samedi 16 juin 2007

Phỏng vấn ông Ngô Ðình Luyện

Phỏng vấn ông Ngô Ðình Luyện

Cho báo Tự Do tại tư thất ông gần Paris ngày 5/9/1985

---

ÐPN : Sau hội nghị Genève ông có về Việt Nam nhưng được ít lâu ông đi Anh làm đại sứ ; vậy ông có được chứng kiến và theo dõi sự tình nước nhà hồi ông Ngô Ðình Diệm tham chính không ?

NÐL : Sau Genève tôi về ở Việt Nam từ tháng 11-1954 tới tháng 10-1955. Sau đó tôi chỉ về nước một hai lần mỗi năm, nên tôi không thể nói là tôi biết hết sự tình, tuy mỗi lần về tôi đều được bàn với anh tôi về chính sách của ông, nhất là đối với quốc tế.

ÐPN :Ông đi Âu châu làm đại sứ có phải vì bất đồng ý kiến với ông Nhu như thiên hạ thường đồn không ?

NÐL : Làm gì có chuyện đó. Trước đó tôi đã từng là một thứ đại sứ cho anh tôi bên cạnh ông Bảo Ðại rồi làm đại diện cho ông Bảo Ðại tại Genève. Tôi tiếp tục ở ngành ngoại giao tại Anh vì Anh với Nga là đồng chủ tịch hội nghị Genève, mình cần theo dõi thái độ của họ cũng như, qua họ, của Bắc Việt.

ÐPN : Sách nói ông ở Âu châu để dễ vận động Pháp và Hoa Kỳ giúp ông Diệm, có đúng không ?

NÐL : Có gì đâu mà vận động. Pháp cũng như Hoa Kỳ lúc đó (1954-55) coi Việt Nam quốc gia như « tiêu » rồi. Vì xét vậy nên Hoa Kỳ đã không giúp Pháp thả bom Ðiện Biên Phủ, chứ không phải vì họ ghét thực dân. Chính tôi chứng kiến Hoa Kỳ ủng hộ chính sách của Pháp : họ đã can thiệp với tôi để nói anh tôi cho ông Bảy Viễn làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng ! Ngoài anh em tôi lúc đó, tôi thấy chỉ có Chu Ân Lai còn tin tưởng Việt Nam quốc gia sẽ tồn tại. Ngay ông Bảo Ðại có nói với anh tôi : « Nước mình tiêu rồi. Vì vậy nên tôi không về ». Ông ấy còn cho là sắp có đại chiến thứ ba và muốn anh tôi về lập chiến khu vì cộng sản thế nào cũng sẽ bành trướng khắp nơi. Phải sống lại thực tế đó mới hiểu được mọi sự.

ÐPN : Nhiều tác giả nói ông Diệm là người của Hoa Kỳ, ông nghĩ sao ?

NÐL : Anh tôi không là người của ai cả. Hoa Kỳ có vài người như ông quan tòa Douglas… quen anh tôi từ hồi 1951-52 khi anh tôi ở bên ấy ; họ có thư hứa giúp vậy thôi nhưng toàn là tư nhân không có quyền thế gì, không thể coi đó như một sự nâng đỡ của chính phủ Hoa Kỳ. Tin Hoa Kỳ bảo trợ anh tôi do Pháp tung ra để che với dư luận sự kiện họ « bán rẻ Việt Nam ». « Cái đó tại Mỹ », cái gì cũng Mỹ. Y như ông Khomeiny cái gì cũng đổ cho Satan, dễ ăn dễ nói. Thật ra hai anh Pháp-Mỹ hoàn toàn đồng ý với nhau, vì thế mới cho hai anh tướng Ely và Collins là hai bạn thân đã từng làm việc với nhau năm năm tại Washington sang Việt Nam làm đặc sứ. Anh tôi gọi họ là hai bà phước vì họ đi đâu cũng có nhau, văn thư của họ nội dung đều giống hệt nhau.

ÐPN : Khi ông Diệm về nước năm 1954, ông ấy đã có ý định lật đổ Bảo Ðại chưa ?

NÐL : Anh tôi về không ngoài ý cứu được chừng nào hay chừng ấy. Anh tôi không muốn lật Bảo Ðại, nhưng chống cộng phải có dân mà dân không coi ông Bảo Ðại ra gì. Anh tôi không tham quyền, chứng cớ anh tôi bảo phải thu nhiệm kỳ Tổng thống về bốn năm thay vì bảy năm như Ủy ban họ định. Và anh tôi cũng không đụng đến quyền lợi của hoàng tộc. Theo anh tôi, mình muốn nước thoát cộng sản, mà quân sự thì mình thua nó, tuyên truyền mình cũng thua, tiền bạc thì mình không có, mình phải có lòng dân, nên chi mình phải lấy lòng dân. Lấy lòng dân không phải là mị dân, mà làm cái cái gì có thể động lòng người dân để họ ra tay giúp vào công cuộc chung. Anh tôi không chịu cộng sản, tin dân ta không chịu cộng, nhưng làm sao động viên được dân, xem lòng dân nó nhạy cảm ở chỗ nào thì thúc đẩy họ ở chỗ đó. Dân ghét Bình Xuyên thì phải dẹp Bình Xuyên.

ÐPN : Nghe nói Bình xuyên cũng có tinh thần chống Pháp rồi chống cộng sản. Sao ông Diệm không dùng họ ?

NÐL : Bình Xuyên nó có tinh thần cái gì. Nó nguyên chỉ là một bọn cướp sông, không đầy 90 người, sử sách còn ghi đó. Nó hoàn toàn là một đảng nhân tạo do anh tướng Latour sang Việt Nam năm 1946 dựng lên. Anh ta xưa làm ở Maroc, có tiếng nhờ biết sử dụng các bộ lạc, nên khi sang Việt Nam cũng phải có nhóm nọ nhóm kia để sử dụng. Anh ta giúp đỡ Bình Xuyên, không bẳt đuổi nó nữa cho nó chức phận, khí giới, tiền gạo, mộ người để thành một thứ bộ lạc. Nó đâu có đánh Việt Minh ; Việt Minh ở mạn Tây Ninh, Ðồng Tháp Mười chứ đâu ở khu Cần Giuộc. Pháp sở dĩ dùng nó vì quân lực Pháp ở miền Nam không được dồi dào tiền bạc, Pháp phải buôn á phiện để nuôi quân, mà làm thế thì dơ dáy quá, phải để bọn Bình Xuyên đứng ra làm cái công ty á phiện (régie de l’opium) rồi từ đó lập khu Bình khang, sau giao cảnh sát cho nó để không ai bắt nó nữa. Quân cướp như vậy làm sao dùng được ? Chính tôi đến gặp ông Bảy Viễn và nói với ông ấy như sau :

- « Ông tướng cái chi cũng có cả, chỉ còn thiếu tiếng tốt. Giá như ông làm tiền mà làm tiền lương thiện để giúp nước phần nào có phải chuộc lại cái tiếng xấu cũ không ? ». Ông ấy trả lời :

- « Tôi khổ vì còn bầy em út, tình liên đới có từ hồi giang hồ ».

- « Mấy người đã liều thân cố mạng với ông chỉ là trùm nhà đĩ, hồ li trong Ðại Thế Giới. Bây giờ nước mình kiến thiết nhiều. Ông có một bộ tham mưu với bao nhiêu em út, giả thử ông làm đường xá, xây cất cầu cống hay sân bay, ông kiếm biết bao nhiêu là tiền. Tôi sẽ tìm cho ông các nhà kỹ sư để giúp ông làm một cơ sở thật lớn, em út của ông sẽ làm cai, đội, thơ ký… Ông làm chuyện kiến thiết nước nhà, ai cũng sẽ biết ơn ông : xa lộ này là do Bảy Viễn, sân bay kia là do Bảy Viễn… ».

Nhưng ông ấy không chịu, làm cướp khỏe hơn.

ÐPN : Nhưng các giáo phái đại diện dân sao cũng bị đánh ?

NÐL : Dân chỉ nghe giáo chủ họ về đạo thôi, còn về chính trị họ làm gì có chính sách đối với dân. Họ có tiếng mà không có miếng. Chẳng có tổ chức chi cả. Cao Ðài theo Nhật mà chẳng được Nhật cho một khẩu súng. Hòa Hảo có anh Ba Cụt nhảy ra nhảy vào (chín lần) làm loạn với Pháp, có anh Năm Lửa xưa lái đò giựt khách hàng, chẳng ai có ý chí gì. Trách gì anh tôi không dùng họ thì cứ xem sau này họ có làm được gì không ? Anh tôi không có lòng dân thì làm sao làm gì được họ ?

ÐPN : Các đảng phái dù không đại diện dân chăng nữa cũng gồm những người có tinh thần quốc gia, sao ông Diệm không cho họ cộng tác mà đẩy họ vào thế đối lập ?

NÐL Ðã cộng tác với ai thì người đó phải đồng lòng với mình, cũng nghĩ như mình. Làm sao cộng tác được với mấy ông chỉ nghĩ tới chuyện chia ghế để lập cái này cái nọ, làm chính trị gì mà chỉ cậy thế bên này bên kia. Không phải là khinh rẻ họ nhưng họ không hợp thời. Làm chính trị đâu phải là đợi người ta chia quyền cho mình, làm chính trị cũng không phải là lấy quyền chia cho ông nọ ông kia như chuyện rảnh rang xa phí. Làm chính trị làm gì có sự công bình chia xẻ. Ngay ở Pháp thời bình đó, tụi RPR có nhường chi cho tụi UDF đâu ? Vấn đề của anh tôi là làm chuyện cách mạng, thay đổi một tình thế lớn lao cần có người đồng tin cố gắng, những người kia chỉ đi ngược với chính sách, để họ làm thì nát mất. Mà hồi đầu anh tôi cũng rủ họ, họ nào có ra. Có người như ông Ðỗ, ông Chương do tôi mời vào, vì thương chúng tôi họ vào rồi họ cũng ra vì không cùng đường lối, chỉ muốn mặt trận này, liên phái kia.

ÐPN : Không dùng họ cũng được, nhưng tại sao ông Diệm lại đàn áp bắt bớ họ ?
NÐL : Chuyện bắt bớ thì tôi không biết rõ. Riêng tôi, tôi chỉ thấy anh tôi ra lệnh giết có một người là Ba Cụt vì anh ta là một tên khát máu, lấy gan người uống rượu.
ÐPN : Nhiều tác giả cho là mưu lược đánh Bình Xuyên và các giáo phái do ông Ngô Ðình Nhu và cố vấn CIA bày cho ông Diệm, có thật như vậy không ?
NÐL : Mấy anh cố vấn Hoa Kỳ có giúp gì anh tôi đâu. Lansdale cũng như mấy người khác ưng anh tôi vì biết anh tôi là người chống cộng, nhưng họ đều cho là mình « tiêu », chẳng muốn can thiệp. Còn anh Nhu tôi cũng vậy, ông ấy đâu có thích ông Diệm về, vì như mọi người ông ấy thấy tình thế vô vọng. Chỉ sau 1955 ông ấy mới giúp. Lúc đánh Bình Xuyên tôi ở nhà nên biết rõ chuyện. Ông Nhu chỉ có trách nhiệm lôi ông Trịnh Minh Thế về với chính quyền. Ðó, khi nào đảng phái có được một người như ông Thế, anh tôi sẵn sàng dùng, còn câu họ là đằng khác. Khổ một cái là người thật lòng yêu nước muốn giúp nước, thắp đuốc đi kiếm cũng chẳng có bao. Toàn là muốn làm chức này chức nọ, không chịu phục vụ.
ÐPN : Có sách bảo ông Thế cũng như nhiều nhân vật khác bị mua chuộc bởi một, hai triệu Mỹ kim.
NÐL : Ðời nào có chuyện đó. Nói vậy là hạ nhục nước mình. Ông Thế là một người rất trong sạch, một người anh hùng, một người tự mình làm nên, chống đối cả với Tòa Thánh khi Tòa Thánh theo Pháp, Nhật. Ðến nỗi bị gọi là người điên. Những người nào có tâm trí khác người cũng bị gọi là điên cả. Anh tôi cũng điên !
ÐPN : Làm việc nước đối với ông Diệm là lấy lòng dân, thế sao ông ấy lại làm mất lòng dân kể từ năm 1960 ?
NÐL : Ðâu có chuyện gì bỗng dưng xảy ra. Trái nó chín phải có lúc xanh, và trước khi nó xanh cây phải có nụ có hoa. Mấy năm đầu thấy chẳng có gì để giành giựt, những kẻ bung xung để anh tôi làm. Sau thấy có cái ăn, họ mượn tiếng nghịch nhưng hoàn toàn nhờ ngoại nhân thúc đẩy, nuôi tiền nuôi gạo. Tôi không muốn nói ra hết vì đất nước đang cần đoàn kết, nói ra không tiện. Anh tôi tối kỵ những hạng mưu mô, kế hoạch, nhờ ông này cái này, ông kia cái kia. Mình đã độc lập nhưng còn non nớt, không thể để ngoại nhân vào. Mỹ nó đối nghịch với anh tôi ngay từ đầu vì anh tôi không chịu theo nó, cho đến sau nó giết anh tôi. Năm 1960 nó đòi đem cố vấn thêm cho được, anh tôi găng với nó. Mỹ nó ác vô cùng. Nó viện trợ theo hình thức thương mại. Ðồng bạc Việt Nam, thương gia mình trả cho nó, nó giao lại cho chính phủ dùng nếu nó bằng lòng dự án, nếu nó không chịu nó không cho tiêu. Từ đầu mùa mà ! Trước không ủng hộ mình vì theo Pháp, sau nó kẹp mình từng chút để kiểm soát đủ thứ. Anh tôi đuổi không biết bao nhiêu cố vấn khỏi các bộ, ra lệnh cấm cấp tài liệu chỉ dẫn cho họ. Anh tôi không chịu nhượng bộ nó.
ÐPN : Giới chức Hoa Kỳ có than ông Diệm không biết phục thiện nghe lời khuyên phải của họ, ví như họ trách ông Diệm không chịu kỹ nghệ hóa Việt Nam vì không muốn giảm mức tiêu thụ của dân chúng.
NÐL : Trái lại, mình khắc khổ gần chết. Chính nó chỉ thích xa hoa bề ngoài. Như chuyện xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, anh tôi không cho nó làm vì dân mình nghèo chỉ cần đường giao thông thường mà nhiều ; như ở Trung Nguyên, di cư tới khai khẩn không có đường di chuyển để buôn bán, quân đội không đi kiểm soát sự xâm nhập của Việt cộng được, nhưng tiền để xây đường nơi đó, Mỹ nó không cho, trong khi tiền xây xa lộ Sài Gòn –Biên Hòa thì bao nhiêu cũng được. Dân mình đói khổ mấy ai ngoài các cô các cậu ăn chơi có xe mà cần xa lộ ? Ðộng viên dân sao được nếu để cho một lớp người sung sướng phè phỡn ? Cho nên anh tôi cho đóng cửa hộp đêm phòng trà làm tụi ký giả ngoại quốc ghét lắm vì không có nơi tụ họp. Mỹ nó chỉ thích công nghiệp có tính cách phô trương « cửa kính » nên mới đòi cho được xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Phải chịu xa lộ nó mới cho đường ở Trung Nguyên.
ÐPN : Vi găng quá với Hoa Kỳ, ông Diệm tính thương lượng với Bắc Việt ?
NÐL : Liên lạc với Bắc Việt là bổn phận của anh tôi : nếu không anh tôi là người có trọng tội với quốc dân. Ðánh đá là chuyện bất đắc dĩ, mình đánh là vì mình cho là có những chuyện quan trọng hơn hòa bình. Mình đánh để người ta khỏi phá những cái gì mình coi là bất khả xâm phạm. Nên chi mình đối với người đánh mình, mình phải hiểu họ, họ phải hiểu mình có thể đi lấn tới nước nào, đặng đi tới việc châm chước hai bên. Ðánh chết bao nhiêu người, trách nhiệm của ai nếu không là trách nhiệm của người cầm quyền ? Ðể cho người cứ chết như vậy rồi thì cứ làm tới vì tao đây, mày thế nọ thế kia, là phạm tội sát nhân đối với nhân loại.
ÐPN : Ông Diệm chống cộng và có chính sách tố cộng ráo riết, thế sao lại dùng nhiều cựu cán bộ cao cấp của cộng sản như Phạm Ngọc Thảo…Vả lại có dùng thì dùng trong chức vụ nhỏ thôi, sao lại cho họ giữ chức vụ quan trọng như chỉ huy chương trình ấp chiến lược, chương trình chiêu hồi… ?
NÐL : Việc nước là việc chung, họ đến với mình và tỏ ra đắc lực trong khi những người kia chỉ biết ngồi đó, sao mình không dùng họ ? Mà anh Thảo có làm gì cho cộng sản đâu ? Toàn tin đồn cả. Các chương trình như ấp chiến lược…, người thường phá nhiều hơn là cộng sản phá. Chương trình ấp chiến lược không thập toàn nhưng cũng làm cộng sản điêu đứng vì nó. Bãi bỏ nó là một tội nặng của Dương Văn Minh. Còn tại sao nó hư, cứ đi hỏi mấy anh sĩ quan làm nơi ấp chiến lược thì biết. Lý do là tại mình không đủ cán bộ để huấn luyện, công việc đầy dẫy không có người làm, cán bộ chính trị phải lao vào hành chánh vì hành chánh không đủ người. Không thể tưởng tượng được sự khác biệt giữa một thuộc địa với mọt nước độc lập. Có cả trăm cả ngàn vấn đề quan trọng gấp rút mà việc thường cũng không có người giải quyết.

ÐPN : Có thể công việc đình trệ vì thiếu nhân viên. Nhưng cũng tại ông Diệm quá trung ương tập quyền, không chịu ủy quyền cho cấp dưới, chuyện nhỏ đến, như việc cấp thông hành cho sinh viên, cũng phải trình lên phủ tổng thống quyết định.

NÐL : Có chuyện hồ sơ chuyển đầy lên Tổng thống thật. Vì cấp dưới không muốn trách nhiệm cho khỏe. Ðó là một sự phá hoại cố ý, không phải lẻ tẻ mà có hệ thống. Người không cộng sản phá nhiều hơn cộng sản vì họ ích kỷ chỉ nghĩ tới chuyện lợi dụng, cho nên Pháp có câu : « Lạy chúa, che chở cho con khỏi bị hại bởi các bạn con, kẻ thù của con thì con lo được » (Mon Dieu, protégez-moi de mes amis, mes ennemis je m’en charge).

ÐPN : Sự lợi dụng ươn lười của cấp dưới cũng do gương xấu của cấp trên gây ra. Chắc ông cũng biết tin đồn về sự tham nhũng của ông Thục, ông Cẩn, bà Nhu…

NÐL : Họ nói láo. Không nói xấu chi được ông Diệm thì nói sang những người xung quanh. Có ông Cẩn mang tiếng thì hiểu được, vì ông ấy lo tổ chức việc thương mại. Cộng sản nó dành thương mại cho nhà nước, mình cũng phải kinh tài phần nào để làm việc, như thăm dò Việt cộng … Nhờ ông Cẩn, ở ngoài Trung cộng sản ít dám xâm nhập vì ông ấy có tổ chức kiểm soát. Tự nhiên, miệng đời sao cấm được, mình chỉ biết ăn thua kết quả.

ÐPN : Kết quả người ta không thấy đâu, nhưng những chuyện làm tiền bất hợp pháp thì người ta thấy rõ.

NÐL : Thì làm sao tránh được sự lợi dụng ? Anh tôi chẳng bao giờ che chở cho người làm bậy, nhưng chúng cứ mượn danh ông Diệm, ông Thục, ông Nhu, ông Cẩn đi làm chuyện này chuyện nọ để lấy lợi riêng, rồi khiến cấp trên chìm đắm trong công việc đáng lẽ phải do cấp dưới làm, để cấp trên không có thì giờ rảnh mà kiểm soát chúng. Việc nó cứ đọng lên, muốn để cấp dưới định đoạt cũng không được vì để họ, chuyện cứ dây dưa mãi trong khi việc nước nó như cả chùm, cái này không thúc thì cái kia không xong. Ðó là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần. Còn có khi để họ làm thì họ ăn hối lộ, hối lộ một cách liên kết, rầy la trừng trị họ thì họ đùn việc lên cho mà mệt.

ÐPN : Khi nhân viên thừa hành làm bậy, Người cầm quyền phải chịu trách nhiệm vi không biết dùng người.

NÐL : Có thể là lỗi anh tôi. Nhưng chuyện đời ông ấy như vậy. Nhìn xem sau có tốt đẹp hơn không ? Kết quả ra sao ?

ÐPN : Báo chí còn chỉ trích ông Diệm vì vai trò bà Nhu, ông nghĩ sao ?

NÐL : Tôi vốn không hợp với chị Nhu tôi. Bà ấy lý sự cùn, nói sao cho được, nên có những lời tuyên bố đáng tiếc. Nhưng bà ấy thật ra chẳng có quyền gì, toàn do người ta tâng bốc. Có chuyện phụ nữ không có ai để ý đến là bà ấy được anh tôi cho làm thôi.

ÐPN : Ông Diệm có ý thức vấn đề địa phương, tôn giáo không ?

NÐL : Anh tôi rất lưu tâm đến vấn đó. Trong khi anh Nhu tôi cho là dùng người làm việc chỉ cần xét người ấy tốt hay xấu, ông Diệm lại bảo rằng mình cai trị trong Nam, nếu chỉ bo bo ông Bắc di cư hay ông Trung thì không được, nên ông ấy mới để người Nam cầm đầu các bộ chính như Phủ tổng thống, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ quốc phòng…, tới sau 1961 mới đổi khác. Về công giáo thì anh tôi cũng nghĩ là công giáo chỉ có 10% dân tại Việt Nam, không thể để công giáo thấy tổng thống là người công giáo mà đến lợi dụng, cho nên hễ ai thuộc công giáo đến xin xỏ này nọ, thế nào anh tôi cũng đuổi.

ÐPN :Thế làm sao ông Diệm lại để cho vụ Phật giáo nổi lớn như vậy ?

NÐL : Lúc xảy ra vụ Phạt giáo tôi ở ngoại quốc nên không biết rõ. Nhưng lập trường của chính phủ về vấn đề treo cờ vẫn là « một nước chỉ có một cờ », không có quyền treo cờ của đạo giáo nào cả. Ông Thục cũng như ông Cẩn giúp đỡ tiền bạc Phật giáo miền Trung rất nhiều, vì nghĩ là họ ghét cộng sản bởi cộng sản bài thần. Ông Diệm thì giúp cho Phật giáo có tổ chức đàng hoàng (có trường huấn luyện, có cấp chức), nếu không ai cũng có thể khoác áo cà sa rồi làm mang tiếng đạo. Trong vụ Phật giáo, cấp dưới làm bậy, chuyện đã rồi mới trình lên. Còn chính quyền chỉ có lỗi là cư xử không khéo.

ÐPN :Tóm lại, ông có nhận định gì về chế độ Ngô Ðình Diệm ?

NÐL : Theo tôi thì đường lối của ông Diệm đúng nhưng cách thức thi hành trật vì chính quyền

- không biết vấn đề truyền thông thông tin ;

- không biết trao đổi ý kiến với chính giả để họ hiểu mình ; nếu biết thì không còn e ngại báo chí và quốc hội :

- không biết huấn luyện đủ cán bộ, nhất là cán bộ có óc sáng kiến ;

- để bị cấp dưới làm bù đầu với công việc.

Những người kế tiếp anh tôi sau này chẳng ai có đường lối, chỉ biết để dân buộc bụng và lính hy sinh xương máu.

ÐPN : Trước tình thế đất nước nhà ngày hôm nay, theo ông chúng ta phải làm gì ?

NÐL : Phải làm sao giúp dân tự tổ chức để không bị chia rẽ phân tán trong thành thị và ở nông thôn. Nên nghiên cứu xem tại các nước cộng sản có ai làm được gì, như trường hợp Solidarnosc ở Ba Lan. Mình ở ngoài thấy rõ sự kiện, cần giúp cho bên nhà hiểu tình thế để họ tự vạch đường lối tùy cơ ứng biến. Chống cộng sản là tự dân, cho nên phải giúp dân kiếm được cách bàn tán,,tìm hiểu và liên lạc với nhau. Lúc đó mới nói tới chuyện kháng chiến. Ðưa chuyện khác là lỗi thời. Không có bàn đạp chỗ đứng thì chẳng làm được gì, chỉ làm cho mồi cho cộng sản và làm người khác chán nản.

ÐPN : Chuyện đó là một chuyện lâu dài, nhưng các nhóm quốc gia hiện nóng lòng chỉ muốn một chuyện có kết quả ngay.

NÐL : Kháng chiến không phải chỉ hy sinh thôi. Phải biết đợi chờ, ngấm ngầm sửa soạn để rồi thắng mạnh một cú, lúc đó mới mong có được sự giúp đỡ của người. Muốn thắng phải có bàn đạp, chuyện dài thì chia từng đoạn : phải dự bị gì ? cần những ai ? làm sao cho họ hăng hái ?
ÐPN : Ông có liên lạc với các nhà chính trị Việt Nam không ?

NÐL : Tôi có gặp một số người. Họ hay nói chuyện Mỹ giúp này nọ. Tôi cho rằng mình phải có máu mặt, có gì đảm bảo mình làm được việc, các giới tư bản với quốc gia khác họ mới giúp. Nếu không họ chỉ coi mình như kẻ tôi mọi cho họ sai khiến. Cũng như người vay mượn ngân hàng để kinh doanh, nếu ngân hành thấy đó là người hữu hiệu thì nó chạy theo mà cho vay, vì nó có tiền chỉ mong kiếm lời. Trong sự nhờ vả cũng vậy, hai bên phải ít nhất ngang nhau thì mới mặc cả được.


Retour à DPN

Aucun commentaire: