lundi 18 juin 2007

Hồi ký của một Việt Cộng (Kết)

Hồi ký của một Việt Cộng (Kết)

Minh Võ

Ông Hồ đã được lãnh tụ Liên Xô cũ là Nikita Khruthschev ca ngợi là vị thánh, vị tông đồ của chủ nghĩa Cộng Sản.

Tiếp theo phần I

Thêm về sự tráo trở của “đảng ta”


A Viet Cong Memmoir
wikipeadia.org
--------------------------------------------------------------------------------

Câu của tổng bí thư đảng Lê Duẩn mà ông Tảng vừa trưng dẫn chứng tỏ Đảng đã công khai và long trọng hứa sẽ có hòa hợp hoà giải và không trả thù. Nơi các trang 135, 183 và 184 Trương Như Tảng cũng cay cú nhắc lại những lời lẽ như đanh đóng cột không những của Lê Duẩn, tổng bí thư mà còn của một lô các nhà lãnh đạo khác như Tôn Đức Thắng - chủ tịch nước, Phạm Văn Đồng - thủ tướng, Lê Đức Thọ - trưởng ban tổ chức trung ương đảng đầy quyền lực bên cạnh Lê Duẩn. Những lời tuyên bố và khẩu hiệu có nội dung tương tự cứ ra rả nhắc đi nhắc lại trong báo, trên đài ròng rã hết năm này qua năm khác. Lần này không phải về vấn đề trả thù người quốc gia, mà là về vấn đề thống nhất đất nước.


Trong nhiều năm họ đã nghe Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa long trọng tuyên bố cam kết rằng “miền Nam là một tình huống đặc biệt và duy nhất, rất khác miền Bắc”. Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói: “Miền Nam cần có chính sách riêng của miền Nam.” Một khẩu hiệu hô vang:” Xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mở rộng cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.” Thủ tướng Phạm văn Đồng thích tuyên bố với những khách nước ngoài đến thăm ông rằng: “Chẳng ai lại có cái ý nghĩ ngu xuẩn và tội lỗi là thôn tính miền Nam. (trang 135)

…Lập trường của Ủy ban trung ương đảng vẫn không thay đổi như lời tuyên bố của Tôn Đức Thắng tại đại hội đảng kỳ III vào tháng 9 năm 1960: “Do tình hình khác biệt giữa hai miền (Nam Bắc), miền Nam cần phải thực thi một chương trình phù hợp với tình hình riêng, trong khi vẫn hòa họp với chương trình tổng quát của mặt trận Tổ Quốc. Miền Nam tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.” Những tình cảm đó dĩ nhiên đã được nhấn mạnh thêm cho người Tây phương. Phạm Văn Đồng đã nói với nhiều khách nước ngoài rằng “Làm sao chúng tôi lại có cái ý nghĩ ngu xuẩn và tội lỗi là thôn tình miền Nam?” Lê Đức Thọ thì nói với báo chí thế giới: “Chúng tôi không mong muốn áp đặt chế độ cộng sản cho miền Nam.” Nhưng cả đường lối nội bộ đã được long trọng tuyên bố lẫn những bảo đảm có phần kém long trọng đã bị vứt vào thùng rác chỉ trong vòng mấy tháng sau chiến thắng.” (trang 284)


Về cải cách ruộng đất và chiến dịch sửa sai:

Khi mới về nước ông Tảng có nghe nói về những cuộc tàn sát trong các cuộc đấu tố hồi 1955, 1956 ở miền Bắc nhưng ông cho rằng đó là do những người di cư có thành kiến với cộng sản bịa đặt hay phóng đại. Sau này nghĩa là vào những năm 70 ông mới chịu nhận là có thật. Trong chương 24 ông viết:


Sai lầm được bên ngoài biết đến nhất là chiến địch cải cách ruộng đất đẫm máu ở miền Bắc liên quan đến hàng ngàn người được- gọi- la- địa- chủ. Hầu hết họ chỉ thuần là những nông dân nghèo, chẳng may có một lô đất hơi lớn hơn những người hàng xóm…” (trang 300).


Nhưng ông lại bào chữa cho ông Hồ, và còn ca tụng “ông Hồ đã làm một việc bất thường là đích thân xin lỗi nhân dân”.

Về chiến dịch sửa sai và vụ Nhân Văn Giai Phẩm ông chỉ nhắc đến một người duy nhất là thạc sĩ Trần Đức Thảo: (tr.300)


Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc…Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai , chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man.

Nhận xét sơ về tác giả “Hồi Ký của một Việt Cộng”:

Đọc xong cuốn hồi ký 350 trang viết bằng Anh ngữ người đọc phải lấy làm ngạc nhiên: Một trí thức miền Nam, làm đến bộ trưởng bộ tư pháp của một chính phủ được ngồi ngang hàng với phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại hòa đàm Paris, lại tỏ ra ưu thời mẫn thế, biết hết chuyện chính trị, kinh tế Đông Tây kim cổ, như ông cho thấy ở nhiều trang sách của ông, vậy mà lắm lúc lại thơ ngây như con nít trong cái vai trò làm bung xung, con rối cho “Bắc Việt”. Chúng tôi dùng chữ “Bắc Việt”, vì đối với ông và một số cán bộ cộng sản miền Nam, dường như miền Bắc là một quốc gia khác quá xa lạ, ác cảm, nếu không nói là thù địch. Nhưng ông lại tự mâu thuẫn: mơ tưởng đến một chính phủ riêng của miền Nam Việt Nam, thân thiện nhưng độc lập với chính phủ miền Bắc. Kết cuộc không được như ý, ông oán chính quyền miền Bắc, không thèm hợp tác sau 1975, bỏ nước ra đi. Nếu sau “đại thắng mùa xuân” 30 tháng tư cái chính phủ của ông không bị giải tán và miền Nam được là một “nước” riêng chắc ông đã không bỏ nước ra đi, chịu cảnh lưu vong.

Một điều khác cũng hết sức lạ lùng là trong hồi ký ông đã nhắc đến không biết bao nhiêu lần vai trò quyết định của những lãnh tụ miền Bắc như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và những nhân vật khác kém quan trọng như “hai Xe Ngựa”, ủy viên trung ương đảng, Huỳnh Tấn Phát, đảng viên kỳ cựu từ 1940, Nguyễn Văn Hiếu, Ưng Ngọc Kỷ, Tạ Bá Tòng, Trần Bửu Kiếm, Trần Bạch Đằng v.v… toàn những đảng viên ít nhất cũng từ 1951. Nào “Hiếu được phái ra Hà-nội để nhận chỉ thị của ông Hồ” (trang 71). Nào tháng chạp năm 1964 Phát chỉ thị cho tôi… (trang 95). Nào Phát giới thiệu tôi với Hai Xe Ngựa, ủy viên trung ương đảng Lao Động (giữ chương trình đại hội thành lập mặt trận) (trang 77). Nào Lê Duẩn can thiệp trong cuộc tranh chấp giữa nhóm trong đảng và nhóm ngoài đảng v..v.. (trang 226). Rồi cái “phong cách bệ rạc” của ông khi được “mời ra bưng” dự đại hội. Con đường ông đi. Nơi ông hội họp. Sự vắng mặt của chủ tịch trong lúc ra mắt. Sự bố trí của đảng viên Huỳnh Tấn Phát nhằm bắt cóc một trí thức Nguyễn Hữu Thọ để ngồi làm vì trong chức chủ tịch. v.v..và biết bao điều khác tương tự, chứng tỏ nhóm ông chẳng có chút quyền hành gì. Vậy mà lúc ấy các ông cứ nhắm mắt làm theo hiệu lệnh của đảng, như những con rối. Tại sao lại phải cho đến 1976 các ông mới nhìn thấy mình bị lừa, trong khi Vũ Thư Hiên, con Vũ Đình Huỳnh, viết trong hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” của ông ta rằng: trẻ con miền Bắc cũng biết mặt trận giải phóng là do miền Bắc dựng nên, (11) nghĩa là chỉ là dụng cụ của đảng. Tôi không dám bảo tác giả không trung thật. Nhưng tôi thấy như vậy dường như ông - và cả nhóm các ông quá ngây thơ. Nhưng trí thức Việt Nam chẻ nhẽ lại ngây thơ đến thế ư? Vậy thì câu trả lời ở đâu? Vấn đề không đơn giản. Chúng tôi đã đã dành gần trăm trang sách để lý giải trong cuốn Phản Tỉnh Phảng Kháng Thực Hay Hư, chương tổng kết.

Một điều có thể nói ngay ở đây là chẳng những ông Tảng mà còn nhiều nhà trí thức khác từng đi theo cộng sản xem ông Hồ như một con người biệt lập, độc lập hoàn toàn tách rời khỏi đảng cộng sản Việt Nam. Sở dĩ họ bị lừa bị thu hút quá mạnh bởi con người này là vì ông Hồ quá tài tình trong việc đóng vai người yêu nước.


Đọc bài Kẻ Bị Vạ Tuyệt Thông nói về trường hợp luật sư Nguyễn Mạnh Tường (12) đăng trên DCV Online cách nay hơn một tuần, một số độc giả nêu thắc mắc, tại sao những bộ óc thông minh như ông mà lại không biết về bản chất sai lạc xấu xa của Cộng Sản, nhất là lại dễ bị ông Hồ lừa mị như vậy. Chúng tôi nghĩ nên nhân dịp này tóm tắt trong mấy hàng để giải tỏa thắc mắc ấy, nếu như quý bạn có thể coi đó là một cách giải tỏa thích đáng.

Nguyễn Mạnh Tường mài miệt cắm đầu học luật và văn, không có thì giờ nghiên cứu về Cộng Sản. Lúc ấy chủ nghĩa Cộng sản của Mác đang được đại đa số trí thức trên thế giới đón nhận như một trào lưu tư tưởng tiến bộ cả về khoa học, tư tưởng lẫn về lý tưởng xã hội. Những thực trạng bi đát xảy ra trong xã hội Xô Viết còn bị bưng bít, bên ngoài chưa biết nhiều như sau khi các tác phẩm của Arthur Koestler, André Gide, Kravchenko, Boris Pasternak, Sakharov Solzhenitsyn, Gerad De Tongas, George Orwell v.v.... sau này đã tiết lộ.. Cho nên lúc ấy những đại trí thức như Jean Paul Sartre, Pablo Picasso, Tagore (Rabindranath, 1861-1941) Bertrand Roussel v.v.... hãy còn hết lời ca tụng Mác. Cho nên ông Tường có thích CS cũng không lạ lắm. Có lẽ ông không có thì giờ để tự hỏi và phê phán về những luận cứ khoa học, triết học, mà Mác khiên cưỡng trình bày trong những tác phẩm đồ sộ liên quan đến quyền tư hữu, cách mạng bạo lực, chuyên chính vô sản, giai cấp đấu tranh, giá trị thặng dư, hay sự giẫy chết của tư bản, và chế độ đại đồng, một thứ thiên đường ở trần gian v.v...

Thứ hai, Lúc ấy (đầu thập niên 30) trí thức Việt Nam chưa ai hiểu rõ thân thế sự nghiệp của ông Hồ, nhiều người vẫn cho ông là một nhà ái quốc, có chí hướng giành độc lập cho tổ quốc. Cho nên sau 6 năm về nước, nghe tiếng Hồ Chí Minh, ông Tường ra bưng đi theo “kháng chiến” (1942) là điều cũng dễ hiểu. Lúc ấy trong nước, thiếu gì trí thức bị ông Hồ chiêu dụ? Không cứ chỉ những Dương Đức Hiền, Đào Duy Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Đình Thi v.v...đi theo, mà cả nhiều nhà cách mạng như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh ... cũng bị ông Hồ đánh lừa để hợp tác, tức gián tiếp ủng hộ, trong chiêu bài chính phủ liên hệp lúc ban đầu hồi 1945-1946.

Khi không hiểu rõ sự sai lầm và độc ác của cộng sản, lại bị một gián điệp quốc tế cỡ Hồ Chí Minh dùng lời đưòng mật thu phục, thì sa bẫy là chuyện dễ hiểu. Đến khi tỉnh mộng thì tay đã nhúng chàm ! Khi phê bình chê trách hay lên án ông Nguyễn Mạnh Tường thiết tưởng cũng nên thử đặt mình vào địa vị ông vào thòi điểm ấy mới công bình. Mà dù ông có lầm đi theo Cộng Sản trong một thời gian vắn chăng nữa thì những bài tham luận hùng hồn của ông vào tháng 10, 1956, nhất là cuốn hồi ký Un Excommunié của ông cũng đã đủ để hậu thế hiểu rõ con người và tư cách của ông.


Minh Võ
Nguồn: DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------

Có lẽ đối với phần đông các nhà trí thức từng theo Cộng Sản vì lầm nhưng về sau có những hành động hay tác phẩm biểu lộ sự phản tỉnh phản kháng chúng ta cũng nên xét đóan một cách rộng lượng tương tự. Đừng bắt họ phải có lập trường chống cộng dứt khoát ngay từ đầu giống những Nguyễn Xuân Vinh (dứt khoát chạy trốn Cộng Sản từ 1954) hay Dương Nguyệt Ánh (theo cha mẹ chạy trốn Cộng Sản từ 1975) (13). Hai khoa học gia lỗi lạc này cũng như nhiều nhà trí thức khác xuất thân từ chế độ tự do dân chủ miền Nam trước đây đã có nhiều cơ hội để biết rõ về sự ác độc, tàn bạo của chủ nghĩa Cộng Sản rồi.

Trở lại trường hợp của “Việt Cộng Trương Như Tảng”, chúng tôi hy vọng thời gian sẽ cho ông hiểu thêm về con người, cuồng vọng và sự cuồng tín của Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa Cộng Sản. Ông Hồ đã được lãnh tụ Liên Xô cũ là Nikita Khruthschev ca ngợi là vị thánh, vị tông đồ của chủ nghĩa Cộng Sản. Lãnh tụ Liên Xô kêu gọi các người Cộng Sản hãy quỳ gối trước ông Hồ để tỏ lòng biết ơn ông ta vì nhờ có ông ta mà “giờ đây (Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 MV) dân Việt Nam đang đổ máu và hiến mạng sống mình vì lợi ích của phong trào Cộng Sản thế giới”.

Đọc những hàng chữ trên (trong Hồi Ký Khrutschev Remembers, tập I, trang 487, cuối chương 19), vị cựu bộ trưởng tư pháp họ Trương có còn dám nói ông Hồ, không giống đệ tử của ông, đã chiến đấu vì nền độc lập và thống nhất Tổ Quốc không? (14).


© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------

(11) Đêm Giữa Ban Ngày trang 469. Và trước Vũ Thư Hiên 34 năm, Minh Võ trong cuốn “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản”, xuất bản năm 1963, tái bản năm 1970 cũng đã nói rất kỹ về việc cộng sản miền Bắc dựng nên cái mặt trận này ra sao. (trang 134 -143)
(12) Kẻ bị vạ tuyệt Thông, Minh Võ, DCVOnline, 7-8/06/2007Phần IPhần II
Nhân bài Kẻ Bị Vạ Tuyệt Thông đăng trên DCV Online, có hai bạn đọc cho rằng không thể nào có chuyện lấy một lúc 2 bằng tiến sĩ Văn và Luật chỉ trong có 4 năm. Để gián tiếp trả lời thắc mắc này, chúng tôi xin trích đăng một tài liệu khả tín sau đây.
Trích: Tiểu Sử Nguyễn Mạnh Tường
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 13 tháng 6, 1997) là một luật sư và giáo sư Việt Nam.
Tiểu sử
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Ông theo học tại trường Albert Sarrault Hà Nội và đỗ tú tài năm 16 tuổi. Sau đó du học tại Đại học Montpellier ở miền nam nước Pháp năm 1927. Khi mới 22 tuổi ông trở thành người Việt đầu tiên đỗ hai bằng tiến sĩ tại Pháp: Ưu hạng Luật khoa (Luận án L'individu dans la vieille cité annamite, Code des Lê, D.E., Droit, Montpellier, Imp. de la Presse Montpellier 1932) và Tiến sĩ Quốc gia văn chương (với luận án L'Annam dans la littérature française, D.E., Lettres, Montpellier 1932). Báo chí thời ấy đã coi người thanh niên Việt Nam trong bốn năm đỗ 2 bằng tiến sĩ là hiện tượng chưa từng có trong nền giáo dục đại học Pháp. Bạn tri âm của ông là Nguyễn Văn Huyên, người cũng làm luận án Tiến sĩ Văn khoa tại Pháp.
Trở về Việt Nam năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường dạy văn học Pháp ở trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat), hay còn gọi là trường Bưởi (từ 1945 đổi tên thành trường Trung học Chu Văn An). Bất mãn với chính sách kỳ thị của Pháp khiến ông bỏ dạy và mở văn phòng luật sư.

Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp ông làm luật sư và dạy học tại Thanh Hóa và khu ba nói chung. Đến khi hòa bình lập lại năm 1954, ông trở về Hà Nội, là giáo sư trường Đại học Văn khoa (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Sau 1954 ông giữ các chức vụ Trưởng khoa Đại học Luật Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Luật sư, Phó Trưởng khoa Đại học Sư phạm Hà Nội; thành viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Hội Hữu nghị Việt-Pháp, Hội Hữu nghị Việt-Xô và Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới, sáng lập viên Câu lạc bộ Đoàn Kết, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên viên nghiên cứu giáo dục. Ông tham gia phái đoàn chính phủ dự hội nghị đàm phán ở Đà Lạt, dự các hội nghị hoà bình thế giới ở Bắc Kinh và Wien.
Ngày 30 tháng 10 năm 1956 luật sư Nguyễn Mạnh Tường, với tư cách thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đã đọc một bài diễn văn tại một cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, phân tích sâu sắc những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong cải cách ruộng đất và đề ra phương hướng tránh mắc lại. Sau phát biểu này, ông bị tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp.

Ông mất ngày 13 tháng 6 năm 1997 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi. Trong sổ tang tưởng niệm nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã ghi “....Vô cùng thương tiếc giáo sư - luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Một trí thức yêu nước đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục của Việt Nam”.
Tác phẩm:
- Luật sư Nguyễn Mạnh Tường để lại 14 tác phẩm bằng tiếng Pháp và 4 tác phẩm tiếng Việt.
- Văn Phạm Việt Nam (cùng Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim) (1941)
- Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức)
- Construction de l'Orient (1937)
- Sourires et Larmes d'une Jeunesse (1937)
- Pierres de France (1940)
- Apprentissage de la Méditerranée (1940)
- Le Voyage et le Sentiment (1940)
- Một Cuộc Hành Trình (1955)
- Un Excommunité-HàNội: 1954-1991: Procès d'un intellectuel (Kẻ bị khai trừ-HàNội 54-92:bản án một người trí thức) Quê Mẹ Paris xb 1992
- Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ XVI, XVII, XVIII - Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội - 1994) 530 trang
- Aikhylos (Eschyle) và bi kịch cổ đại Hi Lạp - Nhà xuất bản Giáo dục (1996)
- Virgile - nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La mã cổ đại- Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1996) 342 trang
(13)Dương Nguyệt Ánh, năm nay 47 tuổi, người phát minh ra một loại bom (thermalbaric) độc nhất vô nhị làm rút vắn cuộc chiến tranh chống khủng bố tại Afganistan. Hiện là cố vấn của Lầu Năm Góc (bộ quốc Phòng),
(14) Xin xem Hồ Chí Minh, nhận định tổng họp, lần tái bản 2006, trang 461-462 để biết thêm chi tiết.

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3472

Aucun commentaire: