samedi 16 juin 2007

Về số người công giáo di cư từ Bắc vào Nam sau hiệp định Genève

Về số người công giáo di cư từ Bắc vào Nam sau hiệp định Genève


Là dân Bắc di cư vào Nam năm 1954 nhưng thuộc thành phần không theo thiên chúa giáo, hồi trẻ tôi vẫn thường lấy làm lạ tại sao sách báo nào cũng bảo phần lớn số người Bắc di cư là dân công giáo trong khi trong đám bà con xa gần của tôi vào Nam chẳng mấy ai đi đạo. Tôi đâm để ý đến tín ngưỡng của các người di cư được biết đến, nhưng rồi cũng chỉ thấy một thiểu số trong họ theo đạo. Tôi không hiểu sự khác biệt giữa kết quả nhận xét của tôi và khẳng định chung có nguyên do nơi thế giới chủ quan của tôi, ở sự phần lớn người tị nạn là nông dân tôi không được gặp, hay có một giải thích nào khác ? Thắc mắc rồi tôi bỏ qua, cho tới gần đây, nhân có việc phải đọc lại sách liên quan tới thời hiệp định Genève, tôi có dịp tìm hiểu thêm vấn đề.


Khi hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954, không ai nghĩ rằng sẽ có khoảng 1 triệu người bỏ Bắc Việt di cư vào Nam lập lại cộc đời vì không muốn sống dưới chế độ cộng sản. Con số chính thức về tổng số người Bắc di cư cho tới ngày 20/7/1955 theo báo cáo của Ủy ban kiểm soát quốc tế dựa trên lời khai của chính phủ hai bên là : 888 124 (số của Nam Việt) hay 892 876 (số của BắcViệt), so với số 4269 người bỏ Nam ra Bắc (xem Ramesh Thakur, Peacemaking in Vietnam. Edmonton, The university of Alberta press, 1984, tr.131). Nhưng con số trên không kể đến binh lính, những người di chuyển bằng đường lối riêng không qua các cơ quan Pháp-Mỹ và những người trốn sau 20/7/1955. Nhiều tác giả, dựa theo sự ước tính của chính họ hay do nguồn tài liệu nào khác, cho rằng tổng số dân di cư phải nhiều hơn một triệu.


Xét xem những người di cư ấy là ai thì quan điểm được hầu hết các tác giả chấp nhận là đại đa số đám họ là dân công giáo. Có tác giả như Jean Marvier trong "Les combattants de Dieu" (trong Historia, Notre guerre d'Indochine 2, hs 25, tr. 166) nổi hứng biến cả số triệu dân di cư thành dân công giáo : "Có một triệu người di cư vào Nam, sau hiệp định Genève. Một triệu những người công giáo Bắc Kỳ lạ lùng ...". Vì phải kể đến nhiều gia đình công chức, sĩ quan không theo đạo, tỉ suất 100% dân di cư là người công giáo bị hạ xuống. Có tác giả đưa ra tỉ suất 85% (Chester Cooper . The lost crusade, America in Vietnam. New-York, Dodd, Mead &Cy, 1970, tr.129-130) , chắc hẳn dựa vào thống kê của Giám đốc Ủy ban tị nạn Sài Gòn cho rằng có 794 876 dân công giáo trên tổng số 928 152 dân di cư (xem : Piero Ghedo. Catholiques et bouddhistes au Vietnam. Paris, Alsatia diffusion, 1970, tr. 99). Nếu theo thống kê của Cơ quan công giáo quốc tế thì có 676 384 giáo dân trên tổng số 860 206 người di cư, tức có 78% giáo dân. (xem : Piero Ghedo, sách đã dẫn). Song tỉ suất 65 % tương đương với khoảng 650 000 giáo dân trên 1 triệu người di cư được chấp nhận nhiều nhất, Ðặc biệt bởi các tác giả có tên tuổi như J. Buttinger (Vietnam, a dragon embattled. London, Pall Mall press, 1967, T. 2, tr. 1116-1117) hay Bernard Fall (Les deux Vietnam. Paris, Payot, 1967, tr. 181-182).


Tuy giữa các nguồn tài liệu có chênh lệch tới hàng 100 000 người, không thấy ai đặt nghi vấn, hỏi làm cách nào các cơ quan kê được tín ngưỡng của tổng số người tị nạn, khi biết rằng, lúc đổ xô lên tàu, dân chúng không phải khai báo gì, và lúc bước xuống tàu cũng chẳng ai bị chặn hỏi về lý lịch và tín ngưỡng. Ðâm ra, trong suốt thời gian qua, số người di cư không theo đạo bị gôm vào một thiểu số không đáng để ý đến, chỉ có sự tranh luận về lý do tại sao người công giáo ra đi. Có tác giả như linh mục Piero Ghedo (sách đã dẫn), thuộc Viện giáo sứ nước ngoài thuộc giáo hoàng, bảo rằng họ sợ sự đàn áp tôn giáo của cộng sản, muốn được tiếp tục sống theo đức tin. Có tác giả khác cho rằng tại họ bị CIA (do đại tá Lansdale chỉ huy ở Việt Nam) và chính phủ Diệm tuyên truyền. Ví như Bernard Fall (tr. nói trên) bắt “ai cũng phải công nhận rằng sự ra đi đông đảo kia chủ yếu là kết quả của một công tác chién tranh tâm lý Hoa Kỳ" qua các khẩu hiệu và truyền đơn hướng về người công giáo hô rằng "Ðức Ki-tô đã vào trong Nam" hay "Ðức Mẹ đã rời miền Bắc"”.


Có điều, trong sách của Piero Ghedo, trang 129 chép lại bảng thống kê tình trạng cộng đồng công giáo tại Bắc Việt do Giáo hội công giáo Việt Nam công bố năm 1964. Bảng này ghi rất cẩn thận số giáo dân và dân số từng địa phận và cho biết năm đó ở ngoài Bắc có 833 468 người theo công giáo trên một tổng dân số 14 665 891 người. Tài liệu này của Giáo hội Bắc Việt, bị Piero Ghedo coi là "không chắc chắn" được Tran Tam Tinh, một linh mục thiên cộng dạy học tại Gia Nã Ðại, khai thác và dùng để tính toán và lý luận rằng sau 1954 số dân công giáo ở Bắc lên tới 1 390 000 người, có 543 500 người vào Nam, nên sau đó chỉ còn 846 500 người .


Thêm vào, trong trang 193 và 195, Piero Ghedo còn cho biết, theo thống kê chính thức của Giáo hội công giáo Việt Nam, năm 1957 trong Nam có 1 230 755 giáo dân, năm 1963 có 1 454 842 người, và năm 1967 tới 2,1 triệu người. Nhưng vì con số giáo dân trong Nam năm 1967 quá lớn, không phù hợp với một sự gia tăng bình thường, tác giả nghi ngờ có sự lầm lẫn nhưng chỉ qui nó cho năm 1963 mà không đặt vấn đề cho toàn thể các số thống kê. Ông thật ra có công nhận các con số do Nhà Thờ đưa ra thường "đại khái và không chắc chắn", nhưng với ngụ ý rằng những con số ấy bị giảm bớt bởi Giáo hội sợ các "phản ứng ghen tuông" giấu kín số người cải đạo (!). Ngoài ra, Scigliano trong South Vietnam nation under stress (Boston, Houghton Mifflin cy, 1964, tr. 53) cho hay rằng năm 1960, các nhà thẩm quyền công giáo ước tính có 793 000 dân công giáo ngoài Bắc và 1 014 000 trong Nam trên tổng số 1 807 784 người trên toàn cõi Việt Nam. Cũng là ước tính của giáo hội công giáo miền Nam, nhưng lạ là con số 1 014 000 cho năm 1960 này nghịch (vì thấp hơn) với con số 1 230 755 cho năm 1957! Không kể theo con số do Scigliano viện dẫn, so với dân số Việt Nam năm 1960 (khoảng 28,5 triệu), tỉ lệ dân công giáo chưa tới 6,5%.


Mang đối chiếu tất cả các con số lại với nhau, tôi không khỏi thấy đầy điều mâu thuẫn. Trước 1964, có một cuộc thống kê khác của giáo hội vào năm 1941, trên nguyên tắc dựa vào số người rửa tội, cho thấy năm ấy trên toàn cõi Việt Nam có 1 638 000 người công giáo (Piero Ghedo, tr.38). Không rõ số giáo dân được phân bố ra sao trong các địa phận, chỉ thấy nhiều sách cho rằng vào thời đó, dân số Việt Nam lên tới khoảng 20 triệu, tỉ lệ người công giáo trong nước như vậy tương đương với 8%. Các tác giả nói về số người công giáo tại Việt Nam đầu 1954 đều giữ con số khoảng 1 600 000, có nghĩa là họ không tính đến sự gia tăng giáo dân trong hơn 10 năm. Nhưng vào năm 1954, dân số Việt Nam được ước lượng có khoảng 26 triệu người (14 ở Bắc, 12 trong Nam), nếu tỉ lệ 8% không di dịch, số giáo dân phải tăng thêm 480 000 người và cả thẩy là hơn 2 triệu người, một con số cao hơn tới 200 000 so với con số chính thức của các cơ quan công giáo cho 6 năm sau !


Theo nhiều tác giả thì đầu 1954 trong Nam có khoảng 700 000 người theo công giáo và như vậy ngoài Bắc có khoảng từ (1 600 000 - 700 000 =) 900 000 người. Cho là họ nói đúng, nếu như trung bình (giữa hai con số chính thức nêu ở trên) 700 000 người trên 900 000 giáo dân Bắc Kỳ đó di cư vào Nam thì chỉ còn lại ở ngoài Bắc độ 200 000 người. Tính rằng từ 1954 đến 1964 dân số Bắc Việt tăng thêm chưa tới 2 triệu (theo Larousse universel, 1964), với tỉ lệ (có thể thực) 8%, số dân công giáo ngoài Bắc tất tăng thêm quá lắm 160 000 người, và tổng cộng năm 1964 phải là 360 000 nhiều nhất. Thế nhưng tài liệu chính thức của giáo hội lại bảo năm đó ở ngoài Bắc có khoảng 800 000 người công giáo ! Ngoài ra, vì cho rằng trong Nam có sẵn 700 000 giáo dân, nhiều tác giả nói rằng sau đấy số người công giáo tăng gấp hai, lên tới 1400 000 do cộng thêm 700 000 người di cư. Nhưng cũng theo sự ước lượng của giáo hội công giáo (sách dẫn ở trên), tới năm 1960 trong Nam chỉ có khoảng từ 1 triệu đến 1,2 triệu giáo dân.


Nhưng nếu công nhận tỉ số trung bình dân công giáo 8% là đúng, đáng lẽ ra đầu năm 1954 với 14 triệu dân ngoài Bắc phải có khoảng 1 120 000 giáo dân và trong Nam khoảng 960 000 trên một dân số 12 triệu người, và tổng cộng trên toàn quốc có hơn 2 triệu người (một con số phù hợp với ước tính dựa theo thống kê năm 1941 ở trên) Với giả thuyết này thì nếu 700 000 giáo dân di cư vào Nam, cuối 1955 ở Bắc chỉ còn khoảng 380 000 người công giáo, và trong Nam đâm có 1 660 000 người. Tính rằng ở ngoài Bắc lẫn trong Nam, từ 1955 đến 1964 dân số gia tăng trên (trong Nam) dưới (ngoài Bắc) 2 triệu tức thêm khoảng 160 000 giáo dân, vào năm 1960-1964 số dân công giáo phải là (380 000 + 160 000 =) 540 000 ở Bắc và (1 660 000 + 160 000 =) 1 820 000 trong Nam. Nhưng hai con số này xê xích với các con số chính thức của Giáo hội công giáo năm 1957 và 1960-64 tới 300 000 - 400 000!


Tran Tam Tinh không nói về số dân công giáo trong Nam, nhưng với con số 1 390 000 ở Bắc đầu 1954 do tác giả này đưa ra, nếu giữ con số 1 700 000 cho toàn quốc thì trong Nam chỉ có 379 000 giáo dân, tức chưa bằng 1/3 số giáo dân ngoài Bắc, nhung nếu chấp nhận tổng số hơn 2 triệu giáo dân thì trong Nam có khoảng 700 000 người như các tác giả ước đoán. Tran Tam Tinh còn bảo chỉ có 543 500 người vào Nam, số người đó cộng với 379 000 thành 922 500, một con số tạm hợp với ước tính 1 014 000 cho trong Nam 6 năm sau do Scigliano ghi lại, nhưng đem cộng với 700 000 thành 1243 500 thì nghịch với Scigliano nhưng xít xoát với con số chính thức 1 230 755 cho năm 1957 của Piero Ghedo.


Ở trên, con số 700 000 (theo phần lớn các tác giả) và 543 500 (theo Tran Tam Tinh) giáo dân di cư được giữ làm căn bản để đối chiếu với các con số chính thức khác về dân số Việt Nam và thành phần công giáo. Nếu lấy những con số chính thức này làm tiêu chuẩn để tính ngược lại số giáo dân di cư, thì thấy gì ?

Theo bảng kê khai tình trạng Giáo hội miền Bắc năm 1964, được lập theo lệnh của Tòa thánh, dựa trên số các giáo dân từng địa phận, có khoảng 833 468 người công giáo ở ngoài Bắc năm 1964. Nếu trừ đi con số tăng trưởng là 160 000 trong 10 năm như tính trên, sẽ thấy năm 1955, sau vụ di cư, ngoài Bắc còn khoảng 650 000 giáo dân. Giả định tổng số giáo dân ngoài Bắc đầu 1954 là 900 000 người như phỏng ước theo các tác giả , số dân công giáo di cư tất phải là (900 000 - 650 000 =) 250 000 người . Nếu coi con số 1 120 000 cho tổng số giáo dân ngoài Bắc do tính theo tỉ lệ 8% như ở trên hợp lý hơn, thì con số giáo dân di cư sẽ tăng lên thành 470 000.


Nhưng vẫn theo Giáo hội công giáo thì trong Nam năm 1957 có 1 230 755 giáo dân, tức cuối 1955 có khoảng 1 198 755 người sau khi trừ đi (160 000 x 2/10 =) 32 000 người do dân số gia tăng trong 2 năm. Giả như trong Nam trước 1954 có 700 000 người công giáo theo các tác giả, số dân di cư từ Bắc vào Nam là 498 755. Nhưng nếu coi con số 960 000 do tính theo tỉ lệ 8% như ở trên hợp lý hơn, thì con số giáo dân di cư chỉ còn là 238 755.

Trong trường hợp tỉ lệ bình thường của số dân công giáo chưa chắc là 8% mà thấp hơn, khoảng 6-7% như những con số chính thức năm 1960 cho thấy, số giáo dân di cư tính ra có thể còn ít hơn nữa.


Tóm lại, các con số do các tác giả đưa ra từ những nguồn khác nhau không ăn khớp nhau, chênh lệch với nhau từ 200 000 đến 500 000 (!). Suy theo trên, số 700 000 dân công giáo di cư do các tác giả đưa ra là một số quá khích không dựa vào những số chính thức về tổng giáo dân. Tính ra, số dân công giáo di cư khó lòng quá 500 000 (số được Tran Tam Tinh chấp nhận), và có thể chỉ độ hơn 200 000 (theo những con tính trên), tức chỉ tương đương với từ 25% đến 50% tổng số dân di cư thay vì 65% như tối thiểu được ghi trong các sách. Nếu như thực ra quân bình chỉ có khoảng 350 000 người công giáo trên 1 triệu người di cư vào Nam, tại sao các sách báo lại thổi phồng nó lên tới gấp hai ? Theo tôi, vì lẽ sự thể đại đa số người di cư là giáo dân phù hợp với thành kiến và quyền lợi của các thành phần liên quan đến vấn đề.


- Ðương sự và nhân chứng : Tác giả Việt Nam nói về dân di cư như Ðinh Xuân Cầu (Bên kia Bến Hải. Sàigòn, Quốc gia văn đoàn, 1955) không nhắc tới tôn giáo của họ. Còn các ký giả và viên chức nước ngoài đến Hải Phòng quan sát làn sóng di cư làm sao họ không khỏi nghĩ rằng đó là người nhà đạo cả khi thấy có cha xứ dẫn đầu và cờ thánh chăng đầy ? Người nước ngoài lại rất nhạy cảm về vấn đề tôn giáo nên hễ nhận ra nó rồi họ khó nhìn thấy khác. Trong thực tế, đang chạy loạn, nếu gặp dân làng đạo, nhất là thuộc địa phận Bùi Chu - Phát Diệm, thường có tiếng là dữ và được Tây mở đường cho đi (hành quân Auvergne), các người ngoại đạo sẵn sàng sáp nhập với giáo dân để được bảo vệ lây. Chính tôi có một số bà con làm như thế. Vào trong Nam, các cha xứ thường khai quá số giáo dân để lĩnh nhiều trợ cấp hơn. Ðược thông báo về sự đày đọa của dân công giáo di cư, các cơ quan từ thiện của giáo hội công giáo quốc tế ùa sang Việt Nam cứu trợ đồng đạo, khiến dân di cư không theo đạo, như một nhóm người Tàu Móng Cái mà tôi biết, không ngại theo sát dân công giáo để được giúp đỡ dễ dàng hơn.


- Giáo hội công giáo : Giải thích của Piero Ghedo về sự thiếu hợp lý của các con số về dân công giáo Việt Nam do Giáo hội công giáo đưa ra, theo đó Giáo hội nhiều khi phải giảm bớt con số vì sợ bị thiên hạ ghen ghét, vừa gượng gạo vừa trái lẽ thường. Ðể phô trương thanh thế, các đạo giáo có khuynh hướng thêm thắt nhiều hơn là giảm bớt số con chiên. Vì thiếu thống kê chính xác, các con số của họ thường là ước lượng chủ quan nên có khi nghịch nhau. Ngoài ra, nếu người công giáo không những đông lại gồm đại đa số dân di cư, Giáo hội công giáo có thể tự hào đối với quốc tế và chính phủ Nam Việt Nam về tinh thần chuộng tự do của tín đồ, làm quên đi chính sách thỏa hiệp với Việt Minh tới phút cuối của các tổng giám mục, kể cả hai vị cai quản địa phận Bùi Chu và Phát Diệm (Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi) cầm đầu đám dân ra đi.


- Hai chính quyền Bắc Nam : Thủ tướng rồi tổng thống Ngô Ðình Diệm là người công giáo sùng đạo, muốn suy tôn đạo của mình trong một nước thờ thần thờ Phật, tất cần dựa hay khoe là dựa trên một lực lượng công giáo mạnh. Số người công giáo di cư càng lón càng hợp ý ông. Về phần cộng sản, tuy không muốn mang tiếng là kẻ đàn áp tôn giáo đối với quốc tế, chính phủ Việt Minh đỡ mất mặt hơn nếu gắn được đạo công giáo cho dân di cư. Họ có thể chấp nhận bị ghét bỏ bởi những người theo một tôn giáo do ngoại nhân lãnh đạo, và bởi một thiểu số tư sản, nhưng nếu đại đa số dân di cư ngược lại là thường dân, họ không thể chối sự chống đối cộng sản không chỉ hạn chế ở vài phần tử theo Tây, mà xuất phát từ đại quần chúng. Cần nhớ rằng Việt Minh phát khởi phong trào cải cách điền địa kiểu Mao từ 1953 và vào cuối 1954 không một ai ở Bắc không được ít nhiều nghe kháo về các vụ tố khổ vô nhân đạo và không rùng mình trước cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu do Ðảng huy động. Nếu cộng sản tôn trọng hiệp định Genève, để dân chúng tự do chọn lựa vùng cư trú, không ngăn chặn sự đi lại của dân tại các khu đã chiếm đóng thì con số người ra đi còn đông hơn nữa.


Qua một sự kiện nhỏ con gần đây thôi, chúng ta thấy không có gì đảm bảo cho tính xác đáng của một con số nếu không có kiểm chứng, mặc dầu có sự nhất trí của các giới về nó. Nhận định về hiện tại đã khó, biết rõ về quá khứ còn gay hơn nữa. Muốn tiến tới, không phải lập lại những việc đã được làm, bắt buộc phải tin vào khẳng định của những người trong cuộc hoặc đi trước. Song một sự kiện có thắng nổi cuộc đối chứng mới đáng được chấp nhận hoàn toàn. Nếu không, nghi vấn phải tồn tại, đợi ngày phát hiện ra chứng cứ giải tỏa vấn đề. Lòng tin cần thiết cho việc truyền đạt sự hiểu biết nhưng không thể im đi óc phê phán.


Paris, 8/6/2002

Retour à DPN

Aucun commentaire: