mercredi 13 juin 2007

Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945

Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945
2006.04.15
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng

15/ 4 năm nay đánh dấu 61 năm kỷ niệm ngày thành lập chính phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam sau hơn 8 thập niên bị thực dân Pháp đô hộ. Tuy chỉ nắm quyền trong một thời gian ngắn và cũng chưa hoàn toàn có được chủ quyền, nhưng chính phủ Trần Trọng Kim được đánh giá là đóng góp một phần không nhỏ trong tiến trình dành lại độc lập cho Việt Nam.
Bấm vào đây để nghe bài này
Tải xuống để nghe

Lăng Tự Ðức.

Đến nay, những thành tựu của chính phủ này bị lu mờ bởi các sự kiện xảy ra sau đó, bắt đầu bằng cuộc Cách mạng tháng 8 và chính quyền Hồ Chí Minh, rồi đến cuộc chiến Việt-Pháp và cuộc nội chiến Nam-Bắc kéo dài cho đến năm 1975 mới chấm dứt.
Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu thêm về sự kiện lịch sử ít được biết đến này, qua cuộc trao đổi với tiến sĩ kinh tế-sử Lê Mạnh Hùng. Trước tiên, ông cho biết về những nguyên nhân dẫn đến việc thành lập chính phủ Trần Trọng Kim vào giữa tháng tư năm 1945.

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng: Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập sau khi Nhật Bản lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương vào ngày 9 tháng 3, 1945 và tuyên bố trả độc lập cho Việt Nam. Nhưng vì độc lâp mà Nhật gọi là trao trả cho Việt Nam rất là giới hạn thành ra việc thành lập chính phủ cũng bị rất nhiều trở ngại.
Phải mất trên một tháng từ khi ông Bảo Đại ra tuyên ngôn tuyên bố độc lập vào ngày 11 tháng 3 cho đến ngày 15 tháng tư mới thành lập được chính phủ. Đó là vì Nhật không chịu bất kỳ những nhà chính trị nào dù là thân Nhật mà họ cho rằng có thể có những ước vọng độc lập nhiều hơn là Nhật dành cho.

Thành ra chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập bao gồm phần lớn là những nhà trí thức, chuyên môn mà trước đó không nằm trong các đảng phái cách mạng chống Pháp. Nói theo ngôn từ hiện nay thì chúng ta có thể nói đây là một chính phủ của những chuyên gia. Nhưng không phải vì trước đó họ không hoạt động chính trị mà họ không ái quốc. Và dù rằng chỉ kéo dài được có bốn tháng chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã làm được một số công chuyện đặt cơ sở cho một nước Việt Nam độc lập về sau này.

Những thành công

Trà Mi: Thế chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được những chuyện gì?
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng: Với an ninh, quốc phòng và kinh tế tài chánh đều nằm trong tay quân đội Nhật, tất cả những gì mà chính phủ Trần Trọng Kim có thể đạt được trong việc dành lại chủ quyền cho Việt Nam thực tế là chỉ có tính cách biểu tượng. Nhưng trong tình huống Đông Dương vào năm chót của thế chiến thứ hai, biểu tượng đóng một vai trò rất quan trọng.

Biết rằng thất bại của Nhật Bản chỉ là một vấn đề thời gian, Trần Trọng Kim và chính phủ của ông đưa ra một chương trình nhằm thay đổi tâm lý người Việt đến mức mà đất nước sẽ không thể trở lại tình trạng thuộc địa nữa một khi chiến tranh chấm dứt, như lời nói sau đây của ông Hoàng Xuân Hãn khi kể lại mục tiêu của cụ Kim khi thành lập cũng như là của ông khi tham gia chính phủ “Chúng tôi muốn đặt trước Đồng Minh khi chiến tranh chấm dứt với một nước Việt Nam độc lập trên thực tế để chúng ta không thể nào trở lại tình trạng cũ là một thuộc địa của Pháp nữa”.
Theo ông Hãn, để đạt được mục tiêu này, họ đề ra ba nhiệm vụ chính. Thứ nhất thương thuyết với Nhật để chuyển nhưọng quyền chính trị và kinh tế về cho Việt Nam cũng như là thống nhất đất nước bị Pháp chia thành ba phần bằng cách đưa Nam Ky và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane trở lại dưới sự cai trị của triều đình Huế.

Thứ hai, Việt Nam hóa cơ cấu hành chán thuộc địa của Pháp bằng cách thay thế các quan chức và chuyên viên Pháp, Nhật với người Việt. Và thứ ba tạo ra trong quần chúng một tinh thần quốc gia mới, một niềm ái quốc mới qua một hệ thống giáo dục hoàn tòan dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dậy. Theo ông Hoàng Xuân Hãn, họ hy vọng rằng sẽ có được từ một năm đến 18 tháng để thực hiện chương trình này.
Các tiến trình

Trà Mi: Ông có thể cho biết một cách cụ thể hơn về những gì chính phủ Trần Trọng Kim đã làm để đạt được ba mục tiêu đó không?
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng: Một trong những quyết định đầu tiên của chính phủ Trần Trọng Kim là chính thức đổi quốc hiệu của Việt Nam trở lại thành Việt Nam. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam là tên được Gia Long lựa cho khi thống nhất đất nước (dưới thời Minh Mạng đổi tên là Đại Nam) và sau này trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh dành độc lập khi các nhà cách mạng Việt Nam từ Phan Bội Châu cho đến Nguyễn Thái Học chọn cái tên Việt Nam trong các đảng của họ.
Cùng với quốc hiệu, chính phủ Trần Trọng Kim cũng chọn lá cờ là cờ quẻ ly: nền vàng, ba sọc đỏ với sọc đỏ ở giữa bị đứt đoạn (Lá cờ này sau trở thành lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa nhưng với sọc đỏ ở giữa được nối liền lại).

Các cuộc thương thuyết đề thâu hồi Nam Kỳ, Bắc Kỳ và ba thành phố nhượng cho Pháp được tiến hành ngay sau khi chính phủ được thành lập. Bắc Kỳ được trao trả lại cho triều đình Huế vào ngày 27 tháng 4. Ngày 2 tháng 5, tổng đốc Thái Bình Phan Kế Toại được bổ nhiệm làm Khâm Sai Bắc Kỳ, tuy rằng phải đến tháng 6, 1945, chức Khâm Sai này mới được đặt trực tiếp dưới quyền triều đình Huế thay vì dưới quyền viên thống sứ Bắc Kỳ như dưới thời Pháp. “Thống sứ” Bắc Kỳ người Nhật nay đổi tước hiệu là “cố vấn tối cao”.

Ngày 11 tháng 6, 1945, tướng Nhật Tsuchihashi tư lệnh đạo quân chiếm đóng của Nhật tại Đông Dương và được Nhật phong làm toàn quyền Đông Dương gặp Bảo Đại tại Huế để thảo luận về việc trả lại Nam Kỳ, Hà Nội, Hải Phòng và Tourane cho Việt Nam. Ngày 16 tháng 6, 1945 Bảo Đại ra một tuyên bố về việc thống nhất tương lai của ba kỳ.

Sang tháng bảy, Nhật Bản chuyển sang cho chính phủ Việt Nam mọi cơ sở trực thuộc trước đây dưới chính quyền liên bang của Pháp. Hà Nội, Hải Phòng và Tourane được trả về cho triều đình Huế vào tháng bảy sau khi Trần Trọng Kim gặp Tsuchihashi vào ngày 13. Trần văn Lai được bổ nhiệm làm thị trưởng Hà Nội, Vũ Trọng Khanh thị trưởng Hải Phòng và Nguyễn Khoa Phong thị trưởng Tourane. NamKỳ chỉ được trả về cho triều đình Huế vào ngày 14 tháng 8 với Nguyễn văn Sâm được bổ nhiệm làm Khâm Sai Nam Kỳ.
Việc Việt Nam hóa guồng máy hành chánh thuộc địa chỉ thành công một phần. Bởi vì cả Nhật lẫn chính phủ Trần Trọng Kim đều không muốn thấy có những thay đổi quá lớn trong guồng máy hành chánh có thể làm trở ngại đến việc điều hành, thành ra bộ máy hành chánh thuộc địa của Pháp để lại hầu như còn nguyên.

Lúc ban đầu hầu hết những viên chức người Pháp cũng vẫn còn giữ nguyên các chức vụ cũ ngoại trừ những viên chức cao cấp hoặc những viên chức nào liên quan đến các ngành an ninh hoặc chính trị. Chỉ đến cuối tháng sáu những người Pháp này, ngoại trừ những chuyên viên tại những ngành thuần túy kỹ thuật mới bị cho nghỉ. Nhưng vì thiếu những người Việt có đủ khả năng thay thế cho nên việc thay đổi này đã ảnh hưởng mạnh đến hiệu năng của guồng máy hành chánh.

Việc dùng tiếng Việt thay cho tiếng Pháp trong hành chánh thành công hơn. Tuy rằng các liên lạc với Nhật vẫn còn phải dùng tiếng Pháp và những văn kiện quan trọng vẫn phải dịch sang tiếng Pháp cho người Nhật, nhưng kể từ 22 tháng 5, 1945 hầu như tất cả mọi văn kiện của chính phủ đều dùng tiếng Việt ngoại trừ trong lãnh vực y tế và trong văn thư liên lạc với các công ty Trung Hoa và Pháp. Việc dùng tiếng Việt trong các văn kiện chính thức cũng phù hợp với mục tiêu thứ ba của chính phủ Trần Trọng Kinh tức là tạo ra một tinh thần quốc gia mới.

Với mục đích này, chính quyền đặt nặng tới việc cải tổ giáo dục. Một chương trình trung học mới, dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ thay cho tiếng Pháp được Hoàng Xuân Hãn soạn thảo và áp dụng ngay trong niên học 1945-46 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Chương trình này sau trở thành cơ sở cho chương trình trung học tại Việt Nam, cả miền bắc lẫn miền nam, trong nhiều năm sau này.

Chương trình mới này nhấn mạnh tới lịch sử Việt Nam, đặc biệt là các cuộc kháng chiến bảo vệ hoặc dành lại độc lập cũng như là những thành công của dân tộc trên phương diện văn học và nghệ thuật. Một cuốn từ điển danh từ kỹ thuật do Hoàng Xuân Hãn và một số người khác soạn cho chương trình học mới này đã còn được sử dụng cho đến 1975 tại miền Nam Việt Nam.

Các biện pháp khác bao gồm việc đặt lại tên các đường phố theo các danh nhân Việt Nam và hủy bỏ những pho tượng các quan chức thuộc địa Pháp. Các nhà văn cũng như các nhà nghiên cứu được khuyến khích tìm hiểu lịch sử những cuộc đấu tranh chống Pháp và viết lại về cuộc đời những người như Nguyễn Thái Học.

Chính quyền cũng khuyến khích việc thành lập các hội đoàn. Công chức được tổ chức thành một tổng hội, Tổng Hội Công Chức, với hy vọng rằng biến họ thành một lực lượng chính trị ủng hộ cho chính phủ. Nhưng vừa thiếu kinh nghiệm vừa vừa e ngại không muốn vượt ra ngoài vai trò kỹ thuật, hành chánh của mình những tổ chức quần chúng mà chính quyền khuyến khích thành lập cuối cùng đều rơi vào tay những lực lượng chính trị khác.

Những trở ngại

Trà Mi: Trong khi thực hiện những chương trình như vậy, chính phủ Trần Trọng Kim có gặp những trở ngại gì không?
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng: Sự thiếu kinh nghiệm của chính phủ cũng như là tình trạng hỗn loạn tại nhiều nơi sau khi Nhật đảo chánh là trở ngại quan trọng nhất. Tại một số nơi, nhất là tại những huyện xa, các quan lại và công chức bỏ chạy về tỉnh sau khi đảo chánh khiến cho nhiều vùng, nhất là vùng quê không có ai kiểm soát.
Trong khi đó, chính quyền đã không nắm được tình hình chung cho nên có quá nhiều những quyết định được thảo ra và ban hành tại Huế, nhưng đã không được các địa phương áp dụng. Tuy nhiên, tại những nơi mà chính quyền có khả năng kiểm soát được, tức là tại những thành phố và thị trấn lớn ở miền bắc và miền trung, chính phủ Trần Trọng Kim cũng làm được một số cải cách. Một số quan lại tham những bị cách chức, có người bị đưa ra tòa. Với sự giúp đỡ của Nhật, tháng 6, 1945 một trường hành chánh được thành lập để huấn luyện công chức. Nhưng khóa đầu tiên của trường chưa tốt nghiệp thì chính phủ Trần Trọng Kim đã sụp đổ.

Nguyên nhân thất bại

Trà Mi: Xin ông cho biết vì sao chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại đựơc trong 1 thời gian ngắn là 4 tháng?
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng: Quan trọng nhất là do sự đầu hàng của Nhật. Vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 nổi lên phong trào là người ta muốn thay thế bằng một chính phủ có tính cách chính trị hơn.
Đó là một trong những lý do khiến chính phủ Trần Trọng Kim phải từ chức vào ngày 7, 8 tháng 8 trong khi chờ đợi tổ chức 1 chính phủ mới. Thế nhưng sau đó xảy ra cuộc cách mạng tháng 8 Việt Minh cướp chính quyền, khiến cho việc tổ chức mới có tính cách chính trị và đấu tranh hơn bị thất bại.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Lê Mạnh Hùng đã dành thời gian cho buổi nói chuyện hôm nay.
Tiếng Việt
© 2006 Radio Free Asia
Những bài liên quan
Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam năm 1945 (phần 3)
Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam năm 1945 (phần 2)
Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam năm 1945 (phần 1)
Việt Nam Quốc Dân đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học (Phần 3)
Việt Nam Quốc Dân đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học (Phần 2)
Việt Nam Quốc Dân đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học (Phần 1)
Tại sao học sinh VN hầu như không biết gì về lịch sử Việt Nam và thế giới?
Những biến cố lịch sử trong ngày cuối tháng Tư năm 1975

Aucun commentaire: