dimanche 22 juillet 2007

53 Năm Sau Ngày Chia Đôi, Việt Nam bị Thống Trị chứ chưa được Thống Nhất

53 Năm Sau Ngày Chia Đôi, Việt Nam bị Thống Trị chứ chưa được Thống Nhất


Cách đây 53 năm, đất nước đã bị chia đôi sau Hội Nghị Genève. Ra đến hải ngoại sau năm 1975 thì hàng năm gần ngày 21 tháng 7, đều có những bài viết đề cập đến ngày lịch sử này, và những lời mô tả một đất nước Việt Nam tưởng tượng mà khá hơn Việt Nam hiện tại, nếu việc này hay việc kia đã diễn ra một cách khác. Nhưng ngoài những gì đã nêu trong các bài viết này, một điểm khác mà cần nói đến là sau 53 năm chia đôi đất nước, Việt Nam đến nay vẫn chưa được thống nhất. Sau 53 năm người dân Việt Nam vẫn chưa được độc lập, vẫn chưa được giải phóng theo đúng nghĩa của những từ này. Vâng, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn thường xuyên kể công của đảng trong việc “thống nhất” hai miền. Hàng năm nhà nước Cộng Sản vẫn tổ chức lễ mừng ngày “độc lập” và cho đến nay còn có những người tại hải ngoại bị thấm tuyên truyền của Cộng Sản đến mức họ vẫn cho rằng họ đã đi vượt biên sau “ngày Giải Phóng.” Nhưng tại Việt Nam hôm nay, những sự thống nhất, độc lập, hay giải phóng, nếu có, chỉ là những ý tưởng mà nhà nước cố nhồi vào óc dân, và là những từ người dân nói trên môi vì thói quen sau khi bị bao vây bởi hệ thống tuyên truyền Cộng Sản, tuy không thật sự tin trong lòng. Trong thực tế thì Việt Nam chưa hề được thống nhất, nhưng chỉ bị thống trị bởi một tiểu số người tự cho mình là lãnh đạo, tự cho mình là đại diện cho dân.

Sau khi lên nắm quyền thì thay vì thống nhất hai miền bằng những chính sách nhân bản, xây dựng, đảng Cộng Sản đã áp dụng những chính sách trả thù, đàn áp, hành hạ người dân và tiếp tục gây những chia rẽ trong xã hội, khiến cho hàng triệu người phải thoát đi vượt biên để kiếm tự do. Thay vì tạo cơ hội cho cả nước vươn lên như tại các nước lân cận, nhà cầm quyền đã cắt đức Việt Nam từ mọi nguồn thông tin bên ngoài để làm ngu dân, kéo cả nước xuống trình độ của những đảng viên miền bắc mới vào miền nam. Vì thế mà đất nước Việt Nam dần dần tụt hậu trong khi những nước láng giềng thì lại qua mặt Việt Nam trong một thời gian rất ngắn. Điều này càng rõ ràng khi so sánh Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản với sự vươn lên của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản mà đã đến hải ngoại với hai bàn tay trắng, mà nay đã là những người đóng góp tích tích cực cho xã hội nơi họ sống, vừa lo cho gia đình con cái, mà còn đủ sức gởi về Việt Nam hơn 3 tỉ mỹ kim hàng năm.

Đã 53 năm rồi từ ngày đất nước Việt Nam bị chia đôi, mà dù đảng Cộng Sản có thống trị được đất nước thì vẫn chưa thống nhất được đất nước. Thậm tệ hơn, khi lên nắm quyền đảng đã nói rằng sẽ xây dựng một xã hội công bằng, nhân bản nhưng trong thực tế thì chỉ tiếp tục gây chia rẻ tại Việt Nam giữa người bắc và người nam, giữa đảng viên và thường dân, giữa người dân và tài sản của họ… Cho đến nay, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Cộng Sản là một nước mà người chủ phải bỏ đất mình vì bị chính phủ tịch thu và không bồi thường, người cha mẹ phải bỏ con vì đã bán nó sang nước khác lao động, con gái phải bỏ nhân phẩm mình để đi bán thân kiếm sống, tuổi trẻ phải bỏ quyền làm chủ đất nước trong tương lai vì trao quyền đó cho những công ty ngoại quốc để dụ họ đến cho mình việc làm trong hôm nay, và toàn dân phải bỏ lối hành xử tử tế nhân bản với nhau để mà tranh nhau sống qua ngày vì dưới chế độ đó chỉ có những gì gian trá, lừa gạt mới có cơ hội phát triển.

Những điều kể trên không phải là những gì mới lạ với những ai có một chút hiểu biết về Việt Nam. Thế nhưng người viết vẫn nhắc lại ở đây vì cảm thấy rằng dù ai cũng biết, không phải ai cũng nhận thức được điều này để hiểu rằng đảng Cộng Sản là kẻ thù dân tộc Việt Nam, là nguyên nhân của mọi vấn nạn của đất nước ngày nay. Ngược lại, có những người chịu lờ sự thật này đi và thậm chí không dám xem Cộng Sản là kẻ thù vì muốn được Cộng Sản xem mình là đối tác chính trị. Có những người thời cơ hiện nay đã chấp nhận sự tồn tại của đảng Cộng Sản vì lệ thuộc vào Tây phương và tưởng rằng trong thế kỷ 21 các nước chậm tiến như Việt Nam sẽ không được giải quyết các vấn đề căn bản của đất nước bằng giải pháp mà các nước Tây phương đã chọn trong thế kỷ 20, là lật đổ chế độ độc tài, xây dựng lại một chính quyền mới trên nền tảng pháp luật. Vì thế mới có những lời tự trói buộc mình vào một cuộc đấu tranh ôn hoà, vì thế mới có những nhận xét rằng Cộng Sản đã tiến bộ nhưng cần tiến bộ thêm, vì thế mới có những buổi gặp gỡ chính giới cao cấp để nói lên toàn những điều chung chung mà không nói lên được ước vọng của toàn dân Việt Nam là chế độ Cộng Sản phải đi thôi. Vì có những người thế này mà công cuộc đấu tranh có thể bị sa lầy nếu họ thành công trong việc lôi đồng bào hải ngoại vào con đường hoà hợp hoà giải.

Cho nên nhân dịp 53 năm Việt Nam bị chia đôi, người viết nhắc lại là kẻ thù còn đó và mục đích lâu nay còn nguyên. Chúng ta sống tại hải ngoại, nhưng có lẽ không ngoài vòng ảnh hưởng của chế độ. Chúng ta đừng cho phép đảng Cộng Sản khiến chúng ta bỏ lập trường Quốc Gia của mình để đuổi theo những quyền lợi nhất thời, được lên báo, được cho ý kiến, mà cuối cùng chỉ làm chậu kiểng trang trí sân kháu chính trị của Cộng Sản.

Vũ Nhân Phong
www.tamthucviet.com
21-7-2007

Aucun commentaire: