Hồi ký của một Việt Cộng
Minh Võ
“Nhưng các đồng chí đảng viên không thể nào bị thuyết phục bởi những luận cứ tình cảm hay lẽ phải. Họ đã từ bỏ cả lương tâm lẫn cảm quan thực tiễn vì những tín điều tôn giáo chính trị mà họ cho rằng không thể sai lầm. Giữa niềm tin sắt thép và ngạo mạn của họ”. – Trương Như Tảng
Hai từ Việt Cộng (thường được người Mỹ gọi tắt là Vi-Xi (V.C.=Vietnamese communists) có nghĩa là người cộng sản Việt Nam. Trong thực tế chúng chỉ những kẻ theo Cộng sản để chống chính quyền Quốc Gia, dù họ có phải là đảng viên cộng sản hay không. Cũng như trước kia có nhiều người theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp; mà Việt Minh thì do đảng cộng sản lãnh đạo; nhưng không phải ai kháng chiến chống Pháp cũng là cộng sản. Hơn nữa, trong sch bo ngoại ngữ, hai tiếng “Việt Cộng” thường được dùng để chỉ lính hay cán bộ thuộc mặt trận “Giải Phóng Miền Nam”, chứ không phải bộ đội hay cán bộ miền Bắc. Nguyên cái phức tạp của nguồn gốc từ ngữ ấy cũng đã cho thấy phần nào khía cạnh phức tạp của cuộc chiến tranh quốc cộng trong ba thập niên.
Trương Như Tảng
Nguồn: A Vietcong Memoir
--------------------------------------------------------------------------------
Chính vì vậy Trương Như Tảng đã đề tựa cuốn hồi ký của ông là Hồi Ký của một Việt Cộng (nguyên văn bằng Php ngữ:"Mémoire d'un Vietcong”, và bản dịch Anh ngữ: “A Vietcong Memoir” ). (1) Mà trong tác phẩm này ông lại cho biết ông không phải là đảng viên cộng sản Việt Nam, và nhiều thành viên trong Mặt trận cũng như trong “chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” cũng không phải là đảng viên cộng sản.
Với cương vị một cựu bộ trưởng tư pháp của “chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”, là chính phủ đã được ngồi ngang hàng với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại hòa đàm Paris, Trương Như Tảng đã được người ngoại quốc hết sức chú ý khi ông rời bỏ hàng ngũ cộng sản, để tìm về với thế giới tự do. Nhất là khi ông cho ra cuốn hồi ký viết rất cẩn thận, gồm nhiều chi tiết lý thú lôi cuốn người đọc, như những đoạn tả cảnh sinh hoạt lén lút cực kỳ gian khổ trong rừng ở biên giới Việt Miên, hay cảnh cùng với hàng chục “thuyền nhân” chen chúc trên chiếc tầu nhỏ xíu lênh đênh trên biển cả trong một tuần lễ, với bao trắc trở, hiểm nguy.
Trong cuốn hồi ký này họ Trương cũng nói khá chi tiết về thân thế và công việc làm của ông trong vùng quốc gia cũng như ở ngoài “bưng”, qua đó người đọc có thể biết thêm nhiều thủ đoạn, mưu mô mánh lới của đảng và sự việc những nhà trí thức miền Nam bị cộng sản đánh lừa và phản bội ra sao.
Ông hãnh diện được ở trong một gia đình mà cả 6 anh em đều thành đạt gần đúng như sự mong muốn và xếp đặt của cha ông, ngay từ khi ông mới 13 tuổi: một bác sĩ, một dược sỹ, một giám đốc ngân hàng và 3 kỹ sư. Sau khi tốt nghiệp trung học Chasseloup-Laubat, là nơi ông có những người bạn nổi tiếng như Norodom Sihanouk, Dương Quỳnh Hoa, Phạm Ngọc Thảo v.v… ông được gia đình gửi sang Pháp du học. Ông là người con duy nhất trong gia đình không theo đúng lời dặn của cha là phải học dược, vì đã bỏ khoa này nửa chừng để chuyển sang học chính trị và luật. Ông đã thi đậu cao học chính trị và cử nhân luật năm 1951. Rồi đi theo cộng sản Pháp chống chiến tranh. Cha ông hiểu cộng sản. Gia đình ông đã bị điêu đứng vì cộng sản. Cơ sở làm ăn buôn bán của gia đình ông bị cộng sản phá sạch. Vì vậy khi nghe tin ông theo cộng sản. Cha ông gọi ông về. Ông không về. Cha ông và cha vị hôn thê của ông bày mưu đưa cô này, lúc ấy mới 17 tuổi, sang Pháp làm đám cưới với ông, rồi đưa đi thăm thú nơi nọ nơi kia với mục đích làm ông mê vợ trẻ, quên chính trị. Nhưng ông lại thuyết phục được vợ theo chí hướng của ông mà cả hai coi là “chủ nghĩa yêu nước”. Đến nước này gia đình hai bên chỉ còn cách làm áp lực tài chính. Cắt chuyển ngân. Không tiếp tế gì nữa. Trương Như Tảng bèn để vợ mang bầu về Saigon còn mình ở lại đi rửa chén, gọt khoai kiếm tiền sinh sống ngỏ hầu có thể tiếp tục theo hướng đi đã vặch sẵn. Nhưng rồi sau ông cũng mềm lòng vì thương gia đình, (cha ông không còn đủ tiền cho các anh em ông tiếp tục theo học). Ông về nước vào năm 1954. Ông đã kể rõ trường hợp đó trong hai chương 3 và 4 của cuốn hồi ký.
Khi mới chân ướt chân ráo tới Pháp ông đã được hân hạnh gặp Hồ Chí Minh cũng vừa tới để thương thuyết với Sainteny. (1bis) Ông Hồ đã để cả một buổi chiều tiếp ông và một nữ sinh khác cũng người miền Nam tại phòng làm việc của phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở Fontainebleau. Cuộc gặp gỡ này đã để lại cho ông một kỷ niệm khó quên và những tình cảm sâu đậm dành cho ông Hồ, người luôn bắt ông phải gọi là “bác” chứ không được xưng hô là Hồ chủ tịch, hay chủ tịch. Cũng vì vậy cho nên khi về nước vào năm 1954, ông đã từ khước lời mời của những Võ Văn Hải, Ngô Khắc Tỉnh, Trần Hữu Thế là những người quốc gia chống cộng, để rồi chạy theo những người thuộc phe ông Hồ. Ngay từ 1958 ông đã bắt đầu hoạt động bí mật cho cộng sản, tại Saigon. Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông được cử làm tổng giám đốc Công Ty Đường Việt Nam, một công ty quốc gia lớn với trên 5000 nhân viên. Trong thời gian này theo ông cho biết (2) ông đã hoạt động ngầm qua hai tổ chức thân cộng là “Phong trào Tự Quyết” và “Ủy ban bảo vệ Hoà Bình” do bác sĩ Phạm Văn Huyến, cha của nữ luật sư Ngô Bá Thành, điều khiển. Năm 1967, do sự “phản bội” của Ba Trà, một cán bộ cộng sản khác, hành tung của ông bị bại lộ và ông bị cảnh sát quốc gia bắt giam. Nhờ có Trần Bạch Đằng (3) thu xếp với người Mỹ về trao đổi tù binh, ông được phóng thích cùng với vợ của Trần Bặch Đăng để ra bưng hoạt động hẳn cho cộng sản cho đến năm 1976.
Ngày 8 tháng 6 năm 1969 Trương Như Tảng được chỉ định vào chức vụ bộ trưởng bộ Tư Pháp của “chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”, do Huỳnh Tấn Phát, một đảng viên cộng sản kỳ cựu, làm thủ tướng. Gần 6 năm trời, từ 08/06/1969 đến 30 tháng 4 năm 1975, trong cuốn hồi ký không hề thấy tác giả nói ông làm gì trong cái bộ đó và nó hoạt động ra sao. (4) Đó chính là một điểm khôi hài nhất của cái gọi là chính phủ kia, đồng thời cũng là một lỗ hổng to tướng của cuốn hồi ký.
Sau khi Saigon thất thủ, Trương Như Tảng có dịp liên lạc với gia đình thì được biết cha ông mới qua đời, con gái ông đã được phu nhân tổng thống Thiệu bảo trợ cho đi du học ở bên Mỹ, con trai ông cũng đã sang Pháp, còn mấy người anh em ông thì bị đi “học tập cải tạo”, trong đó có một người cho đến khi ông viết xong cuốn hồi ký (1985) vẫn còn ở trong tù. Ông buồn rầu nhớ lại lời cha ông nói lúc vào thăm ông trong nhà tù của tổng nha cảnh sát quốc gia năm 1967:
Con à, ba không thể hiểu được con. Con đã bỏ tất cả - một gia đình êm ấm, hạnh phúc, giầu có - để đi theo bọn cộng sản. Chúng sẽ không cho lại con được mảy may những gì con đã bỏ đi. Rồi sẽ thấy. Chúng sẽ phản bội con và con sẽ khổ suốt đời. (5)
Ông cho rằng trước kia ông cùng với một số trí thức miền Nam khác vốn tin mình tranh đấu cho một miền Nam có một chế độ riêng, và thi hành chính sách hòa hợp hoà giải với phe quốc gia. Nhưng sau 30 tháng tư ông thấy những lời hứa hẹn, cam kết của những Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ (trang 283-284) chỉ là giả dối. Chỉ một năm sau chiến thắng đảng đã hoàn tất việc thống nhất đất nước, nghĩa là giải tán chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam của nhóm các ông. Không có hòa hợp hòa giải. Không có chính phủ ba thành phần. Mà chỉ có đảng, một đảng duy nhất, từ danh xưng đảng Lao động đã đổi ngay trở lại thnh “đảng Cộng sản Việt Nam”, như trước khi đảng này giả vờ tự giải tán một cch xảo quyệt ngày 11/11/1945. Hơn 300.000 người (con số tối thiểu của ông đưa ra) bị bắt giữ, không có xét xử và không biết ngày về, trong đó có anh em ruột thịt, bà con thân thích, bạn bè của ông, hay của những người tai to mặt lớn trong Mặt trận, kể cả con rể của luật sư Trịnh Đình Thảo, người bạn vong niên của ông.
Vì đã tỉnh mộng, hết tin tưởng ở đảng nên khi được mời làm thứ trưởng bộ Thực Phẩm và Tiếp Tế, ông đã từ chối khéo. Cảm nhận được sự bất mãn của ông, chính Võ Văn Kiệt, lúc ấy là bí thư thành ủy Saigon, đã tìm cách giải thích và khuyến dụ ông nhận một chức nhỏ hơn tại miền Nam. Nhưng ông đã lợi dụng sự tin cẩn của Kiệt để tính chuyện chuẩn bị vượt biên. Ngày 25 tháng 8 năm 1979 ông xuống thuyền làm “thuyền nhân” và hơn một tuần sau thì được một tầu hàng Singapore chở tới đảo Galang, thuộc Indonesia, bắt đầu cuộc sống tha hương.
Bây giờ ta hãy xem trong cuốn hồi ký 350 trang của ông, Trương Như Tảng đã viết gì về những nhân vật và tổ chức có ảnh hưởng quyết định đến tình hình Việt Nam trong những năm ông bắt đầu nhập cuộc.
Về ông Hồ Chí Minh:
Như đã nói, sinh viên Trương Như Tảng, sau khi được gặp “chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” tại Pháp, liền bị con người “khéo thu phục nhân tâm” này thu hút. Nhớ lại những giờ được gần ông Hồ trong hoàn cảnh thương thuyết có cơ thất bại ấy, Trương Như Tảng nhận định:
(Lúc ấy) ông (Hồ) biết rõ ông đang đối diện với khả năng kết liễu sinh mạng chính trị của mình, bằng không thì cũng là một cuộc chiến cam go, đẫm máu. Chính trong lúc tâm trí bị những ý nghĩ đó dày vò mà ông đã dành cả một buổi chiều cho hai sinh viên trẻ miền Nam. Thật khó có thể nghĩ về một nhà lãnh đạo thế giới nào, trong hoàn cảnh tương tự, làm được như ông. ( 6)
Đầu năm 1969 phái đoàn Liên Minh Trịnh Đình Thảo ra Bắc. Trương Như Tảng tả cuộc đón tiếp như của một quốc truởng, và được Hồ Chí Minh đích thân tới thăm. Ông viết:
Thảo có phần nào ngạc nhiên thấy mình được trọng đãi như một quốc trưởng…Người ta cũng xếp chương trình để phái đoàn tới yết kiến Hồ Chí Minh (lúc ấy đang bệnh nặng, và thực sự là chỉ mấy tháng sau ông qua đời). Nhưng ông Hồ, bằng một cử chỉ đặc sắc, đã từ chối không cho phái đoàn đến căn nhà gỗ của ông trong khuôn viên dinh chủ tịch. Thay vào đó ông đã gửi cho Thảo một thông điệp nói rằng đại diện của nhân dân miền Nam hào hùng không cần phải tới thăm ông, tốt hơn nên cho ông vinh dự đến thăm phái đoàn. (7)
Rồi ông Hồ đi vào cửa sau không có tiền hô hậu ủng và bắt gặp bà Thảo đang trang điểm. Ông Tảng viết:
Tất cả bọn họ cảm động nói không nên lời, vì cái vinh dự mà ông Hồ dành cho mình qua cử chỉ thân hữu giản dị đó. (tr.141)
Trong chương 16, nói về những lủng củng với cán bộ miền Bắc, Trương Như Tảng đã bênh ông Hồ, ngụ ý là nếu ông Hồ còn sống chắc không có những rắc rối, mâu thuẫn xảy ra. Ông cũng nói là nếu có cơ hội có lẽ ông Hồ đã thân thiện với Tây Phương chứ không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mặc dù ông ta đã bấu víu lấy sự ủng hộ của cộng sản quốc tế như người sắp chết đuối vớ được cái phao. Lời lẽ của ông Tảng có vẻ cân nhắc, đắn đo:
…Nhưng ngay cả khi đắm mình trong chủ nghĩa Quốc Tế III và chủ nghĩa cách mạng chan hòa ông (Hồ) vẫn giữ mình ở vị thế cởi mở đối với những cơ hội có thể có. Viễn kiến chính trị độc đáo của ông phóng về trước hàng nhiều thập niên đã luôn luôn giữ lại sự bén nhậy đối với những lựa chọn và những đồng minh có thể có. Và những cơ hội đã đến, trong những năm 1944, 1945 khi ông điều khiển cuộc ve vãn với Mỹ ở cấp thấp, trong năm 1946 ở Fontainebleau khi ông nghĩ rằng có thể làm thân với Pháp, và cả năm 1954 khi chiến tranh với Pháp chấm dứt, và người Mỹ đứng trước sự lựa chọn của mình. (tr.190-191)
Trương Như Tảng chê các chính quyền Mỹ (Eisenhower và Kennedy) đánh giá sai ông Hồ, cho rằng ông Hồ là dụng cụ của Trung Quốc dùng để thực hiện chủ nghĩa bá quyền mà không đếm xỉa đến sự toàn vẹn và sức mạnh của lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. (tr.213)
Nhắc lại cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu trong những năm 55-56, Trương Như Tảng cũng bênh ông Hồ bằng cách giải thích rằng khi biết là có sai lầm, ông Hồ đã hủy bỏ chiến dịch cải cách và “trừng phạt” những kẻ có trách nhiệm. Ông còn viết: “Đoạn ông Hồ đã làm một cử chỉ bất thường là đích thân xin lỗi nhân dân, công nhận “đã có bất công”. (tr.300). (Trương Như Tảng không biết rằng thực ra ông Hồ đã đẩy Võ Nguyên Giáp, với hào quang chiến thắng Điện Bin còn rực rỡ, ra thay ông ta xin lỗi nhân dân. Chứ ông Hồ đã chẳng bao giờ đích thân xin lỗi đâu.)
Trong hồi ký của ông, Trương Như Tảng đã nhiều lần nhắc đến những danh ngôn của ông Hồ và như vậy đã đề cao ông ta một cách gián tiếp. Chẳng hạn: “Những lời ông Hồ nói với chúng tôi trong năm 1946, tôi luôn luôn canh cánh bên lòng: “Chúng ta phải chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, chống giặc dốt”. Để “thành công, thành công, đại thành công”, chúng ta phải “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” (tr.26) hay: “Càng gần chiến thắng, càng nhiều khó khăn” (tr.239) Hoặc: “Hồ Chí Minh đã viết rằng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi.” (trang 282)
Về việc huấn luyện cán bộ của mặt trận “Dân Tộc Giải Phóng miền Nam”, Trương Như Tảng bảo nhóm các ông không hề dạy thuyết Mác-xít. “trái lại các huấn luyện viên chuyên chú vào việc khai thác những khẩu hiệu yêu nước của Bác Hồ như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”… (tr.264)
Quả thực ông Tảng đã coi Hồ Chí Minh là thần tượng, là “cha già dân tộc”. Nơi trang 68 ông viết: “Hồ Chí Minh là cha thiêng liêng của phong trào ở miền Nam cũng như ở miền Bắc.”
Về mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam:
Trương Như Tảng đã để nguyên chương 7 (từ trang 63 đến trang 80) để nói về mặt trận này. Ông nói, vì thấy ông Diệm “chỉ lo củng cố địa vị mà không làm gì cho dân cho nước” cho nên ông cùng một số người muốn có một “tổ chức chính trị ngoài vòng pháp luật” (8) để thách đố sự độc quyền cai trị của ông Diệm. Ban đầu chỉ có chừng từ 8 đến 10 người họp bàn để dần dần đưa ra một chương trình hoạt động, trong số đó có hai bác sĩ: Dương Quỳnh Hoa, Phùng văn Cung, luật sư Trịnh Đình Thảo ông Nguyễn Hữu Khương và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, về sau có thêm các ông Nguyễn Văn Hiếu, Ưng Ngọc Kỷ, Nguyễn Long và Trần Bửu Kiếm. 6 người trong số này thuộc ủy ban vận động gồm Trương Như Tảng, các ông Hiếu, Kiếm, Kỷ, Long và Huỳnh Tấn Phát.
Ông Tảng luôn để ông Huỳnh Tấn Phát xuống dưới, như thể không quan trọng. Nhưng Phát lại là người trụ chốt. Sau này ông ta là thủ tướng của chính phủ. Ông ta cũng là người đã gia nhập đảng cộng sản Đông Dương ngay từ 1940. Các ông Hiếu, Kỷ, Kiếm cũng vào đảng Lao Động (tức đảng cộng sản trá hình) từ năm 1951. Và ông Hiếu đảng viên này đã được phái ra Bắc để nhận sự chỉ dẫn của ông Hồ (!) trước khi hoàn tất cương lĩnh và chương trình hoạt động của mặt trận. (trang 71)
Ông Tảng nói rằng các ông muốn hoạt động trong phạm vi ôn hòa, chứ không chủ trương vũ trang, nếu có đôi lúc cần đến bạo động cũng chỉ nhằm mục tiêu chính trị, hơn là quân sự. Nhưng ông cũng cho biết là kể từ sau đại hội III của đảng Lao Động ở Hà-nội vào tháng 9 năm 1960 (9) với chủ trương dành ưu tiên cho việc giải phóng miền Nam, các ông đã quyết liệt hơn, không còn dè dặt, lúng túng nữa.
Dưới sự điều động của Huỳnh Tấn Phát một toán biệt kích cố bắt cóc luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị chính quyền quốc gia giam lỏng ở Tuy Hòa. Nhưng họ đã thất bại. Cho nên khi tuyên bố ngày thành lập mặt trận 20 tháng 12 năm 1960 đã không có mặt vị chủ tịch. Trương Như Tảng cũng mãi đến ngày 17 mới rời Saigon lên “mật khu” qua ngả Tây Ninh để dự phiên họp ngày 19. Phiên họp cũng kết thúc vội vã vào sáng sớm ngày 20, rồi lập tức trở lại Saigon, trong lòng mọi người đều phập phòng lo sợ không biết bị phát giác và bị bắt lúc nào.
Từ đầu đến cuối tuy tác giả vẫn nói cứng là chủ trương và công việc của các ông do các ông tự lo, nhưng lại cũng thuật lại mọi việc đều do Huỳnh Tấn Phát điều động, kể cả việc trình danh sách ủy ban lâm thời và việc chỉ định Nguyễn Hữu Thọ, vắng mặt, làm chủ tịch và việc bắt cóc sẩy ông chủ tịch mặt trận này, đáng lý phải có mặt trong buổi họp thành lập mặt trận.
Ông cũng cho biết ông là một trong những người tổ chức ra mặt trận ngay từ 1958. Nhưng cũng lại nói là mãi đến năm1962 ông mới được bầu vào ủy ban trung ương của mặt trận. (trang 56)
Về “chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”:
Trong chương 13 Trương Như Tảng cho biết đại hội của mặt trận nhằm thành lập và giới thiệu chính phủ được tổ chức ở mật khu sát biên giới Việt Miên vào ba ngày 6, 7 và 8 tháng 6 năm 1969. Nó có mục đích dằn mặt Mỹ và VNCH cũng tổ chức gặp nhau (tổng thống Nixon và tổng thống Thiệu) tại Midway cũng vào ngày 8, để Mỹ tuyên bố rút quân, mở đầu cho công cuộc Việt Nam hóa chiến tranh. (trang 147) Huỳnh Tấn Phát đệ trình đại hội danh sách chính phủ vào ngày cuối của đại hội. Y được cử làm thủ tướng với Nguyễn Thị Bình làm ngoại trưởng, Dương Quỳnh Hoa làm bộ trưởng Y Tế và Trương Như Tảng làm bộ trưởng tư pháp.
Trương Như Tảng đã cân nhắc đắn đo khi nhận bộ này. Ông ta có nghĩ tới vụ nhiều người bị quân mặt trận và quân Bắc Việt thảm sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân và ông đã có lần chất vấn Huỳnh Tấn Phát về việc này. Ông cũng có ác cảm với “thứ công lý cách mạng”. Nhưng ông hy vọng dần dần ông có thể dùng quyền của mình thay đổi tình hình, hầu đi đến một chính phủ Liên Hiệp ở miền Nam. (trang 155)
Về lập trường của đảng đối với vấn đề hòa hợp hòa giải:
Trong chương 18 Trương Như Tảng đã nói nhiều về lập trường hòa hợp hòa giải của ông và của mặt trận DTGPMN cũng như của chính phủ LTCHMNVN và Liên Minh của Trịnh Đình Thảo.
Tôi và các đồng nghiệp của tôi ước mong dùng những cuộc thảo luận này trước hết là để cam kết với nhau là phải đặt sự hòa họp hòa giải lên trên hết, như một nguyên lý không thể lay chuyển của chính phủ…. (trang 222)
Nhưng khi họp chính phủ ông mới ngã ngữa ra rằng “người ta” không muốn những thành phần tư sản, những kẻ đã tham gia chính quyền VNCH được hưởng chính sách hòa giải. Những người thuộc phe ông đã tranh luận gắt gao, viện dẫn lời ông Hồ về sự thống nhất tổ quốc, về nhu cầu xây dựng đất nước v.v... (trang 224 và 225)
Nhưng các đồng chí đảng viên không thể nào bị thuyết phục bởi những luận cứ tình cảm hay lẽ phải. Họ đã (tôi thấy dường như thế) từ bỏ cả lương tâm lẫn cảm quan thực dụng của họ để đổi lấy những tín điều tôn giáo chính trị mà họ cho rằng không thể sai lầm. Giữa niềm tin sắt thép và ngạo mạn của họ, không thể có chỗ cho thỏa hiệp."
Những cuộc tranh luận đã đưa đến sự rạn nứt cơ bản trong cách mạng (a fondamental split in the revolution, trang 225). Và Lê Duẫn đã phải lên tiếng giảng hòa bằng những lời lẽ mền dẻo hơn:
Chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc không trả thù là chiến lược trường kỳ và đó là đường lối chính trị và lập trường của Đảng, và cũng là lập trường của giai cấp công nhân.”
Với lời nói trên của viên bí thư thứ nhất của đảng, nhóm ông Tảng hí hửng tưởng mình đã thắng. (10)
Bốn năm sau Trường Như Tảng và những nhà lãnh đạo mặt trận và chính phủ, ngoài đảng, mới vỡ lẽ ra rằng lời tuyên bố của Lê Duẫn chỉ là đòn phép, tuyệt chiêu của một tay đại bịp. Nhưng đã muộn.
(Còn tiếp)
© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
1) Trích dẫn trong soạn phẩm này theo bản Anh ngữ “A Vietcong Memoir”, viết chung với David Chanoff và Đoàn Văn Toại, Harcourt Brace Jovanovich, San Diego, New York and London, 1985. (1bis) Cuộc thương thuyết này đã đưa đến hiệp ước sơ bộ 6-3-1946, được coi như một thất bại của Hồ Chí Minh.
(2) Sách Đã Dẫn trang 93-95.
(3) Cán bộ tuyên vận cao cấp của cộng sản đặc trách Saigon Chợ Lớn lúc ấy. Ông là một cán bộ cộng sản thuộc loại trí thức miền Nam, bị “thất sủng” vì câu nói dại dột tại một buổi họp: “mọi phong trào ở thành phố đều thành công một cách lạ lùng. Chỉ có phong trào công nhân là xệ quá.” (SĐD trang 236) Trần Bạch Đằng, bí danh Tư Méo, bút hiệu Phương Triều, sau 75 còn có bút hiệu “Trường Thiên Lý” với tiểu thuyết chính trị: “Ván Bài lật ngửa” đề cao Phạm Ngọc Thảo trong nhân vật chính (Luân) đầy mưu lược trước mưu trí của Ngô Đình Nhu. Các đạo diễn cộng sản đã đưa tiểu thuyết này lên màn ảnh.
(4) Trừ khi sắp sửa giải tán, sau 30 tháng tư 1975, ông có vận động với Phạm Văn Đồng để việc bắt bớ, giam giữ tại miền Nam, có quy củ, theo nguyên tác pháp lý và đề nghị đưa ra một số luật lệ. Nhưng chính việc ông phải nhờ thủ tướng chính phủ miền Bắc can thiệp, làm áp lực với thủ tướng của ông (Huỳnh Tấn Phát), lại cũng là một chuyện khôi hài không tưởng tượng nổi của cái chính phủ của ông. Và cuối cùng, những luật lệ hay quy định của bộ tư pháp của ông hay của chính phủ trung ương, miền Bắc của Phạm Văn Đồng cũng chẳng có hiệu lực gì. Vì chính Trương Như Tảng phải công nhận: cán bộ chỉ làm theo lệnh đảng, bất chấp pháp chế của cái gọi là chính phủ kia. (SĐD. Cuối trang 281, đầu trang 282 ông viết: “Về phần bộ luật tội nghiệp của chúng tôi cũng chẳng đi đến đâu. Đã rõ ràng luật pháp được áp dụng cho cả miền Nam Việt Nam, nhưng lại bị đơn vị hành chánh ngoài Saigon coi như không có. Trong toàn quốc, việc cai trị nằm trong tay các cán bộ đảng đã quen nhận lệnh từ Bộ Chính Trị.”
(5) SĐD trang 260
(6) SĐD trang 17
(7) SĐD trang 140
(8) SĐD trang 66, nguyên văn: “an extralegal political organization” (8) SĐD trang 73.
(10) SĐD tr. 225-226. Nguyên văn: “Reading Lê Duẫn's message, we knew we had won the essential victory
danchimviet
Hồi ký của một Việt Cộng (Kết)
lundi 18 juin 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire