Đạo Hoà Hảo trong lịch sử (Kết)
Trần Gia Phụng
Đạo Hoà Hảo trong lịch sử (I)
4. ĐẠO HÒA HẢO BỊ VIỆT MINH ĐÀN ÁP
Tình hình Việt Nam và thế giới biến chuyển nhanh chóng do việc Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima ngày 06/08/1945 và Nagasaki ngày 9-8-1945. Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện ngày 14-8-1945, thì cũng trong ngày nầy, tại Sài Gòn, Huỳnh Phú Sổ cùng các lãnh tụ đảng phái dân tộc thành lập Mặt Trận Quốc Gia Việt Nam Thống Nhất (MTQGVNTN). Mặt trận nầy kết hợp Việt Nam Vận Động Hội (Hòa Hảo), Cao Đài, Tịnh Độ Cư Sĩ, Liên Đoàn Công Chức, Thanh Niên Tiền Phong và nhóm trí thức. Việt Minh không tham gia mặt trận nầy.
Ngày 21/08/1945, MTQGVNTN tổ chức cuộc mít tinh khổng lồ tại Sài Gòn, có thể lên tới khoảng 200,000 người tham dự, kêu gọi dân chúng đoàn kết, hy sinh tranh đấu cho nền độc lập của đất nước. Tuy có công khơi động phong trào yêu nước lên cao độ, nhưng MTQGVNTN không mạnh dạn nắm lấy chính quyền, để cho Mặt trận Việt Minh (VM) nhanh tay tổ chức biểu tình, cướp chính quyền như ngoài Hà Nội. Ngày 25-8-1945, Trần Văn Giàu, thuộc VM tuyên bố thành lập Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ Lâm Thời (Lâm ủy Hành chánh).
Trước đó, tại Âu Châu, Đức đầu hàng ngày 7-5-1945. Đại diện Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô họp thượng đỉnh tại Potsdam, gần Berlin, quyết định về tương lai nước Đức. Bên cạnh đó, ngày 26/07/1945, cũng từ Potsdam, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa cùng gởi cho Nhật một tối hậu thư, buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện. Về vấn đề Đông Dương, tối hậu thư quyết định rằng quân đội Nhật sẽ bị giải giới ở Bắc vĩ tuyến 16 bởi quân đội Trung Hoa, và ở nam vĩ tuyến 16 bởi quân đội Anh, và không nói gì đến việc ai sẽ cai trị Đông Dương sau khi quân Nhật về nước.
Pháp liền nhân cơ hội nầy, theo quân Anh trở lại Đông Dương. Khi đại tá Cédile nhảy dù xuống Tây Ninh ngày 22/08/1945, thì 5 ngày sau, tức ngày 27/08/1945, Trần Văn Giàu gặp Cédile để thương thuyết.
Tức thì, Lâm uỷ Hành chánh của VM bị phản đối mạnh mẽ. Việt Minh liền họp cùng MTQGVNTN ngày 4-9-1945 tại trường Mỹ Nghệ Gia Định (gần bệnh viện Nguyễn Văn Học), dưới sự chủ tọa của Đức Huỳnh Phú Sổ, đồng ý cải tổ Lâm uỷ Hành chánh. Cuộc cải tổ nầy được thông qua trong cuộc họp đêm 7-9-1945 tại trụ sở Tổng công đoàn đường De la Grandière (đường Gia Long), theo đó Phạm Văn Bạch làm chủ tịch Lâm uỷ Hành chánh, Trần Văn Giàu làm phó chủ tịch kiêm uỷ trưởng quân sự. Huỳnh Phú Sổ được mời làm cố vấn trong Lâm uỷ Hành chánh.
Chỉ hai ngày sau (09/09), Trần Văn Giàu tung người bao vây bắt Huỳnh Phú Sổ tại văn phòng, nhưng ông thoát được. Việt Minh tìm bắt giết những nhân vật quan trọng của Hòa Hảo như Huỳnh Thạnh Mậu (em ruột Huỳnh Phú Sổ), Nguyễn Xuân Thiếp, Trần Ngọc Hoành tại Cần Thơ; Chung Bá Khánh, Đỗ Thiều, Võ Văn Thời tại Trà Vinh, Vĩnh Bình; đồng thời VM ra lệnh giải tán MTQGVNTN, và bắt các lãnh tụ của mặt trận nầy.
Trong khi đó, với sự giúp đỡ của Anh, Pháp đưa quân vào Sài Gòn, dần dần tái chiếm toàn bộ Nam Kỳ. Ngày 05/02/1946, tướng Leclerc tuyên bố tại Sài Gòn rằng Pháp đã hoàn tất việc bình định Nam Kỳ và nam Trung Kỳ. Ngày 05/03/1946, quân lính Anh chính thức chấm dứt nhiệm vụ và rút ra khỏi Việt Nam.(8)
Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ vẫn tiếp tục hoạt động chống Pháp. Ngày 21- 9-1946, ông chính thức thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là Dân Xã Đảng, được đồng bào miền Tây hưởng ứng mạnh mẽ. Tuyên ngôn của Dân Xã Đảng do Huỳnh Phú Sổ công bố, nhấn mạnh: "Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng dân chủ, chủ trương thiệt thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân chủ: "chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân". Đảng Dân Xã chủ trương "toàn dân chánh trị, thế tất đảng chống độc tài bất cứ hình thức nào." (9)
Một lần nữa, Việt Minh lại mời Huỳnh Phú Sổ hợp tác. Tuy bề ngoài tỏ ra đoàn kết, nhưng từ tháng 12, 1946, nghĩa là từ khi bùng nổ cuộc chiến tranh với Pháp, VM đưa ra ba mật lệnh cho nhân viên, bằng tất cả các cách, triệt hạ uy tín Đức Huỳnh Phú Sổ, phá vỡ tổ chức Dân Xã Đảng, và thủ tiêu các lãnh tụ của đảng nầy.(10)
Những cuộc xô xát giữa Dân Xã Đảng và VM càng ngày càng trầm trọng. Ngày 16/04/1947, Bửu Vinh, chi đội trưởng Vệ Quốc Quân, và Trần Văn Nguyên, thanh tra chính trị miền Tây, mời Đức Hùynh Phú Sổ đến họp để giải quyết các cuộc xung đột giữa lực lượng hai bên tại Sa Đéc. Nhân đó, đoàn của Đức Huỳnh Phú Sổ bị tấn công tại kênh Đốc Vàng Hạ (thôn Tân Phú, Kiến Phong). Việt Minh đem ông đi mất tích.(11) Tín đồ Hòa Hảo tin rằng ông chưa chết, nhưng cho đến nay (2007), 68 năm sau biến cố kênh Đốc Vàng Hạ, chưa có tin tức gì cụ thể về việc ông còn sống.
Sau khi Đức thầy Huỳnh Phú Sổ mất tích, Đức ông Huỳnh Công Bộ, phụ thân của Đức thầy, đứng ra lãnh đạo PGHH cả về mặt đạo, lẫn mặt đời. Lực lượng Hòa Hảo lúc đó vừa chống Pháp, vừa chống VM. Tuy nhiên, cũng có khi quân Hòa Hảo bắt tay với Pháp chống VM. Ở miền Tây, lực lượng Hòa Hảo do 4 nhân vật chính chỉ huy là: 1) Trần Văn Soái (Năm Lửa) ở Cái Vồn, Cần Thơ và Vĩnh Long. 2) Nguyễn Giác Ngộ ở Chợ Mới, An Giang. 3) Lê Quang Vinh (Ba Cụt) ở An Giang, và Cần Thơ. 4) Lâm Thành Nguyên ở Châu Đốc và Hà Tiên.(12)
5. ĐẠO HÒA HẢO TỪ 1954 ĐẾN 1975
Chiến tranh chấm dứt năm 1954. Theo Hiệp định Geneva (20/07/1954) nước Việt Nam bị chia hai ở sông Bến Hải, ngang qua vĩ tuyến 17. Hồ Chí Minh và đảng Lao Động tức đảng CSVN, cai trị phía bắc, chính phủ Quốc gia dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại ở phía nam.
Lúc đầu các thế lực Hòa Hảo ủng hộ và tham gia chính phủ Ngô Đình Diệm cải tổ ngày 24-9-1954, như các ông Trần Văn Soái (quốc vụ khanh, ủy viên Quốc phòng), Lương Trọng Tường (tổng trưởng Kinh tế), Nguyễn Công Hầu (tổng trưởng Canh nông).(12)
Dần dần, chính phủ Ngô Đình Diệm muốn tập trung quyền lực vào trung ương, quy tập các lực lượng chính trị và giáo phái vào tay chính phủ. Ngày 27-1-1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành nghị định số 41-NV, cấm Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (Dân Xã Đảng) của PGHH, không được hoạt động.(13) Có thể vì chính sách tập trung quyền lực về trung ương của chính phủ, hai tháng sau, các nhân vật Hòa Hảo trong nội các Ngô Đình Diệm từ chức ngày 30-3-1955.(14) Từ đó, rạn nứt giữa chính phủ Diệm và các giáo phái càng ngày càng trầm trọng.
Chính phủ Diệm mở chiến dịch Đinh Tiên Hoàng do đại tá Dương Văn Đức chỉ huy từ 05/06/1955 đến 29/12/1955, bình định miền Tây. Chính phủ đặt các tướng Hòa Hảo là Trần Văn Soái (Năm Lửa) và Lê Quang Vinh (Ba Cụt) ra ngoài vòng pháp luật, tiến đánh căn cứ đóng quân của các tướng nầy từ Cần Thơ xuống tới Châu Đốc
Sau chiến dịch Đinh Tiên Hoàng là chiến dịch Nguyễn Huệ từ ngày 1-1-1956, tiếp tục bình định miền Tây, do thiếu tướng Dương Văn Minh chỉ huy. Ngày 2-3-1956, tướng Trần Văn Soái tuyên bố trở về hợp tác với chính phủ Diệm. Ngày 13/04/1956, tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt) bị bắt ở Chắc Cà Dao, gần Long Xuyên. Ngày 11/06/1956, Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên án tử hình tướng Lê Quang Vinh. Ngày 04/07/1956, Tòa án Quân sự nhóm ở Cần Thơ, tuyên án tử hình tướng Lê Quang Vinh một lần nữa. Ông bị hành quyết sáng ngày 13/07/1956 tại nghĩa địa Cần Thơ.(14)
Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã thành công trong việc tập trung quyền lực vào tay chính phủ, tiêu diệt các giáo phái, nhưng cũng chính vì vậy, chính phủ đã phá hủy mạng lưới các cơ sở chống cộng hạ tầng của PGHH, mà chính phủ không thể thay thế được, tạo cơ hội cho cộng sản xâm nhập vùng nông thôn miền Tây.
Ngày 01/11/1963, chính phủ Ngô Đình Diệm bị đảo chánh. Thật lạ lùng, người đảo chánh ông Diệm chính là người đã vâng lệnh ông Diệm đánh phá Phật giáo Hòa Hảo năm 1956, tướng Dương Văn Minh. Từ năm 1964, Phật giáo Hòa Hảo tái phục hồi hoạt động, bầu lại Hội đồng Trị sự Trung ương và các ban Trị sự địa phương các tỉnh. Tuy nhiên, tình hình thay đổi sau ngày 30/04/1975.
6. ĐẠO HÒA HẢO BỊ ĐÀN ÁP SAU BIẾN CỐ 30/04/1975
Từ sau ngày 30-4-1975, khi cộng sản cầm quyền, Hội đồng Trung ương và các ban Trị sự địa phương PGHH bị giải tán và cấm hoạt động. Tổ đình PGHH bị cô lập. Chẳng những đàn áp, Cộng Sản Việt Nam (CSVN) còn bắt giết hay giam cầm dài hạn những nhà lãnh đạo PGHH.
Trước sự phản đối của dư luận ở trong cũng như ngoài nước, năm 1999, Liên Hiệp Quốc gởi một phái đoàn đến điều tra về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Lúc đó, nhà nước CSVN mới lập Ban Đại diện (chứ không phải ban Trị sự) PGHH ngày 25-6-1999. Quy chế mới của Ban Đại diện quốc doanh PGHH hủy bỏ đạo kỳ màu dà, rút gọn sấm giảng của Đức thầy, hủy bỏ Đại lễ tưởng niệm Đức thầy hằng năm…(15) Ban Đại diện “quốc doanh” nầy do Nguyễn Văn Tôn, tức Mười Tôn làm trưởng ban.(16)
Khi ban Đại diện quốc doanh PGHH do Mười Tôn đứng đầu được thành lập, ông Lê Quang Liêm, nguyên là Trưởng ban Trị sự Trung ương PGHH cuối cùng trước năm 1975, mới hoạt động trở lại dưới danh hiệu PGHH THUẦN TÚY (PGHHTT). Dầu không được nhà nước CS chấp nhận, nhưng PGHHTT được nông dân hưởng ứng và tin theo đông đảo. Nhà nước CS liền ra lệnh quản chế ông Lê Quang Liêm từ tháng 3-2003, cho đến tháng 8-2004 mới chấm dứt.
Nhà nước CSVN tiếp tục đàn áp việc hành đạo và bắt bớ tín đồ PGHH, đến nỗi ngày 5-8-2005, hai tín đồ PGHH tự thiêu ở An Giang. Người thứ nhất là ông Võ Văn Bửu tại xã Mỹ An, quận Chợ Mới, và người thứ hai là ông Trần Văn Út tại bắc Vàm Cống quận Châu Thành.
Tin mới nhất, ngày 06/06/2007, do ông Nguyễn Văn Cội, phát ngôn viên khối PGHHTT cung cấp cho đài Á Châu Tự Do, nhà nước CSVN hiện đang giam giữ 14 chức sắc và tín đồ thuộc Giáo HPGHHTT, và kêu án từ 4 năm đến chung thân khổ sai, vì tranh đấu đòi hỏi tự do tôn giáo.(17)
Nói chung, chế độ CSVN đàn áp PGHH có thể vì các lý do chính sau đây:
Thứ nhất, CSVN rất lo sợ các tổ chức, các tôn giáo có tổ chức quần chúng. Tuy không tổ chức hệ thống giáo hội, nhưng “tín đồ Hòa Hảo là quần chúng có tổ chức”(18), và tổ chức khá chặt chẽ, nên CSVN rất lo sợ và đề phòng PGHH.
Thứ hai, có thể nói, trong suốt thời gian chiến tranh vừa qua, CSVN khó thâm nhập vào những khu vực có tín đồ PGHH. Những làng Hòa Hảo là những làng thanh bình nhất tại miền Nam. Vì vậy, CSVN trả thù PGHH đã gây trở ngại họat động của CSVN từ 1945 đến 1975.
Thứ ba, do việc Đức thầy Huỳnh Phú Sổ bị CSVN hãm hại, CSVN biết rằng PGHH không phục tòng CSVN.
Thứ tư, đa số tín đồ của PGHH là nông dân. Cộng sản Việt Nam theo chủ trương của Mao Trạch Đông, lấy nông thôn bao vây thành thị, và xem nông dân là thành phần nòng cốt của cuộc cách mạng. Thế mà nông dân miền Tây tin tưởng vào PGHH hơn là tin tưởng CSVN. Đối với CSVN, đó là một “tội lỗi” to lớn của PGHH, mà CSVN không thể dung thứ được.
Thứ năm, trước việc CSVN đàn áp PGHH, các tín đồ PGHH, với truyền thống bất khuất, đã đứng lên tranh đấu đòi TỰ DO TÍN NGƯỠNG, tức đòi NHÂN QUYỀN và DÂN QUYỀN, là điều mà CSVN rất cấm kỵ.
Cuối cùng, các tôn giáo khác như Ky-Tô giáo (La-Mã, các tông phái Tin Lành), Phật giáo có thế quốc tế, nên CSVN có phần dè dặt khi đụng chạm, có thể bị dân chúng các nước trên thế giới phản đối, gây ảnh hưởng xấu đến ngoại giao hay ngoại thương. Trái lại, PGHH là một tôn giáo thuần túy Việt Nam, không có thế quốc tế. Ngoại trừ những vi phạm nhân quyền trầm trọng, ít ai can thiệp giúp PGHH Vì vậy, CSVN dễ mạnh tay với PGHH mà ít sợ phản ứng quốc tế.
Đó là những lý do chính khiến CSVN đàn áp không nương tay những sinh họat của PGHH hiện nay ở trong nước.
KẾT LUẬN
Nói chung, Phật giáo Tứ Ân và PGHH xuất hiện đúng lúc theo nhu cầu tâm linh của nông dân miền Tây nam Việt Nam, và là tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc. Đạo Phật đã được giản dị hóa, phù hợp với tâm thức và đời sống của nông dân, nên được nông dân tin theo rất đông. Có thể nói, Đức Phật Thầy Tây An và Đức thầy Huỳnh Phú Sổ là những vị tổng tuyên úy Phật giáo của nông dân Nam Kỳ.
Điều lạ lùng nhất là PGHH không có chùa, không có giáo hội, không có tăng sĩ, không nghi lễ xa hoa, và PGHH chỉ có những ban trị sự để tín đồ tự quản lý với nhau, chỉ có những câu kinh tiếng kệ đơn giản, phổ thông, không tiếng Phạn, hoàn toàn bằng tiếng Việt. Thế mà PGHH đã đưa cả một hệ thống triết lý cao siêu là đạo Phật, đến tận từng cá nhân, từng gia đình, từng mái nhà, và trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời sống tâm linh cũng như đời sống xã hội cho cả một khối dân khổng lồ hàng triệu nông dân miền Tây, để mọi người cùng sống đạo, sống lương thiện, hài hòa với mọi người, cùng thực hành đạo pháp ngay trong đời thường.
Hiện nay, ai cũng đồng ý rằng dưới sự cai trị của chế độ CS, tình trạng văn hóa, luân lý, đạo đức của xã hội Việt Nam chúng ta đang suy thoái trầm trọng. Trong tiến trình dân chủ hóa tòan cầu, chắc chắn chế độ CS không thể tồn tại lâu dài. Sẽ đến lúc tự do dân chủ trở lại trên quê hương Việt Nam. Khi đó, chắc chắn PGHH sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hưng nền văn hóa, luân lý và đạo đức cổ truyền của dân tộc.
Toronto, 24/06/2007
© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
(8) Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Paris: Editions Du Seuil, 1952, tr. 176.
(9) Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Hải ngọai, sđd. tr. 533.
(10) Lữ Giang, Những bí ẩn đàng sau cuộc chiến Việt Nam, quyển 1, tái bản lần thứ nhất, California: 1999, tr. 366. Mật lệnh lần thứ nhất ngày 26-12-1946 của Kiều Tấn Lập, giám đốc Sở chính trị thuộc Nha công an; mật lệnh thứ hai của Phạm Hùng, ngày 30-1-1947, xứ ủy Nam Bộ; mật lệnh thứ ba của Nguyễn Văn Tây, thanh tra chính trị miền Tây Nam Bộ.
(11) Tài liệu theo: http://hoahao.org/default.asp?catid=21&nid=7530 (trích ngày 12-6-2007).
(12) Đoàn Thêm, 1945-1964, Việc từng ngày, Hai mươi năm qua, California: Nxb. Xuân Thu tái bản không đề năm, tt. 156-157.
(13) Trần Nguơn Phiêu, Những ngày qua, bút ký, Texas: Nxb. Hải Mã, 2005, tr. 101.
(14) Đoàn Thêm, sđd. tt. 167, 199.
(15) Trần Nguơn Phiêu, sđd. tr. 102.
(16) Theo nguồn tin của một người quê Long Xuyên, hiện sinh sống tại Toronto. Cũng theo nguồn tin nầy, trước năm 1975, Mười Tôn nguyên là một tín đồ Hòa Hảo, vì tranh chấp đất đai, gây ra án mạng, nên bỏ theo CS để tránh tù tội. Năm 1975, Mười Tôn là Tỉnh đội trưởng tỉnh đội Long Châu Hà. Long Châu Hà là một tỉnh ghép khi CSVN mới cầm quyền sau 1975, gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên. Về sau, chia lại tỉnh thì Long Xuyên-Châu Đốc đổi thành An Giang, Hà Tiên đổi thành Kiên Giang.
(17) Theo các bản tin của đài Á Châu Tự Do (RFA) trong các ngày liên hệ.
(18) Trần Nguơn Phiêu, sđd. tr. 67.
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3522
---
mardi 26 juin 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire