Một số tư liệu quý về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Lao Động số 27 Ngày 15/07/2007 Cập nhật: 4:12 AM, 15/07/2007
An Nam Đại quốc Hoạ đồ ghi rõ Paracel là Cát Vàng.
(LĐ) - Trước năm 1909 chưa hề có sự tranh chấp chủ quyền. Việt Nam là nước duy nhất có chính sử viết rất rõ "Vua, triều đình khẳng định Hoàng Sa hay Cát Vàng thuộc cương vực của Việt Nam" và Chúa Nguyễn hay Vua triều Nguyễn cử đội Hoàng Sa hay thuỷ quân đến chiếm cứ, khai thác, cắm cột mốc, dựng bia xây Hoàng Sa tự, trồng cây... thực hiện chủ quyền của nước Đại Việt cũng như Việt Nam. Đó là sự chiếm hữu thực sự, hoà bình và liên tục.
Khi bị tranh chấp, các chính quyền có cơ sở pháp lý quản lý chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền ấy.Việt Nam cũng là nước duy nhất dùng tên gọi Cát vàng hay Cồn Vàng hay Hoàng Sa cho quần đảo có toạ độ như hiện nay được người phương Tây như Giám mục Taberd năm 1838 trong An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ xác định là Paracel (ảnh bản đồ dưới).
Thời phong kiến, chính đại diện nhà nước VN là vua và triều đình đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của VN với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời Minh Mạng, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 104 chép:
"Năm 1833, Vua (Minh Mạng) bảo Bộ Công rằng dải Hoàng Sa nằm trong hải phận Quảng Ngãi", hoặc năm 1836, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 165 chép: "Bộ Công tâu: Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển của nước ta, rất là hiểm yếu". Năm 1847, tờ phúc tấu của Bộ Công trong tập châu bản tập 51, trang 235 ghi rõ: "Bộ Công tâu lên Vua [Thiệu Trị]: "Hàng năm, vào mùa xuân, theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa, thuộc hải cương nước nhà".
Trong suốt thời Chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và nhà Nguyễn, liên tục từ đầu thế kỷ XVII đến khi có sự xâm phạm chủ quyền của nước ngoàix, năm 1909, Hoàng Sa luôn được các sách địa lý như Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ của Đỗ Bá tự Công Đạo hay Địa Dư Chí của Phan Huy Chú, Hoàng Việt Dư Địa Chí của Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Việt Sử Cương Giám Khảo Lược của Nguyễn Thông, Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán đều xác định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một, luôn được quản lý hành chính bởi Quảng Nghĩa hay Quảng Ngãi (thời Tây Sơn gọi là Hoà Nghĩa).
Việc chiếm hữu hay khai thác đầu tiên do đội dân binh Hoàng Sa và đội Bắc Hải, sau đó do thuỷ quân triều Nguyễn. Đội Hoàng Sa phải có trước hoặc trong thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687).
Bắt đầu từ năm 1816, việc xem xét và đo đạc thuỷ trình... để vẽ bản đồ ở Hoàng Sa do Bộ Công chỉ đạo thuỷ quân phối hợp với giám thành, với địa phương Quảng Ngãi. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công đẩy mạnh việc dựng bia chủ quyền, cắm cột mốc ở Hoàng Sa.
Sau khi người Trung Quốc sáp nhập quần đảo Paracels vào tỉnh Quảng Đông thì chính quyền thuộc địa Pháp bắt đầu quan tâm đến Hoàng Sa. Ngày 29.4.1932, chính phủ Pháp gửi kháng nghị nêu rõ các bằng chứng về chủ quyền của "vương quốc An Nam" tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, lần đầu tiên Pháp đề nghị đưa vụ tranh chấp ra các toà án quốc tế và Trung Quốc đã phản đối đề nghị này.
Ngày 13.4.1933, một hạm đội nhỏ thuộc các lực lượng hải quân Pháp đến chiếm hữu theo phương thức phương Tây quần đảo Trường Sa. Ngày 29.2 năm Bảo Đại thứ 13 (30 Mars 1938), Hoàng đế Bảo Đại của nhà Nguyễn đã ký Dụ số 10 có nội dung: Hoàng Sa do tỉnh Thừa Thiên quản hạt.
Năm 1938, một bia chủ quyền được dựng trên đảo Pattle (Hoàng Sa), một hải đăng, một trạm khí tượng được đặt ở đảo Hoàng Sa (Pattle) và đảo Phú Lâm (Ile Boisée), một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle).
An Nam Đại quốc Hoạ đồ ghi rõ Paracel là Cát Vàng (phần khoanh tròn).
Cùng một bia chủ quyền, một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến cũng được đặt trên đảo Ba Bình (Itu - Aba). Tháng 6.1938, một đơn vị bảo an lính VN tới Hoàng Sa. Ngày 5.5.1939, Toàn Quyền Đông Dương Jules Brévié đã ra nghị định số 3282, sửa đổi nghị định trước và thành lập hai sở địa lý trên quần đảo Hoàng Sa.
Lợi dụng lúc quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ VN Dân Chủ Cộng Hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, thì ngày 26.10.1946, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 chiến hạm đến chiếm trái phép Hoàng Sa và Trường Sa.
Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Quốc và ngày 17.10.1947 thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa và gửi một phân đội lính trong đó có cả quân lính "Quốc gia VN" đến đóng một đồn ở đảo Pattle (Hoàng Sa).
Tháng 4.1950, quân lính Trung Hoa Dân Quốc rút hết khỏi quần đảo Hoàng Sa, trước đó đã rút khỏi Trường Sa. Ngày 14.10.1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa.
Tiếp bước cha ông giữ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.
Ngày 7.9.1951, Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của VN, không có ý kiến nào phản đối. Theo Hiệp định Genève, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chánh của phía chính quyền ở miền Nam vĩ tuyến 17.
Tháng 4.1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi miền Nam VN, Philippines nêu vấn đề chủ quyền. Trong thời gian trên cho đến năm 1956, quân đội Quốc Gia VN sau gọi là VN Cộng Hoà đã chiếm đóng các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 1.6.1956, Ngoại trưởng chính quyền VN Cộng Hoà Vũ Văn Mẫu ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vài ngày sau, Pháp cũng nhắc lại cho Philippines biết những quyền hạn mà Pháp đã có đối với hai quần đảo trên từ năm 1933.
Ngày 22. 8. 1956, lục hải quân VN Cộng Hoà đổ bộ lên các đảo chính của quần đảo Trường Sa và dựng bia, kéo cờ. Ngày 13.7.1961, Tổng thống VN Cộng Hoà ra sắc lệnh đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam.
Ngày 6.9.1973, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ của chính quyền VN Cộng Hoà đã sửa đổi việc quản lý hành chính của Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy mà trước đây vào năm 1956, thời chính quyền Ngô Đình Diệm đã có sắc lệnh gọi quần đảo Spratly là quần đảo Hoàng Sa.
Từ đó sự tranh chấp cứ leo thang và dai dẳng cho đến nay
- tai liệu lưu trữ quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa
- Địa lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
TS sử học Hãn nguyên Nguyễn Nhã
http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2007/7/45337.laodong
mardi 17 juillet 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire