mardi 17 juillet 2007

Những tư liệu lưu trữ quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa

Những tư liệu lưu trữ quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa

Lao Động Cuối tuần số 27 Ngày 15/07/2007 Cập nhật: 3:21 AM, 15/07/2007


(LĐCT) - Những khám phá mới về mặt tư liệu chưa có ai đề cập tới trước khi TS Nguyễn Nhã bảo vệ luận án của mình.

Trong đó phải kể đến tài liệu của chính người Trung Quốc, Thích Đại Sán trong Hải Ngoại Ký Sự đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa và Trường Sa của VN hoặc phát hiện thêm đoạn văn thứ hai rất dài viết về việc xác lập chủ quyền trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, cùng tài liệu vẽ sơ đồ các thuyền buồm đóng theo truyền thống ở Cù Lao Ré được sử dụng đi biển, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa còn lưu giữ trong dân gian tại thôn Đông, xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn tức Cù Lao Ré khi xưa, do ông Nguyễn Hạp vẽ. Ngoài ra còn nhiều tư liệu khác đã phổ biến từ trước trong Tập san Sử Địa mà Ông Nguyễn Nhã chủ biên hoặc do các nhà nghiên cứu sau 1975, khẳng định chủ quyền của VN hết sức rõ ràng.

Trong thời kỳ Đại Việt, từ thời kỳ Nam Bắc phân tranh và thời Tây Sơn, nguồn tư liệu về Hoàng Sa hầu như chỉ còn lại tư liệu của chính quyền họ Trịnh ở Bắc Hà, chủ yếu là Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, năm 1686, trong Hồng Đức bản đồ hay Toản tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ bản đồ và Phủ Biên tạp lục, năm 1776 của Lê Quý Đôn.

Sang thời kỳ Triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt phải kể đến một tài liệu rất quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội.

Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như Bộ Công, và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ hoạ đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc...

Tài liệu đặc biệt này trước đây được tàng tàng trữ tại chi nhánh Văn khố quốc gia ở Đà Lạt. Trước ngày 30.4.1975, chính quyền Sài Gòn cho chuyển về Nha Văn Khố ở Sài Gòn. Sau 1975 được đổi là Kho Lưu trữ Trung ương 2 và sau đó được chuyển ra Kho Lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội. Việt Sử Cương Giám Khảo Lược quyển IV của Nguyễn Thông (1877) cho biết ở buổi quốc sơ thường kén những đinh tráng hai hộ An Hải và An Vĩnh. Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần 2 và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản. Trong quyển III Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, đời Vua Minh Mạng, có ba đoạn văn liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

Ngoài ra, các bản đồ cổ của VN từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.


Bãi Cát Vàng và lời chú giải trên quyển 1 Toản Tập An Nam Lộ [119].

Những tư liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

* Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Ký Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa và đã khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

* Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về Trung Quốc.

Khảo sát tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả các bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả các bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1.1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là "phát hiện" nhằm nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt Bắc ngôi miếu "Hoàng Sa Tự" ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của VN.

Về những tư liệu phương Tây cũng xác nhận về chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

* Nhật Ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.

* "Le Mémoire sur la Cochinchine" của Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 Vua Gia Long đã xác lập chủ quyền VN trên quần đảo Paracels.

* "Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes" của giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816.

* An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của VN.

* The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận Vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels) .

* "The Journal of the Geographycal Society of London" (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...
...

TS sử học Hãn nguyên Nguyễn Nhã
http://www.laodong.com.vn/Home/ldcuoituan/2007/7/45344.laodong

http://www.laodong.com.vn/Home/ldcuoituan/2007/7/45344.laodong

Aucun commentaire: