21 Tháng 6 2007 - Cập nhật 11h54 GMT
'Chúng tôi ủng hộ người CS cấp tiến’
Ông Hoàng Minh Chính gợi ý về khả năng liên kết giữa hai thành phần trong và ngoài đảng
Nhà bất đồng chính kiến Hoàng Minh Chính nói với BBC từ Hà Nội rằng những người đấu tranh dân chủ bên ngoài đảng sẵn sàng hợp tác với thành phần đổi mới trong Đảng Cộng sản.
Ông Hoàng Minh Chính, 85 tuổi, là một đảng viên cộng sản kỳ cựu trước khi bị khai trừ và đi tù trong cái gọi là vụ án “Xét lại” thập niên 1960 ở miền Bắc.
Nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, ông Hoàng Minh Chính đã gửi một lá thư cho Tổng thống Bush.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, một nhà hoạt động dân chủ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, thì ông đã trao tận tay lá thư này cho Phó Tổng thống Dick Cheney ngày 14-6.
Nói chuyện với đài BBC, ông Hoàng Minh Chính cho biết về nội dung lá thư.
Hoàng Minh Chính: Lá thư thể hiện nỗi bức xúc của người dân Việt Nam từ nửa thế kỷ nay. Nhân dân đã bị đảng và chính quyền cộng sản cướp mất quyền tự do ngôn luận. Con người làm sao có thể sống khi thiếu tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do tư tưởng. Sau khi Đảng Cộng sản đã huy động được nhân dân để hoàn tất việc giải phóng dân tộc, thì Đảng cũng cướp luôn cái quyền ấy của người dân.
Nhân dân cũng bị tước mất quyền tự do hội họp, trao đổi với nhau, được biểu thị những khát vọng của mình. Chính quyền buộc người ta bao năm nay chỉ được phép tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin mà thôi.
Cái tội thứ ba của Đảng Cộng sản là vùi dập những người đấu tranh dân chủ, những người dân có tự trọng muốn được tự do bày tỏ chính kiến, thảo luận đường hướng xây dựng đất nước. Họ bị khép vào cái gọi là điều 88 BLHS, bị gọi là lợi dụng tự do, dân chủ. Mà thực ra ở Việt Nam làm gì có tự do, dân chủ. Họ bịt miệng nhân dân rồi cơ mà. Những nhà dân chủ, những nhà tôn giáo khi lên tiếng đòi hỏi trong sự ôn hòa thì đều bị kết tội, bị bỏ tù.
Trong lá thư gửi Tổng thống Bush, tôi nêu ba vấn đề ấy. Tôi cũng đòi trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và cho hàng trăm “tù nhân lương tâm” khác.
BBC:Theo ông, chính phủ Hoa Kỳ có thể gây sức ép thế nào với Việt Nam?
Tôi nghĩ Tổng thống Bush cũng đã đặt vấn đề gây sức ép rồi. Khi ông Phạm Gia Khiêm qua Mỹ, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã yêu cầu trả tự do cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình và một số nhà dân chủ khác. Việt Nam chỉ mới đáp ứng một, hai trường hợp mà thôi.
Những gợi ý về dân chủ của ông Bush không chỉ có lợi cho Mỹ mà cho cả chính quyền và người dân Việt Nam.
Hoàng Minh Chính
Gần đây ông Bush bày tỏ quan điểm về dân chủ ba lần. Một lần là cuộc gặp bốn nhà dân chủ người Mỹ gốc Việt, lần khác là bài phát biểu ở Prague và sau đó là phát biểu tại đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Tôi thấy qua đó, ông Bush đặt vấn đề rõ ràng. Tức là tự do, dân chủ hiện được nhân loại xem là cái tự nhiên của con người, hầu hết các nước có rồi.
Cái ốc đảo cộng sản Việt Nam thực ra bây giờ cũng đã ở giai đoạn cuối đời của nó. Nếu các vị lãnh đạo còn ngoan cố bám lấy ghế của mình, bảo vệ lợi ích gia tộc mình, thì như thế họ có tội với nhân dân. Những gợi ý về dân chủ của ông Bush không chỉ có lợi cho Mỹ mà cho cả chính quyền và người dân Việt Nam.
Bắt tay?
BBC:Ông có tin vào sự tồn tại của một lực lượng đổi mới có mặt bên trong Đảng Cộng sản không?
Có một lực lượng như thế. Ví dụ như ông Võ Văn Kiệt, ông ấy nêu ra mấy quan điểm mới. Ông ấy không thể gợi ý mạnh hơn các nhà dân chủ triệt để, nhưng cũng rất đáng hoan nghênh rồi.
BBC:Nhưng có dấu hiệu nào là phe đổi mới trong Đảng sẽ bắt tay với những nhà dân chủ bên ngoài Đảng hay không? Hay sẽ chỉ là sự giải quyết trong nội bộ giữa họ với nhau?
Tôi thấy những tuyên bố của ông Võ Văn Kiệt thực sự cũng giống như những lên án của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những vụ như Tổng cục 2 – T4. Nó biểu thị sự hoan nghênh gián tiếp cuộc đấu tranh của lực lượng dân chủ. Bởi vì những người dân chủ muốn cái gì? Muốn quyền con người, tự do báo chí, tôn giáo. Tôi thấy những tuyên bố kia đã gián tiếp tán thành lập trường của các nhà dân chủ.
Trong nội bộ cấp cao, có những người giữ quan điểm tiến bộ. Chúng tôi hoan nghênh những người cộng sản cấp tiến đó.
Hoàng Minh Chính
BBC:Phải chăng ông ngả theo xu hướng tức là những nhà dân chủ bên ngoài đảng cũng có sự ủng hộ, khuyến khích những gương mặt đổi mới trong đảng?
Vâng. Tôi muốn nói thêm thế này. Đại tướng Mai Chí Thọ, khi còn sống, năm kia, ông ấy nói chưa chắc cái đảng này còn trụ nổi đến Đại hội Đảng lần sau. Nó chứng tỏ trong nội bộ cấp cao, có những người giữ quan điểm tiến bộ. Chúng tôi hoan nghênh những người cộng sản cấp tiến đó.
Chúng tôi hoan nghênh cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng Cộng sản. Nếu cuộc đấu tranh đó càng phát triển lên, nó sẽ mở ra tương lai tốt đẹp, hòa bình và đại đoàn kết dân tộc. Như thế, những người cộng sản sẽ được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh như ở Ba Lan trước đây. Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Ba Lan, Jaruzelski, tán thành bầu cử tự do, đồng ý ngồi lại với Công đoàn Đoàn kết và phe Công giáo.
Đấy là bài học rất hay mà Việt Nam nên học. Chúng tôi hoan nghênh những đảng viên cộng sản cấp tiến. Và chúng tôi sẵn sàng giơ hai bàn tay ra để đi đến chỗ là bắt tay với các vị đó. Khi đó, dân tộc sẽ bước một bước tiến mới. Tương lai đất nước khi đó sẽ không thua kém nước nào ở Đông Nam Á.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/06/070621_hoangminhchinh_iv.shtml
jeudi 21 juin 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire