Tư tưởng Triệu Tử Dương dành cho Trung Quốc
29 Tháng 5 2007
TBT Triệu Tử Dương tại Thiên An Môn 19.05.1989, đằng sau còn thấy ông Ôn Gia Bảo
Một cuốn sách ghi lại đàm thoại với nhà chính trị bị hạ bệ Triệu Tử Dương của Trung Quốc cho thấy nhiều cách nhìn mới về lãnh đạo Trung Quốc.
Cuốn 'Triệu Tử Dương khi bị giam tại gia' (Zhao Ziyang under house arrest (趙紫陽軟禁中的談話/) được nhà xuất bản Khai Phóng ở Hong Kong phát hành hôm 31.01.2007 bất chấp áp lực từ Bắc Kinh muốn họ ngưng ra sách.
Sách là bản ghi theo lời kể của ông Triệu Tử Dương cho Tôn Phượng Minh, nguyên bí thư ngành hàng không, người đã tìm cách gặp được ông Triệu nhiều lần khi bị giam lỏng từ 1989 đến lúc chết năm 2005.
Hiện nay các mạng tiếng Hoa trên thế giới và cả chương trình Quan thoại của đài châu Á Tự do (RFA) tại Mỹ đã giới thiệu những phần ông Triệu Tử Dương, cựu TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về các nhân vật cầm quyền khác.
Ông Hồ Cẩm Đào, đương kim Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng được đáng giá không hay.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, hiện sống tại Hà Nội cho BBC biết
-"Cuốn sách đáng giá về Hồ Cẩm Đào không cao, còn về Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đều xấu'.
Đặc biệt, ông Dương Danh Dy nói 'Đánh giá về Lý Tiên Niệm thì rất là xấu'.
Còn các bình luận gia người Hoa trên thế giới đặc biệt quan tâm đến 'tam giác Đặng, Triệu và Hồ' trong thập niên 1980 mà họ cho là đã quyết định vận mệnh Trung Quốc những năm sau đó.
Tam giác này được mô tả trong các bản ghi chép tổng cộng 300 nghìn từ nói đến quan hệ giữa Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang.
Hàng chục vạn quân đã được đưa vào đàn áp vụ Thiên An Môn
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
Sách nói đến các cuộc tranh luận dữ dội trong nội bộ ĐCSTQ về các vấn đề lý thuyết của Chủ nghĩa Marx-Lenin, về Mao Trạch Đông, vấn đề Đài Loan, quan hệ Trung-Mỹ v.v. và nhiều chính sách khác.
Nổi tiếng là người theo đường lối Mở cửa, ông Triệu đã bị hạ bệ trong cuộc đấu tranh quyền lực dẫn đến vụ đàn áp Thiên An Môn 04.06.1989.
Theo ông Dương Danh Dy, những người quan tâm tình hình Trung Quốc sẽ nhờ cuốn sách này mà biết được tầm vóc của vụ đàn áp Thiên An Môn.
Sách nói chính quyền dưới sự chỉ đạo của các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng đã đưa vào Bắc Kinh 'Hàng chục vạn quân' để tiêu diệt sinh viên biểu tình.
Các con số từ xưa đến nay chỉ nói tới vài chục nghìn quân mà thôi.
Tư tưởng Triệu Tử Dương
Ông Triệu Tử Dương (Triệu Tu Nghiệp) sinh năm 1919 ở Hà Nam trong một gia đình địa chủ giàu có, đã gia nhập hàng ngũ cộng sản từ năm 1932.
Từng ủng hộ Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, ông bị đả phá, bắt đội mũ lừa trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa khi làm Bí thư Quảng Đông và bị đày đi Nội Mông lao động cải tạo.
Nhưng cùng thời với Đặng Tiểu Bình, ông được phục hồi và lên làm Thủ tướng năm 1980 thay Hoa Quốc Phong, người tưởng đã là nhân vật kế vị Mao Trạch Đông.
Trung thành với đường lối cải cách, kể cả cải cách chính trị dân chủ, ông đã mâu thuẫn với Đặng Tiểu Bình khi Trung Quốc đứng trước các thách thức lớn cùng sự sụp đổ của khối Đông Âu dù trước đó, hai người đồng ý về cởi mở kinh tế.
Lên thay Hồ Diệu Bang đầu năm 1987 làm TBT Đảng, Triệu Tử Dương đưa ra quan điểm Trung Quốc mới chỉ ở thời kỳ sơ khởi của CNXH và phải mất 100 năm mới đạt được mục tiêu.
Vì thế, ông đưa ra quan điểm chọn mô hình kinh tế phức hợp để thúc đẩy sản xuất và tách đảng ra khỏi nhà nước.
Dân nghèo Trung Quốc vẫn khóc ông Triệu mỗi năm vào ngày giỗ
Ông Triệu cũng cổ vũ cho tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Ngày 19.05.1989, ông đã đến thăm sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn.
Ngày hôm sau, thủ tướng Lý Bằng tuyên bố thiết quân luật. Triệu bị bắt và giam tại gia cho đến lúc qua đời.
Hiện nay không chỉ quan điểm của Triệu Tử Dương mà những gì xảy ra với ông vẫn còn là điều cấm kỵ tại Trung Quốc.
Những người đấu tranh cho dân chủ bị bắt khi đến viếng ông tại nhà riêng vào những dịp giỗ chạp.
Đối với dân nghèo, ông trở thành biểu tượng của công lý và của cải cách kinh tế.
Năm 2006, các báo tiếng Hoa ở hải ngoại có đăng bài nói là phỏng vấn với con rể của ông.
Theo đó, gia đình ông Triệu đã gửi thư lên ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đề nghị đánh giá lại vai trò của ông trong giai đoạn Thiên An Môn và sau này nhưng không nhận được hồi âm.
Ông Triệu cũng không được chôn cất tại nơi dành cho các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc.
Tro xương của ông hiện vẫn đang được để trong nhà riêng.
Xem các bài về Triệu Tử Dương và Thiên An Môn ở trang bên
bbc
samedi 16 juin 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire