dimanche 22 juillet 2007

Người Việt ở Hải Ngoại Có Nên Ủng Hộ Đề Nghị Đối Thoại Của Ông Nguyễn Minh Triết Không ?

Người Việt ở Hải Ngoại Có Nên Ủng Hộ Đề Nghị Đối Thoại Của Ông Nguyễn Minh Triết Không ?

[19/07/2007 - Tác giả: admin1 - Vietnam Review]


Đầy đủ chi tiết về việc báo Nhân Dân của Đảng CSVN biến chế bài phỏng vấn Ô. Nguyễn Minh Triết của CNN ra sao.)

Nguyễn Quốc Khải
Washington-DC, 18-07-2007


Hí họa của Việt Báo, 14-07-2007: Đối thoại kiểu Cộng Sản Việt-Nam.

Nhân Dân chế biến bài tường thuật của CNN

CNN đã phỏng vấn Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết trong thời gian ông đang viếng thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Cuộc phỏng vấn này đã được CNN phát đi vào ngày 24-06-2007. Báo Nhân Dân thuộc cơ quan Trung Ương của Đảng CSVN và là “tiếng nói Của Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân Việt-Nam”, đã đăng lại cuộc phỏng vấn này bằng Việt ngữ vào ngày 04-07-2007.

Dĩ nhiên nội dung của bài báo liên quan đến những lời tuyên bố của Chủ Tịch nhà Nước Việt-Nam phải được sư chấp thuận của Ban Biên Tâp của báo Nhân Dân và Bộ Chính Tri trong đó có ông Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh, Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên bài báo đã phơi bầy ra nhiều vấn đề đáng chú ý và cho thấy nhân cách của những nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt-Nam. Nói một cách tổng quát nhóm lãnh đạo này vẫn chủ trương bưng bít thông tin. Không những thế họ còn bóp méo sự thật, vi phạm đến danh dự và tác quyền của hãng tin quốc tế CNN và Nhà Báo Wolf Blitzer.

Phân tách bản tiếng Việt của tờ Nhân Dân, người ta thấy nhiều câu hỏi và câu trả lời đã bị thay đổi hoặc bịa đặt hoàn toàn để che dấu sự thật và tuyên truyền. Phần so sánh bài tường thuật của CNN với bản tiếng Việt của báo Nhân Dân được trình bầy ở cuối bài này. Ngay sau đây là phần tóm tắt.

(1) Những câu nói của Nhà Báo Wolf Blitzer đã bị cắt bỏ (phiên dịch từ tiếng Anh):

• Hoa Kỳ lên án rằng ngài [Chủ Tịch NMT] xúc phạm đến nhân quyền của chính người dân của ngài [Chủ Tịch NMT] tại Việt-Nam.
• Tổng Thống Hoa-Kỳ có nêu lên với ngài [Chủ Tịch NMT] tên của những người mà Hoa-Kỳ nghĩ rằng nhân quyền của họ đã bị vi phạm tại Việt-Nam không?
• Tổng Thống [Hoa-Kỳ] đã đề cập đến một tên cụ thể, Cha Nguyễn Văn Lý tại Việt-Nam, một người mà Tổng Thống [Hoa-Kỳ] đã nói, ông bao gồm trong danh sách một nhóm những người khác từ khắp mọi nơi trên thế giới, mà nhân quyền của họ bị xâm phạm.
• Tôi [Wolf Blitzer] cho ngài [Chủ Tịch NMT] xem một bức hình đã được cả thế giới thấy và đã gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt tại Hoa-Kỳ.
• Trước ngày sang viếng thăm Hoa-Kỳ, ngài [Chủ Tịch NMT] đã trả tự do cho hai tù nhân chính trị như họ đã được mô tả. Có ít nhất một nửa tá người hay nhiều hơn nữa còn đang bị giam giữ.
• Cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng muốn thấy tình trạng ở Việt-Nam được cải thiện. Đó là lý do tại sao nhiều người này đã biểu tình bên ngoài Tòa Nhà Trắng.

(2) Những câu sau đây hoàn toàn do báo Nhân Dân sáng chế ra. Thậm chí trong sáu trường hợp, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN bịa đặt hoàn toàn câu hỏi giùm cho Nhà Báo Wolf Blitzer lẫn phần trả lời thay cho Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết (nguyên văn của Nhân Dân).

• Việc xét xử ông ta [LM Nguyễn Văn Lý] được Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi [Chủ Tịch NMT].
• Tôi [Chủ Tịch NMT] không biết trong lúc xử, ông Lý có lời lẽ thô bạo hay không? (Phóng viên vừa hỏi vừa đưa tấm ảnh Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại tòa và hỏi Chủ tịch nước có biết tấm ảnh này hay không?).
• Bất cứ ở đâu cán bộ thừa hành cũng có thể để xảy ra sai sót.
• Có báo cáo nói rằng Nguyễn Văn Lý la lên tại tòa? (câu hỏi hoàn bịa đặt).
• Ông ta [LM Nguyễn Văn Lý] không chỉ la lên, mà ông ta còn đạp bàn, đạp ghế với những lời lẽ thô tục … và tôi [Chủ Tịch NMT] mong các ông không nên khai thác quá nhiều vào chi tiết này. (câu trả lời hoàn toàn bịa đặt).
• Bây giờ đất nước Việt Nam có luật pháp của Việt Nam. Việt Nam cần an ninh và ổn định để phát triển, vì vậy ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý.
• Các ông biết, ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Sài Gòn trước đây đã về nước, thấy những đổi thay của đất nước và ông ta đã chúc mừng những đổi thay đó.
• Ngài [Chủ Tịch NMT] có gặp những Việt kiều ở Mỹ? (câu hỏi hoàn toàn bịa đặt).
• Ở New York, Washington tôi [Chủ Tịch NMT] đã gặp. Ngay tối nay tôi sẽ gặp gỡ đông đảo bà con ở Los Angeles (câu trả lời hoàn toàn bịa đặt).
• Có một chỗ ở Cali gọi là Tiểu Sài Gòn, Ngài [Chủ Tịch NMT] có đến đó không? (câu hỏi hoàn toàn bịa đặt).
• Tôi [Chủ Tịch NMT] có chương trình gặp chung chứ không có thời gian để đi nhiều (câu trả lời hoàn toàn bịa đặt).

Báo Nhân Dân bịa đặt rằng việc xét xử LM Nguyễn Văn Lý “được Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa thánh Vatican đồng tình”. Đây là một trong những lỗi lầm nghiêm trọng nhất. Đảng CSVN và nhà nước Việt-Nam không thể nói rằng việc cắt bỏ và bịa đặt trong bài báo của tờ Nhân Dân là nhầm lẫn của giới thừa hành, không phải là chính sách của đảng và nhà nước. Những người trong thế giới văn minh không thể hiểu được hành vi này của các nhà lãnh đạo của một quốc gia có 85 triệu dân và 4000 năm văn hiến.

Đề nghị đối thoại của Ô. Nguyễn Minh Triết

Bộ Chính Trị của Đảng CSVN gồm những người lãnh đạo của một quốc gia với các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng là những người đại diện, đã không ngần ngại chấp nhận những hành động dối trá không thể chối cãi và làm tổn thương đến danh dự của cả một dân tộc. Cũng trong cuộc phỏng vấn của CNN, Ô. Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố rằng ông muốn đối thoại với người Việt ở hải ngoại để “giải quyết những khác biệt về quan điểm và ý kiến”. Đối thoại luôn luôn là một việc đáng khuyến khích để giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình. Tuy nhiên đôi bên phải chứng tỏ thành tâm và thiện trí của mình qua hành động cụ thể. Với sự dối trá phơi bầy một cách hiển nhiên như trên, và những dối trá trong quá khứ, liệu người Việt hải ngoại có nên tin tưởng vào những nhà lãnh đạo CSVN bao gồm cả Ô. Triết hay không để chấp nhận ngồi vào cùng bàn với họ ?

Bốn năm về trước CSVN kêu gọi đại đoàn kết dân tộc. Trong một cuộc đối thoại với một phái đoàn liên bộ của Hà-Nội tại Johns Hopkins University (JHU), một số người Việt ở Hoa Kỳ ủng hộ lời kêu gọi đại đoàn kết và đã yêu cầu chánh quyền Hà Nội thực hiện một số việc làm cụ thể để chứng tỏ sự nghiêm chỉnh và thực tâm như sửa sang lại nghĩa trang Quân Đội VNCH, chấm dứt tình trạng đối sử phân biệt đối với những người liên hệ với chế độ ở miền Nam trước 1975, chấm dứt chế độ lý lịch, và xuất nhập sách báo, sản phẩm thính thi hai chiều. Trong lần đối thoại này phái đoàn Hà Nội hầu như hoàn toàn thụ động vì dường như họ chỉ được phép nói những gì nằm trong mấy trang giấy soạn sẵn. Họ nghe và phát biểu rất hạn chế nhưng không đưa ra một lời cam kết nào. Một thời gian dài đã trôi qua, nhưng không một đề nghị nào trên đây được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Người ta có cảm tưởng như là CSVN chỉ muốn mua thời gian, dụ dỗ các phần tử cơ hội chủ nghĩa và chánh khách sa lông, ru ngủ và chia rẽ người Việt hải ngoại.

Chỉ một một ý kiến đưa ra trong cuộc đối thoại đã được thi hành. Đó là việc bãi bỏ chế độ hai giá. Một áp dụng cho người trong nước. Giá còn lại cao hơn áp dụng cho những người ngoại quốc, kể cả người Việt sống ở nước ngoài. Tuy nhiên CSVN bãi bỏ chế độ hai giá không phải vì áp lực của người Việt hải ngoại mà vị nhu cầu cải thiện môi trường đầu tư đòi hỏi và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization - WTO) không chấp nhận chế độ hai giá.

Đòi hỏi sách báo và sản phẩm thính thị được trao đổi hai chiều chỉ được thoả mãn một phần vào giai đoạn thương thuyết đa phương cuối cùng vào 2006 trong tiến trình gia nhập WTO. Nhưng đây không phải là kết quả của cuộc đối thoại tại JHU, mà do áp lực của cộng đồng Việt-Nam ở Hoa-Kỳ qua các vị dân cử tại Quốc Hội, Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa-Kỳ, và đặc biệt là DB Ed Royce, DB Frank Wolf và DB Trần Thái Văn.

Một lần nữa chúng ta nên ủng hộ có điều kiện đề nghị đối thoại chính thức lần đầu tiên do một Chủ Tịch Nhà Nước Nguyễn Minh Triết công bố. Chúng ta nên nhớ rằng bản chất của CSVN là hiếu chiến nhưng lại kêu gọi hòa bình, độc tài nhưng lại kêu gọi đối thoại, áp chế nhưng luôn luôn ca tụng giải phóng, tạo mâu thuẫn giai cấp, thanh toán đối thủ, và chia rẽ, nhưng thường xuyên kêu gọi đại đoàn kết. Tuy nhiên nếu chúng ta từ chối đối thoại là sẽ rơi ngay vào cái bẫy tuyên truyền của họ như chúng ta đã rơi vào cái bẫy hòa bình của CSVN khi chúng ta chống đối nhóm phản chiến bừa bãi. Mặt khác nếu chúng ta chỉ biết chống mà không đưa ra một giải pháp khả thi nào là chúng ta cũng sẽ mất chính nghĩa.

Tuy nhiên chấp nhận đối thoại vô điều kiện trong hoàn cảnh hiện nay không phải là một điều khôn ngoan. Như thường lệ, chúng ta cần phải yêu cầu chánh quyền Hà Nội có những hành động cụ thể. Trước tiên họ cần phải đối thoại ngay với người dân trong nước và giải quyết ngay một cách công bằng những vụ khiếu kiện đất đai và nhà cửa khiến cho hàng trăm, hàng ngàn đồng bào từ các tỉnh phải bỏ công ăn việc làm, về Saigon và Hà Nội biểu tình. Đừng nghĩ rằng có ai xúi dục những người này mà nên hiểu rằng đây là hiện tượng “tức nước vỡ bờ.” Bờ sẽ lở thêm nhiều chỗ nữa, nếu nước không tháo kịp thời. Vụ khiếu kiện này đã kéo dài từ năm này qua năm khác chứng tỏ nhà nước không đối thoại nghiêm chỉnh với những người thấp cổ bé miệng này. Ngày xưa dân chứa chấp nuôi dưỡng cán bộ Cộng Sản ở thôn quê. Ngày nay chính những người này hay con cháu họ phải lặn lội lên thành phố để van xin các ngài cứu vớt họ. Hòa Thượng Thích Quảng Độ cho biết Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất “cũng đã từng khiếu kiện suốt ba mươi năm qua. Cho đến nay đã có cả nghìn bức văn thư khiếu kiện, mà họ không hề phản hồi một văn thư nào, không giải quyết gì cả. Họ coi dân như cỏ rác.”

Một câu hỏi khác đuợc đặt ra là tại sao nhà nước không đối thoại với những người bất đồng chính kiến ở trong nước mà muốn đối thoại với những người hải ngoại. Trong thời gian 12 tháng vừa qua chánh quyền Hà Nội đã bắt giam trên 40 người chỉ vì họ muốn phát triển nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ ở Việt-Nam một cách ôn hòa. CSVN đã bị bắt buộc phải trả tự do vỏn vẹn cho hai nhà dân chủ vì Ông Nguyễn Minh Triết muốn sang viếng thăm Hoa-Kỳ bằng mọi giá. Do đó điều cần thiết là Hà Nội cần phải trả tự do ngay cho tất cả những tù nhân chính trị, tôn giáo và lao động và đối thoại với chính những người này bao gồm Khối 8406, Đảng Thăng Tiến, Đảng Dân Chủ Thế Kỷ XXI, Đảng Dân Chủ Nhân Dân, Công Đoàn Độc Lập Việt-Nam, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt-Nam. CSVN một mặt muốn đối thoại với người Việt ở nước ngoài, mặt khác lại muốn bỏ tù những người bất đồng ý kiến ở trong nước. Thật là phi lý.

Những người Việt ở hải ngoại chắc chắn sẽ ủng hộ cuộc đối thoại giữa hai phe ở quốc nội trên đây theo thiển ý của người viết. Để việc đối thoại giữa hai bên có hiệu quả và công bình, vấn đề tự do thông tin cần phải giải quỵết trước tiên bằng cách cho tư nhân mở những cơ sở truyền thông (báo chí, mạng lưới Internet, truyền hình, truyền thanh), xuất nhập cảng sách báo, sản phẩm thính thị, sản phẩm văn hóa tự do hai chiều, chấm dứt các cuộc tấn công hay ngăn chặn các mạng tin tức của người Việt hải ngoại. Ngoài ra, các giáo hội độc lập cần phải được hoạt động tự do.

Người Việt hải ngoại đã và đang tích cực ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách của quốc gia đang cư ngụ đối với Việt-Nam. Họ sẽ tiếp tục đóng vai trò này ngày một hiệu quả hơn. Người Việt hải ngoại đã, đang và sẽ tiếp tục yểm trợ cho phong trào dân oan khiếu kiện, lao động, nhân quyền và dân chủ ở trong nước ngày một mạnh hơn. Có lẽ họ chưa muốn đóng thêm một vai trò nào khác trong giai đoạn hiện nay khi mà những người cổ võ dân chủ và những người chủ trương bảo vệ quyền lao động ở trong nước tiếp tục bị tù đầy và chánh quyền Hà Nội không có một dấu hiệu nào muốn cải tổ chính trị, trả lại nhân quyền cho người dân.

Kết luận

Những biến chuyển dồn dập ở trong và ngoài nước vào thời gian gần đây khiến cho người ta nuôi hi vọng rằng đất nước Việt-Nam có cơ hội lột xác. Việt-Nam không là Bắc Hàn, không là Cu Ba, đã chọn lựa con đường hội nhập vào thế giới. Những nhà lãnh đạo Việt-Nam hiện nay ắt phải nhận biết những khó khăn tất yếu ngày một phức tạp và trầm trọng hơn trong một xã hội khập khiễng với quốc nạn tham nhũng, bất công ngày càng sâu rộng và đạo đức tiếp tục băng hoại. Nhân dân một mặt tương đối được tự do làm ăn buôn bán hơn trước, một mặt vẫn bị áp bức dưới chế độ công an trị. Tình trạng này không thể tồn tại lâu.

Việt-Nam đang chuyển qua một giai đoạn phát triển mới khó khăn hơn. Cải tổ chính trị là con đường duy nhất để Việt-Nam tự thoát ra khỏi gông cùm cộng sản đã kìm hãm sự phát triển của đất nước và hủy hoại nền văn hóa dân tộc hơn nửa thế kỷ. Đối thoại nghiêm chỉnh với những người tranh đấu ôn hòa cho quyền lao động, tự do, dân chủ ở trong nước là một phương cách hiệu quả để giúp thực hiện việc cải tổ chính trị. Khi đôi bên đạt được một thỏa thuận ở quốc nội rồi, theo thiển ý của người viết, đây sẽ là lúc những người Việt hải ngoại sẵn sàng đối thoại với chính phủ nào được toàn dân bầu lên theo thể thức dân chủ.

oo0oo

Phụ lục

Phần dưới đây ghi chép đầy đủ của cuộc phỏng vấn Ô. Nguyễn Minh Triết của CNN về lãnh vực nhân quyền. Bài tường thuật của báo Nhân Dân được xen kẽ để dễ so sánh. (CNN) và (ND) lần lượt có nghĩa là do CNN và Nhân Dân tường thuật.

Hỏi (CNN): Có một trở ngại, một vấn đề lớn, đó là Hoa Kỳ lên án rằng ngài xúc phạm đến nhân quyền của chính người dân của ngài tại Việt-Nam. Tổng Thống Bush nói rằng Tổng Thống đã nêu vấn đề này với ngài hôm nay. Phần nói chuyện này diễn tiến ra sao?

NMT (CNN): Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về đề tài này một cách thẳng thắn và cởi mở. Tôi nghĩ rằng Hoa-Kỳ và Việt-Nam có lịch sử khác nhau, hệ thống luật pháp khác nhau. Đó là lý do tại sao chúng tôi có những nhận thức khác nhau về những điều khác nhau một cách tự nhiên.

Hỏi (ND): Có trở ngại chính là vấn đề nhân quyền. Tổng thống Bush có nói và nêu vấn đề này như thế nào, ngài nghĩ sao?

NMT (ND): Chúng tôi trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Tôi cho rằng hai nước có điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, có luật pháp khác nhau, vì vậy cách nhận thức vấn đề khác nhau. Chúng tôi thống nhất cách tiếp cận để tăng cường đối thoại hiểu biết nhau.

Hỏi (CNN): Tổng Thống Hoa-Kỳ có nêu lên với ngài những trường hợp cụ thể, tên của những người mà Hoa-Kỳ nghĩ rằng nhân quyền của họ đã bị vi phạm tại Việt-Nam ?

NMT (CNN): Chúng tôi đồng ý rằng đây là vấn đề chúng tôi trao đổi quan điểm giữa chúng tôi thôi, không tiết lộ ra ngoài.

Hỏi (ND): Tổng thống Mỹ đã có đưa ra những trường hợp cụ thể những ai bị xúc phạm nhân quyền không?

NMT (ND): Tổng Thống thống nhất, chúng tôi chỉ bàn với nhau, không nên nói những vấn đề cụ thể.

Hỏi (CNN): Tôi hỏi câu hỏi cụ thể như thế vì tại Hội Nghị về Dân Chủ và An Ninh vào ngày 5 tháng 6 tại Prague Tổng Thống [Hoa-Kỳ] đã đề cập đến một tên cụ thể, Cha Nguyễn Văn Lý tại Việt-Nam, một người mà Tổng Thống đã nói, ông bao gồm trong danh sách một nhóm những người khác từ khắp mọi nơi trên thế giới, mà nhân quyền của họ bị xâm phạm.

NMT (CNN): Đức Cha (Reverend) Nguyễn Văn Lý bị đưa ra tòa vì ngài vi phạm luật. Đây không phải là vấn đề tôn giáo (Ông Nguyễn Minh Triết nói bằng tiếng Việt, gọi LM Nguyễn Văn Lý bằng ông, nhưng thông dịch viên đổi thành Đức Cha.)

Hỏi (ND): Tôi đưa vấn đề này ra vì trong hội nghị tháng 5, tháng 6 ở Pháp, Tổng thống Bush có đưa ra việc Nguyễn Văn Lý bị vi phạm nhân quyền?

NMT (ND): Ông ta vi phạm pháp luật Việt Nam. Ðây hoàn toàn là vấn đề pháp luật không phải là vấn đề tôn giáo. Việc xét xử ông ta được Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi.

Hỏi (CNN): Tôi cho ngài xem một bức hình đã được cả thế giới thấy và đã gây ra nhiều lo ngại, đạc biệt tại Hoa-Kỳ. Ông có lẽ quen thuộc với bức hình này.

NMT (CNN): Tôi biết bức hình này. Trong phiên tòa, Đức Cha Lý đã thốt ra những từ ngữ bạo động và thô tục tại phiên tòa. Đó là lý do tại sao ông đã nhìn thấy cái gì đã xẩy ra trên bức hình.

Tôi có thể nói được rằng làm thế này không tốt. Chúng tôi sẽ thi hành một biện pháp tốt cho vấn đề này. Đây là một lỗi lầm. Tôi ngưng tại đây. Đây không phải là chính sách của nhà nước.

Hỏi (ND): Tôi không biết trong lúc xử, ông Lý có lời lẽ thô bạo hay không? (PV vừa hỏi vừa đưa tấm ảnh Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại tòa và hỏi Chủ tịch nước có biết tấm ảnh này hay không?).

NMT (ND): Tôi biết, trong lúc xét xử, ông Lý có những lời lẽ thô bạo, chửi bới Chánh tòa nên đã xảy ra chuyện bịt miệng. Chúng tôi khẳng định việc này là không tốt, không đúng... Những việc này sẽ bị xử lý, đây là một sai sót của một nhân viên bình thường, không phải chủ trương của Nhà nước Việt Nam. Bất cứ ở đâu cán bộ thừa hành cũng có thể để xảy ra sai sót, nhưng không đồng nghĩa với chủ trương của Nhà nước.

Hỏi (ND): Có báo cáo nói rằng Nguyễn Văn Lý la lên tại tòa?

NMT (ND): Ông ta không chỉ la lên, mà ông ta còn đạp bàn, đạp ghế với những lời lẽ thô tục. Nhưng, tôi khẳng định dù bất cứ lý do nào hành động bịt mồm vẫn là không đúng và tôi mong các ông không nên khai thác quá nhiều vào chi tiết này.

Hỏi (CNN): Tôi muốn chuyển sang một vài đề tài khác nhưng một câu hỏi cuối cùng về những người bất đồng chính kiến, phần nhân quyền. Trước ngày sang viếng thăm Hoa-Kỳ, ngài đã trả tự do cho hai tù nhân chính trị như họ đã được mô tả. Có ít nhất một nửa tá người hay nhiều hơn nữa đang bị giam giữ. Ngài có nghĩ rằng những người khác sẽ được sớm trả tự do, kể cả Cha Lý ?

NMT (CNN): Những người vi phạm luật, họ bị mang đi vì sự vi phạm của họ. Những người này có được thả hay không tùy thuộc vào thái độ và nhận thức cuả họ về những sai lầm họ đã làm.

Tôi muốn nói với ông rằng Việt-Nam đã phải trải qua chiến tranh trong nhiều năm dài. Trong thời gian này, nhân dân Việt-Nam không được hưởng trọn vẹn nhân quyền. Nhiều người trong chúng tôi đã bị bắt và nhốt vào nhà tù, bị tra tấn mà không được xét sử tại toà án.

Chúng tôi thực hiện chiến tranh giải phóng để giành lại nhân quyền của chúng tôi. Do đó hơn ai hết, chúng tôi yêu chuộng nhân quyền. Chúng tôi kính trọng nhân quyền. Có lẽ ông không có thể thật sự hiểu và nhận thức được chúng tôi đề cao nhân quyền đến mức nào.

Hỏi (ND): Chúng ta hãy nói qua vấn đề khác, về nhân quyền? Khi Ngài sắp đi thì có hai người tù được thả. Vậy còn một số người nữa có được thả không?

NMT (ND): Vi phạm pháp luật thì bị xử lý theo pháp luật, còn có thả hay không còn tùy thuộc vào người ta có thành khẩn nhận lỗi đến đâu. Nhân đây tôi muốn nói với ông rằng, Việt Nam trải qua nhiều năm chiến tranh. Trong thời kỳ đó người dân Việt Nam không có đầy đủ quyền con người. Người ta bắt bớ, giam cầm, tra tấn không cần ra tòa. Chúng tôi đã đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại quyền con người đã mất. Vì vậy hơn ai hết, chúng tôi rất yêu nhân quyền. Ông không thể hiểu nổi tình yêu đó. Bây giờ đất nước Việt Nam có luật pháp của Việt Nam. Việt Nam cần an ninh và ổn định để phát triển, vì vậy ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý.

Hỏi (CNN): Tôi không biết nếu ông có nhận thấy bên ngoài Toà Nhà Tráng khi ông ở trong đó với Tổng Thống Hoa-Kỳ, có cuộc biểu tình của những người Mỹ gốc Việt quan tâm đến tình hình. Tôi thắc mắc nếu ông có một lời nhắn nhủ nào tới cộng đồng người Mỹ gốc Việt, họ rất hãnh diện về văn hoá Việt-Nam, nhưng cũng muốn thấy tình trạng ở Việt-Nam được cải thiện. Đó là lý do tại sao nhiều người này đã biểu tình bên ngoài Tòa Nhà Trắng.

NMT (CNN): Lời nhắn nhủ của tôi là những người Việt nói chung sống ở hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa-Kỳ, là một phần và một bộ phận của quốc gia Việt-Nam. Máu mủ họ có là máu mủ của dân tộc Việt-Nam. Da thịt họ có là da thịt của dân tộc Việt-Nam. Chính phủ Việt-Nam muốn thấy họ thành công trên đất Mỹ và chúng tôi cũng muốn những người Việt ở nước ngoài làm nhịp cầu giữa Hoa-Kỳ và Việt-Nam. Đối với những khác biệt về quan điểm và ý kiến, chúng tôi nên đối thoại để giải quyết những sự khác biệt này. Chúng tôi mời họ trở về thăm Việt-Nam để nhìn thấy tận mắt những sự thay đổi, những sự cải tiến của chúng tôi.

Hỏi (ND): Trong cuộc gặp Tổng thống có một số người Mỹ gốc Việt biểu tình ở phía ngoài. Họ rất hãnh diện với văn hóa của Việt Nam, thông điệp của Ngài đối với Việt kiều như thế nào?

NMT (ND): Cộng đồng người Việt ở nước ngoài không thể tách rời với dân tộc Việt Nam. Họ là máu của máu Việt Nam và là thịt của thịt Việt Nam. Nhà nước Việt Nam mong họ thành đạt ở Hoa Kỳ và củng cố quan hệ hai dân tộc Việt Nam-Hoa Kỳ. Còn các khác biệt, bất đồng thì nên cùng nhau trao đổi tìm cách giải quyết. Chúng tôi mời họ về quê hương để họ thấy được những đổi mới tiến bộ của đất nước. Các ông biết, ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Sài Gòn trước đây đã về nước, thấy những đổi thay của đất nước và ông ta đã chúc mừng những đổi thay đó.

Hỏi (ND): Ngài có gặp những Việt kiều ở Mỹ?

NMT (ND): Ở New York, Washington tôi đã gặp. Ngay tối nay tôi sẽ gặp gỡ đông đảo bà con ở Los Angeles.

Hỏi (ND): Có một chỗ ở Cali gọi là Tiểu Sài Gòn, Ngài có đến đó không?

NMT (ND): Tôi có chương trình gặp chung chứ không có thời gian để đi nhiều

_________________________________________________________

. Đến đây là hết phần phỏng vấn về nhân quyền.

http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=6676

Aucun commentaire: