VNCH Bị Hoa Kỳ Phản Bội
Trích từ quyển Hồi ký "ĐẤT NƯỚC TÔI" của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn
1. Đâu là sự thật ?
Bây giờ, ngoảnh nhìn lại quá khứ, tôi tự hỏi nếu đệ nhất Cộng hòa của miền Nam không sai lầm về chiến lược đối phó với chiến tranh nhân dân trong 8 năm dài từ 1956 đến 1964, và nếu đệ nhị Cộng hòa không có những lầm lỗi chiến lược hồi đầu năm 1975 khi tái phối trí lực lượng trong một chu vi lãnh thổ nhỏ gọn khả dĩ phòng thủ được thì tình hình sẽ ra sao? Liệu quân dân miền Nam có giữ được miền Nam không, và giữ được bao lâu, khi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là tháo chạy khỏi cuộc chiến và bỏ rơi đồng minh.
Ngày 15 tháng 4, 1975, khi tình hình Việt Nam đã gần như tuyệt vọng, Tòa Bạch Ốc còn cố gắng vận động Thượng nghị viện Hoa Kỳ chấp thuận viện trợ 722 triệu mỹ kim cho Việt Nam. Mặc dù Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh là quyết định tiếp tục quân viện cho Việt Nam sẽ cho Hà Nội thấy quyết tâm của Hoa Kỳ và như vậy hy vọng Bắc Việt sẽ chấp nhận thương thuyết về một giải pháp chính trị, nhưng Thượng Viện Hoa Kỳ nhất quyết bác bỏ mọi tăng viện. Ngày 16 tháng 4, trong bài diễn văn đọc tại đại hội các Chủ Nhiệm báo chí Hoa Kỳ, Tổng Thống Ford tố cáo Quốc hội Hoa Kỳ chối bỏ lời cam kết bảo vệ Việt Nam. Ông nói rõ hơn với công luận "Nga Xô và Trung Cộng đã giữ lời hứa với Hà Nội còn Hoa Kỳ thì không giữ lời cam kết của mình. Sự việc này làm cho tôi buồn nôn" (They have maintained their commitment. Unfortunately the US did not carry out its commitment. It just makes me sick).
Sau khi Hiệp định Ba Lê được ký kết, mức độ dự trữ đạn dược và nhiên liệu cho mọi quân binh chủng tại Tổng kho Long Bình và các kho tại các vùng chiến thuật bị giảm xuống từ 6 tháng còn có 3 tháng. Tuy nhiên nếu chiến sự gia tăng mà không có cung cấp bổ túc để bù đắp số tồn trữ thì nếu quân lực ta có cầm cự giỏi trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, thì cũng chỉ có thể chiến đấu kéo dài thêm vài ba tháng nữa là cùng. Và rồi miền Nam cũng sẽ rơi vào tay Cộng sản. Chỉ có khác biệt là miền Nam thay vì mất vào cuối tháng 4, thì sẽ mất vào tháng 6, cộng thêm vài chục ngàn thương vong cho cả đôi bên.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Nga Xô và Trung Cộng nghèo kém hơn Hoa Kỳ mà hai nước này có thể không những tiếp tục lại còn tăng thêm quân viện vào lúc khẩn trương nhất, trong khi Hoa Kỳ lại tháo chạy, bỏ rơi đồng minh? Muốn trả lời câu hỏi này, cần phải phân tách đường lối và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nói chung và đối với Việt Nam nói riêng cùng lề lối điều khiển chiến tranh tại Việt Nam của Hoa Kỳ diễn tiến ra sao trong suốt các thập niên 60 và 70.
Trở lại thời kỳ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, Hoa Kỳ nhận thấy tham vọng của Nga Xô là đồng minh cũ của mình quá rõ rệt qua những cuộc vận động cho các đảng Cộng sản cướp chính quyền tại các nước Đông Âu, cộng thêm những khiêu khích gây bất ổn và áp lực tại Bá Linh. Trong lúc đó thì tại Á châu, Trung Cộng đã kiểm soát trọn Trung Hoa lục địa, giúp Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, tấn công hai đảo Kim Môn Mã Tổ của Đài Loan và bắt đầu yểm trợ Cộng sản Việt Nam gia tăng cường độ chiến tranh tại Việt Nam. Trận giặc lạnh thật sự bắt đầu giữa Thế giới Cộng sản và Thế giới Tự do.
Hoa Kỳ qua "chính sách ngăn chận" (containment policy) và "chiến lược chu vi" (peripheral strategy) thiết lập Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization - NATO) nhằm mục tiêu vừa phòng ngự vừa bao vây Nga Xô từ Đại Tây Dương xuyên suốt Âu châu đến tận Thổ Nhỉ Kỳ (Trung Đông). Đến khi Cộng sản Bắc Việt bao vây Điện Biên Phủ với sự yểm trợ tích cực của Trung Cộng, Ngoại Trưởng Foster Dulles của Chính phủ Eisenhower, cùng với Đô Đốc Arthur Radford, Tư lệnh Thái Bình Dương, đã hai lần cố gắng thuyết phục Anh Quốc thuận cho Hoa Kỳ giội bom lực lượng Cộng sản tại Điện Biên Phủ theo lời yêu cầu của Pháp nhưng Anh quốc không thuận vì e sợ nếu làm mất lòng Trung Cộng thì Anh quốc có thể sẽ gặp khủng hoảng ngay tại thuộc địa Hong Kong của mình.
Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ và phân nửa Việt Nam được trao cho Cộng sản Bắc Việt qua Hiệp định Geneve, Hoa Kỳ nhận thấy nguy cơ Cộng sản đang lan rộng ở Á châu nên nội trong năm đó (1954) cho thành lập ngay Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization) gồm có các nước Hồi Quốc, Thái Lan, Phi Luật Tân, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Úc và Tân Tây Lan để ngăn chận âm mưu bành trướng của Cộng sản tại Á châu. Quốc gia Việt Nam không thể gia nhập Tổ chức Liên Phòng này vì bị Hiệp định Geneve cấm chỉ. Do đó mà Hoa Kỳ phái cố vấn quân sự qua Việt Nam giúp Pháp và sau khi Pháp rút lui khỏi Việt Nam thì nhân số cố vấn Hoa Kỳ được tăng thêm theo nhịp độ leo thang của chiến sự.
Cùng lúc với chiến tranh do Cộng sản châm ngòi gây hấn để bành trướng chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Trung Mỹ và Phi châu, còn có cuộc chạy đua chế tạo vũ khí chiến lược, nào là bom khinh khí, bom hạt nhân và hỏa tiễn liên lục địa. Hoa Kỳ vừa vất vả rượt theo Nga Sô để gửi người theo vệ tinh lên quỹ đạo thì Nga Sô vượt qua mặt Hoa Kỳ về hỏa tiễn liên lục địa với nhiều đầu đạn nguyên tử. Đến thời điểm này thì cuộc đọ sức của hai bên đã vượt khỏi tầm vóc nhỏ bé của vài điểm nóng như Việt Nam để được đưa lên tầm mức toàn cầu với kỹ thuật cao về hỏa tiễn liên lục địa và không gian chiến lược, rất là tốn kém cho cả đôi bên, để rồi hậu quả cuối cùng là không có nước nào dám sử dụng vũ khí tiêu diệt hàng loạt mà có thể tránh khỏi những thiệt hại do sự trả đũa của đối phương.
Chiến tranh lạnh tiến dần đến giai đoạn Hoa Kỳ và Nga Xô phải bàn chuyện chung sống hòa bình trong những hoàn cảnh và điều kiện nào đó để quân bình lực lượng, quân bình ảnh hưởng trên thế giới. Cụ thể là các hiệp ước tài giảm vũ khí nguyên tử, giới hạn số lượng hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử của mỗi nước và phân phối lại vùng ảnh hưởng trên thế giới cho hai bên. Chính trong khuôn khổ một trật tự mới cho thế giới này mà VNCH bị biến thành con cờ để trao đổi với Cộng sản Nga Hoa.
Nói rõ hơn, thay vì phải giữ cho VNCH được tự do dân chủ với bất cứ giá nào để làm "tiền đồn cho Thế giới Tự do" hầu ngăn chận chính sách bành trướng của Cộng sản thì nay, vì sẽ có cam kết sống chung hòa bình trong khuôn khổ một trật tự mới đã được thỏa thuận, thì nguy cơ bành trướng Cộng sản không còn nữa, tất nhiên "KHÔNG CẦN TIỀN ĐỒN N A".
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã đi đến một ngả rẽ khi Hoa Kỳ quyết định trừ bỏ chính quyền Ngô Đình Diệm để đổ quân vào Việt Nam, hoàn toàn làm chủ tình hình, để biến Việt Nam thành một quân cờ thí trên bàn cờ thế giới của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đem quân vào Việt Nam như gửi quân đội vào một tiểu bang của mình. Ngày 4 tháng 3 năm 1965, Đại sứ Taylor đến gặp Thủ Tướng Phan Huy Quát để thông báo Hoa Kỳ chuẩn bị mang 3500 Thủy quân lục chiến sang Việt Nam. Ba ngày sau đó, tòa Đại sứ Hoa Kỳ gửi một văn thư chính thức yêu cầu Chính phủ Việt Nam "mời" Hoa Kỳ gửi quân sang. Thủ Tướng Quát trình việc này cho Hội đồng Quân lực phê chuẩn. Ngày 8 tháng 3, ba chiến hạm Hoa Kỳ đổ 3500 TQLC trên một bờ biển cách Đà Nẳng vài cây số. Sau khi đổ bộ, Lữ đoàn 9 TQLC Hoa Kỳ được lệnh tiến chiếm các vùng đồi núi xung quanh Đà Nẳng với trách nhiệm phòng thủ thành phố này.
Bắt đầu từ giờ phút này, Hoa Kỳ không ngớt tăng quân, cho đến tháng 12 năm 1967 thì quân số binh sĩ Hoa Kỳ dưới quyền Tướng Westmoreland lên tới nửa triệu quân. Nếu tính luôn binh sĩ Hoa Kỳ đóng tại Thái Lan và Hạm đội 7 để yểm trợ chiến trường Việt Nam thì tổng cộng quân số là 600 ngàn. Với một số quân đông đảo được trang bị vũ khí tối tân, được sự yểm trợ hùng hậu của Không lực và Hạm đội, Hoa Kỳ có thể đánh chiếm luôn Bắc Việt cho đến tận biên giới Hoa Việt. Nhưng mà Hoa Kỳ không đánh ra Bắc, mặc dù theo binh pháp, muốn diệt địch thì phải đánh tận gốc rễ, tức là tận nơi xuất phát quân đội xâm lăng và hậu cần tiếp tế như Hoa Kỳ và đồng minh đã đánh chiếm Đức quốc trong đệ nhị thế chiến, y như Hoa Kỳ và đồng minh đã xua quân tấn chiếm Bắc Hàn đến tận sông Yalu tức là tận biên giới của Trung Cộng, và cũng y như Hoa Kỳ đã đổ quân vào A Phú Hản để đánh dẹp Taliban và Al-Qaeda gần đây.
Trong quyển "Bản Tường Trình Của Một Người Lính", Đại Tướng Westmoreland có tiết lộ năm 1966, ông có đề nghị với TT Johnson cho ông đánh vào Miên, Lào và vượt vĩ tuyến 17 tấn công Bắc Việt đồng thời oanh tạc miền Bắc và phong tỏa chặt chẽ Hải Phòng. Ông quả quyết "chắc chắn Bắc Việt phải đầu hàng". Và ông nói tiếp "Rất tiếc Hoa Kỳ không làm như vậy". Nếu nói rằng tấn công ra Bắc có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ phải đụng độ nguyên tử với Nga Sô hay tạo cớ cho Trung Cộng ào ạt gửi quân vào Bắc Việt thì không đúng, vì lúc bấy giờ Trung Cộng đang gặp rối ren nội bộ do "vệ binh đỏ" và tình trạng xung đột giũa các nhóm với "Tứ nhân bang" của Giang Thanh. Ngoài ra lúc bấy giờ Nga Sô và Trung Cộng đang hiềm khích nhau như thù địch và bên nào cũng dàn ra hàng chục sư đoàn dọc theo biên cương hai nước.
Đặt giả thuyết Hoa Kỳ không dám đánh ra Bắc để tránh chiến tranh với Trung Cộng hay thế chiến thứ ba đi nữa thì thiết tưởng với nửa triệu quân tại Việt Nam, Hoa Kỳ cũng thừa sức để khóa chặt đường tiếp tế người và vũ khí của Bắc Việt ngang vĩ tuyến 17. Cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam không thể tồn tại nổi nếu không nhận được nguồn tiếp tế bất tận qua đường mòn Hồ Chí Minh. Vả lại miền Nam sụp đổ là vì thua Bắc Việt về quân số và vũ khí chứ không thể thua MTGPMN được. Không ai có thể hiểu được với một quân lực nửa triệu người, hay đặt trường hợp của quân đội Hoa Kỳ - phải có từ 3 tới 5 quân nhân yểm trợ tiếp vận cho 1 quân nhân chiến đấu - thì một lực lượng 120 ngàn binh sĩ chiến đấu mà lại không có khả năng khóa kín vùng giới tuyến dọc sông Bến Hải từ biển vào Hạ Lào chỉ dài độ 40 cây số! Nói một cách dốt nát về binh pháp đi nữa thì nếu đem quân số này trải dài theo giới tuyến thì mỗi cây số sẽ có tới 3 ngàn binh sĩ, và mỗi trăm thước sẽ không đủ chỗ cho 300 chiến binh Mỹ đào hố cá nhân thì đâu còn đường mòn nào để cho Bắc Việt công khai chuyển vận 300 ngàn quân cùng chiến xa, hỏa tiễn và đại pháo vào miền Nam ?
Sau khi làm xong nhiệm vụ tăng quân tại Việt Nam lên nửa triệu để nắm vững con cờ Việt Nam, Tổng Trưởng Quốc phòng Mc Namara từ chức để làm Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, còn Tướng Westmoreland thì có quân trong tay nhưng không có quyền điều khiển chiến trường vì sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam chỉ để phục vụ mục tiêu chính trị do Tòa Bạch Ốc quyết định trực tiếp. Mục tiêu chính trị đó là thương thảo với Nga Sô và Trung Cộng để xếp đặt một trật tự mới cho Thế giới, và Việt Nam là một trong những lá bài để trao đổi.
Tòa Bạch Ốc đâu có dốt nát đến nỗi không biết đánh ra Bắc thì Bắc Việt có thể sụp đổ. Bộ Tham Mưu hỗn hợp của Hoa Kỳ cũng đâu có dại khờ đến nỗi không biết cách khóa chặt vĩ tuyến 17 và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng Tòa Bạch Ốc ngang nhiên trói tay Tướng Westmoreland lại, khi thì chỉ thị "từ từ leo thang, trả đũa tương xứng, ném bom nhỏ giọt, v.v...", để cho CSBV tiếp tục đánh phá miền Nam, giết hại 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ và hàng triệu quân dân miền Nam, chẳng qua chỉ vì chưa xúc tiến được kế hoạch thương thuyết với Nga Sô và Trung Hoa.
Thật vậy, vừa đổ 3500 quân vào Việt Nam trong tháng 3 thì chỉ một tháng sau, vào ngày 7 tháng 4 năm 1965, Tổng Thống Johnson đọc một bài diễn văn quan trọng tại Đại học Johns Hopkins được các đài truyền thông phổ biến cho độ 60 triệu khán thính giả, công bố Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận vô điều kiện để chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Vì phía Cộng sản không đáp ứng nên Tổng Thống Johnson tiếp tục tăng quân số cho Tướng Westmoreland điều khiển một cuộc chiến "tiêu hao" (attrition) mà Hoa Kỳ nghĩ rằng với thời gian sẽ làm cho Bắc Việt hao mòn đến mức không chịu đựng nỗi và vì vậy mà phải chấp nhận thương thuyết. Hoa Kỳ đã tính sai nước cờ là vì sau đó thực tế cho thấy Bắc Việt chưa hao mòn mà nội bộ Hoa Kỳ đã "rách nát". Thêm vào đó, khi mở trận tổng tấn công Tết Mậu Thân, Bắc Việt không ngại thiệt hại về quân số để đổi lấy chiến thắng chính trị ngay tại Hoa Kỳ. Mục tiêu mà Bắc Việt muốn đạt đến là làm cho ý chí chiến đấu của nhân dân Hoa Kỳ tan rã với sự góp sức của truyền thông khuynh tả Hoa Kỳ để rồi cuối cùng Hoa Kỳ sẽ bị đánh bại ngay tại Hoa Thạnh Đốn cũng như trước đây Pháp đã thua trận ngay tại Ba Lê. Thật vậy các giới truyền thông chủ bại Hoa Kỳ đã chụp lấy cơ hội để lập luận rằng "chiến thắng của Việt Cộng" trong trận tấn công đầu năm 1968 đã chứng minh là Hoa Kỳ đã sai lầm khi can thiệp vào Việt Nam, là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ thắng được ở Việt Nam mà chỉ còn con đường rút lui càng sớm càng tốt để khỏi bị sa lầy. Bắc Việt đợi cho có một sự rã ngũ tinh thần của nhân dân và quốc hội Hoa Kỳ mới chấp nhận thương thuyết, trong "thế mạnh". Kết quả là vào ngày 13 tháng 5 năm 1968, hòa đàm chính thức được mở ra tại Khách sạn Majestic ở đại lộ Kleber, Ba Lê giữa hai Chính phủ Hoa Kỳ và Bắc Việt.
Câu hỏi được đặt ra là đã muốn thương thuyết thì đổ quân vào Việt Nam để làm gì? Rõ ràng là Hoa Kỳ đổ quân không phải để chiến thắng Bắc Việt vì thương thuyết có nghĩa là phải nhượng bộ một phần. Đâu có bao giờ mở thương thuyết để bắt buộc phía bên kia phải đầu hàng vô điều kiện. Chỉ có một câu trả lời có thể hiểu được là Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam để dùng Việt Nam như một món hàng mặc cả với phía Cộng sản về các vấn đề liên quan đến chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ.
Và vì mặc cả không được nên TT Johnson phải chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình. Tân TT Nixon đắc cử vẻ vang với vỏn vẹn một lời hứa chấm dứt chiến tranh để mang binh sĩ về nước. Đối với nhân dân Hoa Kỳ thì phải chấm dứt chiến tranh, chấm dứt chết chóc cho binh sĩ Hoa Kỳ. Đối với chính quyền Hoa Kỳ thì phải có một trật tự mới cho ba siêu cường chung sống hòa bình và chia quyền thống trị thế giới. Muốn được như vậy, TT Nixon phải tìm mọi cách khai thông (breakthrough) bế tắc ngoại giao với Nga Xô, Trung Cộng và Bắc Việt.
Tôi nghĩ là việc triệt hạ chế độ đệ nhất Cộng hòa năm 1964, đổ quân để nắm vận mệnh miền Nam năm 1965 cùng lúc kêu gọi ngay thương thuyết vô điều kiện là những sự kiện chứng minh rằng Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách từ chống Cộng qua sống chung hợp tác với Cộng sản từ năm 1965. Trong lúc đó, các nhà lãnh đạo quân dân miền Nam, trong đó có tôi, còn ngủ say với giấc mộng "chính sách ngăn chận" và "chiến lược chu vi" của Hoa Kỳ.
Tôi nói có tôi là vì năm 1965, tôi chỉ là Phó Tỉnh Trưởng, nhưng cũng đã là cấp lãnh đạo nho nhỏ ở tỉnh. Trong tỉnh Long An lúc bấy giờ là tỉnh thí điểm cho chương trình Bình định, có một đại tá Hoa Kỳ gốc Lực lượng Đặc biệt, Cố vấn Trưởng, chỉ huy hai viên chức trực thuộc là Trung Tá Cố vấn Tiểu khu (MACV) và Cố vấn Viện trợ Hoa Kỳ (USAID). Ở cấp Tỉnh lúc nào cũng sống trong tình trạng giới nghiêm, không có gì tiêu khiển nên thỉnh thoảng Đại tá Cố vấn trưởng Wilson mời tôi và Trưởng Ty Cảnh sát Trần Cảnh Chung đến đàm đạo. Anh Chung, có cử nhân luật và tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, và tôi có những tương quan công vụ với các cố vấn Hoa Kỳ. Đặc biệt Wilson và Chung đều chơi đàn guitar rất giỏi nên chúng tôi có lý do để thường gặp nhau. Tôi biết đại tá Wilson có liên hệ mật thiết với Tòa Đại sứ và Trung ương tình báo Hoa Kỳ nên tôi rất thận trọng trong việc giao dịch với ông ta.
Nhưng ông ta rất thích tôi là vì có người bạn Việt Nam để đàm đạo. Có một lần, ông ta hỏi tôi có biết lý do vì sao Hoa Kỳ can thiệp và đổ quân vào Việt Nam không? Thời điểm này, ngoài các cố vấn cấp Tỉnh và cấp quận, trong tỉnh Long An còn có một, hai đơn vị bộ binh thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh Hoa Kỳ. Câu hỏi của đại tá Wilson gợi cho tôi những cảm xúc mạnh khi nghĩ đến những sĩ quan và binh sĩ Hoa Kỳ tử thương tại Long An mà tôi đều có đến phúng điếu chia buồn. Tôi nói với đại tá Wilson lòng biết ơn của tôi và của đồng bào tôi đối với nước bạn Hoa Kỳ và để trả lời câu hỏi của đại tá, tôi thao thao bất tuyệt phát biểu những nhận định về đường lối và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mà tôi còn nhớ rõ đã học trong môn Khoa Học Chính Trị tại Học viện QGHC.
Nào là Hoa Kỳ là nước tiền phong của Tự do Dân chủ, là đồng minh bảo vệ độc lập và tự do cho các quốc gia bạn trong các thế chiến, là thành trì vững chắc trong các tổ chức liên minh phòng thủ Thế giới tự do, v.v... Tôi cũng không quên nêu lên chính sách ngăn chận và chiến lược chu vi của Hoa kỳ. Đại tá Wilson tỏ ra vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Bây giờ hồi tưởng lại chuyện cũ cách đây gần 40 năm, tôi nghĩ không riêng gì tôi mà cả đại tá Wilson vốn dĩ là một quân nhân "chỉ đâu đánh đó" cũng chưa chắc đã biết được những mưu chước của các chính khách lãnh đạo Hoa Kỳ.
Đối với chính quyền Hoa Kỳ, chống Cộng cũng có lợi cho Mỹ mà bắt tay với Cộng sản cũng có lợi cho Mỹ. Quân dân mình mất miền Nam là mất tất cả, còn đối với ứng cử viên Tổng Thống Mc Govern thì cái giá cao nhất mà ông ta phải trả chỉ là sự thất cử. Họ là cường quốc chuyên đè đầu đè cổ kẻ khác, thiếu gì món hàng để trao đổi. Ngược lại, với thân phận nhược tiểu nhỏ bé, mình chỉ có tự do dân chủ. Chúng ta chỉ có vận mệnh của đất nước và tiền đồ dân tộc, thì làm sao trao đổi được. Đó cũng là lập trường và lý luận của Hội đồng An Ninh Quốc Gia mở rộng cho các Chủ tịch Thượng, Hạ viện và Tối Cao Pháp Viện khi thảo luận để phúc đáp các văn thư được coi như là tối hậu thư của TT Nixon gửi cho TT Thiệu buộc VNCH phải ký Hiệp định Ba Lê với nhiều điều khoản vô cùng bất lợi cho miền Nam, hồi tháng giêng năm 1973.
TT Nixon tìm được một tay thợ lão luyện, đầy mưu chước và thủ đoạn nơi con người Tiến sĩ Kissinger, người Đức gốc Do Thái di cư đến Mỹ trước đệ nhị thế chiến và cũng là người di dân duy nhất có lúc đã kiêm nhiệm hai chức vụ cao nhất trong guồng máy chính quyền Hoa Kỳ, đó là chức vụ Cố vấn An Ninh cho Tổng Thống kiêm nhiệm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. Ông ta đưa ra thuyết "half-war" hoặc "no-win war" để lý luận không thể chiến thắng địch được, mà chỉ đánh để đàm, và kết luận trận giặc sẽ không có kẻ thắng người thua. Tức là hòa cả làng, vui vẻ cả làng, để dễ tiếp xúc và đi đêm với kẻ thù của mình. Kẻ thù là Bắc Việt, là Nga Xô và Trung Cộng.
Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ 1, TT Nixon đã mở được hòa hội Ba Lê với Cộng sản Bắc Việt. Các phiên họp chính thức của Hòa đàm chỉ được dùng để thảo luận về hình thể vuông hay tròn của bàn hội nghị hoặc để tấn công nhau bằng tuyên truyền. Còn thực chất đàm phán thì do Kissinger đi đêm mật đàm với Lê Đức Thọ. Cùng lúc, Kissinger nỗ lực tiếp xúc, thương thảo với Nga Sô và Trung Cộng để chấm dứt thái độ thù nghịch, giảng hòa với Mạc Tư Khoa và khai thông bang giao với Bắc Kinh để chung sống và hợp tác trong hòa bình, một thành công ngoại giao vĩ đại của thế kỷ.
Kissinger là người tài giỏi, lại thêm được Tổng Thống Nixon tín cẩn và ủy quyền rộng rãi, tất nhiên trong tay có rất nhiều món hàng để trao đổi khi mật đàm với hai cường quốc Nga Hoa. Ông ta đồng thời cũng là người lắm mưu chước, nhiều thủ đoạn, không những thủ đoạn đối với địch mà ngay cả với bạn. Để đạt cho kỳ được mục tiêu chính trị của mình, ông ta sẵn sàng chọn con đường "bá đạo" và vứt bỏ liêm sĩ tối thiểu mà người làm chính trị cần phải có.
Trong việc thảo luận với Bắc Việt, Ngoại Trưởng Kissinger đã nhượng bộ đến 90% những đòi hỏi của Cộng sản, như việc rút lực lượng "đế quốc Mỹ"õ ra khỏi Việt Nam, cắt đứt viện trợ cho VNCH, lập Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp tức là có giá trị ngang hàng với hai đòi hỏi của CSBV là dẹp bỏ chế độ hợp hiến của miền Nam _ mà CSBV thường dùng danh từ "dẹp bỏ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu" _ và thành lập Chính phủ liên hiệp quốc cộng, chấp nhận cho quân đội Bắc Việt xâm lăng gài lại ở miền Nam tức là nhìn nhận quân đội trá hình của Mặt Trận Giải Phóng. Có thể nói Ngoại Trưởng Kissinger đã buộc VNCH đầu hàng vô điều kiện vì những nhượng bộ này có hậu quả khai tử miền Nam. Hành động này cho thấy NT Kissinger đã phản bội những hy sinh cao cả của quân dân VNCH và binh sĩ Hoa Kỳ cùng các đồng minh khác của Hoa Kỳ tham chiến tại Việt nam. Hàng triệu nạn nhân của CSBV xâm lăng có quyền đặt câu hỏi về hành động trên đây của Kissinger có phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức mà người Mỹ vẫn thường đề cao hay không?
Theo Larry Berman, tác giả quyển "Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự", tài liệu giải mật của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy NT Kissinger đã lợi dụng phương thức "mật đàm" với Nga Sô, Trung Cộng và Bắc Việt để dối gạt đồng minh VNCH, dối gạt Quốc hội Hoa Kỳ và qua mặt ngay cả TT Nixon là thượng cấp của mình trong một số trường hợp. Xuyên qua những hành động trên đây thử hỏi Kissinger có phải là con người coi trọng chữ "tín" hay không? Với một con người như vậy làm sao Tổng Thống Thiệu có thể cộng tác. Vì vậy nên hồi tháng 10 năm 1972, TT Thiệu viện cớ phải họp với Hội đồng An ninh Quốc gia để hoãn lại phiên họp với Kissinger, và sau đó không nhận làm việc với ông ta nữa, khiến cho ông ta nổi giận và nói với Phụ tá Hoàng Đức Nhã "TT Thiệu không thể đối xử tôi như một tùy phái".
Bản chất tráo trở và phản phúc của Kissinger đã được vạch rõ trong quyển sách "No Peace, No Honor" (Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự) với phụ đề "Nixon, Kissinger, And Betrayal In Vietnam" (Nixon, Kissinger, Và Phản Bội Tại Việt Nam) của Larry Berman. Theo sách này, khi được Phụ tá John Ehrlichman của TT Nixon hỏi "Ông nghĩ Việt Nam sẽ tồn tại được bao lâu với hiệp định (Ba lê) này?", thì NT Kissinger lạnh lùng trả lời "Tôi nghĩ là may mắn lắm thì chúng nó (VNCH) cũng chỉ chịu đựng được một năm rưởi".
Với tư cách của một Ngoại Trưởng Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ tự do dân chủ và sự sống còn của miền Nam tại bàn hội nghị, NT Kissinger lại hăng hái thỏa hiệp với Cộng sản mặc dù đã biết trước những hậu quả khốc hại của Hiệp định. Đến khi Phụ tá Ngoại Trưởng John Negroponte ngỏ ý là Hiệp định không có lợi cho VNCH thì ông ta trả lời một cách thản nhiên "Vậy ông muốn chúng ta ở lại đó (Ba lê) vĩnh viễn hay sao?". Ít có Ngoại Trưởng cường quốc nào lại vô trách nhiệm đến mức đó.
Khi còn ở Hạ viện, tôi xem trên báo chí Âu Mỹ có một bức ảnh của Kissinger chụp chung với Lê Đức Thọ tại Ba Lê. Hai người cùng ngã người ra phía sau cười toe toét, đắc chí về những chuyện buôn bán trao đổi nhơ nhớp. Lê Đức Thọ là kẻ đắc thắng trong cuộc hòa đàm nên tươi cười là phải. Còn Kissinger là người thua cuộc có gì vui sướng mà cười, nhất là cười với địch ngay trong giờ phút mà máu của chiến sĩ Hoa Kỳ và đồng minh còn đang đổ tại Việt Nam? Rồi đến khi hai tay thợ thương thuyết này được ban thưởng Nobel Prize về Hòa Bình thì Lê Đức Thọ với lòng dạ gian manh đã biết trước rằng cái gọi là "Hiệp định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam" sẽ không chấm dứt chiến tranh và cũng không tái lập được hòa bình gì hết nên đã từ chối không nhận. Còn Kissinger thì nhận xong rồi phải trả lại, vì lý do gì ai cũng đã hiểu. Cho đến khi màn sân khấu đã hạ xuống rồi, Kissinger vẫn "thua trí" Lê Đức Thọ. Thật là nhục nhã.
VNCH Bị Hoa Kỳ Phản Bội - (Trích từ quyển Hồi ký "ĐẤT NƯỚC TÔI" của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn)
vendredi 22 juin 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire