mardi 17 juillet 2007

Đòi Giữ Trường Sa, Hoàng Sa; CSVN Ghi Công Quân Đội VNCH

Đòi Giữ Trường Sa, Hoàng Sa; CSVN Ghi Công Quân Đội VNCH

Việt Báo Thứ Hai, 7/16/2007, 12:02:00 AM

Một điều hiếm có đang xảy ra: báo nhà nước trong khi đăng bài nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam trên các đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã công nhận công lao của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong việc gìn giữ các phần lãnh thổ và lãnh hải này. Và công trình nghiên cứu công phu này là do một Tiến sĩ Sử học Hà Nội thực hiện, và bài nghiên cứu đăng trên báo Lao Động ngày 15-7-2007. Tuy nhiên, vẫn còn ít nhất là một lỗi nhỏ cần phải điều chỉnh.

Lao Động số 27 Ngày 15/07/2007 đã đăng 2 bài viết của Tiến Sĩ Sử Học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, một bài tựa đề "Một số tư liệu quý về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" và một bài tựa đề "Những tư liệu lưu trữ quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa."

Cả hai bài đều nêu rõ chủ quyền của Việt Nam trên các đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong khi nêu rõ rằng Trung Quốc không hề có chủ quyền gì trên các đảo này.
Bài "Những tư liệu lưu trữ quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa" đã phản bác việc chính phủ Trung Quốc dàn dựng bằng lý luận như sau, trích:

"…Sang thời kỳ Triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt phải kể đến một tài liệu rất quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội.

Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như Bộ Công, và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ hoạ đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc...

Tài liệu đặc biệt này trước đây được tàng tàng trữ tại chi nhánh Văn khố quốc gia ở Đà Lạt. Trước ngày 30.4.1975, chính quyền Sài Gòn cho chuyển về Nha Văn Khố ở Sài Gòn. Sau 1975 được đổi là Kho Lưu trữ Trung ương 2 và sau đó được chuyển ra Kho Lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội. Việt Sử Cương Giám Khảo Lược quyển IV của Nguyễn Thông (1877) cho biết ở buổi quốc sơ thường kén những đinh tráng hai hộ An Hải và An Vĩnh. Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần 2 và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản.
Trong quyển III Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, đời Vua Minh Mạng, có ba đoạn văn liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

Ngoài ra, các bản đồ cổ của VN từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.

Những tư liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

* Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Ký Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa và đã khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

* Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về Trung Quốc.

Khảo sát tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả các bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả các bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1.1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là "phát hiện" nhằm nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt Bắc ngôi miếu "Hoàng Sa Tự" ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của VN." (hết trích)

Đặc biệt, trong bài viết tựa đề "Một số tư liệu quý về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" cũng trên Lao Động, đã ghi việc quân lực VNCH gìn giữ các đảo như sau, trích:

"…Ngày 14.10.1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 7.9.1951, Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của VN, không có ý kiến nào phản đối. Theo Hiệp định Genève, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chánh của phía chính quyền ở miền Nam vĩ tuyến 17.

Tháng 4.1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi miền Nam VN, Philippines nêu vấn đề chủ quyền. Trong thời gian trên cho đến năm 1956, quân đội Quốc Gia VN sau gọi là VN Cộng Hoà đã chiếm đóng các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 1.6.1956, Ngoại trưởng chính quyền VN Cộng Hoà Vũ Văn Mẫu ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vài ngày sau, Pháp cũng nhắc lại cho Philippines biết những quyền hạn mà Pháp đã có đối với hai quần đảo trên từ năm 1933.

Ngày 22. 8. 1956, lục hải quân VN Cộng Hoà đổ bộ lên các đảo chính của quần đảo Trường Sa và dựng bia, kéo cờ. Ngày 13.7.1961, Tổng thống VN Cộng Hoà ra sắc lệnh đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam.

Ngày 6.9.1973, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ của chính quyền VN Cộng Hoà đã sửa đổi việc quản lý hành chính của Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy mà trước đây vào năm 1956, thời chính quyền Ngô Đình Diệm đã có sắc lệnh gọi quần đảo Spratly là quần đảo Hoàng Sa…." (hết trích)

Câu cuối cùng ở đoạn trên là nơi cần hỏi lại tác giả, vì có thể là nhầm lẫn đánh máy: Spratly vẫn được dịch là quần đảo Trường Sa, trong khi Paracels vẫn được dịch là quần đảo Hoàng Sa.

Tình hình Hà Nội công khai nêu lên chủ quyền và chỉ rõ việc Trung Quốc đưa quân chiếm đảo bất hợp pháp đã cho thấy có tăng mức độ trong tình hình tranh chấp vùng Biển Đông. Cũng đặc biệt trong bài, tuy chưa chính thức ghi công quân lực VNCH đã gìn giữ các đảo, nhưng Hà Nội đã xóa bỏ ngôn ngữ xách mé thường có với kiểu gọi "ngụy quân, ngụy quyền."

Điều đặc biệt nữa, trong bài nghiên cứu đăng trên báo Lao Động không nhắc gì tới chuyện Thủ Tướng VN Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng năm 1958 đã gửi thư trao tặng chủ quyền Trường Sa cho Trung Quốc, theo phần Niên Biểu Thế Kỷ 20 về Trường Sa trên Bách Khoa Wikipedia, trích:

"1958 - Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đưa ra tuyên bố xác định lãnh thổ biển của họ gồm cả quần đảo Trường Sa। Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Phạm Văn Đồng, gửi một công văn chính thức tới Chu Ân Lai, tuyên bố rằng "Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy." (http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A7n_%C4%91%E1%BA%A3o_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa)


http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=111186

Aucun commentaire: