mardi 31 juillet 2007

HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ 6/3/1946

HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ 6/3/1946
(ký kết giữa Hồ Chí Minh & Vũ Hồng Khanh với Sainteny)












s

***********

Hiệp định sơ bộ Xuân Bính Tuất


Minh Võ

Jean Sainteny, người ký với Hồ Chí Minh hiệp định sơ bộ Xuân Bính Tuất

Mùa Xuân năm Bính Tuất, cách nay đúng một chu kỳ 60 năm theo âm lịch, đã có 2 hiệp ước quan trọng liên quan đến vận mệnh Việt Nam. Thứ nhất là hiệp ước Pháp Hoa ký ngày 28/2/1946, theo đó Trung Hoa thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Đổi lại, Pháp bỏ tô giới ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Đông, bán lại đường hoả xa Vân Nam, và sửa đổi quy chế người Hoa ở Đông Dương.

Với hiệp ước này, quân Pháp vào Bắc Việt qua hải cảng Hải Phòng, thay thế quân Trung Hoa làm nhiệm vụ tiếp quản Đông Dương, theo quy định của hiệp ước Potsdam ký kết gũa các đại cường sau thế chiến 2, bất chấp cái gọi là tuyên ngôn Độc Lập và chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Và như vậy chiến tranh chắc chắn bùng nổ ngay, nếu không có một thoả thuận giữa Pháp và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.


Jean ROGER (bí danh Jean SAINTENY, 1907-1978)
Nguồn: site.voila.fr
--------------------------------------------------------------------------------

Vì thế mới có hiệp định sơ bộ (convention préléminaire) mồng 6 tháng 3 năm 1946 (đầu năm Bính Tuất). Hiệp định này đã được ký kết một cách hết sức khẩn trương, sau nhiều tháng thương thuyết cam go giữa Hồ Chí Minh và đại diện Pháp quốc là Jean Sainteny. Cuộc thương thuyết kéo dài gần 6 tháng, sao lại nói là khẩn trương? Kéo dài vì hai bên đều kỳ kèo bớt một thêm hai, bên nào cũng muốn lợi về phần mình. Còn khẩn trương vì tính từ khi hiệp ước Pháp Hoa được ký (ngày 28/2/46) cho đến khi hiệp định sơ bộ ra đời chỉ vẻn vẹn có 1 tuần. Nếu kéo dài thêm nữa, khó tránh chiến tranh, là điều lúc ấy Hồ Chí Minh chưa sẵn sàng.

Hiệp định đó đã mang chữ ký của 2 người, đồng thời có thêm chữ ký của một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng là Vũ Hồng Khanh, với tư cách là “đại biểu đặc biệt của hội đồng bộ trưởng” (chính phủ Liên Hiệp). Ông Khanh, ký vì mắc mưu của cáo già HCM, sau này bị các đồng chí phê bình và trở thành nguồn chia rẽ giữa Quốc Dân đảng trong một thời gian.

Hiệp định có 3 điều khoản và một phụ ước. Hai đều chính yếu trong 3 điều khoản này là:

Thứ nhất: Chính phủ Pháp nhìn nhận Việt Nam là một nước tự do có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp.

Thứ hai: Chính phủ Việt Nam ưng thuận sẵn sàng đón rước quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa, theo hiệp ước quốc tế quy định
.

Mặc dầu bên cạnh chữ ký của Hồ Chí Minh, Cộng Sản, còn có chữ ký của một lãnh tụ Việt Quốc, các đảng phái quốc gia lúc ấy cực lực chống đối hiệp định này, vì nó chỉ công nhận VN là một nước tự do trong liên hiệp Pháp, chứ không phải độc lập hoàn toàn. Nó cũng không xác định quyền VN có quân đội riêng và chính sách ngoại giao độc lập. Nhưng bút sa gà chết, Việt Nam Quốc Dân Đảng há miệng mắc quai.

Đó là cái tài xảo trá của ông Hồ. Ông ta đã bằng mọi cách cố đạt được một thoả hiệp với người Pháp để đuổi khéo quân đội Trung Hoa Quốc Gia, lúc ấy quân số lên đến 200.000 do các tướng Tiêu Văn và Lư Hán cầm đầu, và là lực lượng triệt để ủng hộ các đảng quốc gia. Như vậy cũng chẳng khác gì chặt bỏ một hậu thuẫn mạnh của phe quốc gia. Từ đó ông Hồ có thể dùng chính quân đội Pháp để diệt các đảng quốc gia, là đối thủ của ông ta.

Mục đích thứ hai mà ông Hồ đạt được với hiệp định này là được một cường quốc Tây Phương gián tiếp công nhận chính phủ của ông ta là chính phủ duy nhất của Việt Nam.

Ngày nay gẫm lại bài học quá khứ, các đảng phái quốc gia không khỏi buồn là chẳng những mình đã mắc mưu CS, đứng chung trong chính phủ Liên Hiệp để ông Hồ chứng tỏ được với nhân dân rằng ông ta tạo được một sự đoàn kết quốc gia, mà còn để cho một lãnh tụ của mình cùng ký với ông Hồ một hiệp định để củng cố thêm uy tín của ông ta trước quốc tế.

Để giúp độc giả biết thêm về nhà ngoại giao Pháp Jean Saiteny và những liên hệ và cảm tình của ông ta dành cho Hồ Chí Minh cũng như ảnh hưởng của hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm Bính Tuất, chúng tôi xin phân tích, phê phán tác phẩm FACE À HỒ CHÍ MINH của ông ta, đồng thời (trong phần chú thích) cũng sẽ nhắc lại sơ qua một tác phẩm khác ông ta viết trước đó là HISTOIRE D’UNE PAIX MANQUÉE.



Sau khi dự đám tang Hồ Chí Minh đầu tháng 9 năm 1969 với tư cách nhà ngoại giao Tây phương duy nhất, Jean Sainteny bắt đầu viết cuốn Face à Ho Chi Minh (Éditions Seghers, Paris, 1970).

Cuốn sách được Herma Briffault dịch ra Anh ngữ với tựa đề Hồ Chí Minh and his Việt Nam, a personal memoir được Cowles Book Company, Inc. xuất bản tại Chicago, Hoa Kỳ năm 1972. Phần trích dẫn ở đây là theo bản Anh ngữ.

Trước đó 5 năm, Sainteny đã viết một tác phẩm đáng chú ý khác là Histoire d’une paix manquée – Chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ – Fayard xuất bản 1967.

Theo nhà xuất bản, Sainteny là nhà ngoại giao Tây phương biết rõ nhất về Hồ Chí Minh. Ông là người đã gặp Hồ Chí Minh nhiều lần, là người thương thuyết với Hồ Chí Minh ròng rã 6 tháng để đi đến thoả ước 6-3-1946 mang chữ ký của ông.

Khi Hồ Chí Minh tới Pháp theo dõi cuộc thương thuyết Fontainebleau giữa hai phái đoàn Việt Pháp, tác giả cũng là người nhận lệnh của chính phủ Pháp đón tiếp và chu cấp mọi tiện nghi. Sau hiệp định Genève 1954, Sainteny là sứ giả Pháp giao dịch với miền Bắc để tìm cách duy trì một số cơ sở văn hóa, kinh tế tại đây, nhưng không thành công.

Sainteny ghi rõ ông không có tham vọng viết sử mà chỉ trình bày một số sự việc do ông biết về Hồ Chí Minh như một chứng nhân để cung cấp tài liệu sống và kinh nghiệm cá nhân cho các nhà chép sử sau này.

Ngay trong lời nói đầu, tác giả không che giấu cảm tình của mình qua lời diễn tả đã muốn rơi lệ vào lúc nghiêng mình bên quan tài Hồ Chí Minh.

Sainteny không phủ nhận ảnh hưởng của cộng sản đối với Hồ Chí Minh và cho biết ngay khi mới tới Pháp, Hồ Chí Minh đã say mê đọc Marx, kể cả tác phẩm đồ sộ Tư Bản Luận. “Chẳng bao lâu nó đã là cuốn sách gối đầu giường, người bạn ban đêm của ông Hồ. Ông ta hoàn toàn gắn bó với chủ nghĩa cộng sản. Ta có thể nói điều này một cách chắc chắn.” (1)

Nhưng tác giả viết: “Hồ cũng như Mao đã trở thành cộng sản ngay từ năm 1917. Tuy nhiên đối với ông ta, cộng sản ban đầu phần lớn chỉ là phương tiện để đạt mục đích dành độc lập cho tổ quốc. Không biết bao lần người ta đã hỏi tôi “ông Hồ quốc gia hay cộng sản?” Câu trả lời của tôi luôn vẫn thế: “Cả hai”. (2)


Hồ Chí Minh và Jean SAINTENY
Nguồn: expositions.bnf.fr
--------------------------------------------------------------------------------

Tuy nhiên, tác giả biết rõ nhiệm vụ mà Quốc Tế Cộng Sản đã trao cho ông Hồ Chí Minh và khẳng định: “Tại Quảng Đông, ông Hồ coi phòng báo chí của tòa lãnh sự Liên Xô, nhưng sứ mạng chính của ông là chuẩn bị tuyên truyền và hành động cho cộng sản ở Đông Dương”. (3) Ông còn ghi năm 1928, Hồ Chí Minh tới Thái Lan phụ trách 2 loại công tác trên của cộng sản ở vùng Đông Nam Á, Mã Lai Á, Thái Lan, Miến Điện và dĩ nhiên Đông Dương.

Trang 28, tác giả cho biết Hồ Chí Minh đã được giao phụ trách huấn luyện cho quân Quốc Dân Đảng Trung Quốc về du kích chiến vào năm 1938, khi mà hai phe Quốc - Cộng Trung Hoa lại một lần nữa tạm liên hiệp để chống Nhật xâm lăng.

Sainteny trưng dẫn và đồng ý với phát biểu của “đồng chí Ducroux”: “Tôi không phủ nhận ông ta là người theo chủ nghĩa quốc tế (cộng sản) chân thành và là nhà cách mạng đích thực, nhưng Việt Nam luôn chiếm vị trí hàng đầu đối với ông –...I don’t deny that he was a sincere internationalist and a true revolutionary, but Việt Nam always took first place for him”. (4)

Tác giả dành riêng 15 trang của chương 6 nói về những cuộc đàm thoại giữa mình với Hồ Chí Minh với lời mở đầu: “Ngay khi vừa gặp lần đầu ngày 15-10-1945, tôi cũng như tướng Allessandri và Léon Pignon, đều tin chắc Hồ Chí Minh là một nhân vật thượng thặng.”

Qua hàng loạt hội kiến sau đó kéo dài 6 tháng, tác giả đã có một nhận định tổng quát về con người, về lập trường cũng như chiến lược sách lược đấu tranh bằng thương thuyết của Hồ Chí Minh. Đại khái trước tình hình khó khăn do sự hiện diện của quân đội Trung Hoa Dân Quốc tại miền Bắc vĩ tuyến 16 mang theo về các đảng quốc gia gồm Đại Việt, Việt Cách và nhất là Việt Quốc, Hồ Chí Minh đã phải khéo léo tranh thủ cảm tình của người Pháp – Đã rõ là ông Hồ không thể loại bỏ mối đe dọa từ phía Trung Hoa mà không có sự ủng hộ của Pháp.

Về điểm này quyền lợi của hai bên Việt Pháp gặp nhau. (5) Tác giả cho biết không hề ảo tưởng là Hồ Chí Minh nhượng bộ nhiều, vì ông ta có những điểm cần phải bảo vệ một cách quyết liệt và viết tiếp: “Khi những mưu tính của ông ta hay đồng chí của ông ta, hoặc chính bản thân ông ta bị đe dọa, ông ta sẽ không do dự dùng những cách tàn bạo. Về phương diện này, ông ta hoàn toàn thuộc về cái thứ châu Á quá nhiều mâu thuẫn, ở đó người ta áp dụng những hình thức tra tấn cực hình tinh vi nhất tiếp theo những nghi thức xã giao rất ư ngọt ngào” (6).

Liền sau đó, Sainteny cho thấy sự uyển chuyển của Hồ Chí Minh khi ứng phó với tình thế khác hẳn thái độ cố chấp cứng ngắc của những người Việt Nam đấu tranh yêu nước lúc đó: “Để đạt mục đích đối với chúng tôi, Hồ Chí Minh đủ sáng suốt để không đòi hỏi quá nhiều như một số đối thủ của ông ta. Trong khi những người này đòi độc lập hoàn toàn và tức khắc như điều kiện tiên quyết để thương thuyết thì Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng bằng lòng với sự độc lập tương đối, chấp nhận một thoả hiệp hòa nhã với nước Pháp để rồi chẳng bao lâu sau nước ông sẽ được độc lập hoàn toàn.”

Tác giả tỏ ra tán đồng sự uyển chuyển này và nghĩ rằng Hồ Chí Minh vẫn không quên mục tiêu giành độc lập cho đất nước: “Tại sao chúng ta lại phải nghi ngờ lòng thành thực của ông ta? Ông ta đã chờ 35 năm, và có thể chờ thêm dăm năm nữa có sao. Kiên trì là đức tính của Á Đông mà.” (7)

Khi nói về đòi hỏi quá nhiều của những người quốc gia “đối thủ của Hồ Chí Minh”, có lẽ tác giả nhớ lại Nguyễn Tường Tam mà ông gặp qua trung gian một sĩ quan Việt tên Phác, khi mới đến Côn Minh để đảm nhận trọng trách “Phái Bộ 5”. Nguyễn Tường Tam đã cảnh cáo người Pháp về quyết tâm kinh khủng của đồng bào ông là phải thoát ngay ách đô hộ của người Pháp. Còn Hồ Chí Minh sau đó đã gửi cho phái bộ này bức điện văn 5 điểm trong đó có điểm 2 như sau: “Nền độc lập phải được trao trả trong thời hạn 5 năm hay tối đa 10 năm” (8)

Chương 10, nói về tôn giáo, Sainteny gần như không mảy may nghi ngờ về việc Hồ Chí Minh đóng kịch khi nói đến Thượng Đế một cách kính cẩn. Trong khi tạm trú ở Biarritz để chờ được đón tiếp chính thức bởi chính phủ mới của Pháp lúc ấy chưa lập xong, Hồ Chí Minh đã đề nghị được đi thăm viếng Lộ Đức (9) và “đã tỏ ra rất cung kính và thích thú khi được Đức Cha Théas đón tiếp tại đây.” (10)

Sainteny cũng nhắc lại lá thư riêng của Hồ Chí Minh gửi cho mình ngày 24/2/1947, trong đó Hồ Chí Minh hy vọng Thượng Đế sẽ giúp hai người thành công trong nỗ lực mưu tìm hòa bình. Tác giả viết: “Ông Hồ xin Thượng Đế chứng giám cho là cả hai chúng tôi không ai có trách nhiệm về cuộc chiến đã tàn phá đất nước ông từ ngày 19/12/1946.”

Sainteny ghi lại ý nghĩ của mình là Hồ Chí Minh không cần giả vờ nhắc đến Thượng Đế trong dịp này. “Để đánh lừa ai? Chắc chắn không phải tôi. Và, ông ta cũng biết chắc chắn là tôi không công bố lá thư đó.”

Sainteny hoàn toàn đúng khi nghĩ Hồ Chí Minh biết chắc chắn sẽ không có việc công bố lá thư và vì thế Hồ Chí Minh sẽ không cần giả vờ để đánh lừa bất kỳ ai.

Nhưng khi xác quyết Hồ Chí Minh không nhắm đánh lừa mình – chắc chắn không phải tôi – Sainteny đã chứng tỏ là chủ quan tới mức lầm lạc. Đặt lên bàn cân việc chinh phục lòng tin của một người như Sainteny và chinh phục lòng tin của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người Pháp khác không ở cương vị của Sainteny lúc đó thì vấn đề đã dễ dàng sáng tỏ. Sainteny không lưu tâm so sánh và còn nhắc thêm một câu do Hồ Chí Minh viết trong di chúc về việc ông ta sẽ đi gặp Các Mác và Lênin, để cho rằng Hồ Chí Minh thực sự tin ở đời sau. (!)

Thực ra, cảm tình mà Sainteny dành cho Hồ Chí Minh đến mức tin rằng mình không bị gạt hoàn toàn không gây ngạc nhiên khi người ta biết về cung cách giao tiếp của Hồ Chí Minh và biết rõ Sainteny là người có nhiều dịp đặc biệt cùng Hồ Chí Minh gặp gỡ kể từ 1945. Lần cuối Sainteny gặp Hồ Chí Minh là tháng 7-1966. Lần gặp này, Sainteny cho biết, Hồ Chí Minh rất mãn nguyện vì được đọc thư của tướng De Gaulle là người mà dịp qua Pháp 1946, Hồ Chí Minh rất muốn gặp nhưng không được.

Sainteny kể lại là Hồ Chí Minh cười thoải mái khi đọc đến câu De Gaulle “giới thiệu” Sainteny. – “Giới thiệu ông với tôi! Đâu có cần. Chúng ta đã biết nhau nhiều mà... Đừng gọi tôi là chủ tịch nữa. Giữa chúng ta mấy tiếng đó thật buồn cười!...”

Cung cách tiếp xúc với lời lẽ thân mật đó đủ tạo một ấn tượng tốt với người đối diện và tất nhiên dễ chinh phục sự tin tưởng về các vấn đề được nêu ra.

Trong tương quan với Hồ Chí Minh, Sainteny còn được dành một ưu tiên đặc biệt là bất cứ lúc nào cần đều có thể gặp mặt. Sự biệt đãi này khiến Sainteny luôn hãnh diện vì được Hồ Chí Minh coi như bạn. Suốt nhiều năm qua lại Hà Nội, chỉ một lần duy nhất Sainteny không được Hồ Chí Minh đích thân ra đón. Đó là lần Sainteny tới với tư cách đại diện toàn quyền Pháp tại miền Bắc Việt Nam. Lần đó, Sainteny hơi cảm thấy buồn, nhưng về sau được biết là Hồ Chí Minh đang đau nên hoàn toàn an tâm về tình bạn đã có.

Với tư cách nhà ngoại giao lão luyện và ở cương vị đặc biệt để nắm vững nhiều biến cố, Sainteny đã đề cập tới nhiều hành vi nham hiểm, tàn ác mà Hồ Chí Minh và các đồng chí theo đuổi đối với kiều dân Pháp tại Việt Nam. Chính Sainteny đã là nạn nhân và bị thương nặng ngay đêm 19-12-1946. (11) Sainteny cũng nắm vững cả việc Hồ Chí Minh mượn tay Pháp tiêu diệt các đảng đối lập. Nhưng tình cảm bạn bè đã dập tắt mọi ý nghĩ ngờ vực chê trách và đôi khi còn thúc đẩy Sainteny bày tỏ sự tán trợ.

Trong lần gặp gỡ cuối cùng, hai người đề cập tới cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra tại miền Nam và mức độ oanh tạc leo thang của Mỹ tại miền Bắc. Hồ Chí Minh tỏ ra rất tự tin, tâm sự với Sainteny rằng “nước Mỹ có thể xóa sạch thành phố này cũng như nhiều thành phố khác của Việt Nam nhưng không làm chúng tôi lay chuyển đâu. Ông biết đó, chúng tôi đã có kinh nghiệm và ông đã thấy chiến cuộc kết thúc ra sao.”

Sainteny cho là Hồ Chí Minh có ý nhắc tới trận Điện Biên Phủ nhưng ông không cảm thấy mỉa mai chua xót và cũng không nghĩ rằng Hồ Chí Minh có ý khoe khoang hay châm chọc. (12)

Ý nghĩ không thay đổi của Sainteny là trách cứ các chính phủ Pháp không chịu trao trả độc lập cho Việt Nam, như người Anh đã làm với Ấn Độ năm 1948.

Sainteny xác định không có tham vọng làm công việc chép sử nên ông thoải mái phơi trải cảm xúc cá nhân. Với tư cách nhà ngoại giao từng một thời có mặt tại Việt Nam, ông cung cấp khá nhiều tài liệu về những biến cố đã xẩy ra. Riêng về xu hướng tư tưởng của Hồ Chí Minh, ít nhất Sainteny cũng xác định một điều là Hồ Chí Minh say mê chủ nghĩa Cộng Sản, chọn Tư Bản Luận làm sách gối đầu giường và đọc Karl Marx một cách ngấu nghiến. (13)

Cảm giác còn lại rõ rệt sau khi đọc tác phẩm của Sainteny là sức mạnh lấn át của tình cảm so với nhận thức hiện ra thật rõ ràng, kể cả với những người thường xuyên phải vận dụng lý trí.


© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------
(1) - Hoà Chí Minh and Vietnam, a personal memoire, trang 18.
(2) - (3) - (4) SĐD các tr. 20, 23, 34
(5) SĐD tr. 55, nguyên văn bản tiếng Anh: It is clear that HCM could not eliminate the Chinese menace without French support. On this point our interests coincided.
(6) - (7) SĐD tr. 57.
(8) Histoire d’une paix manquée, Fayard, Paris, 1967, tr. 66- 68.
(9) Một thánh địa ở Tây Nam nước Pháp, nơi Đức Bà Maria, năm 1858 đã hiện ra với một thiếu nữ quê mùa (sau được Giáo Hội phong thánh là thánh Bernadette) và làm nhiều phép lạ.
(10) SĐD tr. 132.
(11) Trang cuối cùng tác phẩm Histoire d’une paix manquée (Fayard 1967, tr. 147), Sainteny viết: “20 giờ đúng. Thành phố chìm sâu trong im lặng. Đồng hồ bệnh viện Yersin điểm 8 tiếng trầm chậm. Tôi bảo mấy cộng sự viên: “Hình như chưa phải tối nay đâu. Tôi đi về nhà cái đã.” Tôi vừa vào trong xe thì nghe tiếng nổ bụp, và bỗng cả thành phố chìm trong bóng tối. Nhà máy đèn trung ương vừa phát nổ. Lúc ấy là đúng 20 giờ 04...đêm 19-12-1946, cũng y hệt đêm 9-3-1945 cũng đúng 20 giờ 04, trong cùng một giờ, cùng một hoàn cảnh, dân Việt Nam, những học trò đời đời ngoan ngoãn đã thực hành bài học mà những ông thầy Nhật Bổn đã dậy họ 21 tháng trước đó. Đàng khác, một vài kẻ trong số những ông thầy đó giờ đây cũng ở đâu đó không xa.” Những phát súng đầu tiên như pháo rang xé toang bóng đêm bao trùm thành phố, chôn vùi những cố gắng và hy vọng của chúng ta.”

Và hai trang sau là phần viết tiếp của nhà xuất bản đã cho biết về tình trạng của tác giả: “Chiếc xe có gắn đại liên chở Sainteny đã cán mìn cỡ nặng, bắn tung lên, đốn ngả cây cối bên đường và biến mặt tiền của một cửa hiệu thành tro bụi. Nó bốc cháy trong cơn mưa lựu đạn.... Sainteny cố thoát ra được khỏi xe. Các người khác cùng lần lượt ra được. Nhưng kẻ thì hấp hối, đầu tựa vào đầu gối tác giả, người thì toàn thân như bó đuốc, phải chữa trị nhiều tháng trong bệnh viện. Riêng tác giả bị thương nặng ở lưng và hông phải nát bấy. Ông được giải phẫu ngay đêm đó và chỉ ít ngày sau đã cố trở lại nhiệm sở bằng xe cứu thương! ....
(12) SĐD tr. 164.
(13) Histoire d’une paix manquée tr. 179, nguyên văn: Il dévore Karl Marx.

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3061

*********

NVN


Nhưng tác giả viết:“Hồ cũng như Mao đã trở thành cộng sản ngay từ năm 1917. Tuy nhiên đối với ông ta, cộng sản ban đầu phần lớn chỉ là phương tiện để đạt mục đích dành độc lập cho tổ quốc. Không biết bao lần người ta đã hỏi tôi “ông Hồ quốc gia hay cộng sản?” Câu trả lời của tôi luôn vẫn thế: “Cả hai”.

HCM là một "tín đồ vô sản" cuồng tín của Mao/Stalin qua câu nói để đời: "Bác Cháu chúng ta có thể sai, nhưng 2 vị lảnh tụ Mao/Stalin thì không bao giờ sai" : YÊU NƯỚC-QƯỐC GIA + CUỒNG TÍN CS = TAI HỌA THẾ KỲ.

Trích từ http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9393&rb=0302 :
Tai hoạ của thế kỷ. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và tính đặc thù của thảm hoạ

Mặc dù chủ nghĩa Quốc xã đã thực hiện những tội ác mà chủ nghĩa cộng sản có thể không so sánh được nhưng phải nói rằng sự tàn phá về mặt đạo đức của chủ nghĩa cộng sản thì sâu hơn và rộng hơn nhiều. Có hai lý do:

Thứ nhất, toàn dân phải học các nguyên tắc đạo đức mới. Các chứng cớ đã nói với ta rằng đây là sự cải đạo bắt buộc, đấy là sự áp bức nặng nề nhất, khó chịu nhất, so với nó thì tất cả những thứ khác: sự thiếu vắng tự do chính trị và dân sự, việc theo dõi của cảnh sát, sự đàn áp về thể xác và kể cả nỗi sợ hãi, đều không là gì so với nền giáo dục bắt buộc đó. Nó có thể làm người ta phát điên vì nó trái ngược hẳn với các sự kiện rõ ràng, trái ngược hẳn các sự kiện có thể cảm thấy được. Và cuối cùng, tất cả các “biện pháp” và “cơ quan” đều bị nó khống chế. Chủ nghĩa cộng sản có thời gian tồn tại lâu hơn chủ nghĩa Quốc xã cho nên nền giáo dục này đã hoàn thành nhiệm vụ mà nó đặt ra. Sau khi sụp đổ, nó đã để lại một xã hội đầy thương tích, để lại những tâm hồn bị đầu độc khó thanh tẩy hơn là ở nước Đức mà sau một giai đoạn vong thân tạm thời, đất nước này đã thoát ra khỏi cơn ác mộng, sẵn sàng lao động, sẵn sàng sám hối.

Thứ hai, vì có sự lẫn lộn thâm căn cố đế giữa đạo đức vẫn được mọi người thừa nhận và đạo đức cộng sản: cái sau ẩn náu sau cái trước, sống ký sinh vào cái trước, giết chết cái trước, như bệnh hoại thư, dùng cái trước làm phương tiện truyền bệnh của mình. Đây là một thí dụ: Trong một cuộc tranh luận sau khi xuất bản Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản, tác giả của những bài xã luận trên tờ Humanité đã tuyên bố trên truyền hình rằng 85 triệu người bị giết hại không hề làm lu mờ lý tưởng cộng sản; đấy chỉ là kết quả của những sự lệch lạc rất đáng tiếc mà thôi. Sau Oswiecim, ông ta tuyên bố, không thể là đảng viên Quốc xã được nữa, nhưng sau những trại tù của Liên Xô thì người ta vẫn có thể là đảng viên cộng sản được. Con người này, lúc đó vẫn còn tỉnh táo, không biết rằng ông ta đã tự ký cho mình bản án tử hình khi nói như thế. Ông ta không nhận ra rằng lý tưởng cộng sản đã đánh mất hoàn toàn nguyên tắc thực tiễn và cơ sở đạo đức đến nỗi trong thực tế, nó vẫn còn sống được sau khi đã để lại trên đường đi của nó 85 triệu xác chết, trong khi lý tưởng Quốc xã đã sụp đổ dưới sức nặng của chính những xác chết do nó tạo ra.

...
Ông ta đã nói những lời lẽ khủng khiếp như thế trong khi nghĩ rằng mình là một người trung thực, một người trung thành với lý tưởng, một người không khoan nhượng. Chủ nghĩa cộng sản tha hoá hơn chủ nghĩa Quốc xã vì nó không bảo người ta chấp nhận một cách có ý thức tư cách của kẻ làm điều ác nhưng nó lại lợi dụng tinh thần công bằng và bác ái thịnh hành trên khắp hành tinh để truyền bá cái ác. Tất cả các thí nghiệm của cộng sản đều bắt đầu bằng sự trong trắng, hồn nhiên.

---
Trúc Lê


HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ 6/3/1946
(ký kết giữa Hồ Chí Minh & Vũ Hồng Khanh với Sainteny)

(Bản dịch của Trúc Lê)

Hiệp Định Giữa Pháp Quốc và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ngày 6/03/1946

4. Chính phủ nước Pháp công nhận Cộng Hòa Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ riêng, quốc hội riêng, quân đội riêng và tài chính riêng, là một thành phần thuộc Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp Quốc. Về vấn đề thống nhất ba Kỳ của An Nam [Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ] chính phủ Pháp cam kết sẽ tôn trọng quyết định của người dân thông qua một cuộc Trưng Cầu Dân Ý.

5. Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng tiếp đón thân thiện Quân đội Pháp khi họ tuân theo các thỏa thuận quốc tế để vào (Việt Nam) thay thế cho các đoàn lính Trung Hoa. Một Thỏa Ước Phụ, đính kèm theo Hiệp Định Sơ Bộ này, sẽ nêu rõ các phương tiện mà các cuộc hành quân tiếp thu này phải tuân thủ.

6. Những điều ký kết nói trên sẽ có hiệu lực tức thì. Ngay sau khi trao đổi chữ ký của hai bên, các Cơ Quan Cao Cấp của mỗi bên sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chận các hành vi thù nghịch trên các hiện trường, để giữ cho binh lính của hai bên ở nguyên vị trí đang chiếm đóng, và để tạo ra một không khí thuận lợi cần thiết cho việc mở ra tức thời các cuộc thương thuyết thân thiện và chân thành. Các cuộc thương thuyết này sẽ đặc biệt điều đình về các điểm sau:
a. Các liên hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước ngoài;
b. Luật pháp tương lai của Việt Nam
c. Các quyền lợi kinh tế, văn hóa của nước Pháp ở Việt Nam.

Hà Nội, Sài Gòn và Paris có thể được chọn để là nơi họp mặt để thương thuyết.

LÀM TẠI HÀ NỘI , ngày 6 tháng 3 năm 1946.
Đã ký: Sainteny
Đã ký: Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh.

Source: Les Papiers Du Pentagone , Édition De Gravier, Volume 1, Chapitre 1 (Boston: Pression de balise, 1971), pp 18-19


Đọc lại lịch sử về Hiệp Định Sơ Bộ 6/3/1946 tôi không khỏi buồn lòng về cung cách của những người Việt theo chủ nghĩa quốc gia trước những người Việt theo chủ nghĩa cộng sản mà ông Hồ Chí Minh là nhân vật tiêu biểu. Phải thành thật thú nhận rằng người quốc gia đã thua người cộng sản vì cái tâm của người quốc gia quá trong sáng, luôn luôn lấy sự độc lập tự do của dân tộc làm cứu cánh. Chính vì cái tâm đó mà người quốc gia đã bị ông Hồ lừa bịp và tiêu diệt không còn một manh giáp để cuối cùng ôm hận nhìn quê hương tang tóc đổ vở như ngày nay. Lấy thí dụ ông Vũ Hồng Khanh là một lãnh tụ có uy tín của phe những người quốc gia. Thế mà ông đã dễ dàng bị những lời đường mật của ông Hồ lừa dối để ký cái Hiệp Định Sơ Bộ này, hầu chia xẻ với ông Hồ tội phản quốc (chấp nhận cho người Pháp trở lại VN, ngược với ý nguyện của toàn dân lúc đó). Ông VHK hoàn toàn không chút nghi ngờ dã tâm của ông Hồ là dùng người Pháp để đuổi người Tàu (phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch) ra khỏi VN, để loại bỏ một thế lực lớn đang ủng hộ mạnh mẽ phe Quốc Gia lúc đó, và sau đấy dùng tay Pháp và tay của tướng sát nhân Võ Nguyên Giáp, đi lùng và giết sạch những người quốc gia đang cộng tác với ông Hồ trong chính phủ liên hiệp Việt Minh của những phe nhóm quốc gia và cộng sản. Cái đau đớn nhất của người quốc gia là, lớp thì bị Việt Minh và Pháp giết thẳng tay, lớp khác (rất nhỏ) thì nhờ may mắn trốn ra khỏi VN, hoặc chạy về phía đất do Pháp đang cai quản, và tất cả đều bị ông Hồ và phe CS tố cáo là Việt gian bán nước. Trong khi sự thật là chính phe ông Hồ mới là Việt gian thứ thật vì đã làm tay sai Nga Tàu để đem chủ nghĩa Mác Lê về hủy hoại quê hương. Bài học đau đớn này người Việt quốc gia đã không bao giờ quên.

(Trích Chỉ thị của Ban T.V.T.W Hoà để tiến, ngày 9-3-1946 từ Văn kiện Đảng toàn tập của ĐCSVN)

I – Hiệp định sơ bộ Việt Pháp
Ngày 6-3-46, Chính phủ ta đã ký với đại biểu Pháp ở Hà Nội bản Hiệp định sơ bộ (Convention preliminaire) gồm có ba khoản đại khái như dưới đây:
a) Nước Pháp công nhận nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam là một nước tự do có ba kỳ, đứng trong... khối Liên hiệp Pháp.
b) Nước Việt Nam thuận để quân đội Pháp vào Bắc Việt Nam, thay quân đội Tàu, hạn quân Pháp ở Đông Dương không quá 5 nǎm.
c) Hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức và trong khi đàm phán, quân hai bên đóng đâu vẫn cứ đóng đấy.
Như thế là nhờ sự chiến đấu anh dũng của chúng ta trong mấy nǎm nay và nhất là trong mấy tháng kháng chiến gần đây và nhờ tinh thần yêu chuộng tự do, chính nghĩa của dân Pháp, Chính phủ Pháp đã phải công nhận quyền tự chủ và sự thống nhất quốc gia của ta. Hiệp định Việt - Pháp có được là vì nước Việt Nam mới có lực lượng chiến đấu mới và nước Pháp mới cũng có tinh thần tự do mới.

(còn tiếp)

Chúng ta hoà với Pháp để:

1- Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động (thực dân Pháp, Tàu trắng, bọn phản cách mạng trong nước), chúng sẽ đúc thành một khối và được bọn đế quốc Anh, Mỹ giúp sức để đánh ta trong khi các lực lượng hoà bình, tự do và tiến bộ trên thế giới (như Liên Xô, phong trào cộng sản ở Tàu và Pháp, cách mạng thuộc địa) chưa thể trực tiếp giúp ta được.

2- Bảo toàn thực lực dành lấy giây phút nghỉ ngơi và củng cố vị trí mới đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào. Tóm lại để chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới.
Do Hiệp định ngày 6-3-1946, nước Pháp chưa chịu nhận Đông Dương hoàn toàn độc lập ngay, nhưng cũng không giữ chủ trương lạc hậu của Chính phủ de Gaulle trước đây chỉ nhận cho Đông Dương tự trị theo Bản Tuyên ngôn ngày 24-3 nǎm ngoái.
Thật thế, nước Pháp nhận nước Việt Nam là một nước tự do (Etat libre) có Chính phủ tự chủ (Self Gouvernement), có nghị viện, có quân đội và tài chính riêng, v.v. còn hai nước nhỏ trong Đông Dương như Ai Lao thì nước Pháp chưa bàn đến và Cao Miên thì đã tuyên bố nhận quyền tự trị rồi.

Tóm lại, ba nước ... không thể trở lại chế độ thuộc địa như trước chiến tranh nữa, nhưng cũng chưa được độc lập: nghĩa là hoặc được tự trị như Cao Miên hoặc được hưởng một chế độ rộng rãi hơn tự trị như Việt Nam.
Song Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, chỉ là bước đầu. Cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, lấy bản Hiệp định sơ bộ làm nền tảng.
Nhiệm vụ của chúng ta là hậu thuẫn cho Chính phủ trong cuộc đàm phán chính thức nay mai.


Chỉ cần đọc đoạn 1 trên đây trong Chỉ Thị của Thường Vụ Trung Ương ĐCSVN về Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 là ngày nay ai ai cũng nhận rõ Hồ Chí Minh và phe của ông vào năm 1946 đã lộ rõ bộ mặt tay sai của Nga Tàu vì chỉ thị này (cũng như các văn khiện khác của đảng CSVN từ trước đến nay) luôn luôn nhắc đến Liên Xô và Trung Quốc như là các lực lương hòa bình, tự do và tiến bộ trên thế giới. Thực chất là hai ông nội Liên Xô và Trung Quốc này chính là hai lực lượng ác độc, tàn bạo, hiếu chiến và phi nhân nhất trong lịch sử nhân loại.

(Trích bài Thỏa hiệp án 14/9/1946: ông Hồ cấu kết với Pháp để tiêu diệt các đảng quốc gia của Hứa Hoành)

…………………………………

Sau ngày 2/9/45, VN trở thành quốc gia độc lập thật sự, mà kẻ thù chính là thực dân Pháp còn ở xa. Với Hiệp ước sơ bộ (6/3/1946), ông Hồ mời quân Pháp vào chiếm đóng Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc. Ðó là một trọng tội trong lịch sử. Ông cần rảnh tay để đối phó với các đảng theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Ðể che giấu chủ trương bắt tay với kẻ thù, ông Hồ tuyên bố chính sách ‘văn hóa Pháp Việt đề huề’ (điều 3 Thỏa hiệp án), ca tụng ‘nước Pháp mới’ (nước Pháp của thực dân) và Liên Hiệp Pháp, tức đế quốc trá hình. Nổi thao thức của ông Hồ lúc này (1946) là không muốn bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào ngoài Việt Minh nắm quyền, hay chia xẻ quyền hành với Việt Minh. Hiểu như thế nên chúng ta mới không ngạc nhiên khi đối với kẻ thù chính là Pháp, thì ông ta đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Vừa mới tuyên bố độc lập, ông Hồ lại chịu nép mình trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp, và cho Pháp có đầy đủ quyền lợi như thời thuộc địa. Thái độ của ông Hồ lúc nầy là dựa hẳn vào Pháp, cấu kết với Pháp, để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Nếu thực tâm yêu nước và chiến đấu vì quyền lợi quốc gia dân tộc, ông Hồ và mặt trận Việt Minh đã tích cực chuẩn bị kháng chiến khi Pháp chưa trở lại VN. Ông đã bỏ phí thời gian (15 tháng, năm 1945 - 1946) mà còn phá nát thế đoàn kết chiến đấu của những đảng quốc gia đang ‘liên hiệp’ với ông trong cái chính phủ do ông làm chủ tịch. Ðiều này có nghĩa vì sự độc quyền lãnh đạo của Việt Minh, mà ông Hồ đã phá nát thế đoàn kết kháng chiến chống Pháp, làm cho thế lực Việt Nam yếu đi, nhưng ông vẫn làm, vì sự độc quyền lãnh đạo của Việt Minh.

Hứa Hoành

2 commentaires:

Vietnam a dit…

Please, hãy gọi là Hồ Chủ Tịch, giọng điệu của tác giả chưa tôn trọng vị cha già của dân tộc.
Bài viết phiến diện, chưa tuân thủ và không tôn trọng sự thật - cái cốt yếu mà người viết lịch sử cần phải có.

mangthongtin a dit…

Ai cho phép Hồ chí Minh tự nhận là cha già dân tọc. Lý do gì hắn là cha già dân tọc?