vendredi 15 juin 2007

BA MƯƠI HAI NĂM SAU LOẠT BÀI CỦA VIỆN BẢO TÀNG VIỆT NAM SAN JOSE PHỔ BIẾN

30 THÁNG 4, BA MƯƠI HAI NĂM SAU LOẠT BÀI CỦA VIỆN BẢO TÀNG VIỆT NAM SAN JOSE PHỔ BIẾN
30/4/2007

1. Lời giới thiệu tài liệu.
2. 21 tháng 4-1975, Diễn văn từ chức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Trao quyền cho tân Tổng thống Trần văn Hương tại quốc hội
3. 26 tháng 4-1975.Diễn văn của Tổng thống Trần Văn Hương:
Tại quốc hội: Quý vị quyết định, tôi xin trao quyền cho đại tướng.
4. 28 tháng 4-1975.Phóng sự truyền thanh lễ bàn giao lần cuối
5. Trần Văn Hương: Thưa với Đại Tướng.
6. Dương Văn Minh: Kính thưa thầy..
Nói với quốc dân, với quân đội, với bên kia, với các nước bạn, với đồng bào...
7. 29-04-75 Thủ tướng Vũ văn Mẫu: Yêu cầu người Mỹ ra đi
8. Đài Sài Gòn tổng kết tình hình tối 29-04-75
9. 29 tháng 4-75 Tổng thống Dương văn Minh ra lệnh ngưng bắn
10. 30 tháng 4-75 Tổng thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng

Tài liệu nay là di sản sưu tầm của Viện Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa tại San Jose gồm có các cuốn băng ghi âm đã sao lục thành văn bản. Tất cả được lưu trữ trong hồ sơ 30 tháng tư 1975 để làm tài liệu lịch sử về sau. Nếu quý vị có các tài liệụ tương tự, chúng tôi xin được liên lạc để thảo luận.

Địa chỉ 420 Park Ave, San Jose CA. 95110 tel 408 971 7878
Email irccsj@yahoo.com và giaochisanjose@sbcglobal.net.

----------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu số 1: 1975 - 2007
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975 Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

Trong số các kỷ vật về chiến tranh Việt Nam, chúng tôi có nhiều cuốn tape ghi lại các diễn tiến lịch sử trong những ngày cuối cùng của đài phát thanh Sài Gòn, gồm có:

• Bài diễn văn từ chức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 21 tháng 4-1975.

• Bài diễn văn tổng thống Trần Văn Hương đọc ngày 26 tháng 4-1975 trước khoáng đại hội nghị lưỡng viện. Trong giờ phút này, vị nhân sĩ miền Nam lúc đó 74 tuổi đã nói những câu như sau với quốc hội: "Thưa quý vị, thương thuyết không phải là đầu hàng. Nếu là đầu hàng thì còn thương thuyết gì nữa! Thà là chết cho đến cùng chứ sao lại gọi là thương thuyết được!"

• Phóng sự trực tiếp của phóng viên đài Sài Gòn mô tả buổi lễ bàn giao giữa Tổng thống Trần Văn Hương và Đại tướng Dương Văn Minh ngày 28 tháng 4-1975. Buổi chiều hôm đó Sài Gòn mưa tầm tã, cuốn băng ghi âm về diễn tiến trong Dinh Độc Lập đã lẫn trong tiếng mưa gió giông bão bên ngoài, vì có nhiều báo chí hiện diện nên cửa ra vào đóng không chặt. Tất cả những người hiện diện trong buổi lễ bàn giao đều cảm thấy nguy cơ sắp đến nhưng không một người biết được rằng thảm họa đó sẽ đến trong 2 ngày sau đó. Trong số các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa tại ngũ, chỉ có hai vị hiện diện là Trung tướng Đồng Văn Khuyên lúc đó là quyền tổng tham mưu trưởng thay Đại tướng Cao Văn Viên đã di tản và Trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Không Quân. Hai vị này, sau đó ra đi đêm 29 tháng 4-1975.

• Diễn văn của Tổng thống Trần Văn Hương trong buổi lễ bàn giao
• Diễn văn nhận chức của Đại tướng Dương Văn Minh
• Tuyên bố của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
• Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi QLVNCH buông súng.
• Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng
• và sau cùng cuốn băng lịch sử ghi lại lời chứng nhận đầu hàng của Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy lữ đoàn 203 thiết giáp là đơn vị đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập sáng ngày 30 tháng 4-1975.

Đài Sài Gòn Của Vnch Ngưng Tiếng Nói
Kể Từ Trưa Ngày 30 Tháng 4-1975:

Sau khi phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh, tiếng nói đài phát thanh Sài Gòn của VNCH không còn nữa. Buổi phóng sự và tường thuật của các phóng viên của đài này kể từ ngày 26 tháng 4-1975 cho đến trưa ngày 30 tháng 4-1975 đã trở thành tài liệu lịch sử.



Tài liệu số 2: NGUYỄN VĂN THIỆU
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử


TT MNVN Nguyễn Văn Thiệu


Đài phát thanh Sài Gòn, ngày 21 tháng 4 năm 1975
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu Đọc Diễn Văn Từ Chức

Trước quý vị Lưỡng Viện Quốc Hội, trước Tối Cao Pháp Viện, trước chính phủ, trước đồng bào, trước anh chị em chiến sĩ cán bộ toàn quốc, tôi tuyên bố từ chức Tổng thống. Và theo Hiến Pháp, Phó tổng thống Trần Văn Hương sẽ đảm nhận chức vụ Tổng thống, và chiếu điều 55 Hiến Pháp, khi nhậm chức Tổng thống trước quốc dân với sự chứng kiến của Tối Cao Pháp Viện và Quốc Hội. Hôm nay vì tình hình cũng vì thời gian cấp tốc, cái sự từ chức của tôi nó cũng không được trân trọng đối với quốc dân đồng bào, cũng như đối với quý vị, đối với anh em chiến sĩ cán bộ tuy nó cũng không có cho thì giờ làm trang trọng hơn ở trong một cái khung cảnh trang trọng. Đáng lẽ ra, tôi có được cái sự tín nhiệm và ủy nhiệm của quốc dân bốn năm về trước, thì khi ra đi tôi cũng phải có ý kiến của quốc dân qua một cái hình thức nào đó. Dù trong Hiến Pháp không có dự liệu trưng cầu dân ý, không có dự liệu một hình thức nào để quốc dân nói lên cái sự bất tín nhiệm của mình đối với vị Tổng thống đương nhiệm. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi không đòi hỏi cái sự đó. Vì tình hình, vì tốn kém mà tôi nghĩ rằng một khi tôi đã lấy một cái quyết định và trách nhiệm để từ chức, tôi sẽ lãnh hết cái trách nhiệm về cái quyết định đó, và tôi lãnh hết cái trách nhiệm trước quốc dân. Và những lý do gì tôi sẽ giải thích. Thì hôm nay, trước điều 55 Hiến Pháp, đáng lẽ cái sự tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của Phó tổng thống Trần Văn Hương phải được tổ chức trong một khung cảnh trang nghiêm. Nhưng tôi đã nói rằng tình thế không cho phép. Và cũng vì lý do rằng không thể có một cái sự thiếu nhu cầu của vị quốc trưởng. Để tránh những cái sự bất ổn chính trị, tránh những cái khoảng trống chính trị. Tránh những sự khai thác của kẻ thù, cho nên hôm nay tôi có một lời yêu cầu khẩn thiết, lời yêu cầu khẩn thiết của tôi và sẵn dịp có Lưỡng Viện Quốc Hội, sẵn dịp có Tối Cao Pháp Viện, tôi xin Lưỡng Viện Quốc Hội và Tối Cao Pháp Viện chấp nhận lời yêu cầu của tôi để cho Phó tổng thống Trần Văn Hương chút nữa sẽ làm lệ tuyên thệ nhậm chức ngay tại cái văn phòng này.

Thưa quý vị, thưa đồng bào và anh chị em, tôi đã cùng với đồng bào và anh chị em suốt 10 năm nay, như tôi đã nói, tôi không phải vì thiếu can đảm. Không phải một cuộc biểu tình, một cuộc xuống đường, một cuộc vu khống mà làm cho tôi nản chí, xuống tinh thần, mất nghị lực, mà ra đi một cách vô ý thức, vô trách nhiệm. Cũng không phải vì áp lực của đồng minh, cũng không phải vì sự phải chiến đấu cam go với cộng sản mà làm cho tôi phải thiếu trách nhiệm, thiếu tin thần trách nhiệm ra đi. Những vị Tổng thống ở những quốc gia lớn, người ta đã tự hào, người ta chỉ có 6, 7 hay 10 cơn khủng khoảng. Người ta đã viết được một cuốn sách, người ta tự hào là người anh hùng, chính trị gia lỗi lạc. Tôi trong 10 năm nay, ý tôi muốn nói, tử vi mà nói, năm nào cũng xấu, tháng nào cũng xấu, ngày nào cũng xấu, giờ nào cũng xấu. Chỉ nói số mạng mà nói ................. không có lúc nào sướng, đã không sướng, đã không hưởng thụ, cũng không tìm cách hưởng thụ. Cai trị đất nước, có những cái vinh và những cái nhục. Đã chấp nhận những cái vinh và những cái nhục mới đứng ra lãnh đạo đất nước. Có những cái tốt không muốn được đồng bào khen, nhưng mà có những cái xấu, cái lỗi lầm, sẵn sàng chấp nhận cho đồng bào phê phán và buộc tội. Thì hôm nay khi tôi ra đi, tôi xin đồng bào, chiến sĩ cán bộ, tất cả các đoàn thể nhân viên tôn giáo, hãy thứ lỗi cho tôi những lỗi lầm gì đã có với quốc dân trong suốt 10 năm qua. Tôi xin cám ơn Quốc Hội, tất cả những cơ quan hiến định, tất cả các đoàn thể, các tôn giáo, những cá nhân đồng bào các giới, anh chị em chiến sĩ cán bộ, đã hợp tác với tôi, đã giúp đỡ tôi qua tất cả những thăng trầm của đất nước cho đến ngày nay. Đất nước sẽ ghi ơn đồng bào và các bạn đã đành, riêng tôi cũng sẽ ghi ơn đồng bào và các bạn. Tôi từ nhiệm chứ không phải tôi đào nhiệm. Kể từ giờ phút này tôi xin đặt mình dưới sự sử dụng của Tổng thống, của nhân dân, của quân đội. Không làm Tổng thống, hoặc Tổng thống Hương làm, thật sự đất nước cũng không mất gì. Có thể đất nước lại còn lời được một chiến sĩ ra đi. Tôi sẽ sát cánh với đồng bào với chiến sĩ để bảo vệ đất nước. Giờ đây, tôi xin cám ơn đồng bào, quý vị, anh chị em chiến sĩ cán bộ các cấp, và tôi xin từ biệt.

Tôi trở lại lời yêu cầu của tôi, yêu cầu Lưỡng Viện Quốc Hội, và Tối Cao Pháp Viện chấp nhận với sự hiện diện của quý vị đúng theo điều 55 của Hiến Pháp để cho Phó tổng thống Trần Văn Hương tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. (Vỗ tay)

Tiếp theo đây là nguyên văn lời tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Trần Văn Hương:

Tôi trân trọng tuyên thệ trước Quốc Dân, quyết bảo vệ tổ quốc, tôn trọng Hiến Pháp, phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc, xin tận lực làm tròn nhiệm vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. (Vỗ tay).


Tài liệu số 3: TÔI XIN TRAO QUYỀN
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

Trần Văn Hương:
Quý Vị Quyết Định, Tôi Xin Trao Quyền

Viết Từ Băng Ghi Âm
Diễn Văn Của Tổng Thống Trần Văn Hương
Đọc Trước Quốc Hội Lưỡng Viện VNCH Ngày 26 Tháng 4 Năm 1975


TT MNVN Trần Văn Hương

LỜI NÓI ĐẦU: Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa họp để bàn về việc Tổng thống Trần Văn Hương sẽ bàn giao chức vụ cho Đại tướng Dương Văn Minh để thương thuyết với phe cộng sản, tìm một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Cụ Hương đã tiếp xúc với Đại tướng Dương Văn Minh để mời ông Minh đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng. Nhưng tướng Minh không chịu và đòi cụ Hương phải nhường cho ông Minh chức tổng thống Đại tướng Minh nói với cụ Hương "Thầy đã hy sinh đến mức này, thôi xin thầy ráng hy sinh một bước nữa là thầy trao trọn quyền cho tôi."

Sau đây là nguyên văn lời trình bày của Tổng thống Trần Văn Hương trước phiên họp sáng thứ Bảy 26 tháng 4-1975 của lưỡng viện Quốc Hội tại Hội Trường Diên Hồng:

Thưa Chủ tịch Quốc Hội,
Thưa Chủ tịch Hạ Viện,
Thưa quý vị Nghị sĩ,
Thưa quý vị Dân biểu,

Tôi nhiệm chức hôm nay đã được năm ngày. Nói rằng ở đây để đọc một cái thông điệp, tôi không có cái táo bạo như vậy, bởi vì tình thế nghiêm trọng của đất nước. Vả lại như quý vị đã biết, tôi không quen nói những lời văn hoa mà không có ý nghĩa, cho nên tôi xin thưa trước quý vị đây không phải là một thông điệp. Đây chẳng qua là lời thành khẩn, thật tình của một người vì nước, đến trình bày mọi việc để quý vị rõ và quyết đoán.

Thưa quý vị, tình trạng đất nước khó khăn như thế nào, có lẽ quý vị đã biết rõ rồi. Tổng thống trao quyền lại cho tôi chẳng những là khó khăn, mà còn rất là bi đát. Bởi vì như quý vị đã biết, trong bốn vùng của chúng ta, hiện giờ chúng ta đã mất hơn hai vùng rồi, còn lại vùng III và vùng IV thì đã sứt mẻ, và sứt mẻ này có thể một ngày một lan rộng, và tình trạng khốn khổ, đau thương chẳng những là của toàn xứ mà của cả Sài Gòn và Chợ Lớn này trong những ngày gần đây.

Kính thưa quý vị, hiện giờ bên cạnh chúng ta là thành Nam Vang vừa rồi đây quý vị đã thấy. Cảnh Sài Gòn, Chợ Lớn nếu không khéo dàn xếp thế nào thì e rồi đây Sài Gòn sẽ thành một núi xương, một sông máu. Điều mà những người có lòng yêu nước không thể không nghĩ đến được, không thể chấp nhận được. Riêng tôi đây, tôi cũng không chấp nhận được. Bởi vậy cho nên, những vấn đề nói rằng chúng ta phải tiếp tục tranh đấu, vấn đề chúng ta đành phải nhận, phải làm, bất kỳ với giá nào cũng phải làm, những cái đó không thể giải quyết như vậy được.

Bởi vì vậy, khi tôi chấp nhận nhiệm vụ nối tiếp chánh quyền trước kia, thì tôi đã đưa ý rằng vấn đề phải giải quyết bằng một giải pháp chính trị, nghĩa là phải chấp nhận thương thuyết. Và đây, tôi xin công khai rằng chánh phủ của tôi và chánh phủ nào sẽ thành lập theo ý của tôi. Lẽ cố nhiên là với sự chấp thuận của Quốc Hội. Chánh phủ đó sẽ đứng ra thương thuyết.

Thưa quý vị, đã nói cái chữ thương thuyết, không phải thương thuyết là đầu hàng. Nếu thương thuyết là đầu hàng thì còn thương thuyết gì nữa! Thà là chết cho đến cùng chứ sao lại gọi là thương thuyết được! Bởi vậy cho nên đã đặt là thương thuyết, tất nhiên cũng phải chấp nhận những điều kiện gì đau đớn. Nhưng những điều kiện đó không phải là đến lúc phải hoàn toàn chúng ta đầu hàng. Nếu phải đầu hàng, thì chúng ta đây, quý vị và tôi, sẽ trao lại cho quân nhân, chứ không phải là chúng tôi quyết định chuyện đó.

Với ý nghĩa đó, nghĩa là ý nghĩ thương thuyết, tôi đã ra công dò xét tìm bên này, tìm bên nọ, hỏi thăm dò ý kiến mọi nơi. Tôi bữa nay cũng nói với quý vị là tôi có dịp đã gặp được Đại tướng Dương Văn Minh, bởi vì theo lời một số người, thì Đại tướng Dương Văn Minh có đủ điều kiện làm việc này.

Trong các cuộc gặp gỡ, trong một tư thất của một người bạn chung - bởi vì họp mặt tôi muốn tránh tiếng trước, không thể mời Đại tướng đến Dinh Độc Lập nói chuyện. Một mặt tôi cũng không thể tự mình tới nhà Đại tướng mà nói chuyện. Cho nên chúng tôi đã cùng nhau đến nhà một người bạn chung - Sau khi nói chuyện, tôi nói rằng: "Theo dư luận, một số người nói rằng Anh - xin lỗi, bởi vì giữa Đại tướng với tôi cũng còn cái thâm tình nhiều - người ta bảo rằng Anh có đủ điều kiện để thương thuyết, vậy thì xin Anh vì nước nhà, mọi tỵ hiềm qua, mọi chuyện không tốt đẹp đã xảy ra, xin Anh vui lòng xóa bỏ để cùng nhau chung lưng dựng nước. Xin Anh chấp nhận cái ghế Thủ tướng để đứng ra thương thuyết với phía bên kia." Đại tướng, lẽ cố nhiên đối tôi lúc nào cũng giữ thái độ chẳng những là người bạn thân mà giữ cả thái độ, xin lỗi, như thể một người học trò của tôi vậy, mặc dù Đại tướng không phải là học trò của tôi, Đại tướng nói: "Thầy đã hy sinh đến mức này, thôi xin thầy ráng hy sinh một bước nữa mà thầy trao trọn quyền cho tôi." Nghĩa là trao cái quyền tổng thống cho Đại tướng.

Thưa quý vị, nước Việt Nam của chúng ta mặc dầu mất rất nhiều rồi, nhưng cái gọi là pháp lý, căn bản pháp lý vẫn còn. Quốc Hội vẫn còn đây, Hiến Pháp vẫn còn đây, tôi không thể làm một chuyện qua mặt được Quốc Hội và qua mặt được Hiến Pháp... (vỗ tay). Vả lại cái quyền hiện giờ gọi là ở trong tay tôi, là một cái quyền cũng do nơi Hiến Pháp mà ra. Đây không phải là một cái khăn mouchoir, đây không phải là một tờ giấy bạc từ ở trong tay tôi, tôi móc ra đưa cho Đại tướng, "Đây, cái quyền đây này." Tôi không thể làm như vậy được. Bởi vậy cho nên tôi nói vấn đề này tôi không thể giải quyết được. Nếu có muốn giải quyết chăng nữa, rồi đây tôi phải trình lại với Quốc Hội để Quốc hội quyết định coi thế nào.

Thưa quý vị, Đại tướng cho rằng mình có thể nói chuyện với bên kia. Đại tướng nói rằng bên kia đã chấp nhận nói chuyện với Đại tướng. Cái chuyện này tôi xin phép không phải là tôi ngờ, nhưng mà tôi, khi nào tôi nắm được bằng cớ chính rồi, chừng đó tôi mới tin được là như vậy. Nhưng theo tôi thiết nghĩ, Đại tướng trong cuộc thương thuyết này là lãnh nhiệm vụ của một người do Quốc Hội chấp nhận đứng ra thương thuyết mà giao cho Đại tướng. Nếu mà Đại tướng tự nhiên đi nói chuyện với bên kia, xin lỗi, Đại tướng đến nói chuyện với danh nghĩa là gì? Đại tướng nói chuyện đại diện cho ai mà nói chuyện với bên kia? (vỗ tay)

Lại một điểm nữa, tôi nghĩ Đại tướng đã có cái gì mà cam đoan rằng những điều kiện Đại tướng sẽ thâu thập được đó là điều kiện, tôi không nói là hoàn toàn thuận lợi, mà là điều kiện ít đau khổ, ít nhục nhã cho nước Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, nghĩa là của chung chúng ta. Ở đây có cái gì bảo đảm chuyện đó hay không?

Một điểm nữa... hai chính phủ thương thuyết với nhau, có thể nào chính phủ này kêu chính phủ kia: "Nói anh phải chỉ định người này, người này nè, ra thương thuyết tôi mới chấp nhận, bằng không phải như vậy, tôi không chấp nhận." Có thể nào có được như vậy không? (vỗ tay)

Bởi vậy, đây cái chuyện, xin lỗi, đã thật là khó hiểu nổi. Lấy cái lý trí của con người, dẫu mà sơ đẳng thế nào, cũng không thể hiểu được.

Hôm nay đến trước mặt Quốc Hội, tôi trình bày vấn đề, thì như đã nói khi nãy, đây là một điểm mà Quốc Hội toàn quyền quyết định. Nếu nghĩ rằng tôi phải giao quyền lại cho Đại tướng Dương Văn Minh, tôi xin phép vâng lời Quốc Hội, tôi sẽ giao quyền lại cho Đại tướng Dương Văn Minh. Còn như nếu quý vị tính cái chuyện khác, đó là toàn quyền của quý vị, tôi không chen vào đó.

Một điểm sau, nhiều khi người ta nghĩ rằng tôi bị áp lực, áp lực chỗ này áp lực chỗ nọ, thì thưa quý vị, đây không phải là tự mình vẽ bùa để cho mình đeo, tôi bình sanh tới thuở giờ, không chấp nhận một áp lực của ai hết, mặc dù là áp lực của người gọi là bạn của mình hay là người tưởng là có quyền cho mình cái lịnh đó. Xin lỗi quý vị, tôi không có cái điểm đó. Vả lại đây là việc nước chung, việc nước chung nếu may ra trong cuộc thương thuyết này chúng tôi được những điều kiện nó còn phần nào, vì nó là vấn đề nhân đạo, hai là vấn đề lương tâm, ba là vấn đề thể diện. Chúng ta còn có thể chấp nhận được, thì thưa với quý vị, chừng đó dầu thế nào cái quyền quyết định là quyền của Quốc Hội, không phải quyền của tôi. Đây tôi xin xác nhận lại một lần nữa.

Bởi vậy cho nên khi tôi xin với quý vị, lát nữa đây những việc cho tôi trọn quyền chỉ định người đi thương thuyết này trong căn bản mà tôi mới vừa nói tới. Nếu được, tôi sẽ trình lại với Quốc Hội coi chấp nhận hay là không chấp nhận. Còn như quý vị nghĩ rằng không chấp nhận, bởi vì đây là một điều kiện khắt khe, một điều kiện của người thắng trận viết cho người bại trận, thì chúng ta không còn nước gì khác hơn là lúc đó chúng ta cứ việc chết tới cùng, không còn biết làm sao hơn được (vỗ tay) ... thì chừng đó dầu cái thành Sài Gòn này sẽ biến thành một biển (?), tôi nghĩ rằng người Việt Nam vì thể diện của mình, không thể nào từ chối được, trừ một số người không đáng gì (vỗ tay) nói là không thể nào chấp nhận được chuyện đó.

Thôi tôi không dám nói dài làm mất thời giờ của quý vị. Tôi chỉ nhắc lại một điểm, là xin quý vị quyết định. Nếu tôi phải trao quyền lại cho Đại tướng Dương Văn Minh, tôi xin sẵn sàng vâng lời quý vị, tôi sẽ trao lại cho Đại tướng Dương Văn Minh. Như thế quý vị chấp nhận rằng tôi có thể chỉ định một chính phủ nào gọi là chính phủ để đứng ra thương thuyết trong căn bản vãn hối hòa bình, trong tinh thần hiệp định Paris, để cho hai nước, cái chuyện vì lẽ cố nhiên một chuyện chúng ta đã mất rồi, theo những chuyện chúng ta đã biết trong hai ngày...

Ghi chú: Sau bài diễn văn của Tổng thống Trần Văn Hương, Quốc Hội đã thảo luận và biểu quyết với đa số đồng ý giao quyền cho Đại tướng Dương Văn Minh. Hai ngày sau, 28 tháng 4-1975 lễ bàn giao đã diễn ra tại Dinh Độc Lập.



Tài liệu số 4: PHÓNG SỰ TRUYỀN THANH LẦN CUỐI
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

Phóng sự của Đài Phát Thanh Sài Gòn:
Buổi lễ bàn giao tổng thống tại Dinh Độc Lập

Lời của phóng viên Đài Sài Gòn. "Thưa quý thính giả, bây giờ là 17 giờ thiếu 5 phút, và phóng viên hệ thống truyền thanh vẫn có mặt tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập. Nơi đây, buổi lễ giao tổng thống Việt Nam Cộng Hòa sẽ diễn ra trong vòng năm phút tới. Bên trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập hiện giờ đèn sáng choang và các dân biểu, nghị sĩ, cũng như tất cả nội các xử lý thường vụ của Thủ trưởng Nguyễn Bá Cẩn hiện có mặt bên trong hội trường này.

Thưa quý vị thính giả, chúng tôi đã nhận thấy ở trên hàng ghế đầu cùng là Phó thủ tướng Trần Văn Đôn, Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo, Phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng, quý vị cố vấn đoàn trong đoàn chính phủ. Chúng tôi cũng nhận thấy Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm kiêm Trưởng phái đoàn hòa đàm tại Ba Lê là ông Nguyễn Xuân Phong ngồi ở hàng ghế thứ nhì.

Phòng khánh tiết Dinh Độc Lập này là nơi xưa kia nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu vẫn thường tổ chức các cuộc họp báo, và như quý vị đã biết, ở trên cùng của phòng khánh tiết là một bức tranh diễn tả cảnh Quốc Tổ Hùng Vương hội họp các bộ tướng thời xưa. Ở hai bên bức tranh đó là quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và quốc huy của chế độ. Đó là hình hai con rồng bay trên lá cờ Việt Nam.

Tiếp đến, chúng tôi nhận thấy là diễn đàn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và cách diễn đàn đó khoảng mười thước là ghế dành cho các nhân vật trong chính phủ, các nhân vật thuộc đoàn cố vấn của chính phủ và các dân biểu nghị sĩ. Chúng tôi cũng nhận thấy một số các giám sát viên thuộc giám sát viện và quý vị thẩm phán tối cao pháp viện.

Thưa quý thính giả, bên trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập cũng được kê khoảng gần 200 ghế và hiện giờ thì những ghế đó đã kín chỗ. Chúng tôi cũng nhận thấy một số các nhân vật được nhiều người biết tới ở trong Quốc Hội như ông Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm, Nghị sĩ Tôn Thất Đính, Nghị sĩ Nguyễn Văn Ân, Dân biểu Trần Văn Tuyên, Trưởng Khối Dân Tộc Xã Hội. Chúng tôi cũng nhận thấy Dân biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa, Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dân biểu Trần Cao Đế, Dân biểu Mã Sái, Dân biểu Nguyễn Bá Lương, Dân biểu Đỗ Xuân Tứ, Nguyễn Minh Đăng, Trương Tất Thịnh, Trương Xuân Bào, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Quang Phụng, Đinh Văn Đệ, Nhan Minh Trang, Nguyễn Tuấn Anh. Ở trong dãy ghế dành cho quý vị Nghị sĩ chúng tôi cũng còn nhận thấy Nghị sĩ Khế Thiện Kế, Nghị sĩ Trần Văn Đôn, Nghị sĩ Tôn Thất Đính, và Nghị sĩ Huỳnh Văn Cao.

Thưa quý vị thính giả, quang cảnh trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập hiện nay đông nghẹt các phóng viên nhiếp ảnh trong ngoài nước. Có đến khoảng gần 100 phóng viên nhiếp ảnh đã đứng ở phía trước cửa phòng khánh tiết, tức là đứng ở hai bên và vì thế rất khó để quan sát toàn thể hội trường.

Theo như chương trình thì lễ trao nhiệm chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giữa Tổng thống đương nhiệm Trần Văn Hương và cựu Đại tướng Dương Văn Minh sẽ bắt đầu vào lúc 17 giờ ngày 28 tháng 4-1975. Nhìn qua cửa kính bên phải phòng khánh tiết, chúng tôi nhận thấy cựu Đại tướng Dương Văn Minh trong âu phục mùa xám tro đã tiến vào một trong các phòng làm việc của Dinh Độc Lập ở phía cánh trái của Dinh Độc Lập. Và giờ này thì có thêm các dân biểu và nghị sĩ vẫn còn tới để dự lễ trao nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giữa tổng thống Trần Văn Hương và tổng thống chỉ định Dương Văn Minh.

Chúng tôi vừa nhận thấy nghị sĩ Nguyễn Văn Hương và nghị sĩ Vũ Văn Mẫu vừa bước vào phòng khánh tiết. Chúng tôi cũng nhận thấy ông thẩm phán tối cao Trần Văn Tiết cũng vừa bước vào phòng khánh tiết. Nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền sau một thời gian từ chức để phản đối chế độ, nay đã trở lại nghị trường để sinh hoạt cùng với các bạn đồng viên của ông.

Như quý vị khán giả đã biết, đất nước chúng ta đã trải qua một chuỗi dài đau thương của lịch sử, và kể từ ngày nguyên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút lui khỏi Kontum và Pleiku, những chuỗi ngày đen tối tiếp theo nhau và đã đưa đến khung cảnh chính trị và quân sự rất u ám hiện tại. Như quý vị đã biết, vào thứ Hai 21 tháng 4, tức là cách đây một tuần, nguyên tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức cũng ngay tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập này, và anh bạn phóng viên của chúng tôi cũng đã trực tiếp truyền thanh hầu quý vị buổi lễ từ chức lịch sử đó. Phó tổng thống Trần Văn Hương, theo hiến pháp, đã lên đảm nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và nếu tính đến ngày hôm nay thì tổng thống Trần Văn Hương giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia được đúng bảy ngày.

Và hôm nay là ngày 28 tháng 4, tổng thống Trần Văn Hương với sự chuẩn chấp của Quốc Hội lưỡng viện, sẽ trao quyền thổng thống Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng Dương Văn Minh trong một vài phút tới đây. Tổng thống Hương đã được Quốc Hội chỉ thị tìm kiếm đường lối và biện pháp vãn hồi hòa bình, mà rồi thì ông đã giao trách nhiệm đó cho Quốc Hội để tìm kiếm người thay ông có thể tìm thấy đường lối và biện pháp vãn hồi hòa bình cho miền Nam Việt Nam. Nghị quyết ngày 26 tháng 4-1975 của lưỡng viện Quốc Hội đã quyết định như vậy, và ngày hôm sau, Quốc Hội lưỡng viện một lần nữa họp khoáng đại và bỏ thăm với số phiếu đa số tuyệt đối chấp thuận thổng thống Trần Văn Hương trao quyền tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng Dương Văn Minh. Nói như vậy có nghĩa là Hiến Pháp đã có một vài điều khoản không được thi hành nữa.

Trong hàng ghế dành cho nội các, thì khuất sau một chiếc camera của đài truyền hình chúng tôi cũng nhận thấy ông tổng trưởng phát triển sắc tộc Narouet, ông bộ trưởng phủ thủ tướng. Chúng tôi xin nhắc lại, là ở hàng ghế trên cùng chúng tôi nhận thấy phó thủ tướng đặc trách tổng thanh tra kiêm tổng trưởng quốc phòng, trung tướng hồi hưu Trần Văn Đôn trong âu phục màu đậm. Bên cạnh ông là tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ. Phó thủ tướng Hảo mặc y phục bốn túi màu xanh nước biển và bên cạnh phó thủ tướng Hảo là phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng đặc trách các chương trình cứu trợ và định cư.

Phía sau hàng ghế, chúng tôi nhận thấy linh mục Cao Văn Luận, chúng tôi cũng nhận thấy ông quốc vụ khanh Lê Trọng Quát, ông quốc vụ khanh Nguyễn Văn Ái, ông quốc vụ khanh Phạm Thái và ông Nguyễn Xuân Phong, quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm kiêm trưởng phái đoàn hòa đàm.

Thưa quý thính giả, vào lúc này thì bên ngoài Dinh Độc Lập chúng tôi đã nhận thấy là trời bắt đầu mưa và Sài Gòn đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước.

Đây là phóng viên hệ thống truyền thanh Việt Nam. Tôi xin nhắc lại, là quý thính giả đang theo dõi buổi trực tiếp truyền thanh về lễ trao nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giữa tổng thống Trần Văn Hương và cựu đại tướng Dương Văn Minh. Tổng thống Trần Văn Hương đã rời khỏi ghế ngồi của ông. Tổng thống đang tiến tới trước bục máy vi âm ở phía trước bức tranh quốc tổ và ông bắt đầu nói..."



Tài liệu số 5: Trần Văn Hương
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

THƯA VỚI ĐẠI TƯỚNG
Diễn Văn Của Tổng Thống Trần Văn Hương
Trao Quyền Tổng Thống VNCH Cho Đại Tướng Dương Văn Minh
Lúc 5 Giờ Chiều Ngày 28 tháng 4 Năm 1975 Tại Dinh Độc Lập


Tướng Dương Văn Minh ngày 5-1-1971. AFP PHOTO

Thưa ông Chủ tịch Thượng Viện, thưa ông Chủ tịch Hạ Viện, thưa quý vị Nghị sĩ, Dân biểu. Thưa quý vị, bữa nay là cái ngày đã từ lâu rồi quý vị phải có, mà ngày nay đã có, tức là đã đáp ứng được nguyện vọng của tôi từ lâu rồi.

Khi Tổng thống tiền nhiệm trao nhiệm vụ cho tôi, tôi vẫn biết sức già, dầu muốn dầu không, tuổi trời đã cao, sức lực đã mòn, tức nhiên là không thể nào đảm trách được một nhiệm vụ lớn lao trong khi mà nước nhà đã trải qua một buổi khó khăn vô cùng không thể tưởng tượng được. Bởi vậy cho nên trong lòng tôi vẫn mong mỏi rằng dầu thế nào cũng phải có được một người ra lãnh cái trách nhiệm này để lo cho việc nước. Gọi là cú vét phần nào, cái gì gọi là quyền lợi, cái gì gọi là danh dự của nước Việt Nam Cộng Hòa chúng ta.

Khi tôi đến trao đổi ý kiến với Đại tướng Dương Văn Minh, điểm làm tôi thắc mắc là điểm pháp lý, bởi vì nếu tự nhiên tôi đem cái quyền của tôi trao lại cho Đại tướng thì như vậy về phương diện pháp lý không hợp lý chút nào. Điểm đó tôi cùng Đại tướng đã có thảo luận. Sau khi ra ngoài lưỡng viện, tôi cũng có trình bày, và lưỡng viện sau khi thảo luận hai ngày thì tìm ra được giải pháp mà đây tôi tin là giải pháp đáp lại với chỗ mong mỏi của mọi người.

Thưa quý vị, điểm thắc mắc về pháp lý hết rồi, thì về mặt đó chúng ta không còn băn khoăn chi nữa, thì dầu muốn dầu không cái chuyện lớn lao hiện giờ không còn là chuyện pháp lý nữa, thì việc làm sao cho nước Việt Nam Cộng Hòa dẫu tình hình có khó khăn đến đâu đi nữa, thì cũng phải giữ phần nào để bảo tồn được. Nếu không toàn vẹn hết thì cũng là phần nào cái danh dự của tổ tiên chúng ta.

Thưa với Đại tướng, dù muốn dù không, một chương lịch sử đã dở qua rồi, những chương sẽ viết tới đây sẽ do nơi tay của Đại tướng. Mà bây giờ có hỏi ngay ra rằng Đại tướng sẽ viết những gì, tôi thấy là Đại tướng cũng băn khoăn, không thể trả lời. Nhưng tôi biết rằng với thiện chí của Đại tướng đã sẵn có, thế nào việc làm sau này không đến nỗi phải phụ lòng tin cậy của tất cả đồng bào, của quốc hội đã hoàn toàn đặt nơi Đại tướng. Đường đi nó có khác, nó đã khác, bởi vì triều đại đã thay đổi. Chúng ta bây giờ không nghĩ là phải luôn luôn đổ xương máu. Chúng ta không phải nghĩ là chúng ta phải đánh tới người chiến sĩ cuối cùng, viên đạn cuối cùng, khi mà còn một biện pháp nào, một giải pháp nào có thể đem lại hòa bình mà không đến nỗi tổn thương quá sức danh dự của nước nhà. Bởi vậy cho nên đường lối có lẽ là ở trong khuôn khổ đặt sẵn như thế đó.

Thưa với Đại tướng, nhiệm vụ của Đại tướng rất là nặng, khi Đại tướng ra gánh vác chuyện này, tôi thấy rõ ràng là Đại tướng chẳng những có một thiện chí không mà thôi, Đại tướng còn phải có những can trường gì mới dám đảm nhận như vậy, và tôi cũng mong mỏi thế nào cho Đại tướng thành công. Vả lại, đặt lại vấn đề, giải pháp chiến đấu để giữ giải pháp dung hòa, ôn hòa, nghĩa là quên hết tất cả những gì gọi là căm thù để đem lại trước hết sự hòa giải, hòa hợp, rồi tới hòa bình để cùng nhau sống yên, mưu đồ chuyện tái tạo nước nhà. Theo ý tôi nghĩ, con đường là con đường đó.

Thưa với Đại tướng, xóa hận căm thù không phải là căm thù đối với ở ngoài, mà tôi cũng xin phép nói là chúng ta cũng nên xóa căm thù tất cả những gì gọi là căm thù ở trong. Trước kia có lẽ những chỗ sai biệt đâm ra nếu là người Việt Nam thành thật thương nước, thì tất nhiên người đó dù muốn dù không cũng phải lo cho nước, yêu nước. Nhưng tiếc có một nỗi đồng sàng mà có nhiều khi dị mộng, cho nên nghĩ như vậy mà cái lòng nó nghĩ khác nhau. Việc làm khác nhau, nên sanh ra xích mích, sanh ra đến cái chỗ có thể gọi là căm thù, thì tôi thành khẩn yêu cầu Đại tướng bao nhiêu những việc gì có thể gọi là căm thù nội bộ, Đại tướng vui lòng ráng thế nào xóa bỏ hết. Vả lại trong bộ máy của chế độ, đều có những người phụng sự cho chế độ đó. Nếu chế độ kế tiếp mà còn nghĩ đến những việc trước, tìm ra chuyện ân oán giang hồ, gây chuyện căm thù nữa, thì những người bất kỳ ở chế độ nào, tôi nghĩ làm sao mà dám tận tâm với chế độ đó khi nghĩ đến chế độ sau này có thể trả thù trả oán.

Cái chỗ mong mỏi của tôi là như thế, và tôi cũng hết sức thành khẩn yêu cầu Đại tướng nên nghĩ về tiền đồ của nước nhà, nên nghĩ về sinh mạng, sống còn của đất nước này, làm thế nào cho việc hòa giải khởi sự trước ở trong nước này trước khi ra tới ngoài.

Còn một điểm nữa có lẽ là điểm chót. Tất nhiên là Đại tướng sẽ ráng hết sức mình mà làm, nhưng tôi cũng nhìn nhận lòng mình dẫu có thiện chí đến đâu nhưng sức mình nó có hạn. Đại tướng cũng là người, Đại tướng không phải là một vị thiêng liêng nào có phép màu cho nên chỉ phán một lời là mọi chuyện đâu đấy như ý muốn được. Tất nhiên là Đại tướng phải ráng sức, chuyện mà Đại tướng ráng sức mà thành công hay không thành công, đó là một việc tôi tưởng phần lớn không phải tùy nơi Đại tướng. Nhưng nếu Đại tướng thành tâm vì nước để lo cho nước, ráng vãn hồi hòa bình lại để dân được sống yên, làm thể nào cho máu đừng đổ, thịt đừng rơi, thì cái công của Đại tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời. Dầu thế nào, tôi thiết nghĩ rằng không bao giờ mà đất nước này người ta có thể quên Đại tướng. Tôi xin cám ơn quý vị (vỗ tay).

Sau đây là lời phóng viên Đài Sài Gòn:

Sau khi nguyên Tổng thống Trần Văn Hương đọc bài diễn văn trao nhiệm xong, chúng tôi nhận thấy một sĩ quan đã gỡ huy hiệu Tổng thống hai con rồng bay và thay vào đó huy hiệu Tổng thống mới là hình hoa mai năm cánh. Tân Tổng thống, Đại tướng Dương Văn Minh, ngồi ở ghế giữa bên cạnh Nghị sĩ Huyền và Nghị sĩ Mẫu bắt đầu rời khỏi ghế và lên diễn đàn.



Tài liệu số 6: Dương Văn Minh
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

ĐẠI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH:
Kính Thưa Thầy
Diễn Văn Nhận Chức Của Tổng Thống Dương Văn Minh:
Thông Điệp Gửi Người Anh Em Cách Mạng Miền Nam Việt Nam

Kính thưa Tổng thống,
Kính thưa Thầy,

Qua những lời của thầy làm cho tôi rất cảm kích. Thầy đã ghi nhận tình thế quân sự cũng như mọi mặt bi đát, làm cho tôi phần nào yên tâm vì cái sự khó khăn mà tôi gặp phải. Những lời khuyên dạy của thầy hôm nay tôi sẽ ghi mãi trong lòng và thầy hãy yên tâm. Chúng tôi đã lâu nay thấy không còn giải quyết vấn đề của chúng ta bằng võ lực không, mà không có kèm theo một giải pháp chính trị nào thì không thành công. Vì đó, anh em chúng tôi đã mấy năm nay, thảo luận tìm được giải pháp chúng tôi đã chọn lựa, giải pháp hòa giải dân tộc. Nói như thế để thầy yên tâm. Nếu có hận thù thì không thể lấy hận thù ra mà trả đối với tất cả mọi ai. Chúng tôi đã chủ trương hòa giải với đối phương, không lý do nào chúng tôi không hòa giải được với anh em một nhà. Thầy cứ yên tâm. Tôi xin hứa với thầy.

Kính thưa quý vị,

Quốc hội lưỡng viện trong khi họp khoáng đại ngày 27-4-75 đã được các vị hữu trách trong chính phủ và trong quân đội tường trình đầy đủ về tình trạng nguy ngập của Việt Nam Cộng Hòa trên cả hai mặt quân sự và kinh tế. Những điều bi đát mà chúng ta được nghe người dân miền Nam Việt Nam đang phải gánh chịu từng giờ từng phút, từng phần xác và tâm hồn, đang phải trả bằng máu và bằng nước mắt. Những trách nhiệm lãnh đạo quốc gia trong những giờ phút này thật chẳng có gì là vui sướng. Tôi đã nhận vì đó không những là đòi hỏi của nhân dân, mà còn là điều kiện thiết yếu để tạo một cơ may tránh được nguy cơ sụp đổ, thực hiện ngưng bắn, mở lại hòa đàm hầu đạt đến một giải pháp chính trị trong khuôn khổ hiệp định thần hòa giải.

Với tinh thần đó, với tất cả thiện chí và ý thức trách nhiệm, với ý muốn trân trọng phục vụ đất nước và nhân dân, tôi xin nhận trách vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Xin cám ơn Tổng thống. (vỗ tay)

Nhân dịp này tôi cũng xin thông báo cùng toàn thể quý vị và đồng bào, là tôi đã mời luật sư Nguyễn Văn Huyền, vốn Chủ tịch Thượng Viện, đảm nhiệm chức vụ Phó tổng thống (vỗ tay) và giúp tôi về vấn đề hòa đàm. Luật sư Nguyễn Văn Huyền đã chấp nhận (vỗ tay). Tôi xin long trọng giới thiệu Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền (vỗ tay).

Tôi cũng xin thông báo cùng toàn thể quý vị và đồng bào rằng tôi đã mời Giáo sư Nghị sĩ Vũ Văn mẫu đảm nhận chức vụ Thủ tướng chánh phủ và giáo sư Vũ Văn Mẫu đã chấp nhận (vỗ tay). Xin long trọng giới thiệu Thủ tướng Vũ Văn Mẫu (vỗ tay).

TÂN TỔNG THỐNG NÓI VỚI QUỐC DÂN:

Sau đây tôi xin phép trả lời cùng đồng bào quốc dân.

Đồng bào thân mến, trong những ngày qua, trước tình thế cực kỳ nghiêm trọng, nhiều đoàn thể, tôn giáo muốn tôi đứng ra thành lập một chánh phủ mới. Tổng thống Trần Văn Hương chiếu các quyết nghị ngày 26 và 27 tháng 7-1975 của lưỡng viện Quốc Hội đã quyết định trao quyền tổng thống lại cho tôi. Tôi đã nhận trách nhiệm đó. Sứ mạng giao phó cho tôi rất là rõ rệt:

1. Đạt tới thỏa hiệp ngưng bắn càng sớm càng tốt.
2. Thương thuyết một giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.

Tôi sẽ thành lập một chính phủ với những nhân vật tiêu biểu cho các đoàn thể tôn giáo không xu hướng chính trị tại miền nam Việt Nam vừa có đủ khả năng và đức độ để gây lại niềm tin, vừa có một lập trường hòa giải dứt khoát để không ai có thể nghi ngờ thiện chí của mình và thiện chí hòa bình.

Tôi tin tưởng sẽ thành lập được một chánh phủ như vậy trong thời gian ngắn nhất có thể mở lại một hòa đàm với chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Nhận lãnh trách nhiệm trong những giờ phút khẩn trương này, tôi chỉ có một ý muốn duy nhất là đóng góp phần của tôi vào sự nghiệp hòa giải của dân tộc. Tôi gọi đó là sự nghiệp của dân tộc. Vì hòa giải chỉ có thể thành tựu khi mọi đoàn thể, mỗi cá nhân dứt khoát chấp nhận con đường hòa giải và dấn bước lên con đường đó với tất cả thiện chí của mình. Đó là điều mà tình thế đang đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta.

Những ngày sắp tới sẽ vô cùng cam go. Tôi không hứa hẹn nhiều với đồng bào, nhưng trong ngắn hạn chính phủ sẽ hết sức cố gắng và ổn định các sinh hoạt kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào, cứu trợ nạn nhân chiến thuật, chính phủ bảo đảm tôn trọng các quyền tự do dân chủ được xác định căn bản bởi tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và với điều 11 của Hiệp Định Paris.

Một trong những biện pháp đầu tiên là trả tự do cho những người bị giam giữ vì lý do chính trị và chấm dứt chế độ kèm kẹp báo chí. Quan trọng hơn hết, chính phủ hòa giải hòa hợp, và riêng tôi sẽ làm hết sức mình để đạt tới một giải pháp hợp tình hợp lý, bảo đảm quyền sống của mọi thành phần dân tộc và các quyền tự do căn bản của mọi công dân. Sự thành công của chính phủ sẽ tùy thuộc một phần lớn nơi sự bình tĩnh, sáng suốt của đồng bào, nơi sự hỗ trợ tích cực mà đồng bào sẽ dành cho chính phủ.

Tôi kêu gọi tất cả các đoàn thể tôn giáo và chính trị, hãy bỏ qua những tỵ hiềm, vượt qua những nghi kỵ, đoàn kết với nhau trong tinh thần dân tộc, để tạo thành một sức mạnh hòa bình.

Tôi sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến, mọi sáng kiến có lợi cho hòa bình, và sẵn sàng hợp tác với mọi người có thiện chí.

GỬI QUÂN LỰC VNCH:

Anh em chiến sĩ thân mến,

Tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời trong hàng ngũ của anh em. Hơn ai hết, tôi thông cảm tất cả những gì mà anh em đã phải gánh chịu trong những tuần lễ bi thảm vừa qua, và giờ đây trang sử cũ sắp lật qua, anh em đứng trước một nhiệm vụ mới, bảo vệ phần đất còn lại, bảo vệ hòa bình. Anh em phải giữ vững tinh thần, anh em phải giữ vững hàng ngũ, anh em phải giữ vững vị trí để hoàn thành nhiệm vụ đó (vỗ tay). Khi nào có lệnh ngưng bắn, anh em phải thi hành nghiêm chỉnh, điều hành sẽ đúng với các điều khoản các hiệp định Paris gìn giữ trật tự an ninh trên phần đất của mình, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào, không bỏ súng, không bỏ ngũ. Trong mọi trường hợp, một cách tuyệt đối thi hành chỉ thị của cấp trên. Mọi hành vi vô kỷ luật sẽ bị nghiêm trị ngay tức khắc, giữ vững tinh thần, giữ vững hàng ngũ, tôn trọng kỷ luật và góp phần lớn vào công cuộc vãn hồi nhanh chóng hòa bình.

Tôi cũng yêu cầu các công chức, cán bộ, và lực lượng cảnh sát tiếp tục thi hành nhiệm vụ của mình và canh phòng cẩn mật, không cho ai phá hoại.

GỬI CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ANH EM Ở BÊN KIA:

Sau đây, tôi có đôi lời gửi đến Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và những người anh em ở bên kia.

Chúng tôi thành thật muốn hòa giải. Anh em biết rõ điều đó, hòa giải đòi hỏi các thành phần dân tộc phải tôn trọng quyền sống của nhau, đó là tinh thần của hiệp định Paris. Anh em đã luôn luôn chủ trương thi hành hiệp định Paris và chúng tôi cũng đã luôn luôn chủ trương như vậy. Căn cứ trên hiệp định này, chúng ta hãy ngồi lại với nhau, để cùng nhau tìm một giải pháp có lợi nhất cho tổ quốc Việt Nam và cho nhân dân miền Nam. Để biểu dương thiện chí của đôi bên và để chấm dứt nhanh chóng sự đau khổ của binh sĩ và nhân dân, tôi đề nghị chúng ta ngưng tức khắc các cuộc tấn công lẫn nhau (vỗ tay). Tôi mong anh em chấp nhận đề nghị này và cuộc thương thảo sẽ khởi sự liền sau khi chính phủ được thành lập để hòa bình sớm được vãn hồi trên đất nước thân yêu của chúng ta.

GỬI CÁC NƯỚC BẠN:

Đối với các nước bạn, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mong muốn duy trì mối giao hảo và hoan nghênh mọi sự giúp đỡ không điều kiện chính trị trên bình diện kinh tế và nhân đạo. Chính phủ cũng sẵn sàng thiết lập liên hệ ngoại giao với mọi quốc gia, không phân biệt ý thức hệ trên căn bản bình đẳng đồng quyền lợi và không xen vào nội bộ của nhau. Chúng tôi thiết tha kêu gọi tất cả dân tộc trên thế giới hãy tích cực hỗ trợ chúng tôi trên công cuộc văn hối hòa bình, thực hiện hòa giải hòa hợp tại miền Nam Việt Nam.

GỬI ĐỒNG BÀO:

Đồng bào thân mến,

Trong những ngày qua, đồng bào đã hoang mang lo sợ trước những diễn tiến của tình hình, nhiều người đã âm thầm ra đi. Tôi muốn nói với tất cả đồng bào, đất nước này là quê hương của chúng ta, hãy cương quyết và can đảm ở lại, giữ thân bằng quyến thuộc, mồ mả ông bà tổ tiên ở lại, để cùng với chúng tôi, cùng với tất cả những người có thiện chí, xây dựng một miền Nam mới cho các thế hệ tương lai.

Một miền Nam độc lập, dân chủ, tự do, thịnh vượng, trên đó người Việt sẽ được sống an lành với người Việt trên tình huynh đệ (vỗ tay).

Xin cám ơn đồng bào (vỗ tay).

Tiếp theo là lời phóng viên đài Sài Gòn:
Tổng thống Dương Văn Minh vừa chấm dứt bài diễn văn nhậm chức của ông. Buổi lễ bế mạc. Chúng tôi cũng nhận thấy hai vị tướng lãnh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa là Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Tổng Tham Mưu, và Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không Quân. Chúng tôi vừa thấy Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền bắt tay Phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng, trong khi Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu bắt tay cựu Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo. Thủ tướng Mẫu cũng bắt tay linh mục Cao Văn Luận, trong khi Phó tổng thống Huyền tiếp tục chào hỏi các quý vị ở trong Nội Các cũ của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn. Phó tổng thống Huyền cũng đang trò chuyện với nguyên Tổng thống Trần Văn Hương, tân Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cũng tiếp tục chào hỏi các quý vị nghị sĩ, dân biểu, cũng như các quý vị ở trong Nội Các cũ.

Phóng sự chấm dứt, mưa gió bên ngoài vẫn chưa dứt

Tài liệu số 7: TỔNG KẾT
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

Đài Sài Gòn, tối 29 tháng 4 năm 1975
BẢN TỔNG KẾT TÌNH HÌNH

Lời nói đầu: Đây là một chương trình phát thanh được ghi lại như là một kỷ vật đau thương của Việt Nam Cộng Hòa. Chép lại nguyên văn từ cuốn tape cũ có nhiều đoạn không rõ.

Đây là hệ thống truyền thanh Việt Nam, bây giờ mời quý thính giả nghe tổng kết tin tức trong 2 tháng từ trung tuần tháng Ba đến thượng tuần tháng Tư.

Thưa quý thính giả,

Từ 17 tháng 3, Tổng thống Thiệu ra lệnh rút quân bỏ toàn vùng cao nguyên, Komtum, Pleiku, Ban Mê Thuộc. Dân chúng bắt buộc phải di tản đường bộ theo quốc lộ số 7, một con đường bỏ hoang từ thời kỳ Pháp thuộc.

Ngày 19 tháng 3, Phú Bổn và phần còn lại của Quảng Trị thất thủ, Huế, và Đà Nẵng bị đe dọa nặng. Dân tỵ nạn đổ dồn về Đà Nẵng. Cầu không vận được thiết lập nối liền từ Sài Gòn - Đà Lạt.

Ngày 20 tháng 3, dân tỵ nạn đổ về hướng Nam tỵ nạn trong cảnh chết chóc tan thương. An Lộc thất thủ, Huế đang ở trong gọng kìm của Cộng quân. Tính đến ngày nay, cộng quân đã chiếm 8 tỉnh trong số 44 tỉnh của miền Nam.

Ngày 21 tháng 3, Huế thất thủ. Bắc Việt tấn công Quảng Đức, Gia Nghĩa, Khánh Dương. Có thể nói, tại Sài Gòn lần tấn công này của cộng quân mạnh hơn hồi Tết Mậu Thân.

Ngày 23 tháng 3, một tàu chở dân tỵ nạn Huế bị bão đánh chìm ngoài biển Đà Nẵng. Trời không tha dân lành.

Đến ngày 24 tháng 3, Tam Kỳ tức Quảng Tín bị thất thủ. Quảng Đức và Quảng Ngãi cũng rơi vào tay Cộng quân.

Ngày 25 tháng 3, dân số ở Đà Nẵng lên tới một triệu rưởi. Tổng thống Thiệu yêu cầu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cải tổ Nội Các.

Và ngày 26 tháng 3, nhiều đơn vị quân đội bắt đầu hỗn loạn, mất tinh thần trong những cuộc tháo chạy. Nhiều cảnh quân bắn nhau diễn ra tại Đà Nẵng.

Ngày 27 tháng 3, Đà Nẵng lâm nguy với các mũi dùi của Bắc Việt. Bảo Lộc, Lâm Đồng cùng chung số phận. Trong khi đó ở Sài Gòn, nhiều nhóm chính trị tái xuất hiện đòi Tổng thống Thiệu từ chức. Hai Nghị sĩ, một Giáo sư, ba Tướng lãnh, và ba Ký giả bị bắt vì âm mưu đảo chánh. Dân tỵ nạn lên tới hai triệu.

Ngày 28 tháng 3, Hội An, Lâm Đồng lọt vào tay cộng quân. Đà Nẵng vô cùng nguy ngập.

Và ngày 29 tháng 3, các Tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa neo tàu ngoài khơi Đà Nẵng để chỉ huy binh lính. Dân chúng không còn đường để tháo chạy.

Và ngày 30 tháng 3, đúng 3 giờ sáng, Tổng thống Thiệu ra lệnh rút bỏ Đà Nẵng, mặc dù các đơn vị chiến đấu đang còn giao tranh ác liệt với Bắc Việt.

Cuối cùng ngày 31 tháng 3, Quy Nhơn bị tấn công, Nha Trang bị pháo kích. Dân vùng duyên hải này ùa nhau kéo vào Sài Gòn. Khối Phật giáo Ấn Quang xuống đường đòi Tổng thống Thiệu từ chức. Cựu hoàng Bảo Đại tuyên bố tại Paris sẵn sàng làm trung gian cho hai bên tại miền Nam.

Thưa quý thính giả, vào ngày mùng 1 tháng 4, Qui Nhơn, Phú Yên, Nha Trang hoàn toàn đều lọt cho Bắc Việt. 14 trên 44 tỉnh miền Nam bị mất. Bắc Việt kêu gọi dân chúng tự động đứng lên lật đổ Tổng thống Thiệu.

Ngày mùng 2 tháng 4 đa số tuyệt đối Thượng nghị sĩ và Dân biểu Việt Nam Cộng Hòa đồng thanh kết án Tổng thống Thiệu và đòi Tổng thống Thiệu từ chức. Tại Paris, bà Nguyễn Thị Bình tuyên bố một cuộc tấn công của cộng quân vào thẳng Sài Gòn rất có thể xảy ra.

Ngày mùng 3 tháng 4, theo nhân viên phái đoàn của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Tân Sơn Nhất cho biết, sẵn sàng ngưng chiến và hòa đàm với một chính phủ không có Tổng thống Thiệu. Hội đồng Tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức.

Đến ngày mùng 4 tháng 4, Thủ tướng Khiêm từ chức. Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng. Mặt trận tuyên bố, họ chỉ thương thuyết khi Tổng thống Thiệu ra đi. Một âm mưu đảo chánh khác bị lộ, nhiều người bị bắt. Cần Thơ bị pháo kích lần đầu, kể từ 7 năm nay. Và một máy bay Mỹ chở dân đi tỵ nạn rơi tại Sài Gòn.

Ngày 6 tháng 4, một đơn vị nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa tự động chiếm lại Nha Trang nhưng rồi cũng không giữ được lâu.

Đến ngày mùng 8 tháng 4, Dinh Độc Lập bị dội bom. Viên phi công lái máy bay ra vùng mặt trận mới chiếm. Xe tăng cộng quân mở cuộc tấn công Long Thành cách Sài Gòn 30 cây số.

Đến ngày mùng 9 tháng 4, chiến trường Xuân Lộc bùng nổ. Hà Nội gửi phi cơ vào những vùng mới chiếm đóng. Các phong trào nhân dân ở Sài Gòn tiếp tục đòi Tổng thống Thiệu từ chức.

Đến ngày 14 tháng 4, Nội các Nguyễn Bá Cẩn trình diện.

Ngày 15 tháng 4, kho bom lớn nhất miền Nam tại Biên Hòa, bị cộng quân đặt thuốc nổ phá tan. Phi trường Biên Hòa bị pháo tới tấp.

Ngày 16 tháng 4, Phan Rang thất thủ.

Đến ngày 17 tháng 4, Đại tướng Dương Văn Minh đòi Tổng thống Thiệu từ chức để cứu vãn tình hình.

Ngày 18 tháng 4, một sư đoàn Bắc Việt gồm các đơn vị thiện chiến chỉ còn cách Sài Gòn 19 cây số.

Ngày 19 tháng 4, phái đoàn mặt trận giải phóng đòi các quân nhân Mỹ kể cả đại sứ Martin rời khỏi Sài Gòn trước khi có thể có hòa đàm.

Ngày 20 tháng 4, Phan Thiết thất thủ.

Ngày 21 tháng 4, Tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức trao quyền cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Mặt Trận Giải Phóng không chịu và đòi chỉ nói chuyện với chính phủ không có người của Tổng thống Thiệu.

Ngày 23 tháng 4, Hàm Tân thất thủ. Căn cứ Không Quân Biên Hòa dời về Sài Gòn. 125 ngàn quân Bắc Việt và Mặt Trận đang vây 55 ngàn quân Sài Gòn quanh Biệt khu thủ đô.

Tại đại học Philadelphia ở New Island, Tổng thống Ford tuyên bố: Đối với nước Mỹ chiến tranh Đông Dương đã chấm dứt.

Ngày 24 tháng 4, Nội các Nguyễn Bá Cẩn từ chức.

Đến ngày 25 tháng 4, Tổng thống Hương định cử một phái đoàn Tổng trưởng đi Hà Nội, nhưng Bắc Việt bác đề nghị đó.

Ngày 26 tháng 4, Quốc Hội bằng lòng trao quyền Tổng thống cho bất cứ ai do Tổng thống Hương chỉ định.

Đến ngày 27 tháng 4, đường Sài Gòn - Vũng Tàu bị cắt đứt.

Đến ngày 28 tháng 4, Đại tướng Minh chính thức nhậm chức Tổng thống. Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng. Cộng quân vẫn không tiếp nhận đề nghị hòa đàm và vẫn đánh.

Cuối cùng vào 29 tháng 4, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo dữ dội. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra lệnh người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam tức khắc, trong vòng 24 tiếng. Mặt Trận Giải Phóng đòi chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng.

Thưa quý thính giả đài tổng kết tin tức của chúng tôi đến đây chấm đứt. Xin kính chào quý khán giả.



Tài liệu số 8: VŨ VĂN MẪU
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

Đài phát thanh Sài Gòn, ngày 29 tháng 4 năm 1975
Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu: Mỹ Ra Đi 24 Giờ
Nguyên Văn Tuyên Bố Của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu
Chính Sách Hòa Giải Của Chính Phủ Và
Mỹ Rút Khỏi Việt Nam Trong 24 Giờ

Tuyên Bố Trả Tự Do Cho Tù Nhân Chính Trị Và Ký Giả,
Cho Các Báo Bị Đóng Cửa Được Xuất Bản:

(Nguyên văn lời ông Vũ Văn Mẫu): Cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn đã rời Sài Gòn tối hôm qua 28 tháng 4-1975 trước khi bàn giao nhiệm vụ. Do đó tôi đã đảm nhiệm ngay chức vụ Thủ tướng, do Tổng thống Dương Văn Minh giao phó. Tôi đã có những quyết định đầu tiên sau đây trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc:

1. Quyết định trả tự do ngay cho tất cả các chính trị phạm, đặc biệt là sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, và các sinh viên, học sinh đã bị bắt vô cớ trong những tháng vừa qua.

2. Cho xuất bản tức khắc tất cả các tờ báo đã bị đóng cửa.

3. Trả tự do cho các ký giả đã bị bắt giữ trong vụ đóng cửa các tờ báo này.

Đài Sài Gòn tiếp tục loan báo các tuyên bố của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.

Tiếp theo, mời quý thính giả nghe Thủ tướng Vũ Văn Mẫu công bố những điểm căn bản trong chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

CHÍNH SÁCH HÒA GIẢI CỦA TÂN CHÍNH PHỦ:

Sau đây là tuyên bố của ông Vũ Văn Mẫu:

Như đã nói trong thông điệp nhậm chức của Tổng thống Dương Văn Minh, tân chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chủ trương những điều căn bản sau đây trong chính sách đối ngoại và đối nội.

Về mặt đối ngoại: Chính phủ chủ trương tái lập hòa bình bằng đường lối hòa giải hòa hợp dân tộc trên căn bản hiệp định Ba Lê.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mong muốn duy trì giao hảo với các nước bạn, hoan nghênh mọi sự giúp đỡ, kinh tế nhân đạo mà không điều kiện chính trị, sẵn sàng thiết lập liên hệ ngoại giao với mọi quốc gia không phân biệt ý thức hệ.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chủ trương thi hành đứng đắn và với tất cả thiện chí hiệp định Paris, trong đó có điều 1, điều 4, và điều 9 quy định Hoa Kỳ phải tôn trọng các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, và chấm dứt mọi sự dính líu quân sự hoặc can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam.

Về mặt đối nội: Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bảo đảm tôn trọng các quyền tự do dân chủ được xác định trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và nơi điều 11 của hiệp định Ba Lê. Điều này có nghĩa là những luật lệ tổ chức và biện pháp mâu thuẫn với các quyền tự do nói trên sẽ được hủy bỏ ngay khi chính phủ được thành lập. Toàn bộ guồng máy công quyền, từ trung ương đến địa phương, cũng sẽ được cải tổ nhanh chóng để phù hợp với một chế độ thực sự tự do.

YÊU CẦU MỸ RA ĐI TRONG 24 GIỜ:

Sau đây là công bố của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu về việc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu cơ quan tùy viên quân sự Mỹ và các nhân viên Mỹ rút hết khỏi Việt Nam Cộng Hòa trong vòng 24 giờ kể từ ngày 29 tháng 4-1975.

Thông cáo 29 tháng 4-1975 của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 28 tháng 4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh đã yêu cầu sứ quán Mỹ đóng cửa cơ quan tùy viên quân sự Hoa Kỳ "DAO" và rút tất cả nhân viên khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29 tháng 4-1975.

Lời phát ngôn viên của đài Sài Gòn:

Quý thính giả vừa nghe Thủ tướng Vũ Văn Mẫu công bố những quyết định quan trọng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn hiện tại nhằm đạt tới một cuộc ngưng bắn và tiến tới thương thảo một giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam.



Tài liệu số 9: NGƯNG NỔ SÚNG
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

Đài phát thanh Sài Gòn, ngày 29 tháng 4 năm 1975
Tướng Dương Văn Minh: Ngưng Nổ Súng
Nguyên Văn Lời Tổng Thống Dương Văn Minh
Kêu Gọi Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa Ngưng Nổ Súng

Lời Tướng Minh:
"Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam, vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng vì chúng tôi ở đây chờ gặp chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận và để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào."

Lời đài Sài Gòn:
Quý thính giả vừa nghe Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố về ngưng bắn.

CHUẨN TƯỚNG NGUYỄN HỮU HẠNH
PHỤ TÁ TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG QLVNCH RA LỆNH BUÔNG SÚNG:

Lời Tướng Hạnh:
"Thưa quý vị Tư lệnh quân đoàn, quân binh chủng, Địa phương quân, Nghĩa quân, Nhân dân tự vệ, tôi, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng, thay mặt Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng vắng mặt, yêu cầu tất cả quý vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa về ngưng bắn, các cấp chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam, để thực hiện cuộc ngưng bắn một cách không đổ máu."

Ghi chú về trường hợp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh:
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh thuộc Quân Lực VNCH đã về hưu từ năm 1974. Ngày 28 tháng 4-1975 từ Cần Thơ lái xe lên Sài Gòn tìm đến nhà Đại tướng Dương Văn Minh và được giao phó chức vụ Phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng, dưới quyền của Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng. Tướng Hạnh vì đã được binh vận cộng sản móc nối từ trước nên đã tìm cách ngăn chận mọi cuộc phản công, lung lạc tinh thần các cấp chỉ huy quân đội, cung cấp những tin tức sai lạc và tìm cách trải mỏng các lực lượng còn vững mạnh.



Tài liệu số 10: Đầu hàng
1975 - 2007
Viện Bảo Tàng Việt Nam, San Jose
30 THÁNG 4 - BA MƯƠI HAI NĂM SAU
Tài Liệu Về Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ghi Lại Từ Những Cuốn Băng Lịch Sử

Đài phát thanh Sài Gòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975
Tổng Thống Dương Văn Minh: Tuyên Bố Đầu Hàng Sau Khi Quân Miền Bắc Chiếm Dinh Độc Lập
Dưới Áp Lực Của Cộng Sản Đại Tướng Dương Văn Minh Tuyên Bố Đầu Hàng.

Nguyên văn lời ông Minh như sau:
"Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn từ trung ương đến địa phương, trao lại cho chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam."

TRUNG TÁ CỘNG SẢN BÙI VĂN TÙNG
TUYÊN BỐ CHẤP NHẬN LỆNH ĐẦU HÀNG:

"Chúng tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam, long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống đương nhiệm vừa rồi."

THỦ TƯỚNG VŨ VĂN MẪU
KÊU GỌI CÔNG CHỨC TRỞ LẠI LÀM VIỆC:

"Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường, các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng."

Đài phát thanh Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hòa chính thức ngưng tiếng sau lần phát thanh kể trên:

Tài liệu này viết lại từ các cuốn tape kỷ vật để ghi nhận cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam đã chấm dứt đau thương như thế nào. Đồng thời chúng tôi xin cảm ơn các bạn phóng viên ẩn danh đã làm nhiệm vụ rất cay đắng trong những giây phút cuối và đã gửi đến chúng tôi các sử liệu này từ mùa đông năm 1975 tại Hoa Kỳ.

Tài liệu của Tin Biển San Jose gồm cả tape và bản văn đã phổ biến rộng rãi cho báo chí và radio từ nhiều năm qua.

Địa chỉ liên lạc: IRCC,INC. 420-422 Park Ave., San Jose, CA 95110.
Điện thoại: (408) 971-7878
Fax: (408) 971-7881

(VVV)

Aucun commentaire: