vendredi 10 août 2007

Cuộc cờ nào cho dân tộc Việt Nam?

Cuộc cờ nào cho dân tộc Việt Nam?

Phương Duy

Xin hỏi tác giả cuốn Tổ Quốc Ăn Năn ( http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=2
) : Tổ Quốc tại sao lại phải ăn năn? Chỉ có con người sống trong đó với các hành vi tội lỗi hay phá hoại Tổ Quốc cần biết ăn năn và mong được Tổ Quốc tha thứ mới phải chứ?

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng dù những ý lạ của ông sai đúng hay dở, ông vẫn thể hiện nhiều nhiệt tâm với đất nước, không nhiếu thì ít cũng có lợi cho công cuộc dân chủ hoá Việt Nam. Điều nên làm là dù không ủng hộ cũng không chỉ trích phê bình gây chia rẽ ngô nhận. Mọi con đường đều tới La Mã.

Lần này, qua 2 bài: Thời điểm của một xét lại bắt buộc ( http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3585
) và Kịch bản nào cho cuộc cờ này? ( http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1943
), những ý tưởng “ khác lạ” của ông, theo tôi nhận định, đã trở thành “quái lạ”, một từ mà có lẽ ông sẽ phật ý, vì tôi không biết dùng từ nào nhẹ nhàng hơn. Thôi cũng đành làm buồn lòng ông, và cũng như ông, tôi thích nói thẳng, nói thật những gì mình suy nghĩ, cho dù những điều mình nói ra có thể làm người khác đau lòng hay nổi giận.Dù vậy, xin vẫn ở trong tinh thần góp ý xây dựng. Bài “Thời điểm một cuộc xét lại bắt buộc” của ông có rất nhiều điểm đáng tranh luận, và đã có nhiều tác giả trong ngoài nước tranh luận rất thuyết phục nên xin mạn phép để đó. Riêng lúc này, tôi xin góp vài ý với ông qua đề tài: “Kịch bản nào cho cuộc cờ này?”

Hồi còn trẻ, cũng như ông, tôi thích đánh cờ. Không may mắn như ông, tôi không gặp được sư phụ và cũng không đam mê cờ quá độ. Cho nên trình độ chơi cờ của tôi luôn luôn ở cái mức như ông đánh giá là người không biết đánh cờ. Nói nhẹ hơn là chưa sạch nước cản. Có một điều, dù không biết đánh cờ, tôi cũng có được kinh nghiệm, không phải kinh nghiệm đánh cờ, mà là kinh nghiệm về thái độ của người đánh cờ. Vì những nước cờ thấp như vịt, những cao thủ không muốn đánh cờ với tôi (boring). Vì thế, để có đấu thủ, tôi đi dạy cho những đứa bạn chưa biết chơi cờ. Trong số, có một thằng bạn rất láu cá và có tính háo thắng. Dù chỉ mới biết sơ, nó ít khi nào chịu thua một cuộc cờ. Khi bị chiếu bí, nó đòi đi hoàn lại, nhiều khi đến hai, ba bước cũ. Nhưng khi tôi sơ hở để bị nó chiếu, chưa kịp nhìn ra thì nó đã chộp ngay quân tướng của tôi để tuyên bố thắng lợi và kết thúc cuộc cờ. Có lần, tôi cũng bắt chước, chụp lấy quân tướng của nó để không cho nó đi lại, thì nó nổi nóng cầm nguyên bàn cờ đập lên đầu tôi. May bàn cờ chỉ bằng cạc tông nên không hề hấn gì. Đó là kinh nghiệm đánh cờ khá thú vị.

Trở về với bàn cờ chính trị Việt Nam qua nhận định của ông Nguyễn Gia Kiểng (NGK) trong việc đi tìm một kịch bản cho sự thắng lợi của cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam, chúng ta thử đánh giá lại lực lượng của hai đấu thủ trong cuộc cờ này. Một bên là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) được lãnh đạo chi phối bởi đảng CSVN. Bên kia là lực lượng đấu tranh đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền cho nhân dân VN.

Chúng ta cần xác định rõ ràng lực lượng này là những ai? Đó chỉ là một số cá nhân hoặc tổ chức trong và ngoài nước thường được gọi chung một cách chính trị là những nhà dân chủ phản kháng hay là toàn thể lực lượng nhân dân đấu tranh chung bao gồm cả những người dân lao động bình thường trong và ngoài nước đã từng cùng đứng tranh đấu hỏi như các biểu tình đòi hỏi quyền lợi tối thiểu của công nhân, khiếu kiện chống tham nhũng bất công của dân oan, những vụ xuống đường chống đối sự đàn áp ở trong nước của các giới chức cầm quyền CSVN của người Việt hải ngoại khi những người này có mặt ở nước ngoài? Đấu tranh đòi hỏi những quyền căn bản của con người như vậy dường như luôn luôn mang một mầu sắc chính trị, nhưng có thực sự là một đấu thủ bình đẳng trong một cuộc cờ chính trị hay không?

Hơn thế nữa, nếu chỉ chú trọng vào một số cá nhân, tổ chức điển hình, chúng ta cũng có thể thấy rõ: một người hay một tổ chức đấu tranh có thể là một nhà chính trị, nhưng cũng có thể chỉ là một người(hay một tổ chức ) hoạt động trong lãnh vực xã hội. Ngược lại, một nhà chính trị cũng có thể là hay không là một nhà đấu tranh cho dân chủ , nhân quyền. Các tổ chức như Hội Ân Xá Quốc Tế, Uỷ ban bảo vệ nhân quyền, tổ chức tranh đấu cho nữ quyền,các nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng cho những người bị áp bức phê phán chính quyền của họ cũng có vẻ nhuốm màu chính trị nhưng họ vẫn không cho mình là những người hoạt động chính trị để có thể đặt lên bàn cờ trong cuộc đấu. Những người tạm gọi là những nhà lãnh đạo phong trào phản kháng đấu tranh ở trong và ngoài nước, một số chỉ chủ trương quan tâm đòi hỏi đến những quyền tự do căn bản nhất của con người , một số nhắm đến những mục tiêu cao hơn về dân chủ đa nguyên , ngay cả một số muốn có một giải pháp thay đổi chế độ trong phương pháp bất bạo động, họ là những linh hồn, những người hướng dẫn khối quần chúng ở một phía của bàn cờ trong cuộc cờ chính trị VN, nhưng chưa chắc đã là một nhà chính trị.

Nói chung là có nhiều khuynh hướng Những khuynh hướng này có thể khác nhau, đôi khi đối chọi với nhau nhưng vẫn có cùng một mục tiêu dân chủ hoá Việt Nam. Liệu đây có thể được coi là nhửng giải pháp, những thế cờ cho cuộc cờ chính trị Việt Nam hiện tại? Vậy thì việc non dại, thiếu kinh nghiệm trong đấu tranh là điều có thể hiểu được?

Tôi còn được an ủi vì thằng bạn láu cá dù ăn gian và háo thắng vẫn để cho tôi có đầy đủ các quân cờ khi bước vào trận đấu. Cuộc cờ chính trị VN hiện tại không có cơ may ấy. Nhà cầm quyền CSVN hiện có đầy đủ trong tay binh hùng tướng mạnh, nắm toàn bộ công an quân đội, tự giành quyền lãnh đạo đất nước, tự ý làm luật và thi hành pháp luật theo ý mình, nắm hết nguồn tài sản đất nước : đất đai, nguồn nhân vật lực , nắm hết các phương tiện truyền thông báo chí, tức là họ có đầỳ đủ tướng sĩ tượng xe pháo mã. Không những thế, họ còn để các quân cờ của họ tự do tung hoành ngang dọc.

Trong khi đó phía đối thủ bên kia chỉ được phép có những quân cờ là những con chốt chỉ được đi từng bước ngang hay đi lui thì xin hỏi có bài bản nào, nơi chỗ nào trên thế giới cho ta học hỏi để đưa đối phương vào thế bí mà không cần tìm cách hạ bớt những quân cờ ngang ngược kia đi? Thế thì, trong khi chúng ta phải hy sinh nhiều nước cờ và chưa có một giải pháp nào khả dĩ chiếu bí đồi phương, những đóng góp của mọi quân cờ để làm giảm áp lực đối phương, chúng ta chọn cách nào: cộng tác để hỗ trợ hay chỉ trích (kiểu mỉa mai là lên đồng tập thể hay đấu tranh không lượng sức cốt lấy tiếng để rốt cuộc vào tù) và cho rằng chỉ có đường lối của mình là đúng đắn. Hãy khoan nói đến đa nguyên đa đảng, chưa vội bàn đến hoà hợp hoà giải, hãy chỉ chú trọng đòi hỏi tới những quyền tự do căn bản nhất của con người, quyền sống, quyền đối xử bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do tư tưởng , tự do ngôn luận, những quyền mà nhiều khi súc vật còn được đối xử tốt hơn con người tại VN. Đối với một cuộc cờ chênh lệch bất tương xứng như vậy, điều nào chúng ta nên làm trước: tìm cách hoá giải bớt những chênh lệch khi vào cuộc đấu, hay cứ lay hoay đi tìm những thế cờ bí hiểm dẫn đến thắng lợi mà ai cũng thấy thấp phần khó khăn? Nếu chấp nhận việc hoá giải bớt những chênh lệch là việc nên làm tức là chúng ta đang đi tìm những áp lực.

Nói đến áp lực, xin đồng ý với ông NGK với 2 loại áp lực: của quốc tế và của xã hội quần chúng Việt Nam.

Áp lực quốc tế, đặc biệt là của Hoa Kỳ và Liện Hiệp Âu Châu ai cũng thấy rõ. Còn áp lực của quần chúng Việt Nam. Chúng ta sẽ định nghĩa thế nào về khối quần chúng này? Nó sẽ chỉ là khối nhân dân trong nước hay bao gồm cả khối người Việt tại hải ngoại? Nếu cho rằng họ (khối người Việt hải ngoại) không nằm trong thành phần quần chúng Việt Nam thì khối này phải nằm trong thành phần quốc tế, một lực lượng mạnh trong việc cộng tác và thúc đẩy áp lực quốc tế có phản ứng mạnh mẽ và sâu rộng hơn lên sự biến chuyển nền dân chủ hoá Việt Nam.

Ngược lại, nếu cho khối này nằm trong khối quần chúng Việt Nam thì áp lực thứ hai này lên nhà cầm quyền CSVN đã có sức mạnh. Quần chúng Việt Nam đã tự vận động để đang có những áp lực mạnh mẽ. Những người dân trong nước đã trỗi dậy làm áp lực nặng nề lên nhà cầm quyền CSVN qua các cuộc xuống đường biểu tình của công nhân, nông dân và các dân oan khiếu kiện trong thời gian vừa qua và hiện vẫn còn tiếp diễn, cho chúng ta thấy người dân đủ sừc hiểu biết quyền lợi của họ và sự nhịn nhục áp bức đã quá mức chịu đựng để đòi hỏi nhà cầm quyền phải thay đổi luật chơi dân chủ mà chưa cần đến sự vận động bên ngoài.

Áp lực quần chúng trong việc xuống đường khiếu kiện dài ngày vừa qua của đồng bào các tỉnh thành miền tây Nam bộ tuy đã bị nhà cầm quyền dùng vũ lực hoá giải dễ dàng, nhưng không làm nó tàn lụi. Với kinh nghiệm rút tỉa sự thất bại này để học hỏi cho những lần tranh đấu sau, khối quần chúng ô hợp lẻ loi, phân tán đã biết tập họp liên hợp để tạo nên một áp lực khá mạnh mẽ làm phía cầm quyền lúng túng, buộc lòng phải sử dụng bạo lực để giải tán. Đánh rơi cái mặt nạ đảng CSVN là đại diện của giai cấp công nông, và đảng không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của nhân dân lao động.. Kết quả của từng người tranh đấu không đạt được nhưng lại có tiếng vang và càng làm cho những người dân khác, ngay cả đám công an đàn áp họ và một số đảng viên CS chưa mất lương tâm thấy rõ bộ mặt giả dối của đảng là do dân, vì dân và đảng CS thoát thai từ nhân dân lao động. Bất công càng nhiều, áp lực càng cao. Có ai bảo đảm là qua việc đàn áp dân oan, những bất công không những tồn tại không được giải quyết mà còn gia tăng thêm, người dân oan không còn những bức xúc uất hận, họ không học hỏi được kinh nghiệm gì cho những đấu tranh đòi hỏi trong tương lai được tốt đẹp hơn, áp lực của họ lên phía cầm quyền CSVN mạnh mẽ hơn, qui mô hơn, có tổ chức hơn, gây khó khăn hơn cho bọn công an trong hành động dẹp tan biễu tình bằng bạo lực. Điều lớn nhất mà họ học hỏi được là sự biết kết hợp để đấu tranh sẽ trấn áp được nỗi sợ cá nhân và lại làm cho đối thủ hoảng sợ.

Cả hai áp lực trong và ngoài đã có sẵn. Như vậy, việc vận động tạo ra áp lực lên phía cầm quyền CSVN không còn là vấn đề then chốt. Chuyện cần làm là thúc đẫy 2 áp lực này mạnh mẽ hơn, sự kết hợp chặt chẽ hơn. Khối người Việt hải ngoại dù đặt trong loại áp lực nào, quốc tế hay Việt Nam cũng đang làm cái chức năng tiếp sức hỗ trợ cho cả 2 áp lực trong và ngoài ấy, những hành động họ làm mà ông NGK đang phê phán là lên đồng tập thể. Thử hỏi, nếu không có những hành động ấy trong bao năm qua, áp lực quốc tế có chú ý dến tình trạng nhân quyền tồi tệ của VN không? Các chính phủ Hoa Kỳ, các quốc gia Liên Âu cũng như các tổ chức NGO (ngoài chính quyền) có sẵn sàng lên tiếng không? Các phong trào lên tiếng đấu tranh, đòi hỏi dân chủ, tư do, công nhân biểu tình đòi quyền lợi, nông dân đòi lại nhà đất, dân oan khiếu kiện bất công có hoạt động mạnh mẽ như trong thời gian vừa qua? Tại sao chúng ta không bàn luận với nhau về những giải pháp để phát huy những áp lực có sẵn ấy có hiệu quả cao hơn nữa? Áp lực quốc tế không chỉ lên tiếng quan tâm mà cần có hành động cụ thể. Áp lực trong nước từ sự tự phát cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn, có sự lãnh đạo khôn ngoan hơn, có tổ chức hơn, để không dễ dàng bị bẻ gẫy và hoá giải luận điệu cố hữu của nhà cầm quyền là: ”người dân bị bọn phản động xúi giục gây rối.”

Dân chủ đa nguyên. Hoà hợp hoà giải. Đa nguyên như thế nào? Ai hoà giải với ai? Những vấn đề trên quá to lớn và phức tạp mà phạm vi của một bài tiểu luận không thể phân tích. Ở đây xin bàn đến mốt yếu tố nhận định của ông NGK cho rằng nó từng bị đả kích, rồi sau đó được chấp nhận. Có một sự mơ hồ trong nhận định này: nó đã bị đả kích ở dâu? Ra sao? Sau đó được chấp nhận khi nào? Trong trường hợp nào? Theo nhận thức thông thường của tôi thì không có chuyện trước đả kích, sau chấp nhận. Thưc tế cho thấy, mọi sự việc biến chuyển theo thời gian.

Trong những thập niên trước, khi ý thức hệ CSCN còn bao trùm một phần khá lớn của thế giới. công cuộc đấu tranh của người Việt cũng giới hạn trong hai chữ quôc cộng, việc thông tin tuyên truyền còn rất trở ngại khó khăn. Việt Nam đang ở trong thời hãnh tiến bao cấp đen tối nhất trong lịch sử, người dân muốn ra khỏi giai đoạn đen tối này chỉ còn tìm cách thoát đi. Những người có tâm huyết với đất nước như Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn muốn quay trở về quang phục quê hương cũng chỉ có cách duy nhất là đấu tranh bằng võ trang, dù biết đây là việc làm vô cùng khó khăn, đội đá vá trời. Mục đích vận động toàn dân giải phóng Việt Nam khỏi chế độ độc tài cộng sản, đó cũng là một hình thức đòi hỏi dân chủ đa nguyên không thể cho đó là thời điểm chống đối dân chủ đa nguyên, hoà hợp hoà giải (dân tộc đích thực).

Đầu thập niên 90, khi CSCN sụp đổ trên toàn cầu, thế giới bước vào kỷ nguyên tin học với các thông tin nhanh chóng hơn hàng trăm ngàn lần, nhân loại có chiều hướng thiên về chủ trương hoà bình và do nạn gia tăng khủng bố trên thế giới, các phương thức đấu tranh vũ trang trở thành lỗi thời để nhường chỗ cho một hình thức đấu tranh nhân bản và ít tốn xương máu hơn, đó là các cuộc đấu tranh bất bạo động, còn gọi là đấu tranh trong hoà bình. Bất bạo động nhưng vẫn đầy kiên quyết và không nhân nhượng. Đây là một sự điều chỉnh theo tình thế biến chuyển, không phải là mới được chấp nhận như nhận định của ông NGK. Nhà cầm quyền CSVN cũng biết rõ về sự biến chuyển cũa hình thức đấu tranh này, nên họ thường lên tiếng rêu rao cảnh báo đảng viên của họ về cái họ gọi là “âm mưu diễn biến hoà bình” của quốc tế và “bọn phản động VN ở nước ngoài” nhằm mục đích giải thể sự lãnh đạo độc đoán của CSVN lên dân tộc VN.

Ông NGK đã tự mâu thuẫn khi ở phần trên, ông bày ra cuộc cờ cho Việt Nam, một bên là sự lãnh đạo độc tài đảng trị của đảng CSVN, bên kia là cuộc cách mạng của nhân dân VN đấu tranh cho dân chủ VN, nhưng phần dưới, ông lập luận rằng: kẻ thù chính của cuộc cách mạng dân chủ Việt Nam lại không phải là chủ nghĩa cộng sản mà là chủ nghĩa luồn lách. Chủ nghĩa cộng sản, thực tế, đã sụp đổ. Đảng CSVN hiện tại chỉ còn cái vỏ bọc cộng sản, ngoài đỏ trong xanh (màu đô la), ôm chặt quá khứ để bám víu quyền lực, bảo vệ sự lãnh đạo duy nhất mà họ tự ban cho mình. Lý tưởng của họ bây giờ là tham vọng quyền lực cá nhân, vơ vét chiếm hữu bằng mọi cách , giữ vững độc tài độc đảng bất kể lợi hại cho đất nước, cho dân tộc. Chính sự độc tài độc đảng này đã mang đến hệ quả của sự luồn lách.

Con người trong một xã hội chuyên quyền luôn phải luồn lách để sống, để tồn tại. Đó không phải là một chủ nghĩa, mà là một lối sống của những kẻ cơ hội. Những kẻ này thì ở thời nào cũng có, nhưng nó phát triển mạnh ở trong những xã hội khép kín. Công cuộc cách mạng dân chủ khi tranh đấu giành lại những quyền cơ bản của nhân dân là tìm cách biến chuyển cái xã hội khép kín này thành một xã hội mở. Khi đó, người cầm quyền, dù dưới một chế độ nào, đảng phái nào cũng không thể chuyên quyền, những kẻ cơ hội không có chỗ để luồn lách. Khi sự độc tài lui bước thì sự luồn lách cũng tiêu tan. Nhận thức được rằng sự độc tài độc đảng là nguyên nhân của vấn nạn, là kẻ thù chính của việc đấu tranh đòi hỏi dân chủ cho VN thì việc ai cầm quyền lãnh đạo đất nước, kể cả đảng CS, trong một thể chế dân chủ sẽ không còn là vấn đề. Đảng CSVN vẫn có thể cầm quyền trong một chế độ đa nguyên đa đảng, nếu như toàn dân trong một đất nước tự do vẩn tin tưởng vào sự lãnh đạo của họ qua bầu bán tư do. Vấn đề là đảng CSVN có chịu từ bỏ độc tài đảng trị, chấp nhận trò chơi dân chủ hay không?

Một cuộc cờ quá chênh lệch như vậy, làm sao đưa đến thắng lợi?

Nhà cầm quyuền CSVN nắm giữ hết mọi phương tiện và quyền lực, được coi như có hết toàn bộ những quân cờ chủ yếu trong tay. Họ lại toàn sử dụng những thế cờ cổ điển độc ác: đàn áp, trấn lột, cấm đoán, bưng bít, tuyên truyền, lừa bịp, đổi mới giả hiệu, bất chấp dư luận để chống lại công cuộc cách mạng dân chủ đích thực. Nhìn khái quát theo lối biết chơi cờ, ông NGK nghĩ rằng họ ở thế mạnh và đang trên đà thắng lợi, lưc lượng đấu tranh cho dân chủ VN ở thế yếu và đang tàn lụi. Có thưc như thế không?

Theo thiển ý, lực lượng đấu tranh cho dân chủ đang đi những nước cờ chậm rãi nhưng vững chắc. Những quân cờ mà ông gán danh hiệu “lên đồng tập thể” đang lên tiếng cho thế giới phải quan tâm đến tình hình dân chủ tại Việt Nam. Những quân cờ khác đang bị bầm dập trong lao tù mà ông tuởng rằng làm cho phong trào đấu tranh trong nước tàn lụi đi thì đã nhanh chóng xé tan cái bộ mặt giả dối của đám lãnh đạo CSVN để cho mọi người thấy rõ những trò lừa bịp xảo trá cùng những hành động dã man tàn ác của họ. Lại có những người đang sử dụng những kỹ thuật phương tiện truyền thông thông tin mới cực kỳ nhanh chóng, , đưa tin tức và hình ảnh chính xác để lột trần những âm mưu hèn hạ bỉ ổi buôn dân bán nước của đám lãnh đạo CS tồi tệ, tham nhũng, bè phái, thối nát, đồng thời mang đến cho người dân thường đang bị bưng bít thông tin một tầm hiểu biết rộng rãi hơn về một nền dân chủ đích thực. Và còn nhiều nước cờ khác nữa, âm thầm nhỏ nhoi nhưng đang có nhiều hiệu quả của tức nước vỡ bờ. Một giọt nước đứng lẻ loi thì vô hại, nhưng kết hợp lại thành sông thành suối sẽ có khả năng cuốn trôi mọi thứ nó đi qua.


Chúng ta đang ở trong cuộc với một thế trận gay go: có thể không cùng trên một bàn cờ!
Nguồn: sandlotscience.com
--------------------------------------------------------------------------------

Phải nhận thấy rằng đối thủ của công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam ở phía bên kia chỉ là một nhóm lãnh đạo thiểu số. Trong bàn cờ chính trị hiện nay, những binh hùng tướng mạnh họ đang có trong tay chỉ là những công cụ. Những công cụ này hiện là vũ khí cho công cuộc đàn áp nhân dân, bảo vệ chế độ cho họ. Nhưng chính chúng một ngày nào đó sẽ là phương tiện tiêu diệt chính kẻ điều khiển chúng. Đàn áp, bắt bớ được một người dân, giống như hạ được một quân cờ, họ rêu rao thắng lợi, họ sẽ phải đấu với hơn tám mươi triệu quân cờ cho tám muơi triệu lần tuyên bố thắng lợi. Những quân cờ dân chủ nhỏ bé, yếu ớt, nếu biết liên hoàn đoàn kết để bảo vệ che chở cho nhau, dù không tiêu diệt ngay được những xe, pháo mã thì cũng làm vật cản bước chân, vô hiệu hoá làm chúng không thể tung hoành, hoặc lợi hại hơn, làm cho chúng trở thành vật trở ngại, bao vây giam hãm chính chủ tướng của chúng.

Công cuộc đấu tranh cho dân chủ là một sự đấu tranh triền miên và nối tiếp. Mục tiêu của nó là hướng đến một xã hội bình đẳng, tươi đẹp, hoàn thiện hơn. Xã hội này chỉ có trong ước mơ. Một thành quả đạt đưọc thường nảy sinh một vấn đề cần giải quyết. Vì thế, đấu tranh cho dân chủ sẽ mãi mãi tiếp diễn và không có thắng lợi cuối cùng. Ngay cả những nền dân chủ tiên tiến nhất trên thế giới vẫn tồn tại những đòi hỏi tự do dân chủ, những thay đổi mới. Do đó, sự đấu tranh dân chủ cho Việt Nam không dừng lại khi đạt được một vài thắng lợi nhỏ nhoi, ngay cả khi có một chế độ đa nguyên. Bước đầu của công cuộc đấu tranh, người dân đòi hỏi các quyền tự do căn bản của con người, đòi lại các tài sản vật chất và những giá trị tinh thần đã bị chiếm đoạt. Người dân không cần tuyên bố thắng lợi vì không ai tuyên bố thắng lợi với kẻ cướp bóc mình. Nếu được đặt lên bàn cờ thì chúng ta đang ở trong cuộc cờ với một thế trận gay go. Chúng ta đang cần nhiều quân cờ nhập cuộc. Mỗi quân cờ, dù nước cờ non yếu, dù “chưa biết chơi cờ”, dù chỉ là một quân cờ hỗ trợ ít giá trị hay một quân cờ phải hy sinh làm vật cản cũng là một trong muôn ngàn thế cờ mà phía bên kia phải bận tâm đối phó, là một bước nhỏ nhoi cho sự đấu tranh tiến gần hơn tới đích.

Với những nước cờ nông cạn kém cỏi, công cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam đang mong đợi những thế cờ “tuyệt chiêu “ của những cao thủ. Còn những người “biết chơi cờ” đã đang hình thành một thế cờ “bí hiểm xuất thần” nào đó hay chưa?.

Australia, August 4, 2007

© DCVOnline
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3728

Aucun commentaire: