lundi 18 juin 2007

Chiến Tranh, Bản Chất và Mục Đích

Chiến Tranh, Bản Chất và Mục Đích

1). Mối Tương Quan Nhân Tính.

Mâu thuẫn và xung đột là những hiện tượng thường thấy trong xã hội loài người. Đó cũng là một khía cạnh căn bản của nhân tính được biểu lộ rõ rệt nhất trong mối tương quan giữa người với người. Từ những kết hợp nhỏ như gia đình đến những tổ chức lớn lao vĩ đại như xã hội, dân tộc, quốc gia, nhân loại ... đều có dấu vết của mâu thuẫn và xung đột. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, tùy theo lãnh vực xảy ra mâu thuẫn và xung đột mà chúng ta có những ngôn từ thích hợp.

Bài viết này chỉ đề cập đến chiến tranh, tức là ở phần cao nhất của mối mâu thuẫn giăng mắc giữa Quyền và Lực của những thực thể như xã hội, quốc gia, dân tộc... Chiến tranh là điều ai cũng e sợ, kinh khiếp vì bản chất tàn nhẫn gây giết chóc đỗ vỡ của nó , nhưng ở một khía cạnh khác tích cực hơn, chiến tranh lại là một nhu yếu của nhân loại, có mục đích dùng để giải quyết những bế tắc căn bản mà những vận dụng ngoại giao chính trị đã không đạt được kết quả như dự ước. Với thành quả chiến tranh, (chiến thắng hay chiến bại) mối tương quan quyền lợi giữa những đối thủ được sắp xếp lại theo một trật tự mới căn cứ vào khả năng võ lực hiện có. Cũng trong bài viết này, giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc Việt Nam từ 1945 - 1954 sẽ được dùng như một điển hình để minh chứng bản chất và mục đích của chiến tranh.

Để tránh ngộ nhận, có một điều cần phải xác quyết đây là cuộc chiến tranh quật khởi của toàn dân Việt Nam chống đế quốc thực dân Pháp để dành độc lập, tự do, hạnh phúc. Sức mạnh cảm xúc vô biên của lòng yêu nước thương nòi, đã thúc đẩy đại khối dân tộc gạt bỏ những tị hiềm thua thiệt cá nhân, để đoàn kết chấp nhận hy sinh xương máu cho sự vinh quang của tổ quốc và lý tưởng cao đẹp Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, chứ không phải chủ nghĩa Mác Xít Lê Nin Nít với đấu tranh giai cấp làm suy yếu nước nòi. Dân tộc Việt Nam đã thật sự chiến thắng thực dân Pháp, nhưng dân tộc Việt Nam cũng đã bị dối gạt bởi những người Cộng Sản giả danh Quốc Gia. Họ đã phản bội lý tưởng "Tổ Quốc Trên Hết", định đề của những hệ luận Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc khi đưa tổ quốc Việt Nam vào quỹ đạo nô lệ để phục vụ tham vọng của đế quốc Cộng Sản bằng những dịch vụ xương máu, được gọi một cách hoa mỹ là "làm nghĩa vụ quốc tế cao đẹp" ...

2). Chiến Tranh

A. Định nghĩa chữ chiến tranh


Chiến tranh là một danh từ kép gồm hai chữ Chiến và Tranh. Riêng chữ Chiến có nghĩa là đánh nhau, hai bên bày trận để phân thắng bại, hơn thua. Phân tích tự dạng theo lối chiết tự thì Chiến ( ) gồm bộ Qua ( ) là cái mác một loại binh khí thời cổ và chữ Đơn ( ) là cô đơn, lẻ loi, trái nghĩa với chữ Phúc rất nhiều. Kết hợp hai ý trên thì Chiến là dùng võ lực để loại đối thủ đoạt địa vị chí tôn, vì một nước không thể có hai Vua. Còn chữ Tranh có nghĩa là giành giật, cãi cọ để được hơn người. Chữ Tranh ( ) thuộc bộ Trảo ( ) tức là móng chân, móng tay ở loài người hay là móng vuốt của loài thú dùng để tự vệ hay sát hại con mồi.

Vậy chiến tranh là mức độ cao nhất của mối mâu thuẫn giữa hai hay nhiều thực thể phải tất yếu giải quyết bằng sức mạnh của gươm giáo, súng đạn. Ở đó, kẻ chiến thắng bao giờ cũng áp chế kẻ chiến bại bằng "công lý" của sức mạnh võ lực.

B. Bản chất của chiến tranh

Riêng trong thế kỷ hai mươi vừa qua, nhân loại cũng đã chứng kiến hai cuộc thế chiến và vô vàn các cuộc chiến tranh địa phương có tính chất cục bộ. Hơn ai hết, người Việt chúng ta trong cái bất hạnh phải chấp nhận sống trong tình trạng chiến tranh thường trực, kéo dài từ năm 1940 đến nay, tất phải nhìn rõ cái khuôn mặt khủng khiếp của chiến tranh. Hai trái bom nguyên tử nổ ở Hiroshima và Nagasaki vào thượng tuần tháng 8 năm 1945, đã làm cho cả nhân loại kinh hoàng vì tính chất phá hoại tàn khốc và quy mô của loại vũ khí khoa học hiện đại. Qua những tài liệu báo cáo về tổn thất nhân mạng và tài sản, chắc chắn cũng đã không tạo được những ấn tượng hãi hùng trong tâm khảm người Việt Nam bằng những kinh nghiệm đẫm máu như Đại Lộ Kinh Hoàng, Mậu Thân Huế và những cuộc "di tản chiến thuật" hay các cuộc tháo chạy của người dân miền Nam khi Cộng Sản tiến chiếm Sài Gòn vào năm 1975 (sẽ có một bài viết khác cho cuộc chiến năm 1975 đến nay). Lý do thật giản dị, vì nó có liên hệ sâu sắc và có ảnh hưởng trực tiếp đến thân phận chúng ta.

Bản chất của chiến tranh là chém giết, đốt phá, tróc nã ... và vũ khí, gươm đao, bom đạn là những thứ vô tình. Một khi đao kiếm đã hoa lên, tên đã rời khỏi dây cung, đạn đã bắn ra khỏi nòng, bom (hỏa tiễn) đã rời dàn phóng bay lên, thì mọi sự xét lại đều quá chậm so với độ bay của hỏa tiễn. Lúc đó tất cả đều tuân theo những luật tắc của khoa học chính xác đến độ lạnh lùng và không bao giờ có trường hợp ngoại trừ.

Nhân loại từ cổ chí kim vẫn đề cao con người như một linh thiêng đứng đầu vạn vật, "linh ư vạn vật". Người Cộng Sản duy vật cũng luôn miệng đề cao "Người là vốn quý", nhưng trong thực tế tàn nhẫn của thời chiến cả con người lẫn nhân phẩm đều bị Cộng Sản hủy hoại, chà đạp một cách thô bạo.

Có một cuộc chiến nào mà không có nhà cháy, người chết những mất mát vật chất, những đổ vỡ tình cảm, những suy sụp tinh thần?. Đứng trên nhiều phương diện, người ta có thể đồng ý với nhau coi chiến tranh là một thảm họa để kết tội và xua đuổi chiến tranh; nhưng chiến tranh vẫn còn đó, vẫn gần gũi với chúng ta nhiều hơn nửa, tồn tại thường trực như một nhu cầu thực tiễn không thể loại bỏ, như một cây cầu chênh vênh tất yếu phải vượt qua để đi đến đích điểm: Lý tưởng Tự Do, Độc Lập, Hạnh Phúc trong hòa bình mà loài người mơ ước.

Vì lòng yêu chuộng hòa bình, hay nói đúng ra vì lòng yêu sống và ghét chết nên loài người đã e sợ chiến tranh và ảo tưởng coi chiến tranh như một tình trạng bất thường, trong khi đó chính hòa bình mới là một sự hãn hữu, một tình trạng mong manh. Câu nói thời danh vẳng lại từ ngàn xưa ở phương trời Âu: "Muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh" vẫn còn đúng tận đến giờ.

Phương ngôn Việt Nam có câu "mềm cắn rắn buông" phản ảnh sự thấu triệt nhân tính của ông cha ta trong thuật trị quốc. Văn Mô bao giờ cũng đi kèm với Võ Lược "Văn dìu cánh phượng yên trăm họ, Võ thét oai hùng dẹp bốn phương", với một triều đình gồm đủ hai hàng Văn quan, Võ tướng, với một sách lược phối hợp hành động thật nhịp nhàng "Tiên Lễ Hậu Binh". Nói đến quân binh tất là nói đến bộ máy chiến tranh. Tôn Tử binh gia lừng danh kim cổ, đã đưa ra những quy luật chiến tranh được quan niệm đúng đắn như quy luật khoa học xây dựng trên định đề căn bản "Binh là việc lớn của quốc gia". Nước nguy hay an chủ yếu là ở khả năng tự vệ bằng võ lực. Vì trọng đức hiếu sinh nên tổ tiên người Việt tự ngàn xưa, đã coi việc dùng binh là hung khí và không dám khinh xuất lạm dụng, nhưng không có nghĩa là không dám chấp nhận chiến tranh với những quy luật tàn bạo của nó. Trương Dự một trong mười nhà chú giải binh pháp đã làm rõ ý của Tôn Tử về bản chất chiến tranh như sau:

"Nhân Nghĩa có thể trị nước mà không thể trị quân. Quyền Biến có thể dùng trị quân mà không thể dùng trị nước. Cái lẽ nó phải như thế. Quắc Công không làm điều từ ái mà bị nước Tấn diệt mất. Tấn Hầu không chịu giữ bốn đức mà bị nước Tần đánh thua. Ấy là không lấy nhân nghĩa để mà trị nước đó. Tề Hầu không bắn người quân tử mà bị hại với nước Tấn. Tống Công không bắt người hai thứ tóc mà bị thua với Sở. Ấy là không lấy quyền biến mà trị quân vậy. Cho nên đáng nhân nghĩa mà dùng quyền quyệt thì nước tất nguy, như nước Tấn nước Quắc đó; đáng biến trá mà chuộng lễ nghĩa thì binh tất bại, như nước Tề nước Tống đó. Vậy cái đạo trị quốc vốn không thể đem dùng trị quân được".

Sự ngộ nhận Đạo trị quốc với Thuật làm chiến tranh đã đưa đến những ngộ nhận vô cùng tai hại, cũng là nguyên nhân diệt vong của nhiều nước nòi. Đành rằng tín nghĩa là điều phải trọng, lừa người là chuyện đáng chê trách, nhưng Khổng Minh cả một đời chuyên dùng mưu thuật lừa ngưòi sao lại được nhân dân Tứ Xuyên ngàn năm hương khói, được sử sách ghi lại như gương sáng của một trung thần lương đống?. Đại Vương Trần Hưng Đạo hai lần thắng cường địch bằng những quỷ kế, mưu thần, chém Phạm Nhan, giết Ô Mã Nhi mà lúc chết lại được muôn dân thờ phụng?. Có phải chăng đó là cái hơn người của bậc đại trí biết phân biệt nên không, tùy lúc, tùy nơi, tùy người mà ứng dụng không câu nệ tiểu tiết, khuôn sáo!. Riêng Dực Tông tức vua Tự Đức, khi đọc đến việc giết Ô Mã Nhi của Hưng Đạo Vương có hạ bút phê bốn chữ "Bất nhân phi nghĩa". Dực Tông là ông vua nhân từ hiếu thuận, giỏi văn thơ ... nhưng những phẩm tính đó chưa đủ để làm một người của một dân tộc đang phải đối đầu với hiểm họa ngoại xâm và sự phân hóa nội bộ. Bốn chữ "Bất nhân phi nghĩa" mà Tự Đức phê cho Đại Vương Trần Hưng Đạo đã chứng tỏ là Tự Đức thiếu một nhãn quan chính trị sắc bén, không nhìn được xa, không trông được rộng để phát hiện kẻ thù, phân loại kẻ thù và thiết kế dự mưu đối phó. Tự Đức đã lẫn lộn giữa Đạo trị quốc và Thuật làm chiến tranh. Đó là sự ngộ nhận tai hại đưa đến nguyên nhân trực tiếp của hơn 80 năm nước Việt Nam bị Pháp đô hộ.
Bản chất của chiến tranh là phá hoại, triệt hạ gây chết người, mất của, đói rét, nghèo khổ, ngu dốt, trụy lạc và bệnh tật ... rồi đi đến diệt vong. Hiểu được bản chất của chiến tranh tất hiểu được thể dụng của chiến tranh. Chiến tranh là một phương tiện, một phương tiện tối hậu để thực hiện một mục tiêu, đạt được một mục đích sau khi những phương tiện khác đã được xử dụng nhưng thất bại.

C. Mục Đích Của Chiến Tranh

Chiến tranh là một phương tiện và như một phương tiện, chiến tranh tự nó không tốt, không xấu. Tốt hay xấu là tùy theo người làm chiến tranh và mục đích mà chiến tranh nhằm thực hiện. Cũng như một khẩu súng được xử dụng trong mục đích tự vệ chính đáng hay được dùng để uy hiếp dọa người, cướp của. Trước công lý loài người, không phải là chiến tranh mà là kẻ dùng chiến tranh phục vụ cho mưu đồ đen tối cá nhân và bè nhóm bị xét xử rồi kết tội. Tòa án quốc tế Nuremberg đã xử tử, xử tù những tội phạm chiến tranh người Đức trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Nhưng điều đáng cho chúng ta suy nghĩ là Hitler và những cộng sự viên chỉ trở thành tội phạm xét xử sau khi họ đã là kẻ chiến bại, đã thua trận.

Trên thế giới hiện nay vẫn còn biết bao nhiêu những bạo chúa, độc tài phạm đủ loại tội lỗi trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Họ đang sống phè phỡn trong kiêu sa, sống thừa thãi trên nỗi thống khổ, đói rét, bệnh tật của toàn dân họ. Thực tế , họ đã là tội phạm ít ra là đối với dân tộc họ. Nhưng làm sao xét xử họ theo công lý của loài người khi quyền uy còn nằm trong tay họ và tiếp tục lan rộng, vươn dài theo khả năng tác xạ của tầm bom, đạn khi họ còn được bảo vệ bởi cả một hệ thống chính quyền? ! ...

Để chống lại những thế lực đã có đó tất nhiên phải tạo ra một thế lực mới. Để chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược tất nhiên cũng phải thực hiện một cuộc chiến tranh tự vệ. Mục đích xâm lược và mục đích tự vệ, tự bản chất đã nói lên được mục đích tốt xấu của cuộc chiến và phủ lên cuộc chiến một ý nghĩa bẩn thỉu, hay một lý tưởng xứng đáng cho sự hy sinh xương máu của nhân dân và sự đồng tình hổ trợ của cả loài người.

Lý tưởng là một mục đích cao đẹp dùng để hướng dẫn hành động. Lý tưởng chính nó đã là sức mạnh có hấp lực quấn hút và thuyết phục lẽ phải, chính nghĩa và chân lý. Vì nhu cầu biện minh cho mục đích của hành động, nên chiêu bài cũng được đặt ra. Chiêu bài là bảng hiệu quảng cáo thương mại được treo cao để tạo sự chú ý của quần chúng và chiêu dụ khách hàng. Trong chính trị chiêu bài là một lý tưởng giả mạo, vì thực chất không dùng đúng danh xưng, chủ ý là để lừa gạt đám đông nhẹ dạ cả tin kiểu gian thương "treo đầu dê bán thịt chó". Vì vậy ta phải sáng suốt phân biệt chân, giả, đâu là thực chất, đâu là chiêu bài để khỏi bị lừa dối đau thương:

*. Đạo nghĩa gớm cho quân lợm khẩu,
*. Nhân quyền khiếp cả lũ xanh ngươi !
(Đạo trường ngâm - X. Y. Thái Dịch Lý Đông A)

Lý tưởng Quốc Gia Dân Tộc là một lý tưởng vô cùng cao đẹp nhưng nó đã bị những người Cộng Sản xử dụng như một chiêu bài trong cuộc kháng chiến chống Pháp để tạo danh: có chính nghĩa, để tạo lực: có sự đoàn kết và tạo thế: nắm chính quyền. vì là chiêu bài nên Lý Tưởng Quốc Gia chỉ được xử dụng tùy giai đoạn và như một hậu quả tất yếu, những người Quốc Gia tham gia kháng chiến đã bị thủ tiêu, tù đày, bôi nhọ hay phải trốn chạy. Vì lòng yêu nước nhiệt thành mà biết bao nhiêu kẻ đã ngộ nhận về bản chất người Cộng Sản và mục đích tối hậu của con người Cộng Sản là để làm cho chúng ta phải sống đau, chết hận với những lỗi lầm đã trót phạm phải mà ăn năn một đời khôn nguôi:

... Than ôi! Tôi là một kẻ ngu trung
Thân chiến sĩ đi a tòng lang sói ...
(Kỷ Niệm Vào Thu - Chu Phụng Kỳ)

Dưới ngọn cờ của chính nghĩa, chiến tranh là một phương tiện để thực hiện lý tưởng. Chiến tranh là phải hao tổn tài sản, xương máu của toàn dân. nhưng đó là sự hy sinh cao cả, cần thiết và được mọi người chấp nhận. Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc và Hòa Bình là những thứ hiếm có trên đời, không thể bỗng nhiên mà có như lượm được của rơi, cũng không ai có dư để có thể đem phát cho không cho mọi người. Trái lại, đó là thứ phải Chiến để mà có, phải Tranh để mà được. Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc và Hòa Bình là những kết quả trực tiếp hay gián tiếp của sự đấu tranh, giữa những hệ thống quyền lực giăng mắc chằng chịt khắp thế giới của những thực thể quốc gia, của những liên minh chính trị, của những khối quân sự.

Quyền và Lực bao giờ cũng tạo tương xứng. Lực là điều kiện cơ bản để tạo Quyền. Vô lực tức sẽ vô quyền. Đó là một chân lý đúng ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ thời đại nào được phản ảnh rõ rệt trong những điều khoản luật quy định về sự vô năng lực của cá nhân. Trong đấu tranh, chiến tranh là hình thức cao độ và hữu hiệu nhất để hai bên lâm chiến, có cơ hội để duyệt xét lại quyền lực của mình một cách thực tế và rồi sẽ thiết lập lại một mối tương quan xứng hợp. Do đó bản chất hòa bình chỉ là một sự thăng bằng về quyền lực giữa hai thực thể đối nghịch nhau.

Với những người bị áp bức, đè nén, dối gạt, phản bội, chiến tranh là một sự cần thiết, một giải pháp tất yếu, một thời cơ thuận lợi để đánh đổ kẻ thù bằng Lực đòi lại Quyền sống, quyền làm người. Giá của việc thực hiện lý tưởng là giá máu xương của những người đã giác ngộ, quyết làm và dám chết một cách hiên ngang như những kẻ chịu chết để bảo vệ lòng tin yêu. Không đổ máu tất không xoay chuyển được vận mạng của dân tộc mình, cho chính mình và cục diện thời đại. Vì chỉ có đồng đẳng con người mới có bình đẳng thật sự, sự kỳ thị vẫn là một thực tế đang tồn tại trong nhiều xã hội.

Không có những cuộc chiến tranh tự vệ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, không có cuộc chiến tranh quật khởi của Lê Lợi ..., thì Việt Nam chẳng còn tới ngày nay, mà chịu chung số phận bị đồng hóa như những chi Việt khác ở Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây. Khi tổ quốc đã không còn dân tộc đã bị diệt vong thì lý tưởng Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc và Hòa Bình chỉ là những sáo ngữ, trơ trẽn vô duyên.

Nhưng chiến tranh chỉ là một phương tiện, như là một phương tiện, chiến tranh có thể được dùng cho nhiều mục đích khác nhau tùy theo mưu tính của người nắm quyền lực.

Phát xuất từ những mưu tính này là những Chính Lược căn bản có tính cách toàn diện, ở đó chiến tranh và chiến lược chỉ đạo và chiến thuật áp dụng chỉ được coi là thành phần, nhưng tùy hoàn cảnh sẽ giữ vai trò hổ trợ, phụ thuộc hay sẽ trở thành chủ yếu trong số các mặt trận ngoại giao, kinh tế, gián điệp, tuyên truyền ... Với khối trục Đức-Ý-Nhật, chiến tranh đã được coi như là phương tiện chính để bành trướng quyền lực hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Với khối Cộng Sản và các cường quốc Anh, Pháp ..., cuộc chiến tranh Việt Nam với sự tham dự của Hoa Kỳ cho tới tháng 4/1975, chỉ là cục bộ có tính cách hổ trợ dùng làm suy yếu tiềm năng kinh tế và uy tín Hoa Kỳ trên toàn cầu. Nghĩa là chiến tranh được dùng như một phương tiện kéo Hoa Kỳ xuống để họ lên xấp xỉ ngang hàng.

Và với chúng ta, trường hợp Việt Nam hiện giờ chỉ có thể giải quyết bằng một Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Dân Tộc và Nhân Chủ được thực hiện từ Bắc chí Nam với sự hổ trợ của các mặt trận ngoại giao, tuyên truyền ..., và mục đích tối hậu của cuộc chiến tranh đó là: Để đạt một nền hòa bình công chính, không những cho riêng Việt Nam mà cho cả Đông Nam Á và Á Châu, tạo ra một trật tự mới cho thế giới, ở đó đóa hoa lý tưởng Độc Lập, Tự Do, Bình Đẳng, Ấm No và Hạnh Phúc sẽ đời đời tươi thắm.

3). Kinh Nghiệm Lịch Sử

* - Thời lai đồ điếu thành công dị
* - Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
(Đặng Dung)

Cuộc chiến Việt Pháp bắt đầu ngày 19 tháng 12 năm 1946 và kết thúc ngày 20 tháng 7 năm 1954 bằng hội nghị Genève chia đôi đất nước ngang vĩ tuyến 17. Dưới cái nhìn bao quát toàn thể, trong bối cảnh của một thế giới đang phân cực và tranh giành ảnh hưởng, cuộc chiến Việt, Pháp trở nên phức tạp với những âm mưu can thiệp của các thế lực quốc tế luôn luôn khuynh loát lẫn nhau. Lý tưởng giành độc lập, tự do cho tổ quốc, xây đắp một tương lai no ấm trong hòa bình cho dân tộc, là một mục đích tối thượng đối với những người quốc gia, thì trái lại với người Cộng Sản, đó chỉ là một chiêu bài có tính giai đoạn.
Mục đích của họ vươn ra ngoài biên cương quốc gia và dẫm lên quyền lợi dân tộc, để phục vụ cho chủ thuyết Mác Xít Lê Nin Nít, tạo lập một siêu đế quốc thống trị toàn thế giới. Sự khác biệt sâu sắc về lập trường chính trị, đã tất yếu đưa đến sự xung đột Quốc - Cộng và sau năm 1954 là sự hình thành của hai nước Việt Nam
.

Tuy nhiên trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, giai đoạn lịch sử 1945 - 1954 được nhìn lại chỉ để tìm hiểu xem người Cộng Sản trong vai trò "lãnh đạo" đã khôn khéo dùng chiến tranh như một phương cách để loại bỏ những người Quốc Gia ra sao?. Họ đã đạt được những mục đích gì?. Người Pháp tại sao lại thua trận?. Họ đã phạm vào những sai lầm căn bản nào trên phương diện chính trị cũng như trong lãnh vực quân sự?.

A. Chiến Tranh và Người Cộng Sản

Người Cộng Sản đã tỏ ra khôn khéo khi vận dụng chiến tranh như một phương tiện tạo nên uy tín chính trị cho chính họ, một phương tiện để thủ tiêu và vô hiệu hóa kẻ tử thù là người Quốc Gia và kẻ thù giai đoạn là thực dân Pháp. Họ chính là người đã đuợc lãnh nhận tất cả những "vinh quang" do chiến thắng đưa lại. Họ thành công trong chiến tranh nhưng người Cộng Sản đã thất bại trong hòa bình. Sự đói nghèo, chậm tiến, lạc hậu của miền Bắc sau hơn 50 năm xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa và cũng như miền Nam sau gần 30 năm "giải phóng", là một bằng chứng tỏ rõ tính cách tay sai mà người Cộng Sản chỉ là công cụ của Đảng, đảng Cộng Sản Hà Nội trong vai trò "cai thầu lãnh đạo" một dân tộc, để cung ứng những dịch vụ xương máu cần thiết cho âm mưu bành trướng thế lực Cộng Sản quốc tế. Mặt nạ của đảng Cộng Sản Hà Nội đã rơi xuống để toàn dân Việt nhìn rõ chân tướng sài lang của bọn Hồ, Duẫn, Chinh, Đồng và giới cầm quyền chóp bu nội thù hiện tại, chỉ là những kẻ buôn dân, bán nước, làm tay sai, tôi mọi cho ngoại xâm.


B. Những Nhận Định Sai Lầm Về Người Cộng Sản

Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, mọi phong trào quần chúng và các tổ chức chính trị đều bị đàn áp thẳng tay và trừng trị nặng nề bằng sự giết chóc, tù đày, khổ sai. Trong sự khao khát độc lập, tự do, quần chúng đã quan niệm một cách giản dị là: "làm cách mạng chống Pháp là yêu nước". Và người Cộng Sản với những thành tích xách động quần chúng chống Pháp, những thành phần bất hảo bị tù đày, cũng được Cộng Sản coi là những người yêu nước. Trong thập niên 1940's, chủ nghĩa Cộng Sản là một cái gì xa lạ không riêng với quần chúng, mà ngay cả giới trí thức có hoạt động đảng phái hay đã từng tham gia chính quyền. Bằng chứng là Trần Trọng Kim với tư cách thủ tướng chính phủ, đã hết lòng can thiệp với Bộ Tổng Tư Lệnh Nhật ở Hà Nội để xin tha cho những cán bộ Cộng Sản bị Nhật bắt giữ. Bà Cả Tề một nhân sĩ đã hết lòng che chở cho các đảng viên cao cấp Cộng Sản, khi họ hoạt động ở ngoài và đi thăm nuôi khi họ bị bắt cầm tù. Hình như tất cả đã cố tình quên đi những sự thật lịch sử phủ phàng đáng suy gẫm về bản chất tráo trở của các lãnh tụ Cộng Sản. Cụ Phan Bội Châu đã bị bán cho mật vụ Pháp bắt với giá mười vạn đồng vào ngày 30 tháng 6 năm 1925, người chủ mưu bán Cụ Phan không ai khác hơn là Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau này và Lâm Đức Thụ một đảng Viên Cộng Sản. Ngoài Cụ Phan Bội Châu, các thanh niên thuộc các đảng phái Quốc Gia không theo Cộng Sản đều bị Cộng Sản mật báo cho Pháp bắt khi những người này lén lút trở về Việt Nam tổ chức cơ sở và hoạt động quần chúng (Đây là những kinh nghiệm bằng Máu và nước mắt của những người đi trước để cảnh tỉnh giới trẻ ở hải ngoại và những người đang tranh đấu nhưng thiếu kinh nghiệm hiện nay, phải nhìn cho thật rõ đâu là chính nghĩa đâu là gian tà, kẻo sa chân vào cạm bẩy của kẻ nội thù Cộng Sản và ngoại xâm phương Bắc đang giương ra). Đây là một sách lược thủ lợi đôi đường vừa hiểm độc mượn tay Pháp diệt được các đảng viên trung kiên, nòng cốt của những đảng phái Quốc Gia đối thủ của đảng Cộng Sản khi thời cơ đến cùng ra tranh thủ quần chúng, mà cũng vừa là một hình thức kinh tài (của Cộng Sản) để hoạt động và cũng để giữ được mối giao hảo ngấm ngầm với thực dân Pháp. Sau này vào năm 1943 lại chính Nguyễn Hải Thần, lãnh tụ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội đã can thiệp với Trương Phát Khuê, một tướng lãnh Quốc Dân Đảng Trung Hoa để tha cho Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh lúc đó đang bị bắt giam vì hoạt động Cộng Sản. Trương Phát Khuê đồng ý nhưng bắt Hồ Chí Minh phải từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản và gia nhập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội tức Việt Cách.

Đại để là người Quốc Gia đã quá khinh xuất không phân định được ai là kẻ đồng hội, ai là người đồng thuyền, ai là thành phần chủ lực trung kiên, ai là đồng minh giai đoạn, ai là tối hậu địch nhân, ai là tương đối địch nhân, ai là người Quốc Gia, ai là kẻ nội thù Cộng Sản, chúng ta phải phân biệt, thẩm định và xếp loại kẻ thù.


C. Những Cơ Hội Thuận Lợi Dành Cho Cộng Sản Việt Nam

Ngày 23 tháng 8 năm 1939 trùm Cộng Sản Stalin ký với Hitler một thỏa ước bất tương xâm giữa Nga và Đức. Với hiệp ước này, Cộng Sản Nga mở rộng biên cương về phía Tây bằng cách sát nhập một nửa nước Ba Lan và một số đất đai quanh vùng. Cộng Sản Nga ngồi nhìn thế giới chiến tranh, đóng vai trò ngư ông thủ lợi.

Vào tháng 6 năm 1941, Hitler bất thần tung quân xâm chiếm Nga. chỉ trong khoảng 5 tháng Đức đã chiếm được một phần lớn nước Nga, kiểm soát 40% dân số, khai thác hơn 60% tổng sản lượng than và thép của Nga. Nga tổ chức kháng chiến chống Đức. Trước đó ít lâu, Hồ Chí Minh được lệnh rời Mạc Tư Khoa về nước hoạt động, phát triển đảng và bắt liên lạc với Đồng Minh. Vào năm 1943 khi được Trương Phát Khuê phóng thích, Hồ Chí Minh đã cam kết dùng người của mình đi thu thập tin tức về quân Nhật cho Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Hồ Chí Minh cũng đã bắt liên lạc với một số sĩ quan tình báo Hoa Kỳ (OSS thời đó), nhận công tác đưa những phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi trốn sang Trung Hoa. Để trả công, Hoa Kỳ đã cho lại một số máy truyền tin và vài chục khẩu súng. Với sự lệ thuộc vào Đệ Tam Quốc Tế về đường lối chính lược và chiến lược, người Cộng Sản đã tỏ ra am hiểu tình hình quốc tế hơn những người Quốc Gia. Họ đã mạnh dạn tung biểu ngữ khẩu hiệu "chống thực dân Pháp, diệt phát xít Nhật" và đã thành công, vì nói lên được sự căn hờn của quần chúng về nạn đói năm Ất Dậu đã gây ra hơn 2 triệu người chết. Lý do đói là vì thực dân Pháp đã tận thu lúa gạo để cung cấp cho quân Nhật ở Đông Dương và bán sang Đông Kinh theo hiệp ước 40 - 41 để Nhật thừa nhận Pháp ở Đông Dương, lý do nửa là cũng vì Nhật bắt phá lúa trồng đay để xử dụng trong chiến tranh. Với uy danh "cách mạng" trước quần chúng qua một số hành động bắt cóc, ám sát được thổi phồng qua sự tuyên truyền đồn đãi rỉ tai, ngày 18 tháng 8 năm 1945 cán bộ Cộng Sản đã cướp cuộc biểu tình tụ tập trước nhà hát thành phố Hà Nội, để tuần hành hoan hô chính phủ Trần Trọng Kim, đã thu hồi chủ quyền toàn vẹn từ tay người Nhật (Nhật Hoàng đầu hàng vào ngày 15/8/1945) và biến cuộc tuần hành thành hoan hô giải phóng, hoan hô Việt Minh với cờ đỏ sao vàng dẫn đầu và đôi ba người mang súng đi kèm. Cộng Sản gấp rút thành lập ủy ban nhân dân rồi tổ chức quần chúng đến chiếm các công sở, tòa Đốc Lý và Bắc Bộ Phủ mà không gặp trở ngại nào. Quần chúng với sự háo hức đổi đời được thúc đẩy gia nhập các đoàn thể như Phụ Lão Cứu Quốc, Thanh Niên Cứu Quốc, Thiếu Nhi Cứu Quốc. Mỗi khu phố đều có ban điều hành và một toán tự vệ, bằng đường lối nửa đe dọa nửa hứa hẹn, Cộng Sản yêu cầu chính phủ Trần Trọng Kim từ chức và vua Bảo Đại thoái vị.

Thế là trong sự ngơ ngác, hoang mang hay sợ sệt của mọi người, Cộng Sản đã chiếm được thời cơ, đoàn ngũ hóa quần chúng và tiến lên địa vị lãnh đạo. Sự xuất hiện của các đảng phái để công khai tranh thủ nhân dân và phản ứng đối với việc Cộng Sản cướp chính quyền có thể coi là chậm chạp, chỉ khởi sự khi Quốc Quân Trung Hoa tiến vào Hà Nội để giải giới Nhật theo đúng quy định của hiệp ước Postdam. Với sự có mặt của Quốc Quân Trung Hoa (thời đó dân chúng thường gọi là quân Tàu Phù, vì đa số bị phù xưng sốt rét, phù thủng ghẻ Tàu), các đảng phái đã áp lực Cộng Sản phải nhượng bộ cải tổ chính phủ và dành một số ghế, 70 trong tổng số 444 ghế trong quốc hội cho các đảng phái. Nhưng dưới con mắt nghi kỵ của quốc dân, hậu quả của hơn ngàn năm lệ thuộc Tàu và hơn tám mươi năm lệ thuộc Pháp, hào quang cách mạng yêu nước của các đảng phái đã bị hoen ố phần nào vì dựa thế quân ngoại quốc quá lộ liễu.

Sau bao khó khăn, quốc hội Việt Nam đầu tiên đã họp khoáng đại vào ngày 8/11/1946 tại Hà Nội, để nhất trí chấp nhận bản dự thảo luật căn bản làm hiến pháp. Tất cả những thủ tục có tính cách nghi lễ trên được hoàn tất trong một ngày và quốc hội tự giải tán trao quyền lại cho ủy ban thường trực quốc hội gồm 15 người do chính phủ đề cử và học giả Nguyễn Văn Tố không thuộc đảng phái nào làm trưởng ban.

Về phía hành pháp, các người Quốc Gia nắm ghế bộ trưởng như: Nguyễn Tường Tam (Đại Việt Dân Chính) nắm ngoại giao, Trương Đình Trị (Việt Cách) nắm y tế, Bồ Xuân Luật (Việt Cách) nắm canh nông và kể cả Nguyễn Hải Thần (Việt Cách) làm Phó Chủ Tịch nhà nước, đều chỉ nắm hư vị, ngồi chơi xơi nước. Mọi việc từ nhỏ đến lớn đều do người Cộng Sản giải quyết. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và tổng đảng bộ Cộng Sản họp bàn hoạch định đường lối và điều động việc thi hành. Hồi đó, Tổng Đảng Bộ Cộng Sản gồm có: Hạ Bá Cang, Nguyễn Lương Bằng, Bùi Lân, Trường Chinh tức Đặng Xuân Khu, Bùi Công Trừng và hai đảng viên Cộng Sản quốc tế, một người Tàu tên Pô, một người Nhật tên Tiêu Xung (cả hai đều dấu Họ).

Sự có mặt hư vị của các đảng phái Quốc Gia trong chính quyền được người Cộng Sản tính toán và chấp nhận như một chiến thuật: Là chia xẻ trách nhiệm trước quốc dân và tạo một bộ mặt Quốc Gia cho chính họ, để tránh sự có thể bị đàn áp bằng võ lực của Quốc Quân Trung Hoa. Kinh nghiệm về những cuộc đàn áp Cộng Sản thẳng tay của Quốc Quân Đảng Trung Hoa còn quá mới đối với những người Cộng Sản và nhất là Hồ Chí Minh, mà cuộc tháo chạy tơi tả dài cả vạn lý của Mao Trạch Đông là một điển hình.

Đối với người Cộng Sản, trở ngại lớn nhất trên đường thực hiện chủ nghĩa không phải là thực dân Pháp mà là người Quốc Gia Chân Chính, vì thực dân Pháp là “thời địch” có tính giai đoạn sẽ qua đi. Chính người có tinh thần Quốc Gia mới là kẻ tử thù, “tối hậu địch nhân” của Cộng Sản, khi mà họ nhận ra được bản chất của Cộng Sản là đế quốc cực quyền chủ trương độc tài và áp chế. Chỉ cần xét qua bản điều lệ gồm 21 điểm quy định tổ chức Comintern, Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản thì đủ rõ.

Điểm 6 triệt để ngăn cấm các đảng viên Cộng Sản địa phương không được có khuynh hướng quốc gia.

Điểm 14 buộc các đảng viên Cộng Sản địa phương phải triệt để và vô điều kiện ủng hộ Liên Bang Cộng Hòa Sô Viết.

Điểm 16 buộc các đảng viên Cộng Sản địa phương phải tuyệt đối trung thành chấp hành toàn bộ mệnh lệnh của vô sản quốc tế, trong đó đảng Cộng sản Nga nắm quyền quyết định tối hậu.


Tổ chức Đệ Tam Quốc Tế do V. I. Lenin triệu tập tại Mạc Tư Khoa năm 1919, với khẩu hiệu “ Vô sản các nước hãy đoàn kết lại ”, đã bị Stalin giải tán vào năm 1943 sau khi bị Đức đánh chiếm gần nửa lãnh thổ. Tuy nhiên, đây chỉ là một chiến thuật của Stalin với mục đích làm an lòng “đế quốc” Mỹ, để Mỹ rộng tay viện trợ cho Nga thêm nhiều quân trang, quân dụng, vũ khí, thực phẩm … Sau khi cùng đồng minh thắng Đức, Nga đương nhiên bước lên địa vị siêu cường chia vùng ảnh hưởng với Mỹ, thì Stanlin lại tái thiết lập Cộng Sản đệ tam quốc tế vào năm 1948, với danh xưng mới Comintern để kiểm soát chặc chẻ hơn các đảng Cộng Sản địa phương.

Chiến Thuật của Stalin vào năm 1943 cũng đã được đảng Cộng Sản Đông Dương áp dụng vào ngày 11 tháng 11 năm 1945, khi tuyên bố tự giải tán để trấn an dư luận quần chúng, để giải tỏa sự chống đối càng ngày càng gia tăng của các đảng phái Quốc Gia và nhất là để dành cảm tình của Hoa Kỳ. Trong nhiều cuộc tiếp xúc với các đảng phái và tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn luôn chứng tỏ, cam kết và dùng tới cả lời thề độc để làm cho những người được Hồ Chí Minh tiếp xúc tin rằng, họ Hồ là người Quốc Gia hay ít ra cũng đã dứt khoát với quá khứ Cộng Sản của mình. Cố vấn chính phủ giám mục Lê Hữu Từ là một trong những nhân vật đã được Hồ Chí Minh vận dụng tình cảm theo kiểu này, để yêu cầu Thiên Chúa Giáo cộng tác với Cộng Sản vào những ngày đầu tiên khi Cộng Sản lên nắm chính quyền.

Vì những áp lực chống đối nặng nề, nhất là từ phái các đảng phái qua thế lực Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Tổng Đảng Bộ Cộng Sản đã tính đến việc đưa công dân Vĩnh Thụy, tức cựu hoàng Bảo Đại, đang giữ chức cố vấn tối cao cho chính phủ liên hiệp ra lập chính phủ. Nhưng vì sự tham nhũng của các tướng Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Cộng Sản đã khôn khéo dùng vàng quyên góp được của dân chúng để xây dựng tổ quốc, hối lộ những người có quyền hành như tướng Tiêu Văn và Lư Hán. Được vàng của Cộng Sản, Quốc Dân Đảng Trung Hoa bỏ rơi các đảng phái Quốc Gia và để người Cộng Sản rộng tay hoạt động tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia, những người nhẹ dạ ngây thơ tin vào sự giúp đỡ vô vị lợi của ngoại bang. Đây cũng là cái gương để cho người Cộng Sản Hà Nội hiện nay soi lại và đừng tin vào những gì kẻ ngoại xâm nhất là người Tàu hứa hẹn giúp đỡ, trong giờ phút thập tử này khi mà chế độ không còn đường sinh lộ.


D. Chiến Tranh, Phương Tiện Hoàn Hảo Thực Hiện Chủ Nghĩa Cộng Sản

Hòa ước Trùng Khánh ký ngày 28/2/1946 giữa Pháp và Trung Hoa đã cho Pháp tiến quân lên phía trên vĩ tuyến 16 thay thế Quốc Quân Trung Hoa giải giới Nhật. Đổi lại Pháp nhượng cho Trung Hoa đường xe lửa Lào Kay - Vân Nam, trả lại các tô giới cũ và hứa ưu đãi Hoa kiều ở Đông Dương. Thâm ý của Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch) là rút quân về dồn lực tiêu diệt Trung Cộng đang được Nga giúp tiếp thu đất Mãn Châu từ tay Nhật, và dùng tay Pháp trấn áp Cộng Sản Việt Nam rồi làm phên dậu che an toàn mặt biên giới phía Nam cho Trung Hoa.

Sự rút quân Trung Hoa khỏi Việt Nam đã làm cho Việt Quốc và Việt Cách mất một thế dựa và sau đó bị Cộng Sản bao vây tiêu diệt nếu không kịp tháo chạy sang Tàu. Tuy nhiên đó là một may mắn vô cùng đối với người Cộng Sản. Từ nay họ được rộng tay hành động đối với thời địch bây giờ là thực dân Pháp và đối với tối hậu địch nhân là các đảng phái Quốc Gia Việt Nam. Trước một kẻ thù chung của cả dân tộc là thực dân Pháp đang cố tâm tái lập nền bảo hộ, người Cộng Sản đã lớn tiếng hô hào thống nhất ý chí, thống nhất lực lượng với khẩu hiệu “Tổ Quốc Trên Hết”, “Đoàn kết để kháng chiến chống ngoại xâm”. Bằng những kỹ thuật tuyên truyền khôn khéo Cộng Sản đã kích động được tình tự yêu nước của toàn dân, đặc biệt ở tầng lớp thanh niên đầy nhiệt tình và lý tưởng. Bằng sự lý luận ngụy biện, Cộng sản đã đưa ra một tiền đề của tam đoạn luận đầy sai lạc “Đánh Pháp là yêu nước”. Họ không định rõ lý do đánh Pháp trên lập trường nào, nhưng với lòng yêu nước bồng bột mọi người đã nhắm mắt chấp nhận không thắc mắc, như chấp nhận tiền đề đầy sai lạc này là: đã ủy nhiệm toàn quyền hành động cho Cộng Sản trong vai trò lãnh đạo cuộc chiến. Các đảng phái quốc gia bị đẩy vào một tình thế khó khăn, tiến thoái lưỡng nan.

Nếu chống Cộng là bị mang tiếng là phản động chia rẽ, làm Việt gian tiếp tay với thực dân Pháp phản đồng bào, bán nước - đó là một điều sỉ nhục lớn nhất đối với những người đã từng hiến dâng cuộc đời cho lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc, từng chấp nhận chết chóc, tù đày, đánh đập, hành hạ, đói rét, nghèo khổ ...
Nếu chống Pháp để thực hiện lý tưởng hằng đeo đuổi và phù hợp với “nguyện vọng của toàn dân”, tránh được tiếng Việt gian bán nước đầy ô nhục, thì tất yếu phải gia nhập hàng ngũ kháng chiến, chịu sự lãnh đạo của Cộng Sản. Và cộng tác với Cộng Sản là một việc cực kỳ nguy hiểm, mà những người có kinh nghiệm đấu tranh đều đã ít nhiều thể nghiệm bằng xương máu của chính mình và các đồng chí.

Cộng tác, liên hiệp với Cộng Sản chỉ có hai điều có thể xảy ra: Một là bị Cộng Sản nhuộm đỏ, có giá trị như sự đầu hàng, để trở thành Cộng Sản phục vụ tổ chức Cộng Sản quốc tế, coi tổ quốc, dân tộc chỉ là phương tiện như: Bồ Xuân Luật, Đinh Chương Dương của Việt Cách ... Hai là bị thủ tiêu trong bí mật hay là bị chụp mũ gián điệp, Viêt gian, bị hủ hóa để làm nhục rồi cũng bị giết đi để trừ hậu họa, có giá trị như một sự tự sát vô ý thức.

Với các lãnh tụ đảng phái quốc gia đã nổi danh, đa số chọn giải pháp tiêu cực. Họ không chấp nhận Pháp, cũng không theo Cộng Sản. Họ chạy ra ngoại quốc hoặc trốn tránh nằm im đợi thời. Dưới cái nhìn tích cực của người đấu tranh cách mạng, thì đó là thái độ bất lợi, gây nhiều ngộ nhận, dễ bị lên án ... Như mọi người đã thấy qua những bài báo, sách vở xuất hiện cả hai phía Cộng Sản và Tự Do. Nhưng nếu nhìn ra cái thế kẹt của người Quốc Gia nằm trên đe dưới búa, đứng giữa hai lằn đạn thù của hai thế lực quốc tế, đó là Cộng Sản đế quốc thực dân mới, và Pháp đế quốc thực dân cũ, tất sẽ thông cảm nỗi đau nhục, xót xa này của những người muốm làm một cái gì, nhưng bị mắc cứng trong sự trói buộc của Thời và Thế, chỉ có thể an ủi như Ngô Thời Nhiệm, người lỡ thời, thất thế trả lời Đặng Trần Thường kẻ đắc thời, đắc thế và đầy tự mãn khi ra câu đối:

* - Ai Công hầu, ai Khanh Tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai !
(Đặng Trần Thường)
* - Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
(Ngô Thời Nhiệm)

Người Cộng Sản cố mềm mỏng trong việc điều đình với Pháp để mua thời gian củng cố lực lượng và phát triển cơ sở tổ chức. Cộng Sản đã ký hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 với Pháp, thừa nhận sự đóng quân của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Với hiệp ước này, Cộng Sản đã bị người Quốc Gia chỉ trích và quần chúng mất tin tưởng. Dư Luận đã xôn xao, nghiêm khắc lên án kết tội Việt Minh là kẻ rước Pháp vào tái lập chế độ thực dân, như xưa Hồ Chí Minh đã từng cộng tác với mật vụ Pháp để điềm chỉ bắt người Quốc Gia, nên thời đó có thơ rằng:

“Đánh tan cái lũ bất nhân,
Đánh tan cái lũ rước quân Pháp về.
Cùng nhau hẹn một lời thề,
Đã làm cách mạng chẳng hề sợ chi.
Nhớ lời mạnh bước chân đi
Diệt quân Cộng Sản bỏ khi cực lòng”

Và ngay cả những người thiên tả trong nhóm thợ thuyền Việt Nam tại Pháp cũng tỏ lộ sự phẫn nộ, công khai đã kích Hồ Chí Minh. Tờ Paria xuất bản tại Ba Lê vào những ngày đầu tháng 7/1946, đã đăng một bức thư ngỏ gởi Hồ Chí Minh như sau:

“Chúng tôi một số đồng chí ít ỏi do chính đồng chí (Hồ Chí Minh) đào tạo 1925. Những “tư tưởng?” của đồng chí đã thấm sâu vào chúng tôi. Chúng tôi xem đồng chí như biểu tượng cho tất cả tầng lớp thợ thuyền Việt Nam trẻ.

Chúng tôi không ngờ lại phải mất hết hy vọng sau thỏa ước 8/3. Đồng chí đã ký một thỏa ước chấp nhận tự trị mà không phải độc lập. Sức mạnh lòng tin tưởng của chúng tôi đặt vào nơi đồng chí là lãnh tụ phong trào cách mạng phản đế, cũng ngang ngửa với lòng căm phẫn của chúng tôi. Chúng tôi lấy làm xấu hổ là đã chọn lầm lãnh tụ, nhưng nhân dân Việt Nam không bao giờ tuyệt vọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường đồng chí đã chọn nhưng đã không noi theo đến cùng”.

Hội nghị Đà Lạt họp vào tháng 4 và tháng 5/1946 và Fontainebleau vào tháng 3 tháng 7, 8 và tháng 9/1946 để cố gắng sửa lại thiếu sót đó, để đòi hỏi hoàn toàn độc lập cho Việt Nam đã bị thất bại. Hồ Chí Minh đích thân đi Ba Lê vận động qua đường dây Cộng Sản Pháp nhưng cũng không xong.

Sợ mất quyền lực chính trị với quần chúng, họ Hồ đành phải ký một Tạm Ước với tổng trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại, Marius Moutet, đảng viên xã hội (đã quen biết họ Hồ từ hai mươi năm qua) vào ngày 14/9/1946. Tạm Ước này chỉ là sự tái xác nhận nhiều đặc quyền của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Trào lưu chính trị thế giới đã biến đổi với sự hình thành của các thế lực siêu cường và những vùng ảnh hưởng. Người Pháp đại diện bằng De Gaulle và các chính khách thực dân vẫn chủ quan nuôi tham vọng tái lập toàn vẹn thuộc địa, được gọi là Pháp Quốc Hải Ngoại. Chính sách duy trì toàn vẹn đế quốc thực dân dưới danh hiệu mới Liên Hiệp Pháp được chấp thuận tại hội nghị Brazzaville, thủ đô Congo thuộc Pháp vào tháng 4/1945, mà sự áp dụng đầu tiên là cuộc tái chiếm Nam Bộ Việt Nam.

Với chính lược đã quy định, việc Pháp tái chiếm Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn cho Cộng Sản, ngoài thì bị kẻ thời địch là thực dân Pháp lấn át, đòi những điều kiện không thể chấp nhận được, trong thì bị những đảng phái quốc gia lật mặt nạ chỉ trích và dân chúng bắt đầu nghi kỵ là thỏa hiệp bắt tay với Pháp, Tổng Đảng Bộ Cộng Sản sau những suy tính hơn thiệt đã chấp nhận giải pháp chiến tranh như con bài gỡ thế bí. Hồ Chí Minh hạ lệnh “Tiêu Thổ Kháng Chiến”. Súng nổ vào tối ngày 19/12/1946.

Với chiến tranh người Cộng Sản lấy lại được uy thế chính trị, nắm được hào quang chính nghĩa quốc gia. Chiến tranh như một phương tiện tuyệt hảo được người Cộng Sản dùng để thực hiện mục tiêu ngắn hạn thuộc chiến thuật, cũng như những mục tiêu dài hạn nằm trong chiến lược và cả những mục tiêu tối hậu nằm trong chính lược toàn cầu của Cộng Sản quốc tế, Cộng Sản luôn luôn tâm niệm dùng cách mạng bạo lực để thực hiện một chế độ vô sản chuyên chính. Chém giết là phương tiện tốt nhất để trấn áp chống đối và đạt thắng lợi, trong một xã hội mà bản chất đấu tranh và sinh tồn giữa những con người làm nên giai cấp xung đột nhau trong mối tương quan Quyền, Lực. Với người Cộng Sản chủ trương chiến tranh toàn diện để đạt được mục đích, tối hậu của chiến tranh là hoàn toàn tiêu diệt được quân địch với tất cả năng lực Công cũng như Thủ và không để kẻ thù khôi phục tiềm năng, vì hòa bình chỉ được coi là một giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới.

Trong cuộc chiến tranh Pháp Việt 1945-1954, chiến tranh đã là một duyên cớ chính đáng được Cộng Sản triệt để vận dụng để biện minh cho những hành động áp chế dân chúng của họ, quần chúng đã cúi đầu chấp nhận chiến tranh như chấp nhận số phận hẩm hiu của chính họ. Với chiến lược tiêu thổ kháng chiến, người Cộng Sản đã cho lệnh đốt phá thẳng tay nhiều thành phố, cầu cống, nhà máy trước khi rút lui. Nằm trong chiến lược trên, Cộng Sản cũng đã lùa dân triệt để tản cư về thôn quê, ra ngoại thành. Dụng ý xấu xa của Cộng Sản khi cho đốt phá triệt hạ các thành phố và lùa dân đi không chỉ đơn thuần trong mục tiêu quân sự là:

Di tản chiến thuật tạo khó khăn cho quân Pháp, không cho chúng xử dụng các cơ sở, tiện nghi vật chất để làm chiến tranh, cũng không chỉ đơn thuần nhằm mục tiêu chính trị giai đoạn: Tranh thủ dân với Pháp để Pháp không có dân cai trị và xử dụng trong các dịch vụ ... Đành rằng các mục tiêu kể trên là những mục tiêu thực tế và cấp thời, vì yếu tố cơ bản để làm chiến tranh là nhân dân. Không có dân không có chiến tranh, không có dân không có người cầm súng. Không có dân không có lương thực nuôi quân. Không có dân không có tình báo để thấu triệt tình địch. Không có dân không có chổ nương náu an toàn. Dân là nước và quân là cá. Nhưng hành động đốt phá thành phố của Cộng Sản nó còn mang thêm một ý nghĩa cao hơn của chính lược Cộng Sản: vô sản hóa quần chúng bằng chiến tranh, chuẩn bị nền móng khai quang đất địa để xây dựng chế độ vô sản chuyên chính. Người dân thành phố sau khi bị cắt đứt với những liên hệ tài sản của họ ở thành thị, họ chỉ còn hai bàn tay trắng, và họ phải lệ thuộc vào chính quyền về đồng lương nếu họ là công chức, về thuế khóa nếu là người dân buôn bán. Họ trong tình trạng vô sản tất sẽ dễ dàng chấp nhận những biện pháp cải cách của chính quyền Cộng Sản hơn cả những nông dân thiếu ăn, thiếu mặc nhưng thừa đầu óc tư hữu.

Sau khi Mao Trạch Đông thống nhất Hoa Lục, tuyên bố thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân vào ngày 1/10/1949, Cộng Sản Việt Nam cũng để lộ nguyên hình, họ không cần dùng tới mặt nạ ngụy trang quốc gia như trước nửa. Với họ, tư tưởng Quốc Gia Dân Tộc bị kết án là hẹp hòi, lạc hậu và ... phản động. Lòng yêu nước chân chính (suy nghĩ theo kiểu Cộng Sản) phải là phục vụ lý tưởng Cộng Sản và giai cấp vô sản quốc tế. Đảng Cộng Sản được tái lập với danh xưng mới: Đảng Lao Động Việt Nam vào ngày 3/3/1951. Chủ trương của đảng được sửa đổi lại, không chỉ chú trọng đánh đế quốc thực dân Pháp (Phản Đế) như những ngày đầu kháng chiến khi đảng còn yếu, phải giải tán và Cộng Sản phải đội danh Quốc Gia. Họ đã kết hợp đồng thời phản Đế với phản Phong (tức đánh phong kiến, cường hào ác bá, tư sản mại bản ... ). Sự xuất hiện của Đảng Lao Động là nguyên nhân trực tiếp của những vụ học tập chính trị, đường lối trong bộ máy quân đội, bộ máy chính quyền và các tổ chức quần chúng. Đảng đã thiết kế và điều động thi hành những vụ thanh trừng, thủ tiêu, đấu tố khủng khiếp sau đó tại những vùng Cộng Sản kiểm soát, trong mục đích bần cùng hóa nhân dân và thủ tiêu những phần tử có tư tưởng Quốc Gia đang nắm những chức vụ chỉ huy trong các tổ chức chính quyền, quân đội và quần chúng để diệt trừ hậu họa.

Được sự giúp đỡ tận tình của Cộng Sản Trung Cộng như một hậu phương lớn, vững chắc và an toàn, Cộng Sản Việt Nam đã phản công Pháp và dần dần đẩy Pháp vào thế bị bao vây. Sự chênh lệch đã quá rõ rệt khi đem cân lực lượng đôi bên, giữa thế lực quốc tế đang lên là Cộng Sản và thế lực đã suy tàn của đế quốc thực dân Pháp sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Ngày 20/7/1954 Pháp và Việt Minh ký hiệp định Genève chia đôi Việt Nam, trên Vĩ Tuyến 17 Cộng Sản tiếp tục công việc đang làm dang dở qua phương tiện chiến tranh: Cải tạo nhân dân, cải tạo xã hội mà điển hình là cuộc cải cách ruộng đất thực hiện từ 1953 - 1956 với trên nửa triệu người dân bị Cộng Sản giết chết oan uổng, vì những ý niệm mơ hồ trong một nội dung co dãn như Địa Chủ, Phú Nông, Tư Sản ... Vì những tội danh chụp mũ như: hút máu mủ nhân dân, chống phá cách mạng, Việt gian bán nước ... để bắt ép cả nước vững chắc tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa, bảo đảm hoàn tất tốt đẹp nghĩa vụ quốc tế vô sản được Mạc Tư Khoa giao phó: là tiền đồn của Xã Hội Chủ Nghĩa.

4). Chiến Tranh Và Người Pháp
A. Những Thời Điểm Đáng Ghi Nhớ.


Ngày 16/6/1940 Đức chiếm Ba Lê. Thống chế Pétain được sự ủy nhiệm của quốc hội Pháp để cộng tác với Đức, thành lập chính phủ Vichy. Đức để cho Pháp giữ nguyên các thuộc địa. Jean Decoux, Tư Lệnh Hạm Đội Viễn Đông được cử làm toàn quyền Đông Dương thay tướng Catroux bỏ theo phe kháng chiến De Gaulle.

Ngày 25/4/1944 lực lượng kháng chiến của De Gaulle theo chân Đồng Minh vào giải phóng Ba Lê. De Gaulle cử Đô Đốc Thierry D'Argenlieu làm Cao Ủy kiêm Tổng Tư Lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương. Nhưng vì những khó khăn chính trị De Gaulle tự ý rút lui, Georges Bidault lên làm thủ tướng. Sự rút lui của De Gaulle không thuần lý do nội bộ mà còn có những lời hứa tốt đẹp đối với các thuộc địa khi De Gaulle còn cần sự giúp đỡ về nhân lực và vật lực của các thuộc địa để kháng chiến chống Đức (Thủ đoạn chính trị này lại được thấy vào năm 1973 sau khi Mỹ và Việt Cộng ký hiệp định Ba Lê. Tổng Thống Richard Nixon phải từ nhiệm vì vụ Watergate. Nhìn dưới khía cạnh chính trị, đây chỉ là một vụ trốn thi hành những mật ước mà Mỹ đã hứa với Việt Cộng như: viện trợ tái thiết cầu cống, cơ sở kỹ nghệ và Kinh Tế. Bằng chứng dù bị báo chí bôi bẩn, Nixon vẫn được Tổng Thống Reagan chính thức nhờ đại diện đi dự đám tang của Tổng Thống Saddat và lãnh những sứ mạng đặc biệt đi Trung Cộng).

Tháng 4/1945, hội nghị Brazzaville tại thủ đô Congo thuộc Pháp, quyết định chính lược của Pháp chấp nhận canh tân, nhưng vẫn duy trì đế quốc dưới danh hiệu Liên Hiệp Pháp.
Cuối tháng 8/1945, Anh đổ quân giải giới Nhật theo hiệp ước Postdam từ vĩ tuyến 16 trở xuống. Với sự đồng ý và sự giúp đỡ của Anh, Pháp đã theo chân Anh vào tái chiếm Nam Bộ Việt Nam.
Ngày 28/2/1946 Pháp ký hiệp ước Trùng Khánh với Trung Hoa và thay thế Quốc Quân Trung Hoa giải giới Nhật từ trên vĩ tuyến 16 trở lên.

Ngày 6/3/1946 Sainteney đại diện D'Argenlieu ký với Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh hiệp định sơ bộ. Hiệp định này thừa nhận quyền đóng quân của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam thay quân Trung Hoa. Do đó ngày 18/3/1946 sư đoàn cơ giới của Tướng Leclerc và bộ binh Pháp từ Hải Phòng lên đóng tại Hà Nội.

Trong hai tháng 4 và 5/1946, hội nghị Đà Lạt bàn tiếp về hiệp định sơ bộ. Nguyễn Tường Tam làm trưởng phái đoàn, Võ Nguyên Giáp làm phụ tá. Hội nghị bế tắc vì thái độ cứng rắn của Pháp.

Ngày 4/6/1946 Pháp tách rời Nam Bộ, đưa bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng lập chính phủ Nam Kỳ tự trị.

Trong ba tháng 7, 8 và 9/1946 hội nghị Fontainebleau tiếp tục, hội nghị Đà Lạt bàn về hiệp định sơ bộ cũng bế tắc và ngày 12/9 một số nhân viên phái đoàn Việt Nam bỏ về nước trước.

Ngày 14/9/1946 một mình chủ tịch nhà nước là Hồ Chí Minh đến gặp riêng Bộ Trưởng Moutet tại tư gia vào nửa đêm để ký bản tạm ước tái xác nhận hiệp định sơ bộ 6/3/1946.

Ngày 20/11/1946 Pháp đánh chiến Hải Phòng.
Ngày 19/12/1946 chiến tranh Việt Pháp bùng nổ.

Ngày 5/6/1948 hiệp định Hạ Long được ký kết. Cao Ủy Bollaert đại diện Pháp long trọng tuyên bố thừa nhận Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Cựu Hoàng Bảo Đại, chỉ định thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân lập chính phủ trung ương lâm thời. Giải pháp Quốc Gia đã được người Pháp nói đến từ lâu nay mới được thành hình.

Ngày 8/3/1949 thỏa ước Elyseé ký giữa tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại tái xác nhận hiệp định Hạ Long, thừa nhận Việt Nam độc lập trong liên hiệp Pháp.

Ngày 20/7/1954 chiến tranh kết thúc bằng hiệp ước Genève giữa Pháp và Việt Minh chia đôi Việt Nam bằng vĩ tuyến 17.

5). Những Sai Lầm Chính Lược Của Pháp

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, đế quốc thức dân Pháp hoàn toàn suy yếu, trong một bối cảnh thế giới đã có những đổi thay tận gốc rễ với những thế lực đang hình thành và chia vùng ảnh hưởng. Sự thân thiết có tính chiến lược của Mỹ với Nga qua Roosevelt và Stalin đã nói lên sự kém vế của Anh, Pháp dù được xếp vào hàng cường quốc. Chủ nghĩa thực dân đã trở thành lỗi thời và là mục tiêu công kích của toàn thế giới với sự hổ trợ của hai siêu cường Mỹ (tự do), Nga (Cộng Sản).

Nhìn được trào lưu chính trị của thời đại, Anh đã khôn khéo sớm trao trả độc lập cho các thuộc địa và chân thành cộng tác với họ để thành lập khối thịnh vượng chung Liên Hiệp Anh. Trái lại, Pháp còn muốn cố gắng duy trì đế quốc thực dân, dùng thuộc địa như những phương tiện hữu hiệu để phục hồi mẫu quốc Pháp đã bị tàn phá sau những năm bị Đức chiếm đóng. Hội nghị Brazzaville đề ra chính lược tương lai của Pháp là lỏng tay hơn đối với các thuộc địa, chấp nhận canh tân nhưng vẫn duy trì thuộc địa dưới danh hiệu mới là Liên Hiệp Pháp. Bằng chứng là Pháp có riêng một bộ coi về thuộc địa được gọi một cách hoa mỹ là Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại. Bằng chứng nửa là De Gaulle đã phải rút lui để tránh không thực hiện những gì đã hứa với các thuộc địa và khi có những khuynh hướng cấp tiến trong chính trường muốn Pháp bắt chước Anh thực tâm trao trả độc lập cho các thuộc địa, thì chính De Gaulle lại ra thông báo nghiêm khắc cảnh cáo: “ Người Pháp nào làm cho nước Pháp mất đi một phần lãnh thổ trong Pháp Quốc Hải Ngoại, thì sớm muộn cũng bị xét xử trước tòa án tối cao ”.

Pháp ngoan cố muốn đi ngược lại tiến trình hướng thượng của nhân loại, với một chủ nghĩa thực dân đã lỗi thời được ngụy trang dưới chiêu bài “khai hóa” đã bị tố cáo và lật tẩy, Pháp đã bị chống đối đương nhiên bởi các thuộc địa, là đối tượng để công kích của toàn thể loài người yếu và của thế lực quốc tế nay đã trở thành siêu đế quốc thực dân kiểu mới (kiểu Cộng Sản).


6). Pháp Sai Lầm Chiến Lược Trong Cuộc Chiến Đông Dương 1945-1954

Trong tầm mức chiến lược, Pháp đã sai lầm nghiêm trọng trên cả hai phương diện chính trị lẫn quân sự. Sự thua trận của Pháp chỉ là một kết quả đã thấy trước và tất yếu phải đến (hiện tại Pháp đã và đang sai lầm một lần nửa trên phương chính trị khi tự cho mình là siêu cường và muốn đối đầu với Hoa Kỳ, khi pháp bắt tay với Trung Cộng đối đầu với Mỹ trên bàn cờ chiến lược tại Á Châu).

A). Phương diện chính trị

Vì thiếu một chính lược đúng đắn nên thái độ chính trị của người Pháp cũng trở nên bất nhất. Nền Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp với những chia rẽ nội bộ và là những chính phủ yếu kém đã là nguyên do chính của thái độ chính trị không dứt khoát đó. Pháp đã thật sự thất bại trong việc tạo một chiêu bài Quốc Gia cho cuộc chiến tranh chống Cộng Sản. Bộ mặt thực dân quá lộ liễu của Pháp đã đẩy một số lớn dân chúng Việt Nam về phía Cộng Sản và làm cho những người Quốc Gia Việt Nam bị bế tắc. Họ bị chết đứng giữa hai gọng kềm Thực Dân - Cộng Sản và họ là điểm ngắm giữa hai lằn đạn thù.

Giải pháp Quốc Gia đã được giới chính trị lẫn quân sự Pháp đề cập đến từ lâu, nhưng chỉ thành hình vào ngày 5/6/1948 với khuôn mặt Bảo Đại. Vì sự không thực tế với người Pháp và thêm vào đó là sự phá hoại của Cộng Sản Pháp tại ngay nghị trường, điển hình là dân biểu Cộng Sản Maurice Thorez (Maurice Thorez một cấp trên của Hồ Chí Minh, được Stalin giao quyền trông coi Đông Dương Cộng Sản Đảng khi Hồ Chí Minh bị gọi về Mạc Tư Khoa khiển trách về vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1932, đã tố cáo Bollaert với âm mưu làm sao ép buộc được cả năm quốc gia Đông Dương vào Liên Hiệp Pháp ngay khi Bollaert được đề cử làm Cao Ủy Đông Dương ngày 5/3/1947) đã làm cho chiêu bài Quốc Gia mà họ dựng lên, thiếu hấp dẫn đối với những người Cách Mạng có tinh thần Quốc Gia đã có thành tích chống Cộng và chống cả thực dân Pháp. Chiêu bài Quốc Gia đó cũng kém hấp dẫn ngay cả những người dân Việt Nam đang khao khát một nền độc lập, tự do và hòa bình cho tổ quốc.

Không phải Pháp không có những người nhìn ra sự cần thiết phải có một chính nghĩa Quốc Gia để chống lại Cộng Sản, trong một cuộc đấu tranh chính trị để tranh thủ quần chúng, nhưng những người nhìn được vấn đề, đưa được giải pháp lại không phải là những người nắm nhiệm vụ giải quyết vấn đề. Hơn ai hết, với hơn 80 năm kinh nghiệm đô hộ Việt nam, người Pháp tất hiểu tinh thần đấu tranh kiên cường của những đảng phái cách mạng ra sao!. Và cũng hơn ai hết, những người Pháp có kinh nghiệm cai trị tất hiểu rằng Cộng Sản đã e sợ và thù ghét người Quốc Gia như thế nào!. Vì trên bản chất, người Việt Nam Quốc Gia với lý tưởng “Tổ Quốc Trên Hết” đã, đang và vĩnh viễn sẽ là kẻ thù của bất cứ thế lực xâm lược nào dù lộ liễu, lạc hậu như đế quốc thực dân kiểu cũ , dù họ có trá hình khôn khéo dưới một chủ thuyết (Cộng Sản) được tôn xưng là khoa học, là đỉnh cao trí tuệ như siêu đế quốc thực dân kiểu mới.

Vì e sợ giải pháp Quốc Gia được trao phó cho những Người Quốc Gia Chân Chính (người quốc gia chân chính là những người không thỏa hiệp, không nhân nhượng, không xem tổ quốc mình như một món hàng để trao trao đổi) nên Cộng Sản đã xuống tay thủ tiêu nhà văn Khái Hưng, đảng viên của Đại Việt Dân Chính Đảng năm 1947. Nhà văn Nhượng Tống, đảng viên Quốc Dân Đảng bị ám sát năm 1947. Nguyễn Văn Sâm, sáng lập viên phong trào Quốc Gia Thống Nhất bị bắn chết tại Sài Gòn năm 1947. Bác Sĩ Trương Đình Tri, Chủ Tịch Hội Đồng An Dân Bắc Việt, bị bắn chết tại Hà Nội năm 1947 (Bác Sĩ Trương Đình Tri đã từng làm Bộ Trưởng Y Tế trong chính phủ Hồ Chí Minh năm 1945) và còn biết bao nhiêu các đảng viên trung kiên và nòng cốt của các đảng phái Quốc Gia khác, đã bị Cộng Sản cầm tù, tra tấn, xử bắn với tội danh Cộng Sản gán cho họ là Việt gian bán nước, trong mục đích bôi xấu các đảng phái Quốc Gia rồi có cớ giết đi để trừ hậu họa.

Năm 1948, vụ phá hoại chiến hạm Amio D'Inville ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) là một vụ phản gián của tình báo Cộng Sản phá giải pháp Quốc Gia, khi Pháp cố liên lạc với các đảng phái Quốc Gia tìm người cộng tác. Hoàng Đạo, một tên gián điệp Cộng Sản mạo danh đại diện của Việt Nam Dân Tộc Cách Mệnh Đảng (một đảng có thành tích chống Cộng quyết liệt ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định đã bị Cộng Sản đàn áp, bắt giam cả ngàn đảng viên), để điều đình với Pháp tổ chức một cuộc nổi dậy bằng võ trang ở Liên Khu IV với sự yểm trợ của Pháp ở vùng biển. Hoàng Đạo có nhờ Pháp mang gia đình về Hải Phòng trên chiến hạm Amio D'Inville. Những va ly hành lý chứa toàn chất nổ của gia đình Hoàng Đạo đã gây thiệt hại khá nặng cho chiếc tàu này.

Trong một cuộc công du Hoa Kỳ để yêu cầu tăng quân viện vào ngày 20/9/1951, Đại Tướng De Latre de Tassigny, Cao Ủy Kiêm Tổng Tư Lệnh Pháp tại Đông Dương, đã đề cao sự hy sinh của quân Liên Hiệp Pháp đang giúp đỡ quân đội Quốc Gia Việt Nam chống kẻ thù chung của thế giới tự do là Cộng Sản. Nhưng báo chí Mỹ đã chỉ trích Pháp và đặt câu hỏi: Tại sao những người Việt Nam chiến đấu cho tổ quốc họ khỏi họa Cộng Sản, khi tử trận người Pháp lại đề trên mộ họ những hàng chữ ô nhục “Mort pour la France” (chết cho nước Pháp? ! )

Chiến tranh cũng cần có khôn khéo như trong chính trị, nghĩa là cũng cần những lý do chính đáng để biện minh cho hành động. Vì như một tiến trình, chiến tranh chỉ là một sự kế tiếp của đấu tranh chính trị, dưới hình thức bạo lực trên một tầng cấp cao có tính cách quyết liệt, triệt để và toàn diện.

B) Phương Diện Quân Sự

Thiên Thời, Địa Lợi và Nhân Hòa là những yếu tố cần thiết để tạo nên sự chiến thắng. Nhưng không phải lúc nào ba yếu tố đó cũng đi với nhau. Vì đó mà kẻ tài trí phải tranh, phải mượn, phải tạo, phải đợi ... để đạt chiến thắng. Và xét cho cùng, địa lợi là việc quan trọng hơn cả đối với việc dùng binh. Có một yếu tố địa lợi là cũng đủ thắng người, tranh hơn với thiên hạ. Địa Lợi là thứ phải tranh mới được, không như Thiên Thời phải chờ mới có, không như Nhân Hòa phải tạo mới thành. Nói đến chiến tranh tất nói đến trận mạc với cách thế hành quân đánh địch, thủ thành. Chiến tranh phải căn cứ thực tế đất địa mà ứng biến thích nghi. Người xưa vẫn thường nói Trận Địa là có ý đó. Có thể khẳng định là không có đất địa, không có trận thế ... và do đó có thể nói nguyên do thất trận của Pháp ở Việt Nam là Pháp đã không nhìn ra được bản chất và thực lực của đối thủ để từ đó chọn chiến trường, chọn lối đánh và ấn định thời gian dứt điểm.

Nếu người Pháp nhìn ra được vùng tam giác Hồng Hà và vùng Thanh Hóa như là đất tranh và dùng toàn lực để tranh và giữ vùng đó, thì cuộc chiến Đông Dương sẽ ra sao?
Đất Tranh theo binh pháp của Tôn Tử là vùng đất mà ta chiếm được thì ta lợi lớn, địch chiếm được thì địch cũng lợi vô cùng, đất tranh vì thế không thể nhường, mà phải xuất tận lực nhanh tay mà lấy.

Những ngày đầu của chiến tranh, lực lượng của Cộng Sản không có gì đáng so sánh với quân đội Viễn Chinh Pháp, thế mà Pháp không biết lợi dụng ưu thế để tốc chiến tốc thắng, Pháp đã để cho Cộng Sản lấy thời gian mua không gian, “dùng thời gian như thần hộ vệ của kẻ yếu như Clausewitz một chiến lược gia Âu Châu đã nhận định”. Cốt nhiên vấn đề không thuần quân sự, nhưng nếu nắm được vùng đông dân cư thuộc sông Hồng và Thanh Hóa, tức là nắm được nguồn tiếp tế chiến tranh, người và vật lực của Cộng Sản. Dân chúng cũng giống như nước, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Hiểu được bản chất bất định của quần chúng, Cộng Sản đã đổ khuôn, đóng dấu quần chúng bằng chiến dịch tản cư để lùa dân về vùng do Cộng Sản kiểm soát, đó là Cộng Sản đã phá cái thế Địa Lợi của Pháp.

Nếu những ngày đầu của chiến tranh Pháp chiếm trọn vùng đông dân cư châu thổ sông Hồng và sông Mã, rồi võ trang cho các đảng phái và tôn giáo để chống Cộng Sản, như Pháp đã làm tại vùng châu thổ sông Cửu Long, với giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo ... thì Cộng Sản không thể vẫy vùng một mình một chợ. Nhưng Pháp đã để uổng phí cơ hội tốt đó, đến lúc Pháp nhìn ra được vấn đề là phải gom dân giữ đất, thì mọi việc đã quá chậm. Cộng Sản đã có cả một hậu phương vĩ đại tiếp tế nhân sự, vũ khí, lương thực đó là lục địa Trung Cộng. Kể từ đó, Cộng Sản (Tàu và Việt Cộng) bắt đầu phản công Pháp và đánh bật Pháp ra khỏi những đất sát biên giới Việt - Hoa mà Pháp đã tốn công sức rải quân trấn đóng từ những ngày đầu của cuộc chiến Đông Dương. Để cứu vãn tình thế, Pháp cử Đại Tướng De Latre làm Cao Ủy kiêm Tổng Tư Lệnh quân đội Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương vào tháng 12/1950. Với tài năng quân sự, De Latre đã chận được địch, giải tỏa áp lực địch quanh vùng tam giác sông Hồng Hà và gây nhiều tổn thất nặng nề cho địch. Võ Nguyên Giáp được lịnh phải trở về du kích chiến. Tài năng của De Latre được biểu lộ rõ rệt nhất trong các trận: Tô Vũ ở vùng Hòa Bình, với cách nhử địch để diệt địch. Trận non nước Ninh Bình, chống chiến thuật cài răng lược của Cộng Sản và hệ thống pháo đài bê tông dây thép gai bảo vệ hữu hiệu vùng châu thổ. Nhưng vì lý do sức khỏe, De Latre phải trở về Pháp chửa bệnh vào cuối năm 1951 và chết vào đầu năm 1952. Cùng với cái chết của De Latre niềm hy vọng giữ vững miền châu thổ sông Hồng Hà như ngọn đèn tàn đã lóa lên rồi tắt liệm ...

Chiến dịch đổ bộ Bùi Chu, Phát Diệm với ý định giúp Thiên Chúa Giáo tự trị cũng thất bại vì quá chậm. chỉ được thực hiện vào năm 1952, nghĩa là vào lúc tình thế đã ung thối đến tột độ.

Cuối cùng chuyện đến đã đến, Pháp thua trận nhưng được an toàn rút khỏi Việt Nam bằng hiệp ước Genève 20/7/1954, dù Cộng Sản Việt Nam không muốn ngưng chiến mà muốn tiếp tục khai thác lợi thế của chiến thắng. Nhưng vì quyền lợi của Cộng Sản quốc tế, Nga và Tàu trong những giăng mắc với Anh và Pháp nên Cộng Sản Việt Nam phải buộc lòng chấp nhận. Trong cái nhìn chung của các cường quốc Nga, Tàu, Anh, Pháp trước mặt họ còn một thế lực khác đáng sợ hơn, đó là siêu cường Hoa Kỳ. Và như một chân lý ngàn đời trong chính trị không có gì là tuyệt đối, không có Bạn, không có Thù, chỉ có những mối tương quan được tạo dựng nên bởi quyền lợi và uy lực.


7). Kết Luận


Tóm lại, chiến tranh với bản chất ngụy trá, tàn nhẫn, phá hoại và giết chóc đã là một phương tiện để thực hiện nhiều mục đích tùy theo sự mưu tính của người hoạch định. Như đã dẫn chứng, người Cộng Sản Việt Nam đã dùng chiến tranh như một phương tiện hữu hiệu để tiêu diệt người Quốc Gia Việt Nam.

Khẩu hiệu “Tổ Quốc Trên Hết”, “Đoàn kết kháng chiến chống Pháp” chỉ là một chiêu bài chính trị không có thực chất. Thực dân Pháp chỉ là một lý do để biện minh cho những hành động tàn ác, mà Cộng Sản dùng để áp chế dân chúng và tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia trong tiến trình xây dựng vô sản thế giới theo đúng đường lối vạch ra của Đệ Tam Quốc Tế. Cứ nhìn những khẩu hiệu của họ đưa ra từng giai đoạn thì tất rõ. Từ “Phản Đế” họ tiến tới “Phản Phong”. Từ chống Pháp, họ tiến tới tiêu diệt giai cấp phản động và những sự cộng tác ngấm ngầm lén lút của người Cộng Sản với thực dân Pháp từ hồi còn xa xưa để tiêu diệt người Quốc Gia, đều là những yếu tố buộc tất cả mọi người chúng ta phải suy đi nghĩ lại về bản chất tráo trở của Người Cộng Sản và về những gì họ đã phạm tới Tổ Quốc Việt Nam, với Dân Tộc Việt Nam, khi người Cộng Sản coi nước nòi như một phương tiện để xử dụng, chứ không như một cứu cánh cần phục vụ và một lý tưởng phải tôn thờ. Hơn 50 năm qua Cộng Sản xây dựng miền Bắc, miền Bắc vẫn đói khổ, gần 30 năm “giải phóng” miền Nam, miền Nam đã trở thành điêu tàn và sa đọa !.

Đọc lịch sử không chỉ đơn thuần để lòng cười khóc với những buồn vui của người xưa, để thả hồn trôi lênh đênh qua những hưng phế thăng trầm của thời đại. Đọc lịch sử mang một ý nghĩa tích cực hơn nhiều. Đọc sử là học hỏi, suy ngẫm, bàn luận nguyên do đã tác động làm nên những biến chuyển lịch sử, để rồi lại ứng dụng vào những hoàn cảnh tương tự trong tương lai, thể hiện di huấn ngàn đời “Con phải hơn cha ... để rạng rỡ giống nòi”. Những thế hệ cha anh của chúng ta, vì những bất lực của bản thân, vì những khó khăn của thời cuộc, đã để lỡ một vận hội. Còn chúng ta, những thế hệ Việt Nam trưởng thành trong máu lửa đấu tranh sẽ làm gì trước hiện tình thê thảm của đất nước, trước nỗi thống khổ của toàn dân?. Đất nước sẽ bị diệt vong nếu chúng ta không sáng suốt nhìn ra vấn đề, gát bỏ mọi thành kiến, chung lưng góp sức cứu nguy cho dân tộc. Trung Quân là tình cảm riêng tư của mỗi người, nhưng phải biết Ái Quốc. Đó là lời của Án Anh bề tôi của nước Tề trả lời với nước Sở khi nghe tin Tề Vương chết … Nghĩa Công phải trên Tình Riêng … mong thay !.

* - Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối
* - Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
* - .................
* - Mấy ai người đem hết tâm can ?
* - Trước quân thù (Cộng Sản) hung hiểm gian ngoan
* - Biết bao kẻ mơ hồ mong hưởng lạc !
* - Nghĩ tới ngày mai lòng ta tan tác
* - ........................
* - Ai đứng dậy diệt trừ lũ qủy ?
* - Ai trái tim lân mẫn vạn dân tàn
(Vì Ấu Trĩ - Thơ Vô Đề - 1975)
Trần Chính Trung

35- Sưu tầm lịch sử (QHX)

Aucun commentaire: