lundi 18 juin 2007

Cái học và cái không đáng học (Kết)

Cái học và cái không đáng học (Kết)

Phạm Văn Bản


Tiếp theo các phần I, IIIII.

d. Tiên Rồng Song Hiệp Trong Văn Hóa Việt

Thần Báo cảm nhận rằng, việc tìm hiểu cuộc sống, phong tục, tâm tư của đại chúng Việt, lại rất cần phải thực sự am tường, nhận thực, và thông suốt… chớ không chỉ lập lại những sáo ngữ, những luận điệu sẵn có trong sách vở, được uốn nắn theo thành kiến giáo điều… như trong Truyện Hồng Bàng, hay trong Thục An Dương Vương Tiên Đế Ngọc Phả Cổ Lục của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976.

Ở mọi thời và mọi nơi, người ta đều mang mặc cảm học thức, coi trọng sách vở, coi trọng giới quyền chức, mà khinh thường giới bình dân. Và chỉ một câu trong cuốn sách nào đó, hay một điều luật của giới cai trị,... thường được lặp đi lặp lại như những bằng chứng, để đặt ra nền tảng uy thế suy luận của mình với nhóm đặc quyền, với giai cấp thống trị.... hơn là với nếp sống thực tại của giai cấp bị trị, với bao chục triệu người dân thọ thuế trước mắt.

Trong suốt mấy ngàn năm dòng giống Việt, đặc biệt dân tộc Việt Nam, đã sống với một nếp sống thực và thể hiện toàn diện trên nền tảng Tiên Rồng song hiệp.

Tuy rằng có những thời suy thoái, nhưng cũng có nhiều giai đoạn mà dân tộc Việt Nam biết sống đúng với di huấn của Tổ Tiên: đặt nền tảng con người và xã hội loài người trên triết thuyết Tiên Rồng. Nhờ đó dân Việt phát huy được một nền văn hóa đặc thù, với nhiều nét đặc trưng.

Lịch sử Việt chứng minh rằng: thời kỳ nào dân nước biết sống đúng văn hóa Tiên Rồng, thì thời kỳ đó, giai đoạn đó dân Việt được sống trọn vẹn Con Người nhất, hạnh phúc nhất, và quê hương đất nước được hùng cường thịnh vượng nhất. Trong giai đoạn đó, mọi khía cạnh cuộc sống con người, từ cá nhân đến gia đình, làng xóm, dân nước, qua chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, quân sự... thì nguyên lý Tiên Rồng song hiệp đã được ứng dụng triệt để. Nhờ đó, văn hóa Việt luôn luôn kết hợp thành công những yếu tố nhiều khi như đối nghịch.

- Mỗi Người luôn luôn cố gắng sống thực trọn vẹn Con Người Tiên Rồng. Mọi người thể hiện cuộc sống vừa thể chất vừa tinh thần, vừa tình vừa lý, vừa trí vừa nhân, vừa dũng cảm vừa hiền hòa, vừa lo ăn mặc vừa để thảnh thơi, vừa cho hiện tại vừa cho tương lai, vừa cho cá nhân vừa cho tập thể... năm mươi theo mẹ năm mươi theo cha, song hiệp hoàn chỉnh, hai bên cân bằng 50 và 50.

- Gia Đình là nền tảng sống thực và phát triển toàn diện Cuộc Sống Con Người, mà cũng vừa là đơn vị cấu thành Dân Nước.

Trong gia đình vợ chồng sống vừa tình vừa nghĩa, vừa yêu thương vừa kính trọng, vừa thể xác vừa tinh thần, năm mươi Tiên năm mươi Rồng. Vợ chồng luôn luôn bình đẳng, cả những khi cúng tế... Không có cảnh chồng chúa vợ tôi như văn hóa Hán.

Người Việt chúng ta, luôn luôn theo tiêu chuẩn thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. Thích con trai mà thương con gái. Vô nam dụng nữ như trong ca dao: "Trai mà chi gái mà chi, Con nào có nghĩa có nghì thì hơn." Có vợ chồng mà cũng có thân tộc. Có gia đình mà cũng có làng nước.

- Xã Hội có trên có dưới mà không có thống trị. Nay là dân mai là quan và mốt lại là dân. Có khác biệt mà không có ngăn cách. Có nhân tước mà cũng có thiên tước. Có giàu nghèo mà không có chế độ nô lệ.

Có pháp lý mà cũng có tình nghĩa... Bảo bọc che chở, đầy tình đủ lý... Có tập thể mà cũng có cá nhân. Có ta mà cũng có người. Có gần mà cũng có xa. Có nước mà cũng có nhà.

- Chính Trị có thể chế đặc thù gồm cả làng và nước, nên vừa có vua quan mà cũng vừa có nếp sống dân chủ. Chăn dắt dân mà cũng tùy thuộc dân. Có lãnh đạo mà không có thống trị. Có triều đại mà không có giai cấp đặc quyền.

Có mưu lược mà cũng có đạo lý. Có uy nước mà cũng có tình dân. Có tài mà cũng có đức... Với người tại thế mà cũng với người khuất mặt.

- Kinh Tế. Mục tiêu chính của phát triển kinh tế là để tất cả mọi người sống trong xã hội Đồng Bào, cùng được hưởng cơm no áo ấm và tăng trưởng trọn vẹn.

Có gạo trắng mà cũng phải có trăng thanh. Có cần kiệm mà cũng có thảnh thơi. Muốn tiền của mà cũng chẳng sợ nghèo. Không chịu thiếu mà cũng chẳng chịu thừa.

Sự bình sản dựa trên cộng tác tương thân và cơ chế thích đáng, chớ không dựa trên đấu tranh hay bức chế. Theo chế độ rút thăm chia đất định kỳ, để vừa hữu sản mà cũng vừa vô sản. Không để kinh tế làm lũng đoạn Cuộc Sống Con Người, và gây nguy hại cho Xã Hội Loài Người.

- Quốc Phòng, Quân Sự. Giữ nước là việc của toàn dân. Làng xã vừa là đơn vị xã hội, vừa là đơn vị chiến đấu. Vừa là lũy tre làng vừa là thành trì chống giặc. Để giữ nước mà cũng để giữ nhà.

Có quân sĩ mà cũng có toàn dân. Đang là dân mà cũng đang là quân... Có võ mà cũng có văn. Có tài mà cũng có đức.

Vừa du kích mà cũng vừa diện địa. Vừa uy lực mà cũng vừa mưu lược. Vừa đánh giặc mà cũng lo cứu người.

- Niềm Tin. Sống đạo Người mà cũng sống đạo Trời. Vừa thờ Trời mà cũng vừa thờ Người. Đạo tại tâm nhưng trọng nghi lễ. Cho tập thể mà cũng cho cá nhân. Cho hiện tại mà cũng cho quá khứ vị lai... Cõi dương sao cõi âm vậy.

Lấy nếp sống truyền thống làm tiêu chuẩn hòa hợp tinh hoa các tôn giáo. Sẵn sàng đón nhận chân lý của tôn giáo, mà cũng quyết liệt gạt bỏ những phần thực hành không thích hợp.

Tóm lại, Văn Hóa Việt đã đặt nền tảng trên chuyện Tiên Rồng, trên nguyên lý Tiên Rồng song hiệp.

Ở những nơi, những thời xảy ra sự phối hiệp không hoàn chỉnh, hoặc thiên về bên này hay nghiêng về bên kia: duy vật, duy lợi, duy tâm, duy linh, duy lý… đều là những giai đoạn hạnh phúc Con Người bị khiếm khuyết.

e. Giải Quyết Cá Nhân và Xã Hội

Thần Báo tin chắc rằng, nguyên nhân chính của thảm họa nhân loại hôm nay là vì các chủ thuyết hiện thời đã nhận định sai lạc về Con Người, và do đó đã đặt nền tảng giả tạo cho Xã Hội loài người.

Khi quan niệm con người chỉ là một con thú tiến bộ, hay chỉ được đối xử như một sinh vật tiêu thụ và sản xuất của nền kinh tế thị trường, khi chỉ nhìn nhận con người với một số đặc tính và chối bỏ các đặc tính khác, khi chủ trương con người phải đối xử với nhau bằng hận thù, bằng đấu tranh, bằng mánh khóe đạp lên xác nhau mà tiến… thì làm sao con người có thể an vui hạnh phúc?

Các chủ thuyết hôm nay: duy vật, duy lợi, duy tâm, duy linh, duy nghiệm, duy lý… và các chủ nghĩa: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản… đã thất bại trong cố gắng tiêu diệt bất công, vì chúng đã tạo ra những giai cấp mới! Chúng lầm tưởng chúng đã giải phóng Con Người, thì thực tế là chúng lại nô lệ hóa Con Người khủng khiếp hơn, ngày một khốn khổ hơn, lụn bại hơn, tha hóa hơn, tụt hậu hơn không đúng sao?

Nhưng văn hóa Việt, điểm quan trọng đầu tiên là phải giải quyết những sai lầm nền tảng về Con Người và Xã Hội Loài Người.

Và vấn đề này đã được giải quyết thỏa đáng trong tinh túy của câu chuyện Con Cháu Tiên Rồng, qua ý nghĩa phối hiệp của hai biểu tượng Tiên và Rồng, tương đồng tuyệt đối, 50 theo mẹ 50 theo cha, và qua biểu tượng mọi người đều ở trong Một Bọc chứa một trăm anh em ruột thịt.

Truyền thuyết Tiên Rồng là bản văn nhận diện chính xác và trọn vẹn về con người và về xã hội loài người.

Qua câu chuyện Con Cháu Tiên Rồng, chúng ta nhận ra Con Người là một hiệp thể gồm cả bốn sức sống thân lực, trí năng, lẫn tâm tình và tuệ linh.

- Thân lực thực tại
- Trí năng tinh biến
- Tâm tình thông hiến
- Tuệ linh vĩnh hiệp

Để diễn tả Con Người đích thực, Tổ Tiên dùng hình ảnh Mẹ Tiên Cha Rồng song hiệp.

Tuy là biểu tượng nhưng lại rất thực tế và chính xác, được minh chứng bằng chính cuộc sống của mỗi người và của khoa học ngày nay.

Ngay từ đầu, con người nhận ra mình là một hiệp thể. Ai trong chúng ta cũng biết mình do mẹ và cha kết hiệp mà thành, và ai cũng nhận thấy mẹ và cha có những đặc điểm khác nhau.

- Hình ảnh Người Cha hùng dũng và quyền biến đã giúp cấu tạo biểu tượng Rồng, và diễn tả con người dưới khía cạnh sức sống vô tận, thiên biến vạn hóa.

Sức sống hùng mạnh của Cha Rồng chính là phần con người bộc lộ sức sống của mình qua thể chất, với các bản năng sống còn và truyền sinh. Đây chính là sức sống Thân Lực Thực Tại của con người.

Tài thiên biến vạn hóa của Rồng lại là hình ảnh của trí khôn con người với khả năng vượt qua thể chất và các đặc tính cụ thể, bỏ qua không gian và thời gian… để trừu tượng, để suy tư, để phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, để ứng dụng, để thích nghi, để tưởng tượng, để sáng tạo… tức là sức sống Trí Năng Tinh Biến của con người.

- Phần Người Mẹ, kinh nghiệm về tâm tình và cuộc sống của người Mẹ đối với con, chính là nguồn gốc của biểu tượng Tiên.

Mẹ cảm thông, âu yếm, và thương con ngay từ giây phút con bắt đầu sống. Mẹ nuôi dưỡng bảo bọc con thơ chín tháng mười ngày trong chính bản thân mẹ, và trong cuộc đời… Sự bảo bọc yêu thương đến quên cả bản thân của tình mẹ, đã giúp con người nhận biết sức sống Tâm Tình Thông Hiến của mình.

Chính tâm tình bao la của mẹ, của Tiên, tỏa rộng và kéo dài, đã giúp con người nhận ra chiều kích linh thông, tức nhận biết mình cũng có phần thông hiệp với nhau và với thế giới ngoài thời không, siêu linh, vĩnh cửu… được diễn tả qua đặc tính thoát tục, siêu phàm và trường sinh bất tử của Tiên. Đó chính là hình ảnh để ghi nhận sức sống Tuệ Linh Vĩnh Hiệp của con người.

- Đặc tính Song Hiệp của Mẹ Tiên Cha Rồng cũng do kinh nghiệm của con người về chính cá thể mình. Tuy do mẹ do cha, nhưng con người nhận ra mình là một hiệp thể toàn vẹn, bất khả phân, và trong mình cũng có các sức sống 50 theo Mẹ 50 theo Cha.

Từ tất cả những kinh nghiệm đó, Tiên Rồng Song Hiệp được nhận ra là nguyên lý nền tảng để nhận diện chính bản thân con người, chính các sức sống, và tất cả những tương quan, những sinh hoạt, hay bất cứ những gì mang đặc tính Người.

- Theo truyền thuyết Tiên Rồng, biểu tượng Một Bọc Trăm Con, khẳng định Đặc Tính Xã Hội Bẩm Sinh của con người, cũng do kinh nghiệm của cuộc sống gia đình, với mẹ với cha, với anh chị em.

Trong cuộc sống, con người nhận ra mình không thể sống đơn độc. Ngay từ lúc bắt đầu sống, con người cần có mẹ có cha, có sự chăm sóc bảo bọc của tình thân ruột thịt. Khi sống đơn độc, con người không thể phát triển toàn vẹn một cuộc sống xứng đáng Làm Người.

Do kinh nghiệm đó, con người nhận ra mình vừa là một hiệp thể cá biệt toàn vẹn, mà cũng vừa là một thành phần của cộng đồng anh em.

Cũng do kinh nghiệm của cuộc sống trong tình thân với cha mẹ anh chị em, con người nhận ra mình cũng có cùng một nguồn gốc, cùng một sức sống, và cùng chia sẻ cuộc sống với nhau.
- Con người rút tỉa kinh nghiệm do cuộc sống bản thân quây quần trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống không đóng khung trong tập thể hạn hẹp, mà mở rộng tới nhiều con người khác.

Cuộc sống càng kéo dài và càng có đông người, thì con người càng thêm kinh nghiệm về những khác biệt trong tài năng, trong sức lực, cũng như trong những may rủi của cuộc đời. Do đó, kinh nghiệm đối xử với nhau, và do tâm tình muốn bảo đảm cuộc sống tốt đẹp cho hết mọi người, con người nhận ra rằng mỗi người phải “Nhận thực chính mình.”

Khi đã biết rõ thân phận Con Người của mình, mỗi người lại phải nhìn nhận và sống với những con người khác như những con người tinh vẹn, không để bất cứ ngoại vật nào làm sai lạc hình ảnh đích thực của con người, “Chỉ thấy con người.”

Cũng do kinh nghiệm san sẻ trong tình thân, con người nhận ra cách xử dụng thích đáng tài năng và của cải. Tài và của chỉ là những phương tiện để giúp nhau cùng phát triển, “Tài của giúp người,” để tất cả “Mọi người cùng hưởng” hạnh phúc và thăng tiến, không trừ ai.

- Do kinh nghiệm sống thân thương của gia đình, con người nhận ra tình cảm giữa con người với con người đã phát xuất từ việc nhận nhau la “Anh Em,” “Giống nhau như đúc,” và từ thực tâm “Quyết chẳng lìa nhau.”

Tình yêu thương ruột thịt đó lại nhận thêm nhiều kinh nghiệm khi gia đình có thêm những người xa lạ, như khi anh chị em trong gia đình cưới vợ gả chồng.

Với cuộc sống đầy biến chuyển va trắc trở, con người lại nhận ra rằng tình thân thương chỉ tồn tại khi con người sẵn sàng đánh đổi cả cuộc sống mình cho những người mình mến thương, “Sẵn sàng chết cho nhau.”

Và rồi, dầu yêu thương nhau khắng khít, dầu có thắng vượt mọi trở ngại để bảo vệ tình thân, con người cũng trải qua kinh nghiệm của sự chết, của việc người thân vĩnh viễn chia lìa.

Nhưng cũng do kinh nghiệm đó, do lòng thương nhớ không nguôi, con người lại cảm nhận là sự chết chẳng những không chấm dứt hoặc ngăn cản, mà trái lại, còn giúp nhau thể hiện trọn vẹn tình Thân Thương Tột Cùng, “Mãi mãi có nhau,” vì khi đó không còn bất cứ gì có thể ngăn cản con người kết hiệp với nhau trong yêu thương, trong tình đồng bào.

- Tất cả đều là kinh nghiệm sống, và tất cả đều phát xuất từ tình thân ruột thịt gia đình, từ mẹ, từ cha, từ anh chị em, đối với nhau.

Và cũng vì vậy, mọi cuộc sống mang vết tích con người, mọi cuộc sống xứng đáng con người, mọi cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, mọi cuộc sống toàn vẹn, đều là những cuộc sống bộc lộ và thể hiện tình thân giữa Người và Người.

Cũng vì vậy, văn hóa Việt bao gồm mọi con người trong tình thân của Gia Đình. Đối với nếp sống Việt, làng, nước, và cả nhân loại, cũng chỉ là một gia đình. Con người toàn nhất, tự tại, bất khả phân, nhưng đồng thời Con Người cũng bẩm sinh là thành phần của xã hội. Trong cùng một lúc, khởi sự có Con Người là có 100 người. Không hề có Con Người đơn độc như các nền văn hóa khác.

Với triết thuyết Tiên Rồng của Việt học, chẳng những chúng ta giải quyết được những xung đột và sai lầm của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, mà còn giúp chúng ta thay đổi vận hành thế giới thoát cơn tao loạn của chủ trương đấu tranh sinh tồn hay mâu thuẫn nội tại.

Ở cấu thành cũng như ở mọi sinh hoạt của con người, luôn luôn phải có sự hòa hiệp đứng đắn và đầy đủ, song hiệp, giữa hai cấu tố tương đồng, được biểu trưng qua Tiên và Rồng, như giữa cá nhân và cộng đồng, giữa gia đình và làng nước, giữa vật chất và tinh thần, giữa tình và lý, giữa vợ và chồng, giữa chù và thợ, giữa kinh tế và đời sống…

Tổng Kết

Truyện Hồng Bàng, với Lạc Long Quân và Âu Cơ, với nhiều dấu vết của thời An Dương Vương, với tên nước ta gọi là Xích Quỷ. Thời xưa, mặt đất được kha thiên văn Đông Á chia vùng theo tên của 28 ngôi sao trên trời; và vùng ngôi sao tên Quỷ là vùng Hồ Động Đình.

Với tham vọng thống trị và đồng hóa của người Hoa, đặc biệt ở giới học thức và Truyện Hồng Bàng, đã đưa đến việc lạm nhận là mọi giống dân quanh vùng đều được khai hóa bởi nền văn minh Hoa, và mang ảnh hưởng Hoa trong mọi phương diện. Sai lầm này rất phổ biến trong quá khứ, và cho tới hiện tại vẫn còn được nhiều người trong giới học thức nhắm mắt hỗ trợ, dầu là có trái ngược với chứng cớ lịch sự và Việt học. Trách gì trong thời gian qua, với sự lạm nhận và xuyên tạc trùm khắp mọi lãnh vực, nhiều nhân vật Tộc Việt cũng đã bị ảnh hưởng lây!

Bởi thế, việc tìm hiểu, khảo cứu, áp dụng, sống và nhìn người khác sống chung quanh để thích nghi với hiện cảnh, mà ta trọn tâm trọn ý… là cả một tiến trình dài, như lịch sử một dân tộc đã trải qua bao ngàn năm tiếp diễn, cao siêu, và hiện thực… đang là một đặc điểm của dân tộc Việt chúng ta. Và qua tâm tình lẫn khúc nhôi suy xét của Thần Báo trình bày, thì người thanh niên Huỳnh Việt Lang cũng hiểu được như thế, nên em đã viết bài với tựa đề “Chí Phèo thời các vua Hùng.” Mong quý bạn đón đọc.

Tóm lại, chúng ta cũng còn nhiều truyền thuyết cần tìm hiểu trong tinh thần hiếu thảo, biết ơn, và khâm phục Tổ Tiên, mà cũng là xây đắp niềm tự tin tự hào chính đáng vào quá khứ, để hăng say xây dựng hiện tại, va hiên ngang bước vào tương lai Nước Dân Việt.

Lynnwood, ngày 9 tháng 6 năm 2007

© DCVOnline

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3464

Aucun commentaire: