vendredi 22 juin 2007

Ngô Đình Diệm hay Hồ Chí Minh: Ai Đã Vi Phạm Hiệp Định Geneva 1954?

50 NĂM NHÌN LẠI: Ngô Đình Diệm hay Hồ Chí Minh:
Ai Đã Vi Phạm Hiệp Định Geneva 1954?

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

3 Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự ở Việt Nam, ở Ai Lao, và ở Căm Bốt mệnh danh là Hiệp Định Geneva cùng được ký ngày 20-7-1954. Từ đó đến nay vừa đúng 50 năm. Trong thời gian này có rất nhiều tài liệu sách báo, thuyết trình và hội thảo đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn không có đồng thuận về tính chất và tác dụng của hiệp định. Bất đồng giữa người dân chủ và người cộng sản; bất đồng giữa những người dân chủ trong cùng một chiến tuyến; bất đồng giữa những sử gia hay luật gia, với những học giả hay những người hoạt động chính trị.

Các nhà sử học và luật học chỉ tham chiếu vào nguyên bản Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự ở Việt Nam ngày 20-7-1954 để kết luận rằng, về tính chất, đây là một hiệp ước thuần túy quân sự như Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự Bàn Môn Điếm ký kết trước đó một năm (ngày 27-7-1953).

Hai Hiệp Định quân sự này cùng có tác dụng ngừng bắn (cease-fire) hay đình chiến (armistice) và quy định một giới tuyến quân sự (military line) làm biên giới (boundary) cho hai miền Nam Bắc (vĩ tuyến 38 tại Triều Tiên và vĩ tuyến 17 tại Việt Nam). Vì là những hiệp ước thuần túy quân sự nên không có tác dụng chính trị và không đưa ra giải pháp chính trị để thống nhất hai miền Nam Bắc.

Trong khi đó, một số những người hoạt động chính trị lại căn cứ vào những sách diễn giải lịch sử như cuốn Bách Khoa Toàn Thư Anh Quốc hay Việt Nam Niên Biểu của Chính Đạo, để khẳng định rằng Hiệp Định Geneva ngày 21-7-1954 (chứ không phải 20-7-1954) là một hiệp ước chính trị, vì đã đưa ra giải pháp thống nhất hai miền Nam Bắc bằng tổng tuyển cử vào tháng 7-1956. Đây cũng là lập trường chính thống của Đảng Cộng Sản, theo đó, vì Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã không thi hành Hiệp Định Geneva và không tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước bằng đường lối hòa bình, nên Hồ Chí Minh phải dùng đường lối võ trang để thống nhất đất nước.

Đây là một nghi vấn lịch sử cần phải giải tỏa.

Có hai cách nhìn để diễn giải Hiệp Định Geneva 1954:
CÁI NHÌN KHÁI QUÁT nhằm biện minh cho việc Việt Nam Cộng Hòa khước từ tổ chức tổng tuyển cử 1956. Với lý do đơn giản là Quốc Gia Việt Nam không ký Hiệp Định, cũng như Hoa Kỳ đã không ký vì không tham gia Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất (1946-1954). Ngày 18-7-1954 tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống Eisenhower minh thị tuyên bố Hoa Kỳ không bị ràng buộc bởi Hiệp Định Geneva (nghĩa là dành quyền tự do hành động).
Lý luận này quá đơn giản nên sai lầm. Vì những lý do sau đây:

1) Quốc Gia Việt Nam đã thực sự tham gia Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất từ 1949 sau khi thâu hồi chủ quyền độc lập do Hiệp Định Élysée ký ngày 8-3-1949 giữa Tổng Thống Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại. Với tư cách đại diện cho quốc gia, phái đoàn Việt Nam đã tham dự Hội Nghị Geneva từ tháng 5-1954 với Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Định và từ tháng 6-1954 với Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ.

2) Kể từ 1949 Việt Nam là một quốc gia liên kết với Pháp và là một thành viên của Liên Hiệp Pháp.
Người ký Hiệp Định Geneva 1954 là Thiếu Tướng Henri Delteil, đại diện Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương (cùng với Thiếu Tướng Tạ Quang Bửu, Thứ Trưởng Quốc Phòng, đại diện Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Bắc Việt). Chiếu quy chế Liên Hiệp Pháp, trong thời chiến tranh, Việt Nam và Pháp cùng chiến đấu dưới danh nghĩa Quân Đội Liên Hiệp Pháp. Do đó chữ ký của vị tư lệnh hành quân Henri Delteil có hiệu lực ràng buộc Quốc Gia Việt Nam về mặt quân sự.

3) Quốc Gia Việt Nam đã thực sự tuân hành những điều khoản quy định trong Hiệp Định Geneva như ngừng bắn, đình chiến, trao đổi tù binh, tập kết quân cán chính theo giới tuyến quân sự (phía nam vĩ tuyến 17), và đã tổ chức di tản gần một triệu đồng bào Miền Bắc tỵ nạn Cộng Sản trong thời gian 300 ngày tập kết.

Như vậy Hiệp Định Đình Chiến Geneva đã được tuân thủ và thi hành về mặt quân sự. Vấn đề là Quốc Gia Việt Nam có trách nhiệm tổ chức tổng tuyển cử năm 1956 để thống nhất hai miền Nam Bắc về mặt chính trị hay không?
Muốn trả lời câu hỏi này, phải có CÁI NHÌN BAO QUÁT từ 55 năm, nghĩa là phải nhìn lại từ 1949, là thời điểm ranh mốc lịch sử của Âu Châu và Á Châu.

Tại Âu Châu, sau Thế Chiến Thứ Hai, các quốc gia Đồng Minh Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô tổ chức tổng tuyển cử tự do tại các quốc gia Đông Âu do Hồng Quân chiếm đóng. Do những tập tục sinh hoạt dân chủ từ trước Thế Chiến Thứ Nhất, nhân dân Đông Âu đã bỏ phiếu tín nhiệm các chính đảng tự do dân chủ, như Dân Chủ Xã Hội và Dân Chủ Cơ Đốc, Đảng Cộng Sản chỉ được từ 5% đến 15% số phiếu (Các Đảng Xã Hội và Lao Động là đối thủ số 1 của Đảng Cộng Sản).

Tuy nhiên Liên Xô đã không chấp nhận luật chơi dân chủ, và đã dùng những thủ đoạn bạo hành sắt máu như ám sát, bắt cóc, đảo chánh v...v... để thiết lập chế độ cộng sản. Tháng 10, 1949 với sự thành lập Cộng Hòa Dân Chủ (Đông) Đức, Stalin kiện toàn Bức Màn Sắt gồm 7 nước: Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, An Ba Ni, Bun Ga Ri và Rô Ma Ni. Từ đó Đế Quốc Sô Viết thành hình. Và Chiến Tranh Lạnh hay Chiến Tranh Ý Thức Hệ bộc phát.

Cũng trong tháng 10-1949, Mao Trạch Đông thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (Cộng Sản). Với tham vọng đế quốc, họ Mao tuyên bố sẽ giải phóng một ngàn triệu con người Á Châu khỏi ách đế quốc tư bản. Đây hiển nhiên là lời Quốc Tế Cộng Sản thách thức Thế Giới Dân Chủ.

Tại Á Châu, sau khi thôn tính Trung Hoa, mục tiêu chiến lược của Quốc Tế Cộng Sản là nhuộm đỏ 2 bán đảo Đông Dương và Triều Tiên.

Tháng giêng 1950, Bắc Kinh thừa nhận Chính Phủ Hồ Chí Minh và tăng cường quân viện cho Bắc Việt. Và ngày đầu năm 1950 Hồ Chí Minh tuyên bố phát động tổng phản công.
Tại Triều Tiên, tháng 6, 1950, với các chiến xa Liên Xô, các đại pháo và các chí nguyện quân Trung Quốc ngụy trang, Bắc Hàn đột nhiên xâm lăng Nam Hàn. Nhờ yếu tố bất ngờ phe Cộng Sản đã chiếm thủ đô Hán Thành trong 3 ngày, và sau 5 tuần đã tiến đến mũi cực nam Phú San (như mũi Cà Mau tại Việt Nam).

Cũng trong năm 1949, tất cả các Đế Quốc Tây Phương như Mỹ, Anh, Pháp, Hòa Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 thuộc địa Á Châu. Một phần để thuận theo trào lưu tiến hóa của lịch sử. Một phần để tránh cho các dân tộc bị trị khỏi bị Cộng Sản lôi cuốn, cho Stalin có cơ hội mở rộng Bức Màn Sắt từ Đông Âu qua Đông Á.
Do đó Hoa Kỳ trả độc lập cho Phi Luật Tân ngày 4-7-1946.

Cũng trong năm 1946, sau khi De Gaulle từ chức (vì bị bất tín nhiệm trong cuộc trưng cầu dân ý), Thủ Tướng Xã Hội Léon Blum trả độc lập cho Syria và Lebanon. Là thành viên khối Liên Minh Hồi Giáo, 2 quốc gia này không gia nhập Liên Hiệp Pháp, và quân đội Pháp phải rút lui.

Trong những năm 1947 và 1948, Thủ Tướng Lao Động Anh Clement Attlee đã trả độc lập cho 5 thuộc địa Á Châu là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine.
Trong năm 1949, Pháp trả độc lập cho Việt Nam (tháng 3-1949), cho Ai Lao (tháng 7-1949) và cho Cao Miên (tháng 11-1949). Và Hòa Lan trả độc lập cho Nam Dương mùa Giáng Sinh 1949.

Tại Việt Nam, sau khi Cộng Sản phát động chiến tranh võ trang tháng 12-1946 vi phạm Hiệp Ước Sainteny (tháng 3-1946) và Hiệp Ước Moutet (tháng 9-1946), chính phủ Pháp quyết định không thương nghị với Hồ Chí Minh nữa. Theo Moutet, Pháp sẽ không ký hiệp ước với những kẻ chỉ coi hiệp ước là phương tiện đấu tranh chính trị, chứ không phải để thi hành hiệp ước.

Do đó dưới thời Tổng Thống Vincent Auriol, từ 1947 đến 1949, Pháp đã thương nghị với phe Quốc Gia Việt Nam, và đã ký với Quốc Trưởng Bảo Đại 3 hiệp ước: Hiệp Ước Sơ Bộ Vịnh Hạ Long (tháng 12-1947), Thông Cáo Chung Vịnh Hạ Long (tháng 6-1948) và Hiệp Định Élysée ngày 8-3-1949 để trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Ngày 23-4-1949, với 45 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc Hội Nam Kỳ biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ Tự Trị, để sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam Độc Lập và Thống Nhất.

Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hiệp Định Élysée là một hiệp ước đặc biệt. Bình thường các hiệp ước quốc tế chỉ do các ngoại trưởng ký kết. Riêng Hiệp Định Élysée ngày 8-3-1949 đã được chính Tổng Thống Vincent Auriol ký. Nhân danh Cộng Hòa Pháp, Tổng Thống Vincent Auriol long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam trước quốc dân Việt Nam, trước quốc dân Pháp và trước Cộng Đồng Thế Giới.

Và nhân danh Chủ Tịch Liên Hiệp Pháp, Tổng Thống Vincent Auriol yêu cầu Quốc Gia Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Pháp trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị (như trong các tổ chức Liên Hiệp Anh và Liên Hiệp Quốc).

Từ nay Việt Nam được hoàn toàn độc lập về chính trị, kinh tế, văn hóa và có quân đội riêng. Theo quy chế Liên Hiệp Pháp, Việt Nam và Pháp có chính sách ngoại giao chung (trong việc thiết lập bang giao với các quốc gia trên thế giới hay tham dự những hội nghị quốc tế).

Về mặt an ninh quốc phòng, biên thùy củaViệt Nam là biên thùy của Liên Hiệp Pháp mà Cộng Hòa Pháp có nghĩa vụ phải bảo vệ. Giữa Việt Nam và Pháp có nghĩa vụ an ninh hỗ tương. Trong thời chiến tranh hai bên sẽ thiết lập một Bộ Tham Mưu Hỗn Hợp, trong đó một tướng lãnh Pháp làm tư lệnh hành quân và một tướng lãnh Việt Nam làm tham mưu trưởng.

Hiệp Định Đình Chiến Geneva ngày 20-7-1954 là một hiệp ước quân sự với chữ ký của 2 tướng lãnh:
Thiếu tướng Henri Delteil với tư cách đại diện Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương và Thiếu Tướng Tạ Quang Bửu, Thứ Trưởng Quốc Phòng, đại diện Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (Bắc Việt). Cũng như trong Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm ngày 27-7-1953 chỉ có 2 chữ ký, một của vị tướng lãnh Hoa Kỳ đại diện Quân Đội Liên Hiệp Quốc tại Triều Tiên, và một của vị tướng lãnh Bắc Hàn đại diện Quân Đội Cộng Sản (Bắc Hàn và Trung Quốc). (Thiếu Tướng Tạ Quang Bửu đã ký tên trong cả 3 Hiệp Định Đình Chiến ở Việt Nam, Ai Lao và Căm Bốt ngày 20-7-1954).
Muốn có cái nhìn khách quan, chúng ta hãy đối chiếu Hiệp Định Geneva 1954 với Hiệp Định Elysée 1949 và Hiệp Định Paris 1973 :

a) Hiệp Định Elysée là một hiệp ước ngoại giao với tác dụng chính trị để trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Vì là một hiệp ước ngoại giao nên nó có chữ ký của 2 vị nguyên thủ quốc gia là Tổng Thống Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại. Về phía Pháp còn có sự chứng kiến của Thủ Tướng Henri Queuille, Ngoại Trưởng Bidault, Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Coste Floret v...v... Về phía Việt Nam có sự chứng kiến của Phó Thủ Tướng Trần Văn Hữu và một số nhân viên phái đoàn Việt Nam trong Ủy Ban Hỗn Hợp Soạn Thảo Hiệp Định Elysée như Bửu Lộc, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Mạnh Đôn, Phạm Văn Bính v...v....

b) Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 cũng là một hiệp ước ngoại giao có tác dụng chính trị (thống nhất Việt Nam) và có chữ ký của các ngoại trưởng Trần Văn Lắm (Việt Nam Cộng Hòa), William Rogers (Hoa Kỳ), Nguyễn Duy Trinh (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) và Nguyễn Thị Bình (Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam).

Theo Điều 15 Hiệp Định Paris 1973: "việc thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên căn bản thương nghị và thỏa thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính bên nào. Thời gian thống nhất sẽ do Miền Bắc và Miền Nam đồng thỏa thuận" (theo nguyên tắc nhất trí). Vậy mà 2 năm sau, khi Hiệp Định còn chưa ráo mực, Bắc Việt đã đem quân xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa. Luật pháp văn minh của loài người đã bị thay thế bởi Luật Rừng Xanh. Đây là một vi phạm cực kỳ thô bạo.

Trong khi đó các Hiệp Định Đình Chiến Geneva ngày 20-7-1954 và Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm ngày 27-7-1953 là những hiệp ước thuần túy quân sự và có tác dụng ngừng bắn hay đình chiến, nhằm quy định một giới tuyến quân sự đồng thời là biên giới của hai miền Nam Bắc (vĩ tuyến 17 tại Việt Nam và vĩ tuyến 38 tại Triều Tiên). Tại vùng giới tuyến thuộc quyền kiểm soát của quân đội bên nào thì chính quyền bên ấy phụ trách việc quản trị hành chánh.

Hiệp Định Đình Chiến ở Việt Nam gồm 47 Điều, và 6 Chương có nội dung thuần túy quân sự, như quy định giới tuyến, ngừng bắn, quân số, võ khí, căn cứ quân sự, liên minh quân sự, tù binh, thời gian tập kết, không phong tỏa và không kình chống, Ban Liên Hợp Quân Sự và Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến v...v...

Hội Nghị Geneva về Đông Dương được triệu tập đầu tháng 5-1954 với 9 phái đoàn tham dự. Đại diện Tứ Cường Mỹ, Anh, Pháp, Nga là Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Bedell Smith, Ngoại Trưởng Anh Eden, Ngoại Trưởng Pháp Bidault, Ngoại Trưởng Nga Molotov. Thủ Tướng Chu Ân Lai cũng được mời tham dự vì Trung Quốc có can thiệp vào Chiến Tranh Triều Tiên và Chiến Tranh Đông Dương. (Lúc này Trung Cộng chưa được gia nhập Liên Hiệp Quốc).

Đại diện 4 quốc gia Đông Dương là Trần Văn Đỗ (Nam Việt), Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu (Bắc Việt), Sam Sary (Cao Miên), và một đại diện Ai Lao. (Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu ký cả 3 Hiệp Ước Đình Chiến ở Việt Nam, Ai Lao và Căm Bốt thay mặt các tổng tư lệnh quân lực Bắc Việt, Pathet Lào và Kháng Chiến Khờ Me).

Chương trình nghị sự là đình chiến hay ngừng bắn.

Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam đề nghị không chia cắt lãnh thổ, chỉ ngừng bắn tại chỗ hay ngừng bắn da beo dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Tới tháng 7-1954, quân đội Liên Hiệp Pháp vẫn kiểm soát các thị trấn lớn kể cả đường chiến lược số 5 (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương) và các giáo khu Bùi Chu, Phát Diệm. Quân số tại Điện Biên Phủ chỉ là 5% lực lượng Liên Hiệp Pháp. Ngừng bắn tại chỗ cũng là đề nghị của phái bộ Hoa Kỳ trong Hội Nghị Bàn Môn Điếm. Tuy nhiên kinh nghiệm cho biết trong giai đoạn hòa đàm, phe Cộng Sản vẫn vừa đánh vừa đàm, và số thương vong còn trầm trọng hơn cả trong giai đoạn vận động chiến. Kết cuộc Hội Nghị đã chấp nhận ngừng bắn hay đình chiến theo một giới tuyến: vĩ tuyến 38 tại Triều Tiên và vĩ tuyến 17 tại Việt Nam.
Hiệp Định Geneva được ký hồi 12 giờ đêm ngày 20-7-1954. Đó là kỳ hạn chót để nội các Mendes France ký một hiệp định ngừng bắn tức khắc. Nếu không đạt được kết quả này thì ngày hôm sau nội các Mendes France sẽ từ chức. Ông đã minh thị cam kết như vậy với Quốc Hội Pháp khi nhậm chức thay thế Thủ Tướng Laniel ngày 17-6-1954. Không có sự chối cãi là Hiệp Định Geneva được ký kết ngày 20-7-1954 và KHÔNG CÓ HIỆP ĐịNH GENEVA NGàY 21-7-1954 như cuốn Encyclopedia Britannica và cuốn Việt Nam Niên Biểu đã ghi. Đây là sai lầm cố ý có lợi cho phe Cộng Sản.

Ngày hôm sau, 21-7-1954, ban thư ký hội nghị phổ biến bản Tuyên Ngôn Sau Cùng (Final Declaration) trong đó có điều khoản nói về việc tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 để thống nhất 2 nước Việt Nam.

Tuyên Ngôn Sau Cùng không mang chữ ký của bất cứ đại biểu phái đoàn nào của 9 quốc gia tham dự hội nghị. Đây chỉ là một bản tuyên ngôn ý định (Declaration of Intent) nói lên ý nguyện. mong ước hay khuyến cáo của Hội Nghị. Hai tướng Delteil và Tạ Quang Bửu cùng không ký vào Tuyên Ngôn Sau Cùng.

Về mặt pháp lý, tuyên ngôn không phải là hiệp ước, nên không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực chấp hành.

Chúng ta chỉ đơn cử 3 thí dụ:
1. Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ngày 4-7-1776 chỉ là một bản tuyên ngôn ý định, nói lên ý nguyện của nhân dân Hoa Kỳ trong một giai đoạn lịch sử. Nó không có giá trị pháp lý của một hiệp ước và không có hiệu lực chấp hành. Mãi 6 năm sau, Anh Quốc mới ký Hiệp Định năm 1782 để trao trả độc lập cho Hoa Kỳ.

2. Sau cuộc đảo chính Nhật ngày 9-3-1945, vua Bảo Đại đã công bố bản Tuyên Ngôn Việt Nam Độc Lập ngày 11-3-1945. Đây cũng chỉ là bản tuyên ngôn ý định nói lên ước nguyện của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đó. Mãi 4 năm sau, ngày 8-3-1949, Hiệp Định Élysée mới được ký kết để hủy bãi các Hiệp Ước Thuộc Địa (Hiệp Ước Bonard 1862 và Hiệp Ước Dupré 1874), và Hiệp Ước Bảo Hộ (Patenôtre 1884) để trao trả chủ quyền độc lập và thống nhất cho Quốc Gia Việt Nam.

3. Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945 của Hồ Chí Minh cũng chỉ là bản tuyên ngôn ý định, và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) chỉ được thừa nhận trên thực tế (9 năm sau) bởi Hiệp Định Đình Chiến Geneva ngày 20-7-1954.
Do đó bản Tuyên Ngôn Sau Cùng 21-7-1954, vì không mang chữ ký của bất cứ đại biểu nào trong số 9 quốc gia tham dự Hội Nghị Geneva, nên không phải là hiệp ước, không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực chấp hành.

Và Việt Nam Cộng Hoà, Đặc Biệt Là Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đã Không Vi Phạm Hiệp Định Geneva Ngày 20-7-1954 Khi Từ Chối Tổng Tuyển Cử Năm 1956.

Cũng trong ngày 21-7-1954, Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ đã ra tuyên cáo phản kháng sự áp đặt các giải pháp chính trị trong một hiệp định thuần túy quân sự như Hiệp Định Đình Chiến Geneva ngày 20-7-1954, mà không có sự thỏa thuận và ký kết của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam. (Vả lại Tạ Quang Bửu cũng không có tư cách đại diện cho nhân dân Miên Lào để giải quyết những vấn đề chính trị, chiếu nguyên tắc Dân Tộc Tự Quyết).
Tại Triều Tiên Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm đã được ký kết từ hơn nửa thế kỷ nay. Vậy mà cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp chính trị nào để thực hiện sự thống nhất Triều Tiên.

Vả lại các Hiệp Định Đình Chiến ở Ai Lao và Cao Miên ký ngày 20-7-1954 cũng chỉ nói về những vấn đề quân sự như ngừng bắn, rút quân, quân số, võ khí, căn cứ quân sự, liên minh quân sự, tù binh, Ban Liên Hợp Quân Sự và Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến v...v...).

8 năm sau, cũng tại Geneva, một giải pháp chính trị về Thể Chế Trung Lập Ai Lao đã được các đại diện của 14 quốc gia ký nhận trong Nghị Định Thư ngày 23-7-1962:
5 ngoại trưởng thuộc ngũ cường là Rusk (Hoa Kỳ), Home ( Anh Quốc), Gromyko (Liên Xô), Couve de Murville (Pháp) và Trần Nghị (Trung Cộng).

6 đại diện các quốc gia Đông Dương và kế cận là Vũ Văn Mẫu (Việt Nam Cộng Hòa), Ung Văn Khiêm (Bắc Việt), Tioulong (Căm Bốt), Pholsena (Ai Lao), Jayanama (Thái Lan) và U Thi Han (Miến Điện). Và 3 đại diện các quốc gia trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát là Menon (Ấn Độ), Green (Gia Nã Đại) và Rapacki (Ba Lan).
Đây là một hiệp ước có tính cách ngoại giao và có tác dụng chính trị nhằm quy định Thể Chế Trung Lập của Ai Lao.


***
Trở lại việc thực thi Hiệp Định Đình Chiến Geneva 1954, trong thời hạn tập kết 300 ngày, từ tháng 7-1954 đến tháng 5-1955, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đang lo tổ chức cuộc di cư và định cư cho gần một triệu đồng bào Miền Bắc tỵ nạn Cộng Sản thì Hồ Chí Minh và Lê Duẩn đã chuẩn bị tái phát động chiến tranh theo lớp lang như sau:
- Chôn giấu võ khí để chờ cơ hội tái phát động chiến tranh.
- Gài các cán binh vào các cơ quan chính quyền địa phương hay các tổ chức quần chúng để tuyên truyền, phản gián và lũng đoạn.
- Xoa dịu đấu tranh đối với những thành phần mệnh danh là địa chủ để xóa bỏ hận thù. Nếu không dỗ dành được thì thủ tiêu.
- Tập kết ra Bắc những cán binh có khả năng và uy tín để tái huấn luyện chờ ngày trở lại.
- Đặc biệt là trong những tuần lễ sau cùng của thời hạn tập kết, gấp rút tổ chức những đám cưới tập thể cho hàng vạn cán binh ra đi bỏ lại hàng vạn thiếu nữ trẻ, nhiều cô chỉ chung sống với chồng dăm ba hôm. Đó là kế hoạch cấy người, gây hạt nhân để 2 năm sau khi những cán binh Miền Nam hồi kết, họ sẽ có sẵn những tiểu tổ bí mật để sinh hoạt, tuyên truyền và gây cơ sở quần chúng. Đồng thời thành lập các đơn vị võ trang địa phương để yểm trợ các lực lượng võ trang từ Miền Bắc kéo vào.
- Sau đó công khai hóa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để phát động chiến tranh võ trang nhằm thôn tính Miền Nam bằng võ lực.

Như vậy Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã vi phạm Hiệp Định Geneva 1954 bằng cách chuẩn bị chiến đấu võ trang ngay từ khi thời hạn tập kết 300 ngày chưa mãn.
Theo sách lược Cộng Sản, các hiệp ước ngoại giao chỉ là những phương tiện nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị:
1. Ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny tháng 3-1946 nhờ Pháp tống xuất quân đội Trung Hoa để thừa cơ thanh toán các đảng phái quốc gia như Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội. Sau đó lại phát động Chiến Tranh Đông Dương Thứ I (1946-1954).
2. Ký Hiệp Định Đình Chiến Geneva tháng 7-1954 để tống xuất Pháp và cướp chính quyền tại Miền Bắc. Sau đó lại phát động Chiến Tranh Đông Dương Thứ II để thôn tính Miền Nam.
3. Ký Hiệp Định Hòa Bình Paris tháng 1-1973 để tống xuất Mỹ. Và hai năm sau, khi Hiệp Định còn chưa ráo mực, lại tổng tấn công võ trang để thôn tính Miền Nam, đồng thời hạ nhục các quốc gia đã kết ước và đứng ra bảo đảm Hiệp Định.
Bằng những hành động trí trá, coi thường chữ ký và danh dự quốc gia, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa đất nước ra khỏi cộng đồng nhân loại văn minh. Đồng thời dạy cho các thế hệ thanh niên nam nữ những thủ đoạn gian manh, quỷ quyệt làm suy đồi văn hóa đạo lý và sa đọa con người đến cả trăm năm về sau. 50 năm nhìn lại chúng ta không khỏi ngậm ngùi:

Đại hạnh của Ấn Độ là có một Gandhi theo Chủ Nghĩa Dân Tộc.
Đại bất hạnh của Việt Nam là có một Nguyễn Ái Quốc Theo Chủ Nghĩa Quốc Tế Vô Sản.

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
(20-7-2004)

Aucun commentaire: