vendredi 22 juin 2007

Ngày 30 Tháng Tư trong lịch sử

Ngày 30 Tháng Tư trong lịch sử

Wednesday, 19 April 2006
Ngô Nhân Dụng

Thử tưởng tượng đến năm 2075 các cuốn lịch sử Việt Nam sẽ nói gì về ngày 30 Tháng Tư 100 năm trước?

Nhà viết sử sẽ thấy điều quan trọng nhất xảy ra ngày 30 Tháng Tư năm 1975 là một cuộc nội chiến ở Việt Nam kéo dài 16 năm đã chấm dứt, mở màn cho việc thống nhất cả nước sau hơn 20 năm chia cắt. Tính 16 năm, từ Tháng Năm năm 1959, cho tới Tháng Năm năm 1975 là kể từ khi toán quân Bắc Việt đầu tiên theo đường Trường Sơn xâm nhập miền Nam. Sau đó Ðại Hội Ðảng Cộng Sản Việt Nam vào Tháng Chín năm 1960 chính thức hóa chiến lược xâm chiếm miền Nam trong nghị quyết của họ, đến cuối năm thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được cho ra đời, như thể đó là một phong trào phát xuất tự miền Nam.

Nhưng chắc các nhà viết sử sau 100 năm sẽ phải nhìn xa hơn về quá khứ để tìm hiểu những nguyên nhân nào gây nên cuộc nội chiến. Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn vào thế kỷ 17, 18 có thể nói là do hai dòng họ các tướng quân tranh quyền, rồi không bên nào đủ sức thắng bên kia cho nên chiến tranh kéo dài hàng trăm năm. Cuộc nội chiến vào thế kỷ 20 may mắn không dài như lần trước, nhưng số người chết cao gấp bội: Hơn hai triệu người. Sau đó, thêm mấy trăm ngàn người thiệt mạng trên đường vượt biên tìm tự do vì không thể sống dưới chế độ cộng sản.

Những nguyên nhân nào gây ra cuộc nội chiến lớn lần thứ nhì trong lịch sử Việt Nam?

Tìm về tận gốc thì nguyên nhân xa nằm trong sự thay đổi của cả thế giới, đó là sự phát triển của kinh tế tư bản Âu Châu từ mấy thế kỷ trước, đưa tới một phản ứng là lý thuyết Mác xít, phong trào cộng sản và cuộc cách mạng ở Nga năm 1917 thành lập một chế độ cộng sản đầu tiên. Những biến cố này gây mầm mống cho chiến tranh ở Việt Nam vào thế kỷ trước. Từ các biến cố quốc tế đó, thế giới bị chia hai, nhiều dân tộc cũng bị chia thành hai phe theo hai ý thức hệ, trong đó có nước Việt Nam.

Nhưng không phải bất cứ quốc gia nào, không phải nước thuộc địa nào chịu ảnh hưởng tình hình thế giới cũng trở thành bãi chiến trường cho hai khối cộng sản và tư bản tranh hùng làm chết hàng triệu người như ở Việt Nam. Ấn Ðộ không, Indonesia, Thái Lan, Phi Luật Tân cũng không lâm vào cảnh nội chiến bi thảm đó. Những nước chia đôi như Ðức, Trung Quốc (lục địa và Ðài Loan,) cũng không sinh nội chiến. Ở Hàn Quốc chiến tranh chỉ kéo dài ba năm. Có phải các quốc gia đó tình cờ, gặp may mắn hơn nước Việt Nam hay chăng? Hay là những người lãnh đạo ở các nước đó khôn khéo hơn người Việt Nam?

Có một nguyên nhân trực tiếp đưa tới cuộc nội chiến quốc cộng ở Việt Nam, đó là việc ông Hồ Chí Minh, theo đường lối bành trướng của ông Stalin bên Maskva, thành lập Ðảng Cộng Sản Việt Nam với mục đích đưa dân Việt Nam ta tiến tới Chủ Nghĩa Cộng Sản, muốn đứng hàng đầu trong phong trào Quốc Tế Cộng Sản Ðệ Tam. Nhưng các nước chia đôi như Ðức, Trung Quốc, Hàn Quốc sau năm 1954 cũng không có nước nào gây nội chiến. Vậy Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, và rất đáng thương.

Các sử gia sẽ biết nhiều bằng chứng cho thấy ông Hồ Chí Minh tin rằng hành động xâm chiếm miền Nam là ông giúp cho dân tộc Việt Nam được giải phóng và cộng sản hóa, như dân Liên Xô đã được ông Stalin xây dựng cho một xã hội cộng sản. Khẩu hiệu của ông “Yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội” cho thấy nếu ai không theo Chủ Nghĩa Xã Hội thì cũng không yêu nước, ông Hồ muốn cả dân tộc phải yêu nước theo lối của ông. Ông Hồ muốn dân Việt Nam được sung sướng như dân Liên Xô, là nơi ông đã học tập. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng ông đã phạm một lầm lẫn rất lớn là đem một chủ nghĩa không tưởng theo truyền thống Tây Phương tính áp dụng ở nước ta. Hành động này đã làm hại cả dân tộc, cho tới sau năm 1975 vẫn chưa thôi. Cũng giống như ông Stalin đã làm hại dân Nga từ 1925 cho đến năm 1990 mới ngưng, hay ông Kim Nhật Thành đã làm hại dân Bắc Hàn đến đầu thế kỷ 21 vẫn chưa hết.

Lúc Ðảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (sau bị ông Stalin bắt đổi tên là Ðảng Cộng Sản Ðông Dương,) nước Việt Nam đang bị người Pháp cai trị và bóc lột. Người Việt Nam đã nổi lên chống Pháp suốt từ cuối thế kỷ 19, và phong trào đòi độc lập cứ tiếp diễn không bao giờ nguôi. Những chiến sĩ bị người Pháp mới hành quyết thời đó là 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước đều chống Pháp. Tất cả đều mong đuổi người Pháp đi, xây dựng một nước Việt Nam độc lập. Các nhà cách mạng, như những chiến sĩ Quốc Dân Ðảng, đều muốn nước Việt Nam sau khi độc lập sẽ theo một chế độ dân chủ, tự do giống như thể chế của những nước Pháp, nước Trung Hoa sau các cuộc cách mạng 1789 và 1911. Nhưng ông Hồ Chí Minh và các cán bộ Ðảng Cộng Sản Việt Nam thì nghĩ khác. Họ nêu chủ trương rõ rệt là sau khi cách mạng thành công thì sẽ thiết lập ở nước ta một chế độ độc tài theo kiểu của Stalin. Và nước Việt Nam sẽ là một phần của mặt trận vô sản toàn thế giới chống chủ nghĩa tư bản trên thế giới. Khái niệm về quốc gia, về tổ quốc là các tư tưởng lạc hậu.

Các nhà viết sử có thể thấy ý định của ông Hồ Chí Minh, như ông viết trong báo Thanh Niên mà ông xuất bản ở Quảng Châu năm 1925. Ngày 18 Tháng Mười năm 1925 báo này in trên tiêu đề khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” Câu này trích từ Tuyên Ngôn Cộng Sản. Ngày 20 tháng 12 năm 1926 ông Hồ viết: “Cái danh từ tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đầu nhân dân... để buộc những người vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ và quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực ra, chẳng có tổ quốc, cũng chẳng có biên giới.” Không ai có thể phủ nhận ý định rõ rệt của ông Hồ Chí Minh.

Sự ra đời của một đảng cộng sản đã đặt cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam một vấn đề mới: Lựa chọn giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa quốc tế. Và ông Hồ Chí Minh đã chọn đường lối quốc tế.

Ðó là lý do ở nước ta, từ năm 1930 cho đến gần đây khi khối cộng sản quốc tế tan vỡ ở Nga, vẫn có hai xu hướng chính trị đối nghịch, quốc gia và quốc tế. Và đó cũng là lý do nước ta bị chia đôi, rồi lâm vào cảnh chiến tranh suốt 16 năm. Khi thế giới chia đôi giữa hai khối tư bản và cộng sản, nước Việt Nam trở thành chiến địa cho hai thế lực quốc tế đó, làm nơi thí nghiệm các loại vũ khí, các chất hóa học trừ cây cỏ.

Có quốc gia nào trong số các nước nghèo ở Á Châu thoát khỏi cảnh đó hay không? Indonesia, Mã Lai, Ấn Ðộ v.v... không lâm vào cảnh đó. Vì ở nước họ không có những đảng cộng sản lớn, mạnh như Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Ở các nước này, những nhà cách mạng có xu hướng quốc gia đã không bị các đảng cộng sản sát hại trước khi cuộc tranh đấu vũ trang đòi độc lập bắt đầu. Ở Việt Nam thì ông Hồ Chí Minh đã lo thanh toán những người lãnh đạo có xu hướng quốc gia, trước khi đánh nhau với Pháp, thanh toán cả những nhà cách mạng Cộng Sản Ðệ Tứ Quốc Tế. Ðó là đường lối của Stalin.

Trong lịch sử Việt Nam thì cuộc nội chiến chấm dứt năm 1975 chỉ là một giai đoạn trong một cuộc tranh chấp lâu dài hơn giữa hai chủ trương lập quốc sau khi thoát nạn thực dân. Một bên là những người muốn đưa nước ta vào làm một thành phần, một đội quân đi hàng đầu trong mặt trận quốc tế do Liên Xô lãnh đạo. Bên kia là những người chủ trương lấy dân tộc làm mục đích chính yếu. Một bên muốn thiết lập chế độ chuyên chính của đảng cộng sản, tổ chức kinh tế theo lối hoạch định tập trung. Bên kia muốn tùy nghi học hỏi theo kinh nghiệm các nước tự do dân chủ với hệ thống kinh tế thị trường, cũng gọi là kinh tế tư bản.

Cuộc chiến tranh đã chấm dứt ngày 30 Tháng Tư là một điều may cho dân tộc vì cảnh máu đổ đã chấm dứt. Nhưng đó cũng là một ngày tang thương vì những người tin tưởng ở tự do, dân chủ, và lựa chọn kinh tế thị trường, đã thua trận. Hơn 10 năm sau thì Ðảng Cộng Sản Việt Nam mới quay đầu ngược lại, cũng tìm cách theo kinh tế thị trường, và lúng túng suốt 15 năm sau đó vẫn chưa xong. Vì một guồng máy chuyên chính, độc quyền rất khó thay đổi; họ sợ thay đổi nhanh quá, dân Việt đòi tự do thêm thì chính các đảng viên sẽ bị mất nhiều quyền lợi đang được hưởng.

Nhưng 30 Tháng Tư năm 1975 cũng là ngày bắt đầu giai đoạn suy tàn của Ðảng Cộng Sản ở Việt Nam. Vì khi chiến tranh chấm dứt rồi thì Ðảng Cộng Sản Việt Nam không thể núp dưới danh nghĩa yêu nước để lôi cuốn nhân dân như trước nữa. Họ không còn có thể biện minh cho các chính sách độc đoán như họ vẫn làm. Ðảng Cộng Sản để lộ bộ mặt thật của họ, là một guồng máy cai trị độc tài, tham nhũng và bất lực trước vấn đề hiện đại hóa đất nước. Người dân Việt có dịp so sánh hai chế độ ở miền Nam và Bắc trước năm 1975. Nhiều nhà trí thức miền Bắc nhìn thấy những dấu vết của một xã hội tự do ở miền Nam, mặc dù chưa hoàn toàn tự do nhưng vẫn còn dễ thở hơn ở miền Bắc. Sự sụp đổ của các nước cộng sản ở Âu Châu càng giúp người Việt Nam thấy rõ những nhược điểm của chế độ mà ông Hồ Chí Minh đã gây dựng lên theo kiểu mẫu ông học ở Nga Xô.

Các nhà viết sử sau này có thể còn tìm ra những tài liệu bên trong văn khố của Ðảng Cộng Sản Việt Nam mà vào năm 2004 chúng ta chưa biết. Một vài nhà trí thức miền Bắc cho tôi biết vào những năm 1976, 1977 ông Lê Duẩn - Bí Thư Thứ Nhất của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đã có dự án làm một cuộc cách mạng toàn diện và triệt để trên toàn quốc, lấy tỉnh Nghệ Tĩnh làm thí điểm. Cuộc cách mạng tập thể hóa triệt để này tương tự như chương trình của Pol Pot ở Cam Pu Chia. Ông Lê Duẩn vốn có mộng làm một lý thuyết gia lớn trong dòng tư tưởng của Chủ Nghĩa Cộng Sản; ông đã viết về “Ba dòng thác cách mạng” với nhãn quan toàn thế giới. Chiến thắng năm 1975 được ông coi là chứng mình các tư tưởng của ông đúng. Cho nên người ta sẽ không lấy làm lạ nếu ông muốn thực hiện các tư tưởng của ông trong cuộc cách mạng kinh tế và xã hội, bằng cách đem nông dân Nghệ Tĩnh ra làm thí nghiệm. Rất may cho dân tộc Việt Nam là kế hoạch của ông Lê Duẩn đã phải ngưng, vì Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam phải lo đối phó với các vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Cam Pu Chia cũng như biên giới Trung Quốc. Ðến năm 2075 chắc các sử gia đã tìm ra được những tài liệu rõ ràng về chương trình cộng sản hóa nông thôn của ông Lê Duẩn, để đánh giá đầy đủ hơn.

Ðến năm 2075 thì những người Việt Nam đọc lịch sử nước mình sẽ thấy ngày 30 Tháng Tư năm 1975 là một ngày đáng mừng, vì nó mở đầu việc thống nhất đất nước, nhưng cũng báo hiệu giai đoạn suy tàn của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Trước khi phong trào cộng sản thế giới ở Âu Châu sụp đổ năm 1989 thì dân Việt Nam đã nhìn thấy các nhược điểm của hệ thống quản lý xã hội theo lối cộng sản rồi, khi nạn đói diễn ra từ Bắc vào Nam. Người ta sẽ chỉ tự hỏi tại sao guồng máy cai trị đó không sụp đổ nhanh hơn, như ở các nước Ðông Âu và Nga, để dân Việt Nam có cơ hội phát triển nhờ được sống tự do sớm hơn.

Nước Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong lịch sử trong mấy thế kỷ liền, thật đáng tiếc. Lúc người Tây Phương bắt đầu sang Á Châu thì nước ta bị chia đôi, thời Trịnh Nguyễn. Giữa thế kỷ 19, nếu chính quyền nhà Nguyễn biết canh tân đất nước khi bắt đầu tiếp xúc với Tây Phương, thì chắc nước Việt Nam đã khá, nếu không tiến nhanh bằng Nhật Bản cũng phải tiến bằng Thái Lan. Ðến cuối thế kỷ thứ 20 nếu chính quyền cộng sản biết thay đổi toàn diện và nhanh chóng thì chắc nước Việt Nam không đến nỗi thua kém các nước lân bang như Mã Lai, Cam Bốt, Phi Luật Tân trong thế kỷ 21.

Một bài học mà người Việt Nam năm 2075 có thể rút ra từ kinh nghiệm 200 năm trước, là đừng bao giờ tin ở một chế độ độc tài. Nhất là một chế độ dựa trên một hệ thống tư tưởng giáo điều, hủ lậu, cố chấp, như vua quan nhà Nguyễn và vua quan cộng sản. Năm 2075 chắc người Việt Nam khôn ngoan hơn cha ông họ nhiều lắm, mà loài người chắc cũng vậy. Hy vọng thế hệ con cháu chúng ta sẽ sống hạnh phúc, an hòa hơn.

Ngày 30 Tháng Tư trong lịch sử

Aucun commentaire: