các “nhạc sĩ” của chúng ta chiến đấu kém anh dũng. Càng không phải vì chúng ta không có chính nghĩa. Mà là vì chúng ta không xác lập được bản chất “buổi hòa nhạc”, cho nên đã không nêu lên được chính nghĩa của chúng ta trước “thính giả” toàn cầu. Cho nên mọi người vẫn tưởng bảng hiệu “chiến tranh giải phóng dân tộc” treo trước rạp hát và trong thính dường là thật.
On War, Carl Von Clausewitz
Nguồn: clausewitz.com
--------------------------------------------------------------------------------
Trong số các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa, tướng lãnh đồng minh như Pháp và Hoa Kỳ ai mà chẳng biết lời dậy của nhà lý thuyết chính trị và quân sự tiếng tăm của Phổ là Carl Von Clausewitz trong “On War”, đại ý: Cần phải xác định được đúng bản chất của cuộc chiến thì mới đề ra được chiến lược và chiến thuật thích ứng để đi đến thắng lợi. Vì các trường tham mưu chỉ huy cao cấp của các nước đều phải dậy những nguyên lý cơ bản về chiến lược chiến thuật cổ kim từ Tôn tử, Julius Cesar, Alexandre đại đế… đến Napoleon, Clausewitz, Lawrence…
Nhưng có lẽ vì thời Clausewitz chưa có thứ chiến tranh kiểu chiến tranh cách mạng giai cấp có tính cách toàn cầu, toàn diện và trường kỳ theo kiểu chiến tranh của cộng sản, mà chiến tranh Việt Nam chỉ là một bộ phận trong điểm nóng của một giai đọan sơ khởi. Cho nên chúng tôi đã viết nghiêng chữ chiến thuật để dịch chữ tactics, chứ không dịch là sách lược như các tác giả cộng sản Trung Hoa và Việt Nam thưòng dịch. Vì các người cộng sản thưòng dùng 2 tiếng chiến thuật để dịch từ tactics khi nó chỉ có nghĩa thuần túy quân sự. Còn 2 chữ sách lược thì được dùng để dịch cũng chữ tactics khi nó nằm trong bối cảnh chiến tranh toàn bộ, toàn diện, hay chiến tranh chính trị.
Và mặc dù Clausewitz là người chủ trương toàn bộ chiến, nhưng lúc ấy ông cũng chưa hình dung ra nổi một cuộc chiến tranh toàn bộ theo kiểu học trò và kẻ ngưỡng mộ ông cỡ Lê nin sau này quan niệm và chủ trương một cách âm thầm nhưng quyết liệt. Nó là sự kế tục, triển khai và hoàn chỉnh của toàn bộ chiến kiểu Clausewitz (còn chưa rõ rệt và chưa đậm nét).
Vì vậy mà các nhà quân sự trong thế giới tự do vẫn thường chỉ quan niệm chiến tranh Việt Nam theo quan niệm quân sự thông thường cổ điển. Cứ phải có súng nổ bom rơi máu đổ cho thật nhiều mới gọi là chiến tranh.
Cũng vì chưa nắm vững bản chất của cuộc chiến, cho nên nhiều sử gia quân sự đã lấy làm khó hiểu tại sao những De Lattre De Tassigny, ngang cỡ Rommel của Đức, không thua gì Montgomery của Anh, hay Patton của Mỹ trong thế chiến II, với hệ thống 1200 đồn bót, kiểu chiến lũy Maginot, chung quanh đồng bằng sông Nhị; hay những McNamara với một bộ óc điện tử và hàng rào điện tử dọc vĩ tuyến 17, cùng với một Westmoreland với chiến lược Lùng và Diệt và chiến lược “chiến tranh Tiêu Hao”…đều đã thất bại trước cây đàn nhị của nàng Kiều VNG.
Có người còn bảo phải chi tổng thống Eisenhower cho thi hành kế hoạch Vulture thả một vài quả bom nguyên tử xuống đạo quân của VNG đang bao vây và tấn công Điện Biên Phủ, hòng giải vây cho quân Pháp của tướng De Castries, thì đã lật lại thế cờ vào đầu năm 1954. Người khác lại bảo nếu chính quyền Johnson cũng theo đề nghị của Westmoreland thả vài quả bom nguyên tử xuống gần 4 sư đoàn của họ Võ vây hãm Khe Sanh vào năm 68 thì đã tiêu diệt được phần lớn chủ lực của địch quân. Người ta cũng đắn đo cân nhắc cả việc thả bom phá hủy hệ thống đê điều bên bờ sông Hồng. Và lấy làm tiếc không lợi dụng thế mạnh đó để làm áp lực đối phương phải đầu hàng. Vân vân và vân vân…
Nhưng người ta quên rằng Hồ Chí Minh không phải là Nhật hoàng Hirohito, mà là đồ đệ của Mác Lê. Cho nên nếu cần hy sinh mấy triệu người dân Việt, đồng bào của ông, để cho cuộc đấu tranh giai cấp toàn cầu thắng lợi thì ông cũng đâu có sờn lòng. Vì cuộc chiến tranh của ông nằm trong cuộc chiến tranh toàn cầu, toàn diện, và nhất là trường kỳ (nghĩa là bao lâu chưa diệt hết mọi giai cấp thù nghịch, thì còn phải tiếp tục) cho nên ông dùng mọi phương tiện bạo động, tàn bạo, tàn nhẫn để cố bắt toàn dân Việt phải quyết chiến, tử chiến. Những trận thí quân, những chiến dịch biển người như đã nói trên chứng minh điều đó. Bằng bộ máy tuyên truyền tinh vi và kỷ luật thép của nhà binh, ông đã huy động được toàn dân hy sinh kháng chiến, ông nói dối là để giải phóng dân tộc, để bảo vệ giang sơn…Chẳng may lời nói dối đó lại bùi tai nhiều người kể cả những đại trí thức của chúng ta.
Trong cuốn “Mây Mù Thế Kỷ”, khi trả lời câu hỏi liệu Hà Nội có đầu hàng khi đê Yên Phụ bị phá làm lụt lội gây chết chóc kinh khủng và phá hoại mùa màng không, tác giả Bùi Tín đã dứt khoát trả lời: không khi nào họ đầu hàng dù có cả triệu người chết, vì như vậy Hà Nội càng có lý do để tố cáo Hoa Kỳ và càng có cớ để xin viện trợ của phe cộng. Và đó còn là dịp tốt để họ hô hào toàn dân vùng lên quyết tử chiến để trả thù…Quả tình đã từng nằm trong chăn cộng sản nên cựu cán bộ cộng sản Bùi Tín đã biết đúng tim đen của ông Hồ, đi guốc trong bụng cộng sản.
Cũng có nhà quân sự cho rằng nếu đem một đại đơn vị đóng ở của ngõ đường mòn Hồ Chí Minh, để chặn sự tiếp viện người và lương thực, vũ khí vào Nam thì cuộc chiến đã có một kết thúc khác. Hoặc giả cho một số đơn vị xâm nhập vào Cam Bốt và Ai Lao lùng và diệt những toán cộng quân mượn lãnh thổ 2 nước này làm khu an toàn và đường chuyển quân. Tất cả những điều này đều đã được tuớng Westmoreland nghĩ tới và đề nghị với cấp trên. Nhưng vì những lý do ngoại giao, và vì phong trào phản chiến đang lên mạnh, nên tổng thống Johnson không dám vi phạm hiệp ước trung lập về Ai Lao mà chính quyền Kennedy, với sự tự phụ và tin tưởng mù quáng của Averell Harriman đã tạo ra một cách bất lợi.
Đến thời tổng thống Nixon thì đã có cuộc hành quân vào Cam Bốt thắng lợi để cứu chính quyền chống cộng Lol Nol, nhưng đã không đánh trúng tổng hành doanh của Việt Cộng. Còn cuộc hành quân Lam sơn 719 vào Ai Lao thì hoàn toàn thất bại . Cho nên lại càng bị phe phản chiến nhất là báo chí dùng làm cớ tấn công dữ dội.
Cũng lại có người nói giá lúc ấy không cho cộng quân mua thời gian, kéo dài chiến tranh làm nản lòng chiến sĩ đồng minh, mà đánh thẳng, đánh nhanh, đánh mạnh, tới tấp như chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 thì đã chiến thắng rồi. Nhưng thực ra Saddam Hussein không phải Hồ Chí Minh. Kweit và Iraq không phải Việt Nam. Và đến thời chiến tranh vùng Vịnh vũ khí của Mỹ đã tiến bộ hơn nhiều rồi, chính xác vô cùng. Vậy mà cũng đâu có giết được tay đầu sỏ là Saddam.
Không nhìn cuộc chiến dưới “ánh sáng” của chủ nghĩa Mác Lê, lấy đấu tranh giai cấp làm lẽ sống, không nhìn cuộc chiến trong khuôn khổ cuộc chiến toàn bộ kiểu Lê Nin (chứ không phải chỉ kiểu Clausewitz) thì không thể hiểu nổi những lý do thất trận của phe quốc gia và phe thế giới tự do ở mặt trận Việt Nam, mà phe cộng coi như chỉ là một điểm nóng cục bộ của cuộc chiến tranh giai cấp toàn cầu toàn bộ.
Để triển khai câu nói của Clausewitz về việc xác lập cuộc chiến. Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ bằng hình ảnh vật chất cụ thể (được đơn giản hóa tối đa) để minh họa phần nào: Hãy giả dụ cuộc chiến được cụ thế hóa bằng một trong 4 hình ảnh: 1) quả núi ở phía Bắc; 2) cái hồ ở phía Nam; 3) cao ốc ở phía Đông; 4) thành phố ở phía Tây. Nếu không xác lập được nó là thành phố ở phía Tây mà cứ rầm rộ xe cộ, người ngựa tiến về phía Đông hay phía Nam, phía Bắc thì dù người có đông ngựa có là thần mã, và xe cộ như nước cũng chỉ vô ích. Có tìm đúng mục tiêu chiến tranh thì mới định ra được hướng chiến lược chính, và những hướng chiến lược phụ, và các hướng đi chiến thuật chi tiết để giành được phần thắng.
Các danh tướng đồng minh đã thua là vì từ trên xuống dưới vẫn cho rằng trong chiến tranh Việt Nam vấn đề quân sự là chủ yếu. Cho nên không đặt nặng các vấn đề khác như tuyên truyền, tình báo gián điệp, ngoại giao, văn hóa, báo chí….Chỉ riêng về báo chí, đối phương có ví dụ 600 tờ báo thì 600 tờ đều là của đảng, mọi thứ đều là bí mật quân sự (vì là chiến tranh toàn bộ, chiến tranh nhân dân). Xã hội là xã hội khép kín. Trong khi tại miền Nam và nhất là tại Hoa Kỳ xã hội là xã hội cởi mở (nhưng trong chiến tranh thì nên gọi là “bỏ ngỏ”). Tự do báo chí là cốt tử của nền dân chủ tây phương. Không ai ra lệnh được cho báo chí. Cũng không có những lớp những trường đặc biệt để huấn luyện và dạy cho ký giả về thực chất cuộc chiến. Cho nên trong khi là chiến tranh chống cộng sản, thì ký giả lại quan niệm là chiến tranh chống nhân dân Việt Nam, chẳng khác gì chiến tranh xâm lược! Đã nhiều lần các nhà quân sự Mỹ muốn đề nghị một hình thức kiểm duyệt nào đó nhưng không ai dám áp dụng. Cũng chỉ vì không ai xác lập được đúng thực chất cuộc chiến, nên không đủ lý do áp đặt những hình thức hạn chế tự do ngôn luận. Hơn nữa từ bản chất, chế độ tự do ở Mỹ là cơ bản, bỏ tự do báo chí, Hoa Kỳ không còn là Hoa Kỳ nữa. Đó là cái thế lưỡng nan của Hoa Kỳ.
Vì hiểu rõ bản chất của chế độ dân chủ tự do của Tây Phương cũng như lề lối sinh hoạt dân chủ trong các quốc gia đó, như việc gì quan trọng có ảnh hưởng đến đời sống của người dân đều phải đưa ra thảo luận trước quốc hội, những chính sách, kế hoạch lớn phải được quốc hội thông qua, và báo chí có ảnh hưỏng quyết định đến dư luận quần chúng, lại cũng biết rằng Tây phương chưa nghiên cứu đầy đủ về chiến lược chiến thuật và lề lối sinh hoạt của các đảng cộng sản trên thế giới, cho nên Mao Trạch Đông ngay trước thế chiến II, nghĩa là vào năm 1937 đã tuyên bố trắng trợn tại một hội nghị cao cấp của đảng cộng sản Trung Quốc (sau này đã được đăng tải trong Mao Trạch Đông Toàn Tập) rằng họ chẳng biết gì về cộng sản, nên đã áp dụng những chiến lược, sách lược cũ kỹ, lỗi thời. Tiếc rằng lời phê bình đó mãi đến 20 năm sau mới được giới tình báo của Mỹ do Allen Dulles đứng đầu chú ý, sau khi Liên Xô đã dẫn đầu trong việc chế tạo và phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại mang tên Sputnik vào năm 1957, và phải 2 năm sau đó mới thấy xuất hiện một cuốn sách mỏng nhưng rất quan trọng do 4 nhà chuyên môn biên soạn, đứng đầu là giáo sư Robert Strauss-Hupé. Nhưng xem ra giới quân sự Mỹ không quan tâm đến tác phẩm này. Không ai tin là chiến tranh thế giới thứ III đã bắt đầu, để mà xác lập đúng thực chất của cuộc chiến đó. Hơn nữa sau khi tổng thống Eisenhower của đảng Cộng Hòa mãn hai nhiệm kỳ trao quyền lại cho tổng thống Kennedy thuộc đảng dân chủ, thì những chuyên viên về Liên Xô của đảng này như Averell Harriman, và chuyên viên về cộng sản Á Châu là Roger Hillsman đã không đếm xỉa gì đến lời cảnh cáo của Mao Trạch Đông.
Cũng may là trận Việt Nam không phải là trận chiến cuối cùng. Cho nên nhờ rút kinh nghiệm này, đảng Cộng Hòa Mỹ đã tìm những chiến lược sâu xa rộng lớn hơn để tấn công thẳng vào Trung Quốc bằng những chiến thuật “bóng bàn”, vào Ba Lan bằng cái mà tuần báo Time gọi là “liên minh thần thánh” giữa Vatican và chính quyền Reagan…rồi vào Liên Xô bằng những cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí hạch tâm v.v… rồi những cuộc chạy đua về phòng thủ hỏa tiễn, chiến tranh giữa các vì sao., và bằng các biện pháp bao vây kinh tế làm cho nền kinh tế xã hội chũ nghĩa của các nước này suy sụp, mà không cần phải dùng tới võ khí.… Nhờ thế mà mới có những thắng lợi bất ngờ như từ trên trời rớt xuống vào cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90.
Để kết luận chúng tôi xin tóm tắt rằng, trong ban đại hòa tấu tượng trưng cho cuộc chiến đẫm máu 30 năm, chiếc đàn hai giây (so dần giây vũ giây văn) của nàng Kiều tài hoa (Võ Nguyên Giáp) dù cho có lúc “tiếng khoan như gió toảng ngoài” có khi lại “tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” đi chăng nữa, thì nó cũng chỉ là một trong số hàng trăm loại nhạc khí khác trong ban đại hòa tấu. Và nàng Kiều (họ Võ) dù cho là hồng nhan đệ nhất thiên hạ (thiên tài quân sự họ Võ, như các nhà phê bình quân sự thường ca tụng Võ Nguyên Giáp) thì cũng chỉ là một nhạc công, (đệ nhất vĩ cầm) trong số hàng ngàn nhạc công của ban đại hòa tấu do Hồ Chí Minh chỉ huy.
Công bình mà nói phải công nhận HCM có tài, có chí và đảng mà ông ta lập nên đã được rèn luyện đến nơi đến chốn thành những nhạc công có hạng, để tạo nên những thành tích lẫy lừng trong chiến tranh, khiến các nhà quân sự Pháp Mỹ tài ba như Leclerc, Carpentier, Navare, De Lattre De Tassigny, hay Maxwell Taylor, Westmoreland, Abrams, Davidson .…phải khâm phục. Nhưng phần đông chỉ dồn sự chú ý và khâm phục vào cá nhân Võ Nguyên Giáp, vì theo thói thường người ta chỉ quan niệm chiến tranh theo lối cũ, đặt quá nặng mặt quân sự. Hơn nữa lại quên đi qui tắc “tập thể chỉ huy cá nhân phụ trách”, và nhất là không lý tới vai trò đại diện tối cao Quốc Tế 3, thực tế là Liên Xô, của Hồ Chí Minh, cũng là người được đào tạo kỹ nhất về nhiều mặt, khác nào một nhạc sĩ sáng tác tài ba lại đã được xử dụng và thao dượt nhuần nhuyễn nhiều nhạc khí.
Vì vậy mà ông Hồ và cộng đảng đã thắng. Nhưng dân tộc Việt Nam được gì trong cái gọi là chiến thắng do cộng quân đem lại? Trên 3 triệu người chết vì một cuộc chiến hoàn toàn không cần thiết, nếu chỉ nhằm mục đích dành độc lập; gần một triệu người chết vì tù tội, bỏ đói, cô lập, quản thúc, nửa triệu người chết vì cải cách ruộng đất. Rồi khi “được giải phóng” thì tài sản cũng “bị giải phóng” luôn. Khi đuợc “độc lập” thì cũng bị cô lập và mất tự do và không thấy bóng hạnh phúc đâu cả.
Cho nên tài và trí của HCM đã là nguồn tai hại khốn khổ cho nhân dân Việt Nam. Vì tài trí đó đã được tôi luyện trong lò gián điệp Quốc Tế 3 mà thành, với mục đích phục vụ một “chủ nghĩa xã hội” không tưởng mà lại tàn nhẫn. Đó là điều ta cần nói rõ cho thế giới biết, cho những nhà báo, nhà quân sự trên thế giới biết.
Một điều khác có thể rút từ kinh nghiệm “orchestration” là, sở dĩ những hành động chống độc tài cộng sản kể từ ngày “mất nước” của cộng đồng người Việt hải ngoại chưa đem lại thắng lợi, một phần vì thiếu phối hợp, thiếu người “nhạc sĩ sáng tác hòa âm”, thiếu một “nhạc trưởng” có kinh nghiệm và hiểu biết về những “nhạc khí” khác nhau. Có người sẽ bảo thời nay không còn là thời của lãnh tụ, của “minh chủ” nữa. Đồng ý. Nhưng nếu vậy thì thay vào đó cũng phải có một nguyên lý, một cương lĩnh, chính cương, một lý thuyết hành động nào đó (để khỏi nói đến ý thức hệ mà nhiều người có vẻ dị ứng vì muốn tỏ ra mình thức thời ) được đa số đồng thuận để theo đó mà hành động thì mới tránh được cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Nhân kỷ niệm tháng Tư Đen năm 2001
(Trích chương 6 Tâm Sự Nước Non, AI GIẾT HỒ CHÍ MINH của Minh Võ do Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2002)
© DCVOnline
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3735
jeudi 9 août 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire