mardi 17 juillet 2007

CS Cướp Đất Vườn Của Đồng Bào Kinh Tế Mới Đức Linh

CS Cướp Đất Vườn Của Đồng Bào Kinh Tế Mới Đức Linh

Mường Giang MƯỜNG GIANG . Việt Báo Thứ Ba, 7/17/2007, 12:02:00 AM
(Viết nhớ đồng đội và đồng bào Phan Thiết, Bình Thuận đã chết thảm tại Trại cải tạo Huy Khiêm và Kinh tế mới Đức Linh.)

Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi, thấy rồi và đang sống với cái thiên đàng xã nghĩa trên, đều ngao ngán trước nổi đời nghèo cực của đồng bào cả nước bị đảng cầm quyền bốc lột đến tận xương tuỷ. Trước năm 1975, ở miền Bắc VN, Hồ Chí Minh bày trò ‘ cải cách ruộng đất ‘ để cưởng đoạt đất ruộng của tầng lớp địa chủ phú nông, sau đó qua chính sách ‘ hợp tác xã hóa ‘, để thu tóm toàn bộ đất đai trên vừa mới cấp phát cho giới bần cố nông. Tại miền Nam VN sau ngày 1-5-1975 tới nay, đảng CS đã tìm đủ trăm phương ngàn kế để thực hiện cho được , cái gọi là ‘ cải cách ruộng đất lần thứ 2 ‘ và chúng đã thành công qua chiến lược ‘ công nghiệp hóa, hiện đại hóa VN ‘ mà thực chất chỉ là dùng tiền của tư bản đầu tư, để dụ dổ hay cưởng bức trắng trợn nông dân, thu mua đất đai vườn ruộng của họ đang canh tác, để bán lại cho ngoại quốc, làm giàu cho đảng viên, cán bộ. Từ nay đồng bào cả nước trở thành nô lệ cho bọn tư bản đỏ, qua lớp địc chủ, cường hào, tư sản mại bản..

Ngày 9 tháng 3 năm 1945 nhờ người Nhật, VN coi như đã thoát được cùm gông của thực Pháp sau 80 năm đô hộ. Nhưng hởi ôi niềm vui độc lập của người Việt chỉ được mấy tháng ngắn ngũi, thì lại bị Hồ Chí Minh và CS đệ tam quốc tế, quàng vào cổ xiềng xích mới, qua lớp son hào nhoáng ‘ cách mạng tháng 8 ‘.Điều đau đớn và hổ thẹn nhất cho dân tộc VN, là đã bước qua thế kỷ XXI, thế nhưng chúng ta vẫn phải trầm mình trong vũng bùn ao tù ứ động, qua cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh, mà thực tế cả nước đều không biết đó là cái thứ tư tưởng gì ? Lịch sử vốn khách quan, trong đó sử gia hay người trong cuộc, đều mang tính chất nhân chứng về những gì đã xảy ra. Đó là những nụ cười trào phúng của đồng bào dành cho đảng cầm quyền, để bày tỏ những uất hận nghẹn ngào. Nhưng nay thì khác, chẳng những cả nước bị đảng cướp đêm cướp ngày về vật chất , mà còn mất hết tự do và nhân phẩm con người, nên trong thế chẳng đặng đừng, người dân khắp nước đã đứng dậy, đòi đảng CS phải trả lại cho họ những gì đã cướp giựt từ ấy đến nay.

Tại Phan Thiết, trước khi Nguyễn Minh Triết sang chầu ông chủ Mỹ, vào những ngày 10,11 và 12 tháng 6 năm 2007, hằng trăm gia đình nông dân hai huyện Tánh Linh và Đức Linh thuộc tỉnh Bình Thuận, đã kéo về biểu tình đòi đất vườn và ruộng của họ đã bị đảng tịch thu, để bán cho tư bản trồng cao su. Đất đai trên vốn là mồ hôi máu mắt của người dân, những nạn nhân bị CS đày lên vùng kinh tế mới từ năm 1977 gầy dựng thành vườn cây trái, ruộng lúa. Hiện số nạn nhân trên đã lặn lội ra tận Hà Nội để nói cho nhân loại biết về tấn thảm kịch này, góp phần vào cuộc đấu tranh của cả nước, để dành lại quyền được làm người.

Hỡi ôi Bình Thuận là bãi chiến trường ba trăm năm cũ, người đến người đi dấy lên rồi tàn lụn, xô nghiêng hay tạo dựng sông núi để được tiếng đời là minh quân hay bạo chúa, thì nay đổi đời đã rỏ, dù sử sách hôm nay hay ngày mai ghi không hết kịp, thì đã có bia đời, bia miệng như người Bình Thuận đã ghi những chuyện Việt Minh, Tây Tà qua suốt bao năm. Ngày nay khách phương xa tới chơi Bình Thuận, nơi từng là đất vua ở, đường vua đi, vào giữa độ xuân về hay trong các mùa lễ hội, không có gì thích thú cho bằng leo lên chiếc xe ngựa cũ kỷ hiện vẫn còn chạy đầy Phan Thiết. Bởi vì chỉ có trong khoãng không gian này, rất có thể giữa tiếng vó ngựa lộp cộp xen lẫn tiếng lục lạc len keng, bác xà ích sẽ kể cho mọi người nghe những giai thoại thật đẹp của miền biển mặn mấy mươi năm về trước và sự đổi thay của mấy mươi năm về sau, nhưng sau trước gì thì Bình Thuận cũng vẫn là chốn thân quen của mọi người , với những buồn vui, nhất là những năm tháng bị đoạ đày trên núi rừng ma thiêng nước độc, mà VC gọi là Kinh tế mới. Phường phố nay đã thay đổi hết nhưng con người Bình Thuận thì chẳng thấy thay đổi chút nào, vẫn đói nghèo và bị bốc lột đến tận xương tủy, cho nên dù có viết ngàn trang vẫn không làm sao viết cho hết được niềm đau nổi hận của đồng bào .

1- KINH TẾ MỚI ĐỨC LINH, MỒ CHÔN TẬP THỂ NGƯỜI PHAN THIẾT
Tháng bảy ở Phan Thiết, trời hay hờn dỗi nên cứ trút mau những cơn mưa ngày thật buồn. Phường phố quẩn quanh nhỏ nhoi thêm ngụp lặn dưới màn nước xám mù mịt nên càng tiêu điều, tĩnh mịch. Mấy hàng phượng vỹ ven đường, hoa đã rụng hết, chỉ còn trơ lại ít cụm lá hoang, co rúm ngả nghiêng với gió. Ve sầu rên khóc trong hốc cây, sóng vổ ỳ ầm xoáy mạn bờ sông Mường Mán, có tiếng người ca sĩ nào đó, từ chiếc loa khuếch thanh trên đỉnh lầu nước giữa vườn hoa độc lập, nức nở ngậm ngùi qua ca khúc ‘đêm buồn tỉnh lẽ’ của Tú Nhi, bất chợt khiến cho ta bâng khuâng héo hắt.
Nhưng buồn rầu cho mấy rồi cũng qua khi trời dứt cơn gió mưa, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Người người rộn rịp, vui vẻ vì tháng bảy là thời điểm tốt nhất trong năm của dân Phan Thiết. Mùa cá nục, cá chim đã kết thúc sau sáu tháng vất vả vật lộn trên sóng nước. Ngư phủ giờ đây hoan hỉ với túi tiền rủng rỉnh được chia, tha hồ mua sắm. Thật vậy kể từ ngày Việt Nam Cộng Hòa có chương trình cải tiến nông ngư nghiệp, dân làm biển được vay tiền trả góp dài hạn, lãi suất thật nhẹ để đóng tàu, thuyền, mua thủy động cơ và ngư cụ, mà khỏi phải qua trung gian đầu cơ cắt cổ thuở xưa.
Nhờ cải cách này, đời sống của ngư dân được cải thiện, những túp lều tranh vách lá xiêu vẹo tồi tàn được thay thế bằng những căn nhà tôle vách gạch tuy cổ điển nhưng khang trang ấm cúng. Thuyền bè chạy bằng buồm cổ lỗ bị phế thải, nghìn trăm tàu đánh cá nhỏ, lớn đóng theo kiểu Thái Lan, gắn máy kéo Nhật, sơn phết lòe loẹt, san sát xuôi ngược trên sông, biển. Thanh niên nam nữ trong giới này đã biết hưởng thụ vật chất theo thành thị. Khu phố 6, 7, 8, 9 của phường Đức Thắng, dọc bến Ngư Ông, là một trong nhiều xóm làng kiểu mẫu, sau cơn đại hỏa hoạn năm 1956, nói lên sự thành công mỹ mãn của ngư dân.

Ven thị xã, đồng ruộng bát ngát đang ngút ngàn trổ hạt, hương lúa mới thoang thoảng bốc thơm trong gió, đó đây trai gái vui vẻ gặt hái. Lúa đầy kho, khoai sắn la liệt nằm phơi khắp sân, thêm vào đó có đàn heo con ủn ỉn bấu níu vú mẹ trong chuồng, là những món tiền đáng kể. Như ngư dân, nông gia cũng được hưởng chương trình trợ vốn trả góp của Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp và Ty Nông Nghiệp, Ty Khuyến Nông.. để mua lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu rầy và nái giống. Riêng xi măng xây chuồng và thực phẩm dành cho gia súc, được cấp không. Sau ba tháng chăn nuôi, chỉ hoàn lại chính phủ ba con heo con mà thôi, nái được giữ lại. Quỷ phát triển của ngân hàng Á Châu bán máy cày, máy gặt trả góp, trâu bò nay bớt nhọc nhằn phần nào. Mái ngói đỏ chen chúc mọc, nhà nhà vang tiếng nhạc lời ca, phát ra từ chiếc máy thu thanh xinh xắn. Đời sống êm đềm hạnh phúc nơi thôn dã, với những mối tình chân mộc mạc.
Hoa quả chen chúc trên đất, gỗ quý bất tận chốn rừng hoang, cá tôm hải sản đầy sông biển với khí hậu quá điều hòa thích hợp. Phan Thiết - Bình Thuận đúng là miền đất hứa lý tưởng đời đời của mọi người, nếu không có cuộc chiến tranh trường kỳ do cộng sản quốc tế đề xướng. Rồi thì chiến tranh và máu người dân bất hạnh triền miên chảy suốt non sông, cơ hồ tưới xanh luống mạ. Mộ chí hoang vu lũ lượt chớm mọc khắp nơi, sang hồ, xừ sang, hồ sang xế.. tiếng đàn nhị hồ đưa đám não nuột như bất tận. Miền đất hứa biến thành vùng biển động, sự sống và nỗi chết không phân biệt ranh giới với thời gian, thấy đó chết đó vì mìn bẫy, bom đạn, pháo kích, ám sát và nạn đạn lạc, bắn lầm. Buồn ngồi nhai lại các bài hát thời thượng năm nào của cả hai phía, để thêm tức tủi, ngậm ngùi: ‘đời ta thêm vui thắm tươi, vườn mộng xanh khắp nơi, hòa theo tiếng hát tươi vui, mừng thay chúng em nay sống nơi tự do.. là rế rế la phà, mì rề mì, mì mì rề rề rề la mí.. ’ ’ hay ‘..bài phong kiến bốc lột, diệt thực dân, đem ấm no hạnh phúc.. ’ ’ Được sống sót trong đêm rã ngũ 18-4-1975 để đối mặt nhận diện bọn Việt Gian nằm vùng hay a dua theo kẻ thắng trận, cờ lọng, đèn đóm, phủ phục hai bên vệ đường đón mừng giặc Hồ phương Bắc vào thành phố, có thấy cảnh xử giảo, có nghe tiếng rên xiết của hàng loạt nạn nhân quằn quại dưới trận đòn thù trong đêm tiếp thu và nhiều đêm liên tiếp, mới biết sự đổi đời rất có ý nghĩa, nhất là đối với đám âm binh 30-4, với những kẻ cầu an lừng khừng, với bọn trí thức không tưởng quen bóp méo sự thật, qua cái lăng kính, bất lương, bất bình thường..

Nụ cười hy vọng ngày nào đã tắt hẳn trên môi giới ngư dân, khi tàu thuyền đánh cá vào hợp doanh, chủ nhân là đảng. Song song nhà phố, cơ sở công thương nghiệp, rạp hát, bệnh viện tư, ruộng vườn, nông cơ, nông cụ cả trâu bò.. hoặc vào hợp tác, hoặc là tài sản xã hội chủ nghĩa. Dân làm chủ không, nhà nước, cán bộ đảng xử lý. Cơ cấu phường xã cũng lần lượt thay đổi, anh Chín bí thư, chị Ba phụ nữ mấy hôm đầu, sau đợt cướp ngày, kiếm được cái xe, căn lầu, vàng bạc đô la, lần lượt biến mất hay cũng chỉ như ta sống phất phơ bên lề thế sự, dù vẫn dép râu, nón cối, vai lũng lẳng cái xà cột cho oai.

Cán Bắc, công an răng thưa má hóp vùng Nghệ Tĩnh, thanh niên nam nữ cán bộ đảng chánh hiệu, đầy Bình Thuận, nhởn nhơ dòm ngó, vây bủa đồng bào kín hơn thiên la địa võng. Người Phan Thiết giờ phờ đi với gạo, dầu, phân bón, thuốc men, thức ăn và quần áo. Tay trắng hoàn tay trắng vì sản lượng chi tiêu quái ác. Đời sống văn minh của xã hội miền Nam như cái xe không phanh, vun vút tuộc dốc cầu Mường Mán, từ chết cho đến bị thương thê thảm. Nhiều mẹ Việt Cộng, nhất là miền đất thành đồng Đại Nẩm, Bình Lâm, Tường Phong.. uất ức tự tử vì biết dại, biết hối thì đã quá muộn màng trong cảnh trắng tay, chồng con thành liệt sĩ, còn gia đình thì nghèo đói mạt rệp. Thương ai cho bằng thương thân, những người còn chút phương tiện vội vã bồng bế nhau liều chết vượt biển tìm tự do. Rốt cục lãnh đủ vẫn là giới bần cố nông, vô sản, chỉ được đảng ban phát cho cái vỏ sơn phết, mà bụng thì trống rỗng hơn bao giờ hết vì bế tắc công ăn việc làm. Đói rách, bệnh tật và tuyệt vọng hằng hằng thường trực hành hạ họ.

Như cả nước, năm 1977 người Phan Thiết hoàn toàn sạch hết ngoài cái nhà trống bó buộc phải giữ để lây lất sống, giữa lúc cướp giựt bốc cao, Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy) được đảng ưu ái chọn làm thí điểm 101 ‘KINH TẾ MỚI’.
Phan Thiết hoang vắng như bãi tha ma, đường phố khắp nơi thay tên chất ngất. Những anh hùng liệt nữ dày công đối với xã tắc sơn hà như Nguyễn Hoàng, Lương ngọc Quyến, Huyền Trân Công Chúa, Trần quý Cáp.. được thay bằng những tên Trương Tam, Lý Tứ lạ hoắc, không biết đâu mà mò lý lịch, vì trong dòng sử Việt không hề nói tới. Các phố chính trước năm 1975 như Lê văn Duyệt, Nguyễn văn Thành, Gia Long, Đồng Khánh.. chỉ còn là cái bóng mờ với hằng loạt căn nhà bị niêm phong khép kín. Một vài tiệm buôn của người Hoa còn bị kẹt lại, chưa vượt biên hay đi nước ngoài bán công khai, co rúm sau cánh cửa sắt thu hẹp, buôn bán vặt vãnh chờ thời như chổi, dép râu, cờ đảng, ảnh ‘bác’. Thầy giáo Thành, nay là cố chủ tịch nước có hình treo khắp nơi. Cờ đỏ, bảng vàng sơn phết, giăng mắc che kín mặt trời, làm vẩn đục không khí trong lành nơi miền biển mặn. Vườn hoa hoang phế, rạp hát bẩn thỉu vì phim ảnh VC và khối cộỳng sản tuyên truyền hạ cấp, rẻ tiền, ngày qua tháng lại với hình ảnh Điện biên Phủ, bắn máy bay Mỹ, Anh Trổi, chị Sáu.. Tòa Hành Chánh Bình Thuận cũng như các Ty sở, Tiểu Khu ngày xưa là nơi chốn khang trang lịch sự, nay thành chỗ sống chung hòa hợp, hòa giải, trung lập giữa Cán Bộ từ miền Bắc vào và dòng họ Trư bát Giói. Mùi cám lợn, phân heo và thuốc lào, bốc ra tận đường Chu Mạnh Trinh, Hải Thượng nơi đài chiến sĩ Quốc Gia Việt Nam, khiến khách bộ hành phải nhanh chân rời xa vùng xú uế. Nghĩa trang QLVNCH cạnh QYV Đoàn mạnh Hoạch, tượng Phật Bà Quan Âm lộ thiên trên triền đồi Lầu ông Hoàng bị san bằng, đập bỏ. Chợ lớn trên đường Gia Long vẫn xám đen màu khói từ đêm binh biến 2-4-1975, cầu sắt trên sông Cà Ty gãy nhịp nào ai ngó tới, dù vàng ngọc, tiền bạc và tài sản của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa để lại đã không cánh mà bay mất. Các nhà lều sản xuất nước mắm danh tiếng nhất nhì của Việt Nam từ thời tiền chiến tại Đức Thắng, Bình Hưng, Lạc Đạo sập tiệm vì ngày lại ngày, hàng hàng lớp lớp các xe vận tải, Molotova, GMC giải phóng đưa về Bắc, cho tới nước bổi cũng không chừa. Người người dửng dưng như kẻ lạ xa, mặc sâu bọ cầm quyền trị nước.

Nhớ lại chương trình tị nạn cộỳng sản của Bộ Xã Hội và chính sách an cư Việt kiều Kampuchia hồi hương năm 1970 của bác sĩ Quốc Vụ Khanh Phan quang Đán, thời Việt Nam Cộng Hòa mà ngao ngán cho kinh tế mới của Việt Cộng tại Đức Linh. Đây là tên ghép của hai quận Tánh Linh và Hoài Đức, tỉnh Bình Tuy thời Việt Nam Cộng Hòa. Vào năm 1961, Tổng Thống Ngô Đình Diệm vì có tình cảm liên quan mật thiết với Bình Thuận khi giữ chức Tri Huyện Hòa Đa và Tuần Vũ tỉnh, hơn nửa có tình bạn sâu nặng với nhà giáo lão thành Hoàng Tỷ, nên Ông đã cấp một ngân khoản lớn đểạ cho đồng bào nghèo tại các quận Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vào khẩn hoang lập ấp tại vùng hoang sơn trù phú của huyện Tuy Định, sau này là quận Tánh Linh. Vùng đất mới được tách thành một quận mới, đó là Hoài Đức, quận lỵ đóng tại Vỏ Đắc. Đây là vùng đất đỏ cao độ hoang vu của tỉnh Đồng Nai Thượng xưa, được tách ra từ tỉnh Bình Thuận, nằm trong sơn hệ Di Linh - Lâm Đồng, phần cuối cùng của rặng Trường Sơn, thuộc cao nguyên nam Trung Phần. Toàn vùng lúc đó chỉ là núi rừng hiểm trở, lắm ác thú như cọp, voi, heo rừng, mảng xà, rắn độc. Khắp nơi muỗi mòng, đỉa vắt sền sệt như bánh canh, đâu có thua gì vùng U Minh, Đồng Tháp. Giang sơn của người thượng Roglai và Chàm, khí hậu ẩm thấp, phong thổ độc địa. Sông La Ngà lắm ghềnh thác, thường gây lũ lụt bất thường vì lưu lượng nước lên xuống không đều, ảnh hưởng của triền núi nơi sông chảy qua. Do trên mực độ dân số trong vùng rất thưa thớt, ngoại trừ Võ Đắc, Lạc Tánh.. là nơi các Trung Đoàn thuộc SĐ18BB thường tạm đóng trong lúc hành quân.

Ngay khi có lệnh đi kinh tế mới, ba câu hỏi đã được đồng bào bàn tán lén lút: đi hay là ở lỳ, cưỡng lệnh sẽ ra sao và Đức Linh là chốn nào nhỉ? Một số còn tiền, chạy vội cái giấy về đất cũ nơi các thôn xóm ven đô như Phú Lâm, Phú Hội, Lại An, Phú Long.. Số khác may mắn hơn được xuất ngoại chính thức bằng tàu của Đảng đậu trước Trường Nữ tiểu học năm 1977, sau khi đóng hết vàng, đô la và hiến nhà cửa cho cán bộ. Chiếc tàu này sau đó đến được trại tị nạn Pulau Bidong của Mã Lai Á, mang số 67, hầu hết là người Việt gốc Hoa giàu có của Bình Thuận. Những người không có tên đi kinh tế mới, thì phải đi nghĩa vụ lao động tại Đức Linh, không phân biệt nam nữ, số tuổi hạn định 17-50, đó là chưa kể tới các nghĩa vụ thanh niên xung phong và nghĩa vụ quân sự, điều kiện ắt có để làm dân thường trú Phan Thiết có sổ gia đình, hộ khẩu và tem phiếu mua nhu yếu phẩm chỉ có bán tại cửa hàng quốc doanh.

Viết sao cho hết đây, nỗi thương tâm đau khổ trong những ngày cuối cùng của dịch kinh tế mới. Khắp nơi vang tiếng khóc, người người ủ rũ tựa hồn ma. Chống đối dữ dội lệnh trên, cũng vẫn là những kẻ được đảng nâng niu dụ dỗ buổi trước, đó là mấy bác phu xe, gánh mướn, các chị bán mẹt buôn bưng, anh thợ nề, chú dân biển.. ở các khu phố xôi đậu ven đô buổi trước tại Đức Long, Đức Nghĩa, Phú Trinh, Hưng Long.. Vì là thành phần vô sản chuyên chính và có công với đảng, nên các cán bộ khu, phường đều lánh né, mặc sức cho họ tru tréo, trong lúc sắp đi xa. Những người khác, nhất là thành phần bị gán bậy là ngụy quân, ngụy quyền, tư sản mại bản.. thì biết phận, vặt vãnh bóp chắt những thứ còn lại sau cuộc phong trần, bán để có tiền mua đinh, lá, dây lạt và thức ăn khô dự trữ, để bắt đầu làm một cuộc hành trình mới như cha ông ta đã làm từ 300 năm trước, có điều lúc đó tiền nhân ra đi trong phấn khởi đầy lạc thú và hy vọng, còn giờ con cháu lên đường bởi cùm gông và bạo lực. Để gọi là ưu ái với dân, nhà nước tại Bình Thuận cấp tem phiếu mua thuốc phải trả tiền và như thế, lớp lớp người nối đuôi nhau trước nhà thuốc tây quốc doanh duy nhất, trước là nhà thuốc Phạm tư Tề, để mua vài thứ thưốc nội chế bằng võ cây đường bột, ký ninh nivaquine và những loại thuốc chống sốt rét nước độc tại chợ đen đều lên giá vùn vụt theo ngày cách mạng từ rừng vào tiếp thu Phan Thành, để không bị cảnh trâu sau uống nước bùn trâu trước, nhưng biết làm sao hơn?

Phút cuối bị súng đạn bó buộc phải xa rời nơi chôn nhao cắt rún, sao mà buồn quá đổi. Mười ba năm sống đời quân ngủ, ta đã đi cùng khắp mọi nẻo đường đất nước, từ biển lên rừng, chốn đồng quê cho tới thành thị, vẫn được trở về, dù về trong nỗi đau phải mất mát một phần thịt da của mẹ. Nay thì hết thật rồi, nhà xưa thành hoang phế, sự nghiệp nát hơn tương, thân nhân, bằng hữu.. kẻ chết kẻ còn bị tù đầy, còn ta tuổi xanh chịu đời vất vưởng, bất lực. Chỉ còn biết lau nước mắt, cắn nát môi và uất nghẹn căm hờn, lần chót nhìn lại mảnh tường đổ của mái ấm vừa bị hạ, nếp sống cũ bị xóa mờ, chấp nhận làm kẻ lưu vong trên chính quê hương mình.
Một đêm không ngủ, một đêm náo loạn tập thể, kẻ ở người đi gạt lệ an ủi quyến luyến. Các gia đình ‘ưu việt’ thuở trước tru tréo đảng và nhà nước không tiếc lời. Trưởng khu, chủ tịch, bí thư kể cả công an khu vực trốn mất suốt đêm, vì sợ bọn điên cùng đường trả thù. Cảnh tử biệt sinh ly sao mà buồn lắm thế.

2-ĐƯỜNG LÊN SƠN CƯỚC :
Năm giờ sáng ngày 17-7-1977, trong lúc nạn nhân chưa được hoàn hồn sau một đêm thức trắng thì máy nói, từ đỉnh cao của lầu nước, mở hết tốc độ âm thanh, tru tréo, ra rã thúc hối đồng bào sẵn sàng lên đường. Đoàn thanh niên nam nữ 30-4 theo lệnh hối hả, khuân vác đồ đạc của các nạn nhân ra xe. Phường khóm, tổ khu phố lũ lượt kéo tới chúc mừng, có cả phóng viên, nhà báo, quả là một chuyện ngược ngạo lì lợm, kinh thiên động địa, chưa từng thấy trong lịch sử con người.

Đúng 7 giờ sáng, tất cả xe cộ của chín phường trong thị xã, sau khi hốt đủ người, tập trung tại vườn hoa nhỏ đầu đường Gia Long. Năm Lý, Trung Tá Việt Cộng, chủ tịch ủy ban Kinh Tế Mới Đức Linh, một người phát xít nhưng được hầu hết dân chúng bị đi Kinh Tế Mới rất ái mộ vì ông hiền từ, chân thật, còn có nhân tính con người, trong xã hội hết tình người, đã đọc diễn văn, cắt băng khánh thành rồi ban lệnh khởi hành. Ngay từ đó, hàng trăm tên du kích, công an hầm hầm áp tãi 10.000 người Phan Thiết và 2500 nạn nhân KTM miền Trung trốn trại, lên Kinh Tế Mới Đức Linh để xây dựng cuộc đời mới trong thiên đàng xã nghĩa.

Đoàn xe dài lê thê, hàng nối hàng, chạy vòng quanh vườn hoa nhỏ trước nhà sách Vui Vui, ngược chiều phố Gia Long, Đồng Khánh, Trần quý Cáp với tốc độ chậm, để các nạn nhân được nhìn lại nơi chốn thân yêu lần chót, sau đó nhấn hết ga, mặc kệ đồng bào đang bị chèn ép sau thùng xe vận tải, khiến cho người, đồ đạc, gia súc chen chúc ngồi đứng, dở khóc, dở cười.

Phan Thiết - Đức Linh cách xa 178 km, trừ đoạn đường 58 km trên quốc lộ 1 tráng nhựa tốt, số còn lại từ căn cứ 6 đến Võ Đắc, gọi là Tỉnh lộ 1, chỉ là đường đất đá gồ ghề, nhiều chỗ cầu bị gẫy chưa được sửa chữa, phải chạy vòng dưới lòng suối sâu vô cùng nguy hiểm. Rừng lá tuy được khai quang, nhưng nhiều nơi xe vẫn chui luồn dưới những tàn cây mịt mù sương khói, không nhìn thấy mặt trời, khắp nơi vượn khỉ nhảy nhót trong lùm cây, đa đa gù vang đây đó. Một vài chú sóc tinh nghịch, khi biến, lúc hiện trước đầu xe như trêu chọc người phố thị. Bình Tuy đang mùa nắng cháy, hơi núi bốc nóng như thiêu, cộng với bụi đường đất đỏ, khiến cho ai cũng rã rượi, mệt nhừ vì khát nước, nhồi xốc, chen lấn và tủi phận.

Đường bộ băng ngang thiết lộ tại ga Suối Kiết, muôn năm nằm ngủ quên dưới chân núi Ông mịt mù mây phủ. Từ đây đường bắt đầu lên dốc xuống đồi, nhiều quãng cây cối mọc be ra tới ngoài che kín lối đi. 12 giờ trưa cùng ngày, xe mới tới phố huyện Lạc Tánh, cũng là cửa ngõ vào thiên đàng Kinh Tế Mới Đức Linh. Có tất cả 8 khu vực, 1 nằm bên nam sông là Vỏ Su, kế cầu Lăng Quăng, nối tiếp với Kinh Tế Mới Duy Cần dành cho đồng bào các quận 8, 9, 10 Sài Gòn và Trại cải tạo dân quân Huy Khiêm. Các khu vực khác đều ở bên bắc sông La Ngà, gồm có Đồng Kho, Tà Pao, Bắc Ruộng 1, 2, Nghị Đức, Mê Pu và Sùng Nhơn. Sự sắp xếp tùy theo đoàn xe tới sớm hay chậm, không cần biết khu, phường hay liên hệ gia đình, khiến cho nhiều hộ, cha mẹ ở nam, con cái tại bắc, nhưng đã đến đường cùng, đành cắn răng, bấm bụng, gạt nước mắt mà sống qua ngày.

Lối về đất chết đầy ghê rợn, cồn mây heo hút chắn lối đi, thêm trận mưa rừng đầu mùa, khiến mọi người càng đứt ruột. Xe đã vào truôn, đây là Đồng Kho tre mây nối vòng tay lớn che mát đường đi, lố nhố khắp nơi từng dãy nhà sàn của bộ lạc Roglai xơ xác rã rời với cát bụi thời gian. Rồi thì bờ bụi, lau lách như muốn nuốt trửng con lộ đất đỏ ngoằn ngoèo đầy ổ gà, ổ voi, len lỏi hai bên vách núi cao ngất, dẫn tới thung lũng Đoàn Kết, ủ rủ cheo leo dưới chân rặng núi Ông, đang chực chờ đón người Kinh Tế Mới. Nhiều xe lại bị tách rời, lại những bàn tay khẳng khiu đau khổ đưa vội, vẫy vẫy chào chào, hẹn ngày tái ngộ. Rồi Tà Pao, vùng đất úng thủy, mệt mỏi ngủ lỳ giữa tiếng thác ghềnh gào thét. Chiếc cầu sắt vừa mới được bắc ngang sông La Ngà, còn thơm mùi sơn đỏ, từ xe nhìn xuống thăm thẵm vực sâu, kẻ ở người đi ngàn trăm lưu luyến. Rừng núi cũng hân hoan đón người lạc bước nhưng dân địa phương, đa số là Quảng Ngãi thù ghét ra mặt, lòng dạ sâu hiểm hơn rắn rết, một ngụy hai ngụy, xin nước uống cũng không cho, làm cho ai nấy thêm não nùng cho thân phận con người bại trận, mất nước.
Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Nghị Đức, Mê Pu, Sùng Nhơn, Madogui, đèo Chuối trên quốc lộ 20, những địa danh một thời in mòn gót giầy của người lính trận Trung Đoàn 43, SĐ18BB, nay thành chỗ giam giữ nô lệ Phan Thiết. Ngày nóng, đêm lạnh, gió núi, sương rừng se sắt buốt lịm thịt da. Sơn cốc bị đá xanh, mây xám, bụi đỏ miên viễn mịt mờ. Rừng già, rừng xanh chằng chịt, từ đây chúng ta thành sơn nhân, dã thú, ngày ngày ngắm mây trắng la đà ngâm câu ‘Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại’ của Hàn Dũ khi bị đầy, cho bớt nhớ nhà.. Bắc Ruộng 2, hay Tà Lễ 2 sau là thôn 3, xã Bắc Ruộng, quận Tánh Linh, lừng danh nhất trong 9 địa điểm giam cầm người Phan Thiết. Đây là một làng chiến đấu cũ của Việt Cộng trước năm 1975, vùng oanh kích tự do nên quanh quẩn khắp nơi còn in dấu nhiều nền đất xám, bìm cỏ rậm rịp, đụn mối cao ngất, hầm chông hố bom còn nguyên vẹn chưa được lấp bằng. Thêm vào đó rừng sát đường nên ban đêm văng vẳng tiếng cọp gầm, voi rống, cú vạc tru tréo cầm canh, thay thế tiếng chó gà báo thức. Pháp trường cây xoài quéo, nơi ngã ba vào Nghị Đức như còn ẩn hiện các hồn ma oan khiên Việt Nam Cộng Hòa bị Việt Cộng kết tội Việt gian, đem xử giảo rồi quăng xác xuống suối cho thú dữ ăn. Máu người hòa với nước mưa làm cho con lạch lúc nào cũng đỏ thắm không bao giờ cạn và đổi màu.
Nhiều dãy lều Kinh Tế Mới được các nghĩa vụ lao động dựng vội vã cho đạt chỉ tiêu, dọc theo hai bên đường cho tới bìa rừng. Không biết phải dùng cái danh từ gì để gọi nó cho hợp lý, vì láng cũng chẳng phải là láng mà nhà lại càng kỳ cục vì chỉ có mái lá lợp thưa thớt nên các tia nắng mặt trời ban ngày hay ánh trăng đêm tha hồ nằm bên trong thưởng thức. Thảm nhất là hàng cột con ốm yếu, khẳng khiu như kiếp cơ hàn của người dân Việt trong xã nghĩa, chỉ chực gãy mỗi khi gió rừng nổi giận. Chỉ có cái nền nhà là được khai quang, còn bên ngoài cỏ lau xanh ngắt. Đồ đạc, người ngợm bị vứt bên đường, ỳ ạch khuân vác vào địa điểm vừa bốc thăm nhà, đã muốn ngất ngư chết xỉu. Tội nghiệp và thảm thê vô cùng là các gia đình quân công cán cảnh Việt Nam Cộng Hòa có chồng đang còn tù tội, chỉ có một góa phụ và mấy đấng trẻ nít, làm sao đúng tiêu chuẩn lao động sản xuất đây, vậy mà cũng bị hốt lên rừng để xây dựng kinh tế mới.

Mọi sự rồi cũng phải qua, dù thích hay không muốn. Lấy sức người sỏi đá cũng thành cơm, thì sá gì phần ruộng dành cho người Phan Thiết. Kinh Tế Mới lúc đó vẫn còn đắm chìm dưới biển lau sậy, tận hồ Lạc, dưới chân núi Bảo Đại mù mịt hơi sương. Ngày tháng vùn vụt lướt nhanh, người người phờ phạc vì lao tác và thiếu dinh dưỡng. Dầm mưa đội nắng, suốt ngày ngâm mình trong bùn, sình, nước đục, cuốc, đắp, phát quang.. quanh đi quẩn lại, từ 5 giờ sáng thức giấc theo tiếng kẻng gọi hồn cho tới tối mù mịt mới mò về nhà, cũng bấy nhiêu thôi. Tình cờ soi gương, thấy mình như đổi khác, ta đã thành sơn nhân, thành tên ma đói chập chờn vất vưởng trong cõi đời trầm thống não nùng. Thương sao là thương mấy bà, mấy cô em học sinh trung tiểu học năm nào, ngây thơ, bé bỏng, phải xếp bút nghiên theo cha mẹ đi lao động. Mệnh phụ, tiểu thơ, thanh tân, đài các, mắt phượng da ngà, chỉ sau một thời gian ngắn dầu dãi phong trần, tất cả biến thành cô gái lọ lem, quần áo rách rưới, da dẻ xám xịt gầy gò, khấp khểnh vác cây cuốc xã hội chủ nghĩa cao hơn đầu người, tức tủi thương cho phận hồng nhan đa truân, giữa buổi đất trời nổi cơn gió bụi, khóc thét khi đỉa vắt bám vào chân, đùi, nước mắt ràn rụa như không bao giờ vơi trên các khuôn mặt đẹp của một thời hoa bướm, nay chỉ còn hốc hác, héo mòn. Đàn ông, thanh niên, thương gia, trí thức, dân lao động, làm biển.. cũng đâu có sung sướng gì. Tất cả lết lê quằn quại trong địa nguc trần gian. Thần chết cũng đánh hơi bạo lực, bắt đầu đến với người Kinh Tế Mới. Thôi thì đủ thứ, từ chuyện phong thổ u uất ẩm thấp, nước uống thức ăn thiếu vệ sinh và chất bổ dưỡng, muỗi rừng ào ạt tấn công người gây bệnh thổ tả và các loại sốt chết bất đắc kỳ tử. Ngoài bệnh tật, còn chết vì đốn cây, chặt tre vô ý, đi ruộng không coi chừng bị rắn độc cắn cũng chết, đói quá ăn rau nấm bậy bạ trúng độc cũng chết, mìn chông hố bom lựu đạn ngày xưa để lại, thỉnh thoảng nổ bậy, ai bất hạnh trờ tới đúng lúc cũng chết.
Tang tóc, lầm than, khổ đau và nhục nhả vây kín người Phan Thiết bị hốt đi Kinh Tế Mới trong giai đoạn này. Hỡi ơi những năm tháng đời quân ngũ, ta đã chôn người thật nhiều, chôn xác bạn trên chiến trường vội vã, chôn xác thù giữa trận địa hoang liêu. Rồi qua nhiều lò cải tạo, nay đến miền kinh tế mới, lại tiếp tục lo việc chung thân cho bao nhiêu người, nào đồng đội, đồng bào, thân nhân, bằng hữu, tất cả chỉ có hai bàn tay, vài thanh tre, một cái hố thẳm, gói ghém một đời người bất hạnh trót sinh nhằm thế kỷ, ngủ yên trong manh chiếu rách hay chiếc mền tả tơi, bụng rỗng xương sống xương sườn đếm đủ. Tất cả chỉ là cát bụi, ‘sinh ký tử qui’, thế gian là cõi không không miên trường. Chôn người đâu có gì khó? nhưng đứng nhìn xác chết lạnh tanh, với cảnh thống khổ biệt ly giữa biển nước mắt, nghe lời nỉ non kể lể của quyến thuộc người xấu số, để làm như một kẻ dửng dưng không hề có tình người như người Việt Cộng là một điều cười ra nước mắt:
‘..sao thấy cay xè trên chót môi
rờ tay mới biết lệ mình rơi,
đời người, sinh tử là qui, ký
thì có gì đâu phải rã rời?’

Thế là hết, những người Phan Thiết một đời bỏ đi làm cách mạng, chỉ mong mang lại no cơm ấm áo cho đồng bào mình nhưng họ đã lạc lầm chạy theo chủ nghĩa ngoại lai, nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh của cộng đảng quốc tế từ Mạc tư Khoa, Bắc Kinh, Hà Nội, mang thương đau về cho xứ sở, chốn chôn nhao cắt rún, cho thâm tình bằng hữu và mọi gia đình, để đổi lấy chút tem phiếu và quyền lợi thừa mứa do đảng và nhà nước vung vãi khi đã ôm ngập tới đầu. Đói, chết, tuyệt vọng trùng trùng đã khiến cho người Phan Thiết quật cường trở lại. Thế là bất chấp du kích công an, đồn canh trạm gác, kiểm soát khắp nơi như thiên la địa võng, mọi người khăn gói bồng bế nhau trở về. Đây là cuộc di tản cuối cùng của người Việt Phan Thiết sau ngày mất nước 30-4-1975.

Từ đó Phan Thiết trở thành quê hương của đói rách lầm than. Người người dửng dưng trước thời cuộc, nhắm mắt xuôi tay chấp nhận kiếp số. Phó mặc cho đảng và cán bộ đẩy đưa, xếp đặt, coi như mình không có hiện diện trong cõi đời này. Phố Gia Long, nay đổi thành Nguyễn Huệ, nhưng có mang cái tên gì chăng nữa thì đó cũng thành khu chợ trời công khai, người ta, kể cả cán bộ Bắc hồi kết Nam, mang những thứ của công chiến lợi phẩm hay mua rẻ hoặc móc ngoặc từ quốc doanh, nhà kho.. ra bán cho phó thường dân với giá cắt cổ. Đây cũng là chốn bàn bạc áp phe và toan tính chuyện vượt biên, vượt biển. AÔo rách bạc mầu vá víu chen lẫn với bò vàng cán ngố, cười đó rồi trở mặt đó, tuồng hát cứ quay tít trong sự lường gạt đấu trí với nhau để sống còn. Riêng các nạn nhân Kinh Tế Mới, bắt rồi thả, sáng nay đẩy lên xe về rừng, mai mốt đã thấy xuất hiện nơi phố chợ. Nhà tù chật cứng, tư cách gì bắt dân thường đi cải tạo, hơn nữa chỉ tiêu Tỉnh đã đạt được 150%, nhà của Họ cũng đã bị chiếm, thôi làm lơ cho yên việc. Từ đó quán cà phê mọc lên như nấm vẫn không đủ chỗ cho người thất nghiệp. Nhà ga xe lửa Phan Thiết, vườn hoa đường Nguyễn Hoàng, bến cá Cồn Chà.. thành khách sạn miễn phí của người tay trắng từ Kinh Tế Mới chạy về. Ngày tỏa ra khắp nơi kiếm ăn, tối tụ lại ngủ chung tập thể khắp sân ga, hiên người, tắm nước sông, uống nước máy, biến thành con ma chơi, kẻ tha nhân ngay chính trên quê hương do Tổ tiên, cha ông và ngay bàn tay gầy dựng của mình.

3-RỦ NHAU BỎ XỨ MÀ ĐI VƯỢT BIỂN :
Người Bình Thuận đã bỏ xứ mà đi ngay khi giặc về đêm 18-4-1975, đa số là người Bắc di cư ở các phường ven biển như Thanh Hải, Phan Rí, Vĩnh Thủy, Vĩnh Phú và nhất là Bình Tuy. Từ những năm 1977 tới 1980, đảng Cộng Sản qua công an và hải quan ‘bán chính thức’ tổ chức vượt biển để lấy vàng, dù trước đó, luật pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, luật hình sự, điều 85, mục 2 và điều 88, xử phạt nặng kể cả công an, cán bộ cưỡng ép, xúi giục người trốn ra nước ngoài. Năm 1977 khởi đầu thử nghiệm chuyện xuất cảng người, mà đối tượng là giới tài phiệt Việt-Hoa, theo thời giá mỗi đầu người 10 lạng vàng y, trị giá 4000 đô la Mỹ. Cũng trong năm này, Phan Thiết có tổ chức đi bán công khai nhưng sau đó dẹp luôn vì ai cũng muốn đi chui, vừa rẽ lại an toàn.

Có một điều tréo cẳng ngỏng là Bình Thuận là nơi có nhiều cửa sông, bến cảng, ghe thuyền lớn và rất nhiều, nhưng hầu như có ít tầu ghe vượt biên, ngoại trừ số ra đi năm 1975. Tại trại Pulau Bidong, từ năm 1977 cho tới 1980, có tới mấy trăm tàu vượt biên, nhưng ghe Bình Thuận chỉ có chừng 5 chiếc, một là tàu đi bán công khai năm 1977, số còn lại là chiếc giã Nùng Phan Rí, I chiếc khác mang số Phan Rí là tàu quốc doanh và chiếc duy nhất có 32 người Phan Thiết, đi ngày 31-10-1978 tại bãi Thương Chánh, mang số PT1109, là tàu số 100 của trại Bidong, Mã Lai Á. Vào tháng 9/1978, lợi dụng Việt Cộng Bình Thuận no say ăn mừng, một chiếc tàu đánh cá hạng trung tại Bình Hưng, chở trên 200 người, công khai ra biển vào ban ngày. Chiếc tàu vượt biên may mắn trên lại gặp may mắn lần nữa khi tiếp cận với một chiếc tầu dầu Mỹ, tất cả được vớt và gởi tạm thời tại một trại tị nạn ở thủ đô Jakarta, Nam Dương.
Sau này, nhiều người Phan Thiết vượt biển kể rằng sở dĩ họ không dám vượt biên ở tỉnh nhà vì hầu hết những người có tàu thuyền tại địa phương rất gian xảo, đồng ý tổ chức lấy vàng, rồi đi báo công an, sau đó tiếp tục làm lại từ đầu. Nhưng theo dân biển, thì họ cũng bị người đi vượt biên gạt bằng cách chung vàng giả, chỉ có lớp vàng mạ ở bên ngoài, bên trong là chì, bạc hay là đồng. Tóm lại ai thật ai giả, không biết đâu mà mò. Nhưng có điều chắc chắn là từ sau năm 1980, gần 90% các chủ ghe tàu Bình Thuận đã đem tàu thuyền của họ ra đi không trở lại, mãi tới đầu năm 1990, khi Đông Aạu, Liên Xô giã từ thiên đàng xã nghĩa, Việt Cộng đói quá chịu mở cửa đón Việt kiều khúc ruột xa khơi trở về, các chương trình đoàn tụ gia đình, diện con lai, HO.. và trên hết quốc tế chấm dứt nhận người vượt biển, người Bình Thuận mới chịu chấm dứt mộng du học ngoại quốc bằng đường biển.

Lai thêm một năm buồn ly xứ , đêm nay trời Xóm Cồn bổng lạnh buốt, như những lời thơ thảm tuyệt của bạn già gửi từ Kinh tế mới Đức Linh tới , báo cho biết đang khốn khổ vì cơ nghiệp gầy dựng tại núi rừng, đã bị cưởng đoạt công khai như năm nào bị bắt đi kinh tế mới.
‘ thư bạn gửi từ vùng kinh tế mới
đến tay ta hơn sáu chục ngày dài
giọng đùa cợt như thuở chớm đôi mươi
nhưng bút mực làm sao che nước mắt
*
Đọc thơ bạn giữa đất trời cô độc
đêm nay buồn thổn thức với quê hương
thảm thương ơi bao bè bạn đoạn trường
giờ vẫn trả nợ trai thời tao loạn.

Xóm Cồn
Tháng 7-2007

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=115&nid=111241

Aucun commentaire: