Edgar Snow
Phỏng vấn Mao Trạch Đông
Song Vũ, Tiểu Phi dịch
Edgar Parks Snow (1905-1971) sinh ở Kansas, Missouri. Ông theo học Ðại học Missouri, rồi làm phóng viên tờ Kansas City Star. Năm 1928, ông tới Trung Quốc lần đầu tiên vào tuổi 22 và trở thành phụ tá biên tập (assistant editor) cho tờ China Weekly Review. Ở đây ông học ngôn ngữ, khảo sát phong tục và đất nước Trung Quốc, và giảng dạy tại Ðại học Yenching. Ông lần lượt làm phóng sự về vùng Viễn Ðông cho các báo Chicago Tribune, New York Sun, New York Herald- Tribute, và Daily Herald. Lần đầu tiên ông phỏng vấn Mao là năm 1930 cho tờ China Weekly Leader. Trong thời gian chiến tranh, ông là thành viên trong ban biên tập và là phóng viên chiến tranh cho tờ The Saturday Evening Post, đặc trách vùng Trung Hoa, Ấn Ðộ và Liên bang Xô Viết.
Trong một cuộc phỏng vấn hãn hữu kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, Mao Trạch Ðông nói chuyện với tôi về nhiều đề tài, mà theo lời ông là loại chuyện non nam biển bắc (shan nan hai pei). Với 200 triệu tấn lương thực thu hoạch được vào năm 1964 để dự trữ vào mùa đông khó khăn, với các cửa tiệm bách hoá khắp nơi cung cấp các mặt hàng nhu yếu với giá rẻ, và với các tiến bộ khoa học mà đỉnh cao là cuộc thử nghiệm bom nguyên tử để chào đón sự thất bại chính trị của Khrushchev [1] , chủ tịch Mao có thể tuyên bố một vài thành quả sáng tạo ở thời điểm đó. Tôi thấy ông suy nghĩ về những ngày cuối cùng của đời mình và đã sẵn sàng để các thế hệ sau đánh giá di sản chính trị mà ông để lại.
Người chiến binh 72 tuổi này đón tiếp tôi trong một căn phòng rộng trang trí theo lối Bắc Kinh thuộc Đại sảnh đường Nhân dân, đối diện với quảng trường Thiên An Môn, cửa Bình Thiên (Heavenly Peace Gate) của Tử Cấm Thành xưa. Trong cuộc trò chuyện, ông nhiều lần cảm ơn các thế lực xâm lược ngoại bang đã giúp đẩy nhanh cuộc cách mạng Trung Hoa và đang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tương tự ở Ðông Nam Á hiện nay. Ông khẳng định rằng quân đội Trung Quốc không hề ra khỏi biên giới và không có ý định đánh ai trừ phi lãnh thổ của mình bị tấn công. Ông nhận xét là càng có nhiều quân đội và vũ khí Mỹ đổ vào Sài Gòn thì lực lượng giải phóng miền Nam càng được trang bị vũ khí và giáo dục (tuyên truyền) nhiều hơn để giành chiến thắng. Bây giờ, họ (lực lượng giải phóng miền Nam) không cần đến sự trợ giúp của binh lính Trung Hoa nữa.
Trước khi bắt đầu câu chuyện, chủ tịch Mao đồng ý cho tôi chụp hình ông không chính thức cho một bộ phim, mà theo tôi, lần đầu tiên do một đài truyền hình nước ngoài làm về ông. Cũng chính từ bộ phim này, các chuyên gia chính trị có thể chẩn đoán tình trạng sức khoẻ của ông, mà sau đó theo tin đồn là trở nên rất xấu. Vào ngày 9 tháng Giêng, ngày cuối cùng trong suốt nhiều tuần làm việc căng thẳng trong các cuộc hội nghị ngày và đêm với nhiều đại biểu vùng miền kéo về thủ đô tham dự kỳ họp Quốc hội thường niên, cuộc nói chuyện giữa ông và tôi lẽ ra có thể vì tình trạng binh hoạn này mà phải kết thúc sớm. Xem ra có vẻ ông thoải mái trong suốt cuộc đàm đạo, bắt đầu lúc 6 giờ chiều, tiếp tục qua bữa cơm chiều và tiếp kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ sau đó.
Một trong những bác sĩ của Mao cho tôi biết rằng Mao không có căn bệnh nào nghiêm trọng trong cơ thể ngoại trừ những mệt mỏi bình thường do tuổi già. Ông chia chung với tôi một bữa cơm nấu theo lối Hồ Nam có nhiều tiêu, và uống lấy lệ một, hai ly rươụ vang.
Có tin tức bên ngoài cho rằng có những “quan chức chính phủ” khác cùng hiện diện trong cuộc phỏng vấn của tôi. Họ thật ra là hai người bạn cũ từ những ngày trước cách mạng: Bà Kung Peng, hiện là phụ tá cho Bộ trưởng Ngoại giao và người kia là chồng bà, Chiao Kuan-hoa, một phụ tá bộ trưởng trong cùng một bộ. Tôi không trình trước những câu hỏi viết tay và cũng không ghi chép trong suốt cuộc phỏng vấn. May mắn cho tôi là tôi đã nhớ lại bằng cách ôn lại nội dung cuộc nói chuyện với một trong những người có mặt tại cuộc nói chuyện này và có ghi lại cuộc phỏng vấn. Chúng tôi thoả thuận là tôi có thể công bố toàn bộ nội dung những lời nhận xét dưới đây của chủ tịch Mao, nhưng không trích dẫn trực tiếp.
Snow: Một số bình luận gia Hoa Kỳ ở Sài Gòn đã so sánh sức mạnh của Việt cộng ở đó với thời kỳ 1947 ở tại Trung Quốc, khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu tiến hành cuộc tiễu trừ lực luợng thuộc phe quốc gia trên qui mô rộng khắp. Có thể so sánh được như vậy được không?
Chủ tịch Mao nghĩ là không. Bởi vì vào năm 1947, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã có hơn 1 triệu quân để chống lại vài triệu quân của Tưởng Giới Thạch. Quân giải phóng tác chiến trên cấp sư đoàn và lộ quân ở thời điểm đó, trong khi hiện nay, lực lương giải phóng Việt Nam mới chỉ sử dụng cấp tiểu đoàn hoặc nhiều nhất là cấp trung đoàn. Lực lượng Hoa Kỳ ở Việt Nam hiện tại còn tương đối nhỏ. Dĩ nhiên, nếu họ tăng cường thêm lực lượng, họ có thể giúp việc đẩy nhanh lực lượng vũ trang nhân dân chống lại họ. Nhưng nếu ông nói vậy với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thì họ cũng chẳng chịu nghe. Họ có nghe ông Diệm đâu nào? Cả Hồ Chí Minh và ông (Mao Trạch Đông) đều nghĩ rằng Ngô Ðình Diệm không đến nỗi tồi tệ. Cả hai đều nghĩ Hoa Kỳ sẽ duy trì vai trò của Diệm một vài năm nữa. Nhưng các tướng lãnh Hoa Kỳ thiếu kiên nhẫn đã bất mãn với Diệm và thanh toán ông ta. Xét cho cùng, tiếp sau cuộc sát hại này, (chẳng lẽ) mọi thứ trên trời dưới đất bình yên hơn đươc à?
Snow: Các lực lượng Việt Cộng có thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh này chỉ bằng chính sức lực của họ được không?
Theo ông là có thể được. Vị thế của họ tương đối thuận lợi hơn so với những người cộng sản Trung Quốc trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến (1927-37). Trong thời gian ấy, không có sự can thiệp trực tiếp của ngoại bang (vào Trung Quốc), còn hiện nay thì Việt cộng đã có sự can thiệp của Hoa Kỳ để họ có thể vũ trang và giáo dục từ binh lính cho tới các sĩ quan quân đội. Những người chống đối Hoa Kỳ bây giờ không chỉ còn giới hạn là lực lượng giải phóng nữa. Diệm đã không muốn nghe lệnh (Mỹ). Bây giờ, tinh thần độc lập này đã lan tới cấp tướng lãnh. Các thầy giáo Hoa Kỳ đã thành công.
Khi được hỏi là liệu một số những vị tướng này sẽ sớm gia nhập quân giải phóng hay không, Mao trả lời là có, sẽ có một số theo gương các tướng lãnh Quốc dân Ðảng Trung Hoa, những người đã trở thành cộng sản.
“Thế giới thứ ba”
Snow: Việc Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam, Congo và chiến trường của các cựu thuộc địa khác gợi ra một vấn đề được quan tâm về mặt lý thuyết nhìn theo quan điểm của chủ nghĩa Marx. Vấn đề đó là, liệu có mâu thuẫn giữa chủ nghĩa thực dân mới và các lực lượng cách mạng, mà người Pháp gọi là “thế giới thứ ba” – cái gọi là những quốc gia kém phát triển, hoặc cựu thuộc địa, hoặc còn là thuộc địa ở Châu Á, Phi và Mỹ Latinh - hiện nay có phải là mâu thuẫn chính trị cơ bản trên thế giới hay không? Hoặc ông có cho rằng mâu thuẫn cơ bản vẫn chỉ là giữa các quốc gia tư bản với nhau?
Mao Trạch Ðông nói rằng ông chưa có ý kiến về điều này, nhưng ông nhớ lại lời tổng thống Kennedy từng nói. Chẳng phải Kennedy đã tuyên bố rằng giữa Hoa Kỳ, Canada và Tây Âu, không có nhiều khác biệt thực sự và căn bản đấy thôi? Tổng thống (Kennedy) nói rằng vấn đề nằm ở Nam bán cầu. Khi cổ võ việc huấn luyện “lực lượng đăc biệt” cho “các cuộc nổi dậy địa phương”, có lẽ vị tổng thống quá cố đã nghĩ đến câu hỏi của tôi (Snow).
Mặt khác, những mâu thuẫn giữa các đế quốc từng là nguyên nhân gây ra hai cuộc thế chiến trong quá khứ, và cuộc chiến đấu của họ chống lại các cuộc cách mạng ở thuộc địa đã không thay đổi tính cách của họ. Nếu nhìn vào nước Pháp, người ta sẽ thấy hai lý do cho các chính sách của de Gaulle. Điều đầu tiên là khẳng định chính sách độc lập đối với sự thống trị của Hoa Kỳ. Điều thứ hai là toan tính điều chỉnh chính sách của Pháp đối với những thay đổi đang xảy ra tại các quốc gia Á-Phi và Châu Mỹ latin. Kết quả là làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các quốc gia tư bản; nhưng có phải nước Pháp là một phần của cái gọi là “thế giới thứ ba” không? Gần đây ông đã hỏi một số khách Pháp về điều ấy và họ đã trả lời không phải, rằng nước Pháp là một quốc gia phát triển nên không thể là thành phần của “thế giới thứ ba”, cụm từ dùng để chỉ các quốc gia kém phát triển. Vấn đề không đơn giản như thế.
Snow: Liệu có thể nói rằng nước Pháp nằm trong thế giới thứ ba, nhưng không phải là một thành viên?
Có thể là như thế. Mao đọc được tin là vấn đề này được tổng thống Kennedy quan tâm, dẫn tới việc Kennedy nghiên cứu những bài tiểu luận của Mao về chỉ đạo chiến tranh. Mao cũng học được những kinh nghiệm từ những đồng chí Algeria trong cuộc chiến đấu chống lại quân đội Pháp, và người Pháp cũng đọc các tác phẩm của Mao và sử dụng nguồn tài liệu này trong việc chống lại người Angeria. Tuy nhiên ông đã nói với Abbas, thủ tướng Algeria lúc đó, rằng các tác phẩm của ông chỉ dựa trên kinh nghiệm của người Trung Quốc và sẽ không có hiệu quả ngược chiều. Chúng chỉ thích hợp cho việc dấy lên cuộc chiến tranh giải phóng nhân dân, chứ không thể dùng trong cuộc chiến tranh chống lại chiến tranh nhân dân được. Chúng không cứu được nước Pháp khỏi thất bại tại Algeria. Chính Tưởng Giới Thạch cũng đã từng nghiên cứu tài liệu của chủ nghĩa cộng sản mà ông ta vẫn thất bại đấy thôi.
Mao cho biết người Trung Quốc cũng nghiên cứu các sách vở của Hoa Kỳ. Chẳng hạn ông đã đọc cuốn The Uncertain Trumpet của Tướng Taylor, đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Quan điểm của tướng Taylor là có lẽ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, do đó những vũ khí không hạt nhân sẽ quyết định (cuộc chiến). Taylor muốn ưu tiên cho quân đội. Ðây là lúc ông ta có cơ hội để thử nghiệm lý thuyết chiến tranh đặc biệt của mình. Ở chiến trường Việt Nam, ông ta học được những kinh nghiệm quý giá.
Chủ tịch Mao cũng đọc một số huấn thị của nhà cầm quyền Hoa Kỳ cho quân nhân của họ về phương cách đương đầu với chiến tranh du kích. Những huấn thị này nhằm đối phó với những nhược điểm và sự yếu kém của quân du kích, và đưa ra hi vọng cho chiến thắng của Hoa Kỳ. Họ đã lờ đi yếu tố chính trị quyết định rằng dù Diệm hoặc bất cứ ai, một khi chính phủ bị tách rời khỏi quần chúng thì đều không thể thắng được trong cuộc chiến tranh giải phóng.
Bởi vì người Hoa Kỳ không nghe Mao, những lời tư vấn của ông không gây thiệt hại cho ai cả.
Snow: Ở Ðông Nam Á, Ấn Ðộ, cũng như một số quốc gia Phi châu và ngay cả Châu Mỹ latin, có tồn tại một số điều kiện xã hội có thể so sánh với những điều kiện đã đưa đến cuộc cách mạng Trung Quốc. Mỗi quốc gia có vấn đề riêng của chính nó, và giải pháp cho vấn đề khác nhau rất xa. Nhưng tôi vẫn thắc mắc liệu chủ tịch có đồng ý rằng các cuộc cách mạng xã hội sẽ xảy ra đều có thể vay mượn được những kinh nghiệm của Trung Quốc?”
Theo ông, tình cảm chống phong kiến và chống tư bản phối hợp với sự chống đối chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực-dân-mới xuất phát từ sự áp bức và những sai trái trong dĩ vãng. Bất cứ nơi đâu có những điều này thì nơi đó sẽ nổ ra cách mạng, tuy nhiên trong hầu hết các quốc gia tôi đang nói tới, dân chúng ở nơi đó chỉ tìm nền độc lập dân tộc chứ không phải chủ nghĩa xã hội - một vấn đề hoàn toàn khác. Các quốc gia Âu châu cũng từng có các cuộc cách mạng phản phong. Dù rằng Hoa Kỳ không thực sự có chế độ phong kiến, vậy mà vẫn phải tiến hành một cuộc chiến đấu tiến bộ giành độc lập từ tay thực dân Anh, rồi một cuộc nội chiến để thiết lập nên một thị trường lao động tự do. Washington và Lincoln là những vĩ nhân của thời đại.
Snow: Có khoảng 3 phần 5 trái đất thuộc nhóm thế giới thứ ba; Như chúng ta biết, các vấn đề rất gay gắt đang tồn tại. Khoảng cách giữa tăng trưởng dân số và tăng trưởng sản xuất càng ngày càng trở nên bất lợi. Khoảng cách giữa mức sống thường xuyên giảm sút ở các nước này và các nước giàu có nhanh chóng lan rộng. Dưới những điều kiện như vậy, liệu thời gian có đợi Liên bang Xô Viết chứng tỏ tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa – và sau đó lại đợi cả thế kỷ cho chế độ đại nghị xuất hiện ở những khu vực kém phát triển này và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoà bình không?
Mao nghĩ rằng thời gian sẽ không đợi lâu như vậy.
Tôi hỏi liệu câu hỏi vừa rồi của tôi có thể đã không đụng chạm đến quan hệ mâu thuẫn ý thức hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô không. Ông trả lời là có.
Snow: Ông nghĩ liệu các dân tộc đang nổi lên có thể hoàn thành không chỉ cuộc giải phóng dân tộc của họ, mà còn cả công cuộc hiện đại hoá, mà không xảy ra thế chiến nữa không?
Ông nói việc sử dụng từ “hoàn thành” làm ông lưỡng lự. Phần lớn các nước chúng ta nói đến ở đây còn cách cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa rất xa. Ở một số nước không hề có Ðảng Cộng sản. Người ta nói rằng ở Mỹ-Latin có 20 đảng cộng sản, và 18 đảng trong số đó đã ra nghị quyết chống lại Trung Quốc. Nhưng ông chắc chắn một điều rằng: ở đâu có áp bức trầm trọng thì ở đó sẽ có cách mạng.
Trung Quốc và bom nguyên tử
Snow: Ông có còn tin rằng bom là hổ giấy không?
Ông nói đó chỉ là một cách nói thôi, một hình tượng trong diễn văn. Dĩ nhiên bom có thể sát hại con người. Nhưng chung cuộc, con người sẽ phá huỷ bom. Vậy lúc ấy nó sẽ thực sự trở thành hổ giấy.
Snow: Người ta từng trích dẫn ông nói rằng Trung Quốc ít sợ bom hơn các nước khác bởi vì dân số quá đông của mình. Những dân tộc khác có thể bị quét sạch hoàn toàn, nhưng Trung Quốc vẫn có thể còn lại vài trăm triệu người để bắt đầu lại từ đầu. Có chút sự thật nào cho những lời tuyên bố như vậy không?
Ông trả lời không nhớ có nói một điều nào như vậy, tuy nhiên ông cũng có thể đã từng nói như thế. Ông nhớ lại có nói với Jawaharlal Nehru [2] , khi ông này tới viếng thăm Trung Quốc (năm 1954) rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh. Trung Quốc không có bom nguyên tử, nhưng nếu các quốc gia khác muốn gây chiến tranh với Trung Quốc, chắc hẳn sẽ là một thảm hoạ cho toàn thế giới, hàm ý sẽ có rất nhiều người chết. Chẳng ai biết được sẽ là bao nhiêu nhân mạng. Không chỉ riêng Trung Quốc. Ông không tin rằng một trái bom nguyên tử có thể tiêu diệt được toàn nhân loại, đến nỗi không tìm đâu ra một chính phủ để thương lượng hoà bình. Ông nói với Nehru như vậy. Nehru nói rằng ông ta là chủ tịch Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử của Ấn Ðộ và ông ta hiểu rõ sự tàn phá của sức mạnh nguyên tử. Nehru chắc rằng chẳng có ai sống sót được. Mao trả lời rằng có lẽ không hoàn toàn như Nehru nói. Những chính quyền hiện tại có thể biến mất nhưng những chính quyền khác sẽ nổi lên để thay thế chúng.
Cách đây không lâu, Khrushchev nói rằng ông ta có loại vũ khí giết người có thể tiêu diệt tất cả mọi sinh vật. Nhưng rồi ngay sau đó ông ta rút lại lời tuyên bố này - không phải chỉ một mà nhiều lần như vậy. Mao không bao giờ chối những điều gì đã từng phát biểu, và cũng không cần tới Edgar Snow cải chính giùm cái gọi là tin đồn này (về việc hàng triệu người Trung Quốc sẽ sống sót sau chiến tranh hạt nhân).
Người Hoa Kỳ từng nói rất nhiều về sự phá hoại khủng khiếp của bom nguyên tử và Khrushchev cũng từng lớn tiếng về điều ấy. Hoa Kỳ và Xô Viết đã vượt xa Trung Quốc về phương diện này, do vậy nước ông đã lạc hậu hơn họ phải không nào? Nhưng mới gần đây, ông có đọc một bản báo cáo về cuộc điều tra của chuyên gia Hoa Kỳ trở lại thăm quần đảo Bikini sáu năm sau các cuộc thử nghiệm nổ bom hạt nhân tại đây. Từ năm 1959 trở đi, những nhân viên khảo cứu đã đến quần đảo này. Ngày đầu tiên lên đảo, họ đã phải phát quang dọn đường qua những lùm bụi nhỏ. Họ thấy chuột chạy lung tung và cá bơi dưới suối như không có gì xảy ra. Nước ngọt trong giếng vẫn còn uống đựơc, những loại cây có tán lá vẫn tươi tốt, chim hót líu lo trên cây. Có thể hai năm sau cuộc thử nghiệm nổ nguyên tử rất tồi tệ, nhưng rồi thiên nhiên lại tiếp tục. Trong mắt của thiên nhiên, chim, chuột và cây cối, bom nguyên tử chỉ là cọp giấy. Liệu có thể nào sức sống của con người kém chúng không?
Snow: Dù sao ông cũng không thực sự coi chiến tranh nguyên tử là điều tốt đẹp chứ?
Ông trả lời chắc chắn là không. Nếu ai đó bắt buộc phải gây chiến tranh thì nên giới hạn họ trong khuôn khổ cuả vũ khí quy ước.
Tôi (Snow) nhận xét là Indonesia đã rút khỏi Liên hợp quốc, và được Trung Quốc cổ vũ. Liệu Mao Trạch Ðông có nghĩ rằng hành động này tạo ra một tiền lệ và các nước khác sẽ rút theo?
Mao trả lời chính Mỹ là nước đầu tiên tạo ra tiền lệ bằng cách đẩy Trung Quốc ra khỏi Liên hợp quốc. Hiện nay, khi đa số các nước có thể ủng hộ việc phục hồi vị trí của Trung Quốc bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ, thì họ lại có âm mưu mới là đòi hỏi một đa số 2 phần 3, thay vì đơn giản là (sự đồng thuận) của đa số. Nhưng vấn đề là liệu Trung Quốc mất mát hay được hưởng lợi từ việc đứng ngoài Liên hợp quốc trong suốt 15 năm qua? Indonesia rút ra vì nước này thấy ở trong Liên hợp quốc cũng chẳng có lợi gì mấy. Với Trung Quốc, chẳng phải mình nó đã chứa cả một Liên hợp quốc đó sao? Bất kỳ một nhóm dân tộc thiểu số nào của Trung Quốc cũng có dân số và diện tích đất lớn hơn một số nước thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu tước đoạt chiếc ghế của Trung Quốc. Trung Quốc là một nước lớn có đủ thứ việc bận bịu (ngay cả khi) đứng ngoài Liên hợp quốc.
Snow: Hiện nay, liệu có thực hiện được việc thành lập một liên hợp quốc không có Hoa Kỳ không?
Mao nói rằng đã có những diễn đàn như vậy. Ví dụ hội nghị Á - Phi. Một ví dụ khác là GANEFO – Games of the New Emerging Forces (Hội nghị Thể thao của các Thế lực Mới Nổi lên) [3] , được tổ chức sau khi Hoa Kỳ ngăn không cho Trung Quốc tham gia Thế vận hội.
(Việc chuẩn bị cho hội nghị Á – Phi (còn có tên là hội nghị Bandung – ND), dự định sẽ khai mạc ở Algiers vào tháng Ba, gặp rất nhiều vấn đề, bao gồm xung đột giữa Indonesia và Malaysia, rồi việc các thế lực thân Trung Quốc khăng khăng không chịu cho Liên Xô tham gia với lý do Liên Xô là một nước hoàn toàn thuộc châu Âu. Có lý do để tin rằng Trung Quốc coi tổ chức Á – Phi như một trung tâm tiềm tàng cho việc phát triển có kế hoạch của một thế giới thứ ba phần lớn độc lập với các nước tư bản Tây Âu hoặc tư bản thực dân mới. Theo nguyên tắc “tự lực” phát triển nội địa của Trung Quốc, và với sự tương trợ lẫn nhau giữa các nước Á – Phi, nhờ vậy có thể đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá, và bỏ qua phương pháp tích luỹ tư bản chậm chạp, đau đớn bằng những phương tiện tư sản truyền thống. Ðương nhiên, một lựa chọn lý thuyết như vậy ám chỉ tới một sự tiến hoá chính trị nhanh và triệt để hơn, và việc các nước Á – Phi nghèo tư bản đạt được điều kiện tiền-xã hội chủ nghĩa cũng sớm hơn. Ngoài văn cảnh của cuộc phỏng vấn này, cũng cần nói thêm là đã khá lâu, ai cũng hiểu rõ hội nghị Á – Phi được xem như một hội đồng thường trực tiềm tàng của các nước nghèo (have-not), tồn tại độc lập với một Liên hợp quốc do Hoa Kỳ thống trị đã ngăn Trung Quốc cùng các đồng minh thân cận nhất của nước này không được tham gia, và Indonesia vừa rút khỏi.)
Snow: Thực vậy, thưa Chủ tịch, có bao nhiêu người trong “Liên hợp quốc” của chính Trung Quốc? Ông có thể cho tôi một số liệu kết quả của cuộc điều tra dân số gần đây không?
Mao nói ông thực sự không biết. Có người nói là 680 hay 690 triệu, nhưng ông không tin. Làm sao mà có thể nhiều như vậy được? Khi tôi nói tính ra được không khó lắm, chỉ cần dựa vào tem phiếu phân phối (bông và gạo) là đủ, ông cho biết đôi khi nông dân làm lẫn cả. Trước giải phóng, (nông dân) có xu hướng giấu việc sinh con và không đăng ký vì sợ con bị bắt lính. Kể từ giải phóng, lại có xu hướng khai tăng nhân khẩu và ít đất hơn, giảm báo cáo thu hoạch đến mức tối thiểu và phóng đại tác hại của thiên tai đến mức tối đa. Ngày nay, người ta thực hiện việc khai sinh ngay lập tức, nhưng khai tử thì phải đến hàng tháng cũng chưa làm. (Ngụ ý của ông là bằng cách này, người dân có thể tích trữ thêm tem phiếu). Rõ ràng là tỉ lệ sinh đẻ đã thực sự giảm xuống, nhưng nông dân vẫn thực hiện việc kế hoạch hoá gia đình quá chậm chạp. Tỉ lệ sinh đẻ giảm xuống, nhưng tỉ lệ tử vong còn giảm hơn. Tuổi thọ trung bình tăng từ 30 tuổi đến 50 tuổi.
Tôi (Snow) nói rằng câu trả lời kiểu này được tính toán nhằm tạo ra khối việc cho các giáo sư nước ngoài làm. Mao hỏi họ là những giáo sư kiểu nào.
Mao quan tâm chuyện tôi kể về việc từng tham dự một hội nghị, ở đó các giáo sư thảo luận xem liệu Mao đã có đóng góp độc đáo nào vào học thuyết Marx hay không. Tôi (Snow) có hỏi một vị giáo sư vào cuối buổi cuộc hội thảo đó, là liệu cuộc tranh luận có khác đi không, nếu có bằng chứng cho thấy chính Mao chưa bao giờ cho rằng mình có đóng góp sáng tạo vào học thuyết này. Vị giáo sư ấy trả lời, “Không”.
Mao tỏ vẻ vui thích. Hơn hai ngàn năm trước, Mao nhận xét, Trang Chu (Trang Tử) viết một tiểu luận bất hủ về Lão Tử. Hàng trăm nhà tư tưởng (bách gia chư tử) đã tranh luận về ý nghĩa của nó.
Các tác phẩm của Mao
Năm 1960, khi gặp Mao Trạch Ðông lần cuối, tôi hỏi ông đã viết hoặc có ý định viết một cuốn “tự truyện” không. Ông trả lời là không. Dẫu vậy, các học giả đã phát hiện ra những “tự truyện” do Mao viết. Nhưng thông tin sai lạc này chẳng có ảnh hưởng mảy may nào đến những thuật ngữ tài liệu của họ cả.
Một câu hỏi đang khiến những vị giáo sư này thắc mắc là không biết Mao có thực sự viết hai tiểu luận triết học nổi tiếng của ông, Mâu thuẫn luận và Thực tiễn luận, vào mùa hè 1937, như được xác nhận trong tuyển tập, hay là chúng được viết sau này.
Mao trả lời rằng ông thực sự đã viết chúng trong mùa hè 1937. Những tuần lễ trước và sau biến cố Lư Câu Kiều là quãng thời gian bình lặng của ông ở Diên An. Lúc đó quân đội đã ra tiền tuyến và Mao có thời gian sưu tập tài liệu cho một số bài giảng về triết học cơ bản trong học viện chống Nhật. Một số bài viết cơ bản và đơn giản cần thiết cho những sinh viên trẻ đã được soạn thảo, tóm gọn trong một khoá học kéo dài ba tháng để hướng dẫn chính trị trong những năm trước mắt. Do đảng yêu cầu, Mao đã viết Mâu thuẫn luận và Thực tiễn luận, nhằm tổng kết những kinh nghiệm của cuộc cách mạng Trung Quốc bằng cách phối hợp những lý thuyết cốt yếu của chủ nghĩa Marx với những ví dụ thực tiễn và thường nhật ở Trung Quốc. Mao viết gần như suốt đêm và ngủ vào ban ngày. Những điều ông ta viết trong suốt nhiều tuần được ông thuyết giảng chỉ trong 2 giờ đồng hồ. Mao cũng lưu ý thêm rằng bản thân ông coi Thực tiễn luận quan trọng hơn Mâu thuẫn luận. Còn về cuốn Duy vật biện chứng luận, mà những nhà Trung Quốc học người nước ngoài gán cho ông là tác giả, ông nói ông không nhớ mình từng viết một chuyên luận như thế, và ông nghĩ nếu đã từng viết tác phẩm đó thì chắc ông không quên.
Snow: Lớp thanh niên đã từng nghe ông thuyết giảng ở Diên An sau đó đã học hỏi về cách mạng trong thực tiễn, nhưng với lớp thanh niên Trung Quốc hiện tại, điều gì có thể thay cho thực tiễn (cách mạng) ấy?
Mao nói rằng dĩ nhiên những người Trung Quốc dưới độ tuổi 20 hiện nay chưa từng chiến đấu trong chiến tranh, chưa từng thấy một tên đế quốc nào, cũng chưa từng biết sức mạnh của chủ nghĩa tư bản. Họ chẳng có một kinh nghiệm trực tiếp nào về xã hội cũ. Cha mẹ họ có thể kể lại cho họ nghe, tuy nhiên giữa nghe nói về lịch sử và đọc sách báo không thể như thực sự sống trong hoàn cảnh đó.
Snow: Có phải việc nhấn mạnh tuyên truyền các nguyên tắc cách mạng kết hợp với thực hành lao động chân tay cho sinh viên hiện nay chủ yếu nhằm bảo vệ tương lai của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, hay là để dạy thanh niên Trung Quốc rằng không có gì đảm bảo nền an ninh đó cho đến khi chủ nghĩa xã hội giành được thắng lợi ở khắp nơi? Hay cả hai mục tiêu này không tách rời được nhau?
Ông không trả lời thẳng vào câu hỏi. Ông hỏi lại là dân tộc nào có thể tuyên bố đã có an ninh? Mọi chính phủ đều nói đến vấn đề này và đồng thời nói đến việc giải trừ vũ khí triệt để và hoàn toàn. Từ lâu rồi, chính Trung Quốc đã đưa ra đề nghị giải trừ khí giới tổng hợp. Liên Xô cũng vậy. Hoa Kỳ liên tục bàn về việc đó. Thay vì vậy, rốt cuộc cái chúng ta có là tái vũ trang.
Snow: Tổng thống Johnson thấy khó có thể giải quyết từng vấn đề một ở phương Ðông. Nếu Johnson muốn vạch rõ cho thế giới mức độ phức tạp thực sự của những vấn đề này, thì việc đi thẳng vào vấn đề bằng cách chấp nhận đề nghị của Trung Quốc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bàn về hoàn toàn giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ đỡ mệt cho ông ta hơn.
Mao Chủ tịch đồng ý với tôi, nhưng kết luận là điều đó hoàn toàn không khả thi. Ngay cả nếu như chính ông Johnson muốn tổ chức một hội nghị như vậy, thì suy cho cùng, ông ta chỉ là quản gia cho các nhà tư bản độc quyền, và họ sẽ không bao giờ cho phép điều ấy xảy ra. Trung Quốc mới chỉ thử một vụ nổ hạt nhân, và có lẽ cần chứng minh rằng một có thể bị chia thành hai, và cứ thế cho đến vô tận. Nhưng Trung Quốc không muốn có nhiều bom; chúng thực sự vô dụng vì có lẽ không có dân tộc nào dám sử dụng chúng. Một vài quả là đủ cho các thí nghiệm khoa học. Nhưng người ta không muốn Trung Quốc có quả bom nào cả. Mao sợ rằng danh tiếng của ông đã chống lại ông. Các đế quốc không thích ông. Nhưng liệu có đúng không khi đổ lỗi mọi sự cho Trung Quốc và gây ra phong trào chống Trung Quốc. Trung Quốc có giết Ngô Ðình Diệm không? Nhưng điều đó vẫn xảy ra. Trung Quốc rất bất ngờ khi vụ ám sát Tổng thống Kennedy xảy ra. Họ không có kế hoạch đó. Một lần nữa, Trung Quốc cũng rất bất ngờ khi Khrushchev bị loại trừ ở Nga.
Quan điểm của Khrushchev
Snow: Những bình luận gia phương Tây, đặc biệt là những người cộng sản Ý, gay gắt phê bình các nhà lãnh đạo Xô-viết về cung cách làm việc phi dân chủ và ám muội trong sự kiện Khrushchev bị hất cẳng. Quan điểm của ông như thế nào?
Mao trả lời rằng ở Trung Quốc, người ta không thích Khrushchev ngay từ lúc ông ta chưa bị đổ. Ảnh Khrushchev không được treo nhiều. Nhưng một số sách của ông ta được bày bán ở Trung Quốc trước khi ông ta thất thế và hiện nay vẫn còn được bày bán, trong khi ở Liên Xô thì không. Thế giới cần Khrushchev: bóng ma của ông vẫn còn đó. Hẳn phải có những người thích ông ta. Trung Quốc nhớ đến ông ta như một điển hình tiêu cực.
Snow: Trên tiêu chuẩn căn bản 70/30 do ông đề ra - nghĩa là, công việc của một người có thể được phán xét là tốt đẹp nếu 70% đúng và chỉ có 30% là sai lầm - ông xếp hạng công tác của các nhà lãnh đạo đảng Liên Xô hiện nay như thế nào? Còn dưới mức trung bình bao xa?
Mao nói ông sẽ không chọn cách thảo luận về các nhà lãnh đạo Xô-viết hiện nay theo tiêu chuẩn ấy. Về cải thiện trong quan hệ Trung-Xô, có thể là có, nhưng không nhiều lắm. Sự biến mất của Khrushchev có thể chỉ là việc lấy đi mục tiêu cho những bài bút chiến.
Snow: Ở Liên Xô, Trung Quốc bị phê bình là nuôi dưỡng “tệ sùng bái cá nhân”.
Mao nghĩ rằng có thể có một số. Người ta nói Stalin là trung tâm của tệ sùng bái cá nhân, và rằng Khrushchev không có chút nào. Người Trung Quốc, có người phê bình, có một số (cảm nghĩ hoặc thực hành tệ này). Có một vài lý do để nói như vậy. Mao hỏi, có thể nào, chính vì không có được sự sùng bái cá nhân mà Khrushchev bị thất sủng không?
Snow: Dĩ nhiên cá nhân tôi tiếc rằng những thế lực của lịch sử đã phân cách và gián đoạn hầu hết các mối liên lạc giữa dân chúng Hoa Kỳ với Trung Quốc trong suốt 15 năm qua. Ngày nay, hố phân cách có vẻ càng rộng thêm hơn bao giờ. Tuy nhiên, chính tôi không tin điều ấy sẽ chấm dứt bằng chiến tranh và bằng một thảm hoạ lớn lao của lịch sử.
Mao nói là những thế lực của lịch sử, cuối cùng cũng sẽ mang hai dân tộc lại với nhau; chắc chắn ngày ấy phải tới. Có thể tôi (Snow) đúng khi cho rằng sẽ không có chiến tranh. Rằng chiến tranh sẽ chỉ xảy ra nếu quân đội Hoa Kỳ tiến vào Trung Quốc. (Làm như vậy) họ sẽ chẳng được lợi lộc gì mấy. Đơn giản là vì không ai cho phép. Có thể những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã biết điều ấy và hệ quả là họ sẽ không xâm lăng Trung Quốc. Vậy thì sẽ chẳng có chiến tranh, bởi vì người Trung Quốc chắc chắn không bao giờ tấn công Hoa Kỳ.
Snow: Thế còn khả năng xảy ra chiến tranh liên quan đến Việt Nam thì sao? Tôi từng đọc nhiều báo chí ám chỉ Hoa Kỳ đang xem xét việc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam.
Mao nói là không, ông lại nghĩ ngược lại. Ông Rusk [4] đã tỏ ý rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ không làm điều ấy. Cũng có thể trước đây ông Rusk đã nói một điều gì đó tương tự (về việc một mở rộng chiến tranh), nhưng hiện nay ông đã đính chính và nói rằng ông chưa từng tuyên bố như vậy. Do đó, không cần thiết phải có một cuộc chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam.
Snow: Tôi không tin rằng những nhà làm chính sách và quản lý của Hoa Kỳ hiểu ông.
Tại sao không? Quân đội Trung Quốc sẽ không bao giờ chiến đấu ngoài biên giới của mình. Điều đó thật rõ ràng. Chỉ khi nào Hoa Kỳ tấn công Trung Quốc, người Trung Quốc mới chiến đấu chống lại. Ðiều ấy chưa đủ rõ ràng sao? Trung Quốc có nhiều việc nội bộ phải làm. Chiến đấu ngoài lãnh thổ của mình là một tội ác. Tại sao người Trung Quốc phải làm điều ấy? Người Việt Nam có thể đối phó với tình hình của họ mà.
Snow: Các quan chức Hoa Kỳ nhắc đi nhắc lại rằng nếu lực lượng của họ rút ra khỏi Việt Nam thì toàn vùng Đông Nam Á sẽ bị tràn ngập.
Mao nói vấn đề là “tràn ngập” do ai? Tràn ngập bởi người Trung Quốc hay tràn ngập bởi cư dân sở tại? Trung Quốc đang bị “tràn ngập”, nhưng chỉ bởi những người Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc không ra khỏi biên giới
Trả lời cho một câu hỏi đặc biệt, Chủ tịch Mao khẳng định rằng không có quân đội Trung Quốc trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam hoặc bất cứ nơi đâu trong vùng Đông Nam Á. Trung Quốc không gửi quân đội ra ngoài biên giới của mình.
(Trong một văn cảnh khác, ông cũng nói rằng nếu Ấn Ðộ không cho quân đội lại tràn sang biên giới Trung Quốc thì sẽ không có đụng độ ở đó.)
Snow: Dean Rusk thường tuyên bố rằng nếu Trung Quốc từ bỏ những chính sách xâm lược của mình thì Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi Việt Nam. Điều ấy có ý nghĩa như thế nào?
Mao trả lời là Trung Quốc không có chính sách xâm lược nào để từ bỏ cả. Trung Quốc cam kết không có hành động xâm lược. Trung Quốc ủng hộ những phong trào cách mạng nhưng không gửi quân đội tới những nơi đó. Dĩ nhiên, bất cứ nơi nào có đấu tranh giải phóng thì chúng tôi sẽ ra tuyên bố và tổ chức biểu tình để ủng hộ. Chính những hành động ấy đã làm phật lòng các đế quốc.
Mao tiếp tục giải thích là trong một số trường hợp, Trung Quốc cố tình lớn tiếng, ví dụ như quanh Kim Môn và Mã Tổ (hai quần đảo nhỏ thuộc Ðài Loan – ND). Một chút náo loạn về pháo kích ở đó cũng có thể lôi kéo nhiều chú ý, có lẽ bởi người Hoa Kỳ lo lắng vì họ ở quá xa nước mình. Hãy thử coi một loạt đạn pháo giả bắn trong phạm vi lãnh hải của Trung Quốc có thể đạt được mục đích gì.. Cách đây không lâu, người ta nghĩ rằng Hạm đội 7 Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan chưa đủ để đáp trả loạt đạn này. Hoa Kỳ cũng đã gửi thêm một phần lực lượng của Hạm đội 6 về hướng này và một phần lực lượng hải quân từ San Francisco. Khi tới đó, họ thấy chẳng có việc gì để làm, do vậy, hình như Trung Quốc có thể ra lệnh cho lực lượng Hoa Kỳ phải tới nơi này, nơi kia. Điều ấy cũng tương tự như với quân đội của Tưởng Giới Thạch ngày xưa. Người Mỹ có khả năng bắt họ phải lúc hối hả tới chỗ này, rồi lại vội chuyển qua hướng khác. Dĩ nhiên khi các binh sĩ hải quân Hoa Kỳ cơm no áo ấm, họ cũng cần phải có việc để làm. Nhưng làm sao có thể cho rằng việc bắn đạn giả trong một nước là xâm lược, trong khi những người đi can thiệp bằng súng ống, bom đạn và giết người ở nước khác lại là không phải xâm lược?
Ông tiếp tục: Một số người Mỹ từng nói rằng cuộc cách mạng Trung Quốc là do Liên Xô hiếu chiến lãnh đạo, nhưng trên thực tế, cách mạng Trung Quốc được Hoa Kỳ trang bị khí giới. Tương tự như thế, cách mạng Việt Nam cũng được Hoa Kỳ vũ trang, chứ không phải Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, lực lượng giải phóng không những được trang bị thêm bằng vũ khí Hoa Kỳ, mà còn chiêu mộ thêm được binh lính và sĩ quan do Hoa Kỳ huấn luyện từ quân đội chính phủ bù nhìn miền Nam Việt Nam. Lực lượng giải phóng Trung Quốc tăng quân số và sức mạnh bằng cách chiêu dụ về phía mình những binh sĩ và vũ khí của quân Tưởng Giới Thạch do Hoa Kỳ huấn luyện và trang bị. Phong trào này có tên là “đổi nón” (changing of hats). Khi có đông đảo quân lính quốc gia đổi nón vì họ biết rằng họ sẽ bị nông dân giết nếu họ đội nhầm nón, lúc đó chiến tranh sẽ gần đến kết thúc. “Đổi nón” giờ đã trở thành quen thuộc hơn trong giới nguỵ quyền miền Nam.
Mao nói là những điều kiện của chiến thắng cách mạng tại Trung Quốc đầu tiên là do nhóm cầm quyền quốc gia yếu kém và bất lực, do một người luôn luôn bại trận lãnh đạo. Thứ đến là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hùng mạnh và có khả năng và nhân dân tin tưởng vào chính nghĩa của quân đội ấy. Ở nơi nào không có những điều kiện như thế thì Hoa Kỳ có thể can thiệp vào được; ngược lại, Hoa Kỳ nên tránh xa hoặc mau bỏ đi.
Snow: Ý ông muốn nói rằng thời cơ chiến thắng như thế cho mặt trận giải phóng hiện đã có ở miền Nam Việt Nam?
Mao nghĩ rằng lực lượng Hoa Kỳ chưa sẵn sàng rút quân. Cuộc chiến sẽ còn có thể tiếp tục trong 1 hoặc hai năm nữa. Sau đó quân đội Hoa Kỳ sẽ thấy chán và có thể trở về nước hoặc đến một nơi khác.
Snow: Có phải chính sách của ông hiện nay là khăng khăng đòi Hoa Kỳ phải rút quân trước khi tham dự một cuộc hội nghị ở Geneva để thảo luận lập trường của quốc tế về việc thống nhất Việt Nam?
Mao Chủ tịch trả lời là cần nêu ra một vài khả năng. Trước hết, một hội nghị có thể được tổ chức và Hoa Kỳ rút quân sau đó. Thứ hai, hội nghị có thể hoãn lại cho tới sau khi Hoa Kỳ rút quân. Thứ ba, một hội nghị có thể được tổ chức mà quân đội Hoa Kỳ vẫn có thể duy trì quanh Sài Gòn tương tự như tình trạng Nam Triều tiên. Cuối cùng, mặt trận miền Nam Việt Nam có thể đánh đuổi quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam mà không cần có một hội nghị quốc tế hoặc sự thoả thuận nào của quốc tế cả. Năm 1954, Hội nghị Geneva đã qui định quân đội Pháp phải rút ra khỏi toàn vùng Đông Dương và cấm mọi sự can thiệp của bất kỳ lực lượng ngoại quốc nào khác. Nhưng Hoa Kỳ vẫn vi phạm thoả ước và điều ấy cũng có thể tái diễn.
Snow: Trong tình hình hiện tại, ông có thực sự nhìn thấy hi vọng cải thiện trong quan hệ Hoa-Mỹ nào hay không?
Sắp đi gặp Thượng đế
Có, ông nghĩ là có hi vọng. Cần thời gian. Cũng có thể là không có cải thiện nào xảy ra trong thế hệ của ông. Ông cũng sắp về chầu Trời rồi. Theo qui luật biện chứng, mọi mâu thuẫn cuối cùng cũng phải được giải quyết, kể cả cuộc đấu tranh của cá nhân.
Snow: Căn cứ vào buổi chiều nay, xem ra ông có vẻ còn khá khoẻ mạnh.
Mao Trạch Ðông cười gượng và nói rằng ông nghi ngờ về điều đó. Ông nhắc lại là đã sẵn sàng để về Trời rồi.
Snow: Tôi không biết có phải ý ông muốn nói ông sẽ khám phá xem có thực có một ông Trời hay không. Ông có tin rằng có Trời không?
Mao không tin là có. Nhưng một số người tuyên bố hiểu biết nhiều đã cho rằng có một ông Trời. Có vẻ như có nhiều ông Trời và đôi khi một ông Trời có thể đứng về mọi phía. Trong các cuộc chiến tranh ở châu Âu, Chúa trời Công giáo (the Christian God) đã ở về phía người Anh, người Pháp, người Đức và vân vân; ngay cả khi họ đánh lẫn nhau. Trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, Chúa trời đứng sau lưng Anh và Pháp, nhưng lúc đó có Allah hỗ trợ phía đối nghịch.
Trong bữa cơm chiều, Mao nhắc tới chuyện cả hai người em của ông đã bị sát hại. Người vợ đầu của ông cũng bị hành hình trong thời gian cách mạng và con trai ông bị giết trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Hiện nay, ông nói rằng, thật kỳ lạ là cái chết tha chưa bắt ông đi. Ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều ấy nhiều lần, nhưng hình như thần chết không muốn thấy mặt ông. Ông có thể làm được gì? Ðã có vài trường hợp ông cận kề cái chết. Người lính cận vệ ông đã bị giết khi đứng ngay sát cạnh bên ông. Có lần, khắp người ông nhuốm đầy máu của một người lính khác, nhưng trái bom không sờ tới ông. Còn có những lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khác nữa.
Sau một lúc im lặng, Mao nói rằng, như tôi được biết, cuộc đời của ông bắt đầu từ vị trí là một giáo viên. Thuở ấy ông chẳng hề nghĩ sẽ tham gia chiến tranh. Thậm chí ngay cả ý nghĩ sẽ trở thành một người cộng sản cũng không. Ông ta là người ít nhiều có cá tính dân chủ cũng như tôi vậy. Về sau, đôi khi ông cũng thắc mắc không biết những lý lẽ phối hợp tình cờ nào đã khiến ông quan tâm đến việc thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Dù sao đi nữa, các sự kiện không xảy ra theo ý chí cá nhân con người. Vấn đề chính là do Trung Quốc đã bị chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa tư bản quan lieu áp bức.
Snow: Con người làm nên lịch sử cho chính mình, nhưng trong tương quan phù hợp với hoàn cảnh của anh ta. Ông đã thay đổi một cách cơ bản hoàn cảnh xã hội Trung Quốc. Có nhiều người thắc mắc rằng những thế hệ trẻ hơn sẽ làm gì trong những điều kiện dễ dàng hơn. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Mao cũng không thể biết được. Ông tin rằng không ai biết chắc được điều đó. Có hai khả năng. Thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát triển cuộc cách mạng để vươn tới chủ nghĩa cộng sản; khả năng kia là lớp thanh niên sẽ phủ định cuộc cách mạng này, và diễn xuất kém cỏi: làm hoà với chủ nghĩa đế quốc, đem tàn dư của bè lũ Tưởng Giới Thạch trở lại đại lục, và sát cánh cùng nhóm nhỏ phản cách mạng vẫn còn tồn tại trong nước. Dĩ nhiên ông chẳng mong muốn có cuộc phản cách mạng. Nhưng những biến cố trong tương lai sẽ do các thế hệ tương lai quyết định, và trong tương quan phù hợp với hoàn cảnh, điều mà chúng ta giờ đây không thể tiên đoán được. Từ tầm nhìn lâu dài, những thế hệ tương lai hẳn phải có nhiều hiểu biết hơn chúng ta ngày nay, cũng như con người thời tư sản - dân chủ có nhiều hiểu biết hơn những người thuộc thời đại phong kiến. Những phán đoán của họ sẽ chiếm ưu thế, chứ không phải của chúng ta. Lớp thanh niên hôm nay và lớp thanh niên tiếp sau sẽ đánh giá công việc của cuộc cách mạng dựa theo (tiêu chí) giá trị của chính họ. Giọng Mao yếu dần, rồi ông lim dim mắt. Điều kiện sống của con người trên trái đất này ngày càng thay đổi nhanh hơn. Một ngàn năm sau nữa, ông nói, ngay cả Marx, Engels và Lenin, cũng có thể chỉ là trò cười.
Mao Trạch Đông tiễn tôi ra cửa và, mặc dù tôi phản đối, ông vẫn đưa tôi ra tới chỗ đậu xe, nơi ông đứng một mình trong giây lát, không mặc áo khoác trong cái lạnh không độ cuả đêm Bắc Kinh; ông vẫy tay từ biệt tôi theo phong tục của thành phố văn hoá cổ kính này. Tôi không nhìn thấy một nhân viên an ninh nào trên lối ra vào, cũng không nhớ là có bất kỳ một cận vệ võ trang nào quanh quẩn chỗ chúng tôi trong suốt buổi tối hôm ấy. Khi xe chuyển bánh, tôi ngoái lại và thấy ông ôm vai, dựa hẳn vào người cần vụ, chậm rãi trở lại Đại sảnh đường Nhân dân.
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Nikita Khrushchev (1894-1971): Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Liên Xô (1958-64)
[2]Jawaharlal Nehru (1889-1964): Thủ tướng Ấn Ðộ (1947-1964)
[3]Do Indonesia thành lập vào cuối năm 1962 và diễn ra duy nhất 1 lần tại Jakarta vào năm 1963
[4]Dean David Rusk là ngoại trưởng Hoa kỳ (1961-69) dưới thời tổng thống Kennedy và Jonhson.
Nguồn: The New Republic ngày 27 tháng Hai, 1965
http://www.talawas.de/
6.6.2007 Edgar SnowPhỏng vấn Mao Trạch Đông
jeudi 28 juin 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire