samedi 16 juin 2007

Lịch sử: Bài học áp chót

Lịch sử: Bài học áp chót
L Đ-Hàn Lệ Nhân
“… Tần triều không tìm đến một phương thức lãnh đạo thích hợp với tình trạng mới mà chỉ đem phương thức "bá" nhỏ hẹp để thống trị đại thiên hạ …”



Lịch sử: Bài học áp chót

Dạo sau này, từ hồi ông ngoại qua đời, Mẹ là người dạy mình học tiếng Việt, tất nhiên trình độ cao hơn chút, thường là về lịch sử Việt Nam. Tình thiệt mà nói, ai sao không biết chứ riêng mình, học sử Việt, không hứng thú chút nào, chiến tranh rồi chiến tranh rồi chiến tranh từ đầu chí cuối. Hào hùng thì hào hùng thật đấy, trong khoảnh khắc nào đó, nhưng cái giá quá đắt; làm như chiến tranh là sở trường duy nhất trời phú cho dân tộc ta...

Do đó, sáng chủ nhật này, mình vui lắm vì là buổi học áp chót về sử Việt do Mẹ dạy, như thường lệ, dưới hình thức đọc cho mình viết như viết chính tả (dictée/dictation) trong trường lớp. Mình có thắc mắc với Mẹ: Sao lại là bài học áp chót ? Mẹ bảo vì lịch sử là vô tận nhưng từ ngày mai và những ngày tháng tới, Bê (tên chơi trong gia đình của Vọng) phải ý thức học lấy một mình; sau hôm nay coi như Mẹ đã làm tròn lời ký thác của ông ngoại.

[...] «Ngày 19-08-1945, ĐCSVN dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh đã cướp được chính quyền. Rồi tuyên ngôn độc lập ngày 02-09-1945, tức ngày Quốc Khánh của CS Hà Nội, đồng thời cũng là ngày giỗ thật sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thế nhưng, với tư cách một nước thuộc phe đồng minh thắng trận trong Thế Chiến thứ 2 và được sự tiếp tay của liên quân Anh-Ấn, Pháp đã trở lại Việt Nam, đẩy chính quyền CSVN ra khỏi Sàigòn.

Ngày 17-04-1946, CSVN và Pháp gặp nhau trong hội nghị Đà Lạt, nhưng cuộc hội đã tan rã ngay trong buổi đầu.

Năm tháng sau (09-1946) hai bên lại cố gắng điều đình trong hội nghị Fontainebleau. Hội nghị lần nầy cũng suýt tan vỡ thì vào nửa đêm 14 rạng ngày 15 tháng 9, ông Hồ Chí Minh và bộ trưởng thuộc địa Pháp, Marius Moutet đã ký một thoả ước (Modus Vivendi) điều đình cho Pháp kiểm soát Nam Kỳ, để đổi lại Pháp phải công nhận hình thức Độc Lập của Bắc Việt.

Nhưng chỉ ba tháng sau, Pháp gây sự, đánh phá Hải Phòng và Hà Nội, Việt Minh phải hạ lệnh toàn dân kháng chiến ngày 19-12-1946…

Chín năm toàn dân kháng chiến đưa tới hiệp định Genève ngày 20-07-1954, chia đôi đất nước Việt Nam: Từ vĩ tuyến 17 trở lên là nước VNDCCH do Liên Xô và Trung Cộng lèo lái. Từ vĩ tuyến 17 trở xuống là nước VNCH do Hoa Kỳ làm đạo diễn, mở màn cho vở thảm kịch tương tàn Nam Bắc, kéo dài 21 năm (1954 – 1975). Nước Việt Nam lại được gom về một mối, hết hoạ ngoại xâm... Lịch sử gọi là Đại Thắng Mùa Xuân hay Việt Nam thắng Đế Quốc Mỹ và "bè lũ Đại Hán, bá quyền nước lớn Trung Quốc", cũng có người gọi là Đại Nạn Mùa Xuân, tùy theo lập trường và góc độ nhìn của mỗi người.Chấm hết.»

Nghe Mẹ đọc hai chữ "chấm hết" mình vui sướng quá, buông bút nhảy dựng lên..., nước mắt lưng tròng, trong đầu hiện ra câu ông ngoại thường nghêu ngao "khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười" rồi đột ngột hỏi mẹ:

─ Thế tại sao gia tộc mình và hàng mấy triệu người Việt lại phải phiêu dạt đến tận xứ lạnh này và khắp nơi trên thế giới ?

─ À... Chuyện dài và phức tạp lắm, mai kia Bê trưởng thành tự dưng Bê sẽ hiểu khi chịu khó lục coi phim ảnh Boat People và tìm đọc lịch sử VN trong tủ sách của ông ngoại và trên Internet. Ngay bây giờ Bê thử nhắc lại cho mẹ nghe huyền sử Thánh Gióng coi nào...

─ Thánh Gióng là gì hả mẹ ?

─ Là châu chấu...

─ ... A ha...châu chấu đá xe, chuyện ông Phù Đổng... mà sao vậy mẹ ?

─ Chậc...thì Bê cứ trả lời đi đã.

Vọng nũng nịu dạ một tiếng rồi trả bài :

"Đời Hùng Vương thứ VI, có đám giặc gọi là giặc Ân, hung mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, có đứa trẻ xin đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa, và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong, thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc. Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong làm Phù Đổng Thiên Vương." [1]

─ Giỏi, Bê mẹ giỏi ! Rồi sao nữa ?

─ Sao là sao hở Mẹ... a ha...rồi toàn thể dân tộc Việt Nam ghi khắc công ơn, một lòng phụng thờ đời đời kiếp kiếp... Mà sao hả mẹ ? A ha... Bê hiểu rồi. David et Goliath ! C'est ça hein, maman ! Ờ... ờ... Bê xin lỗi Mẹ... Có phải Mẹ muốn so sánh Thánh Gióng bé xíu đuổi giặc Ân khổng lồ chạy có cờ với nước VNDCCH tí hon đá văng Đại Đế Quốc Hoa Kỳ ra khỏi đất nước ta ?

─ Đúng vậy. Bê Mẹ khá lắm ...

─ ...nhưng Mẹ vẫn chưa trả lời câu hỏi của Bê: Đuổi Mỹ rồi, Bắc Nam thành một nhà rồi, sao mấy triệu người Việt lại phải chạy tán loạn ra khắp thế giới ? Như sinh thời ông ngoại thường ngâm:
"Đớn đau thân phận quê mình,
Chiến tranh sum họp, hoà bình nát tan"
...rồi 32 năm qua, đất nước mình vẫn lụi đụi... ừm...không hẳn vậy, hình như sắp "giàu mạnh, ấm no, tự do, hạnh phúc...", theo báo đài.

─ Vì có chút khác biệt trong sự so sánh...

─ ... khác biệt thế nào hở Mẹ ?

─ ... Thánh Gióng thời xưa dẹp xong giặc Ân thì biến mất, còn Thánh Gióng thời nay...là hậu Hán Sở tranh hùng !

─ Nghĩa là sao hở Mẹ ?


Vẽ Lại Truyện Tàu [2]

Kết cục cuộc Hán Sở tranh hùng: Lã Chính kiêm thâu thiên hạ dựng lên Tần triều, chấm dứt thời đại phân liệt, vội vàng thống nhất giang sơn.

Nhà Tần sở dĩ được dựng lên vì đã đáp ứng đúng nhu cầu chấm dứt chiến tranh, Tần kéo được về phía mình một lực lượng to tát: Nhân Tâm Quy Hướng. Song, khi gồm thâu thiên hạ rồi, Tần triều đã áp dụng chính sách trả thù cay nghiệt tàn khốc và cho vũ lực là vạn năng, thủ đoạn là vạn năng. Lã Chính thống nhất sơn hà không phải vì toàn dân mà hoàn toàn làm cho bản thân Lã Chính và các công thần trên xương máu của toàn dân, tạm gọi là Dịch Chủ Tái Nô.

Tần triều không tìm đến một phương thức lãnh đạo thích hợp với tình trạng mới mà chỉ đem phương thức "bá" nhỏ hẹp để thống trị đại thiên hạ. Nhà Tần đốt sách, đày đoạ hay chôn sống nho gia nhằm quy kết rừng tư tưởng vào một rọ lỗ chỗ muôn vàn khuyết tật. Nhà Tần chỉ đem pháp chính ra mong làm chủ lưu tư tưởng. Pháp chính là một mặt rất hẹp của tư tưởng thì làm sao có thể lấp bít hết những trống rỗng trên nhiều mặt khác ? Nhà Tần kêu gọi nơi nơi đoàn kết, đồng thuận... sau lưng mình để xây dựng đất nước, nhưng lại khư khư lối đối thoại một chiều nghĩa là nhà Tần toàn quyền muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, số còn lại có quyền... nghe và nhắm mắt làm theo. Cái mất lớn và toàn diện nhà Tần o ép thành cục bộ, điển hình (mất mùa là tại thiên tai); cái được nhỏ, nhà Tần cương vẽ thành cái trống vĩ đại (được mùa là bởi thiên tài... của ta). Ai cũng có quyền nhận định, phê bình nhưng luật nhà Tần chỉ bảo đảm an bình cho những kẻ bạo mồm bạo miệng trước khi nói, chứ sau khi nói thì tùy trời.

Không ai phủ nhận Tần triều đã có công thống nhất lãnh thổ, nhưng cũng không ai không công nhận nhà Tần đã bát nháo nhân tâm, lộn tùng phèo xã tắc, trì trệ đất nước.
LĐ-Hàn Lệ Nhân


[1] Theo Quốc Sử lớp tư của Phạm Văn Trọng & Huỳnh Văn Đồ trong bộ Quốc Sử do Bà cố Vi Khuê Trần Trinh Thuận gửi tặng để ông ngoại dạy mẹ, đề ngày 19/09/1978.

[2] Mượn ý Vũ Tài Lục: Nói Chuyện Tam Quốc.

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1897

Aucun commentaire: